Cách đây tròn một thập kỷ, ý tưởng nuôi bò sữa ở miền núi Nghệ An có lẽ là chuyện… động trời. Cựu bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát ngày ấy đã có một phát biểu nổi tiếng: “Nếu bà Thái Hương mà đúng thì mọi lý thuyết được học tại Mỹ của chúng tôi là sai. Và nếu TH đúng, tức là công nghệ chế ngự được các vấn đề của lợi thế cạnh tranh, thì bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi!”.
Lý thuyết mà vị Cựu Bộ trưởng nói tới là của Michael Porter – người đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Harvard. Những tác phẩm kinh điển của ông như Chiến lược cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranh và Lợi thế cạnh tranh quốc gia được xem như sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua.
Xét về lợi thế cạnh tranh theo quan điểm Michael Porter – tức là quan điểm thế giới, Nghệ An không phải là nơi để đặt dự án chăn nuôi bò sữa khổng lồ tới 1,2 tỷ đô la Mỹ như TH đã làm.
Và kết quả, TH đã thành công và bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam đã thay đổi. Sự thay đổi đó đi từ phát hiện của Bà Thái Hương về 2 nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi bò sữa trước đó ở đất nước hình chữ S chưa thành công: Thiếu quy trình và thiếu sự tuân thủ.
Những câu chuyện, kinh nghiệm dùng công nghệ và tri thức mới nhất để khắc chế các điều kiện tự nhiên, đảm bảo tính tuân thủ và tăng lợi thế cạnh tranh ở “Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung Ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á” tới giờ đã trở thành “sách giáo khoa” cho ngành chăn nuôi. Nhìn từ góc độ người trực tiếp vận hành từ những ngày đầu tiên, anh Phạm Vinh Sơn (Giám đốc Bộ phận Bảo trì, THMF) chia sẻ:
“Từ khi bước vào TH, tôi đã được học bài học của Israel – một nước bán sa mạc với diện tích vỏn vẹn trên 20.000 km2 (chỉ bằng 1/15 Việt Nam và lớn hơn Nghệ An), TH, dưới định hướng của một doanh nhân có tầm nhìn như bà Thái Hương, hoàn toàn tự tin vào việc khắc phục triệt để những hạn chế khắc nghiệt của thiên nhiên tại Việt Nam nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng, nếu như chúng ta áp dụng toàn bộ quy trình kỹ thuật hiện đại của Israel.
Nếu Israel có thể thành công, thì Nghệ An cũng có thể. Nếu Nghệ An có thể thành công, thì toàn bộ Việt Nam chắc chắn làm được”.
Bà Thái Hương đã truyền cảm hứng cho những lớp lao động đầu tiên của tập đoàn TH bằng những câu chuyện quyết liệt như vậy.
Anh Sơn nhớ lại rất nhiều câu chuyện về việc ứng dụng công nghệ cao. Chẳng hạn, ngay từ những ngày đầu xây dựng trang trại, để khắc chế điều kiện tự nhiên tại Nghệ An, TH đã quyết tâm triển khai 03 hệ thống khoa học công nghệ hiện đại: Hệ thống thông gió chuồng nuôi, Hệ thống quạt phun sương và Thiết kế chuồng trại. Các hệ thống này đều được nhập khẩu từ Ý, Mỹ, Israel – những nơi có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển.
Về Hệ thống thông gió, phun sương chuồng nuôi, Tập đoàn triển khai 02 loại quạt thông gió là quạt hướng trục và quạt trần treo, tất cả đều được nhập khẩu nguyên bộ từ Ý và Mỹ. Bò TH là giống bò xứ lạnh nên chúng rất dễ bị stress nhiệt, cho năng suất sữa không cao nếu nuôi bình thường tại Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo môi trường, điều kiện tốt nhất cho những cô bò, hệ thống thông gió chuồng nuôi có tác dụng làm mát, giúp bốc ẩm nhanh, tiết kiệm điện năng. Hệ thống phun sương sẽ giúp làm mát cho bò, giúp kích thích khẩu vị và tiêu hóa cho các cô bò. Bò không bị stress sẽ ăn ngon hơn, nhiều hơn và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Cũng thời điểm 2008-2009, việc quản trị đàn bò bằng công nghệ cũng rất mới mẻ. Khái niệm đeo chip định dạng cho bò thì gần như rất ít người hiểu và tưởng tượng ra. Chip được đeo ở chân bò, thu thập được rất nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe như số bước chân, thân nhiệt, tổng thời gian vận động… Thông qua các chỉ số này, bò có thể dự báo được bệnh- ví dụ như bệnh viêm vú- trước 4 ngày để cách ly. Chỉ có những cô bò khỏe mạnh nhất mới được vào dàn vắt sữa. Điều đó cực kì mới mẻ. “Nó tương tự như chúng ta sử dụng Smart Watch (Đồng hồ thông minh) bây giờ. Và như bạn biết, đến bây giờ Smart Watch vẫn chưa phải là phổ thông, trong khi 10 năm trước, toàn bộ đàn bò của TH đã được áp dụng công nghệ đó”- anh Sơn nói.
Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn mô tả về thực tế công nghệ đã giúp đàn bò TH phát triển và cho sữa với chất lượng vượt trội.
“Thời điểm đó, điều tôi ấn tượng nhất không phải là các thành tựu công nghệ cao từ các nước hiện đại nhất thế giới tụ họp tại TH, mà ấn tượng nhất chính là bà Thái Hương đã rất bản lĩnh, làm đồng bộ, nhập khẩu những công nghệ tốt nhất theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh các công nghệ liên quan tới chuồng trại, TH còn nhập khẩu cả công nghệ về sản xuất nông nghiệp và chế biến thức ăn, công nghệ về vắt sữa, công nghệ về quản lý đàn dựa trên số liệu với quy mô lớn, công nghệ chăm sóc thú y hiện đại, công nghệ về chăm sóc và tiện ích chuồng nuôi… Tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng, triển khai bài bản, nhất quán và kiên định”- anh Sơn nhớ lại.
Với nhiều chuyên gia nông nghiệp, đó là một cách làm khác biệt của TH. Bởi đến tận bây giờ, ở các doanh nghiệp khác, thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, thông thường, họ đầu tư công nghệ theo hướng nhỏ giọt, tức là làm đến đâu thì đầu tư đến đó. Cách làm này có thể giúp hạn chế chi phí đầu tư, tối đa hóa dòng tiền nhưng về lâu dài, cả bộ máy sẽ thiếu sự đồng bộ, bị manh mún, rời rạc và khó linh hoạt trong việc tích hợp thêm các công nghệ khác trong tương lai. Bà Thái Hương đã đi một con đường riêng, sẵn sàng đứng trên vai những người khổng lồ, mạnh tay xây dựng cả một chuỗi công nghệ cao- khép kín.
“Vậy mới thấy rằng, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn, bà Thái Hương là một người kiên định, có tầm nhìn chiến lược, không chỉ đúng với 10 năm trước mà đúng cả với thời điểm hiện tại và tương lai sau này của TH”- anh Sơn tự hào nói.
Cách làm mới mẻ bao giờ cũng gây sự hoài nghi, nhưng tất cả đều có niềm tin vào sự thành công nhờ được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ Nhà sáng lập Tập đoàn. Thời điểm bắt đầu xây dựng và vận hành trang trại, bà Thái Hương hàng ngày đi về trên cung đường Hà Nội- Nghĩa Đàn, đồng cam cộng khổ với từng người lao động. Nếu như lao động làm việc 8 tiếng, bà làm việc tới 16 tiếng/ngày, 2-3 giờ sáng vẫn lao đi trên đường để có mặt tại trang trại giải quyết các vấn đề lớn.
“Nếu không định hướng đúng, không truyền được cảm hứng mạnh mẽ, thì tôi nghĩ rất khó để áp dụng và vận hành thành công công nghệ hiện đại, mới mẻ”- anh Sơn bày tỏ.
Sau này, nói về những tháng ngày gian khó, bà Thái Hương đều nhấn mạnh, để một thương hiệu non trẻ thành công phải dựa trên giá trị đích thực của sản phẩm – xác định đúng mình muốn mang lại cái gì cho xã hội. Điều mà TH mang lại cho xã hội là những sản phẩm chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng. TH đã sử dụng công nghệ 4.0 để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý… được thị trường đón nhận. TH hiện đã thành công vang dội tại Việt Nam.
Với những thành công đó, dựa trên những tư duy vượt trội đó, bà Thái Hương tiếp tục dẫn dắt tập đoàn TH “đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới” - bước đầu là Liên bang Nga. “Tại đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh thương hiệu dựa trên giá trị cốt lõi Vì sức khỏe cộng đồng và dựa trên nền tảng công nghệ cao của thế giới để đưa vào sản xuất hàng hóa. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận những thời cơ và có chiến lược sản phẩm tốt thì thương hiệu đứng vững” - đó là khẳng định của người nữ anh hùng quả cảm.
Bài: Mai Hoa - Thiết kế: Thúy Hà/Theo Ngày Nay
Nguồn: Bài: Mai Hoa - Thiết kế: Thúy Hà/Theo Ngày Nay
Cùng chuyên mục
- Tags:
- nhà sáng lập /
- TH /
- thái hương /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Ý kiến bạn đọc...