75 năm Quốc khánh: Nhìn lại các chính sách kinh tế của Chính phủ thời mới lập quốc

15:10 | 02/09/2020

DNTH: Ngay sau khi giành được độc lập, chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã triển khai một loạt chính sách kinh tế quan trọng nhằm cứu đói, khuyến khích sản xuất, tạo nguồn lực cho công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước.

75 năm Quốc khánh: Nhìn lại các chính sách kinh tế của Chính phủ thời mới lập quốc

75 năm Quốc khánh: Nhìn lại các chính sách kinh tế của Chính phủ thời mới lập quốc

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã làm lễ ra mắt quốc dân tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách, trong đó có các vấn đề về kinh tế như: phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo; bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện…

Thực hiện các quyết sách trên, ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh bãi bỏ thuế thân – thứ thuế dã man của chế độ cũ áp lên những người dân nghèo khổ.

Ngày 22/9/1945, Chính phủ tiếp tục ra sắc lệnh bãi bỏ thuế cho các môn bài có mức dưới 50 đồng, bãi bỏ thuế chợ, thuế xe đạp, thuế thổ trạch ở nông thôn.

Ngày 20/10/1945, Chính phủ quyết định giảm tô 25% so với mức địa tô trước Cách mạng.

Ngày 26/10/1945, Chính phủ giảm tiếp thuế ruộng 20% và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị ngập lụt.

Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chống nạn đói. Trước đó, cuối tháng 9/1945, Người đã kêu gọi mọi người “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” tự nguyện thực hành tiết kiệm, xây dựng các “hũ gạo cứu đói” giúp đỡ các gia đình thiếu ăn trầm trọng. Người đã phát động phong trào “10 ngày nhịn 1 bữa ăn, mỗi tháng 3 bữa, mỗi bữa 1 bơ, đem gạo đó để cứu dân nghèo” và Người đã tiên phong thực hiện trước.

Gây dựng lại sản xuất nông nghiệp

Đi liền với kêu gọi cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phát động phong trào “tăng gia sản xuất”.

Nghị định số 41 BKT ngày 15/11/1945 của Bộ Kinh tế Quốc gia quy định một số biện pháp để khuyến khích tận dụng đất đai trồng màu cứu đói.

Cụ thể, tất cả những người có ruộng đất phải khai báo với chính quyền địa phương về diện tích canh tác. Ngoài số diện tích đó, phần nào chưa canh tác thì buộc phải cho người thiếu ruộng mượn tạm trong một vụ để trồng màu.

Người mướn ruộng phải đảm bảo canh tác hết diện tích đó trước Tết âm lịch, tức ngày 2/2/1946 và đến tháng 4/1946, thu hoạch xong thì phải trả lại ngay cho chủ cũ.

Vì trâu bò bị chết nhiều qua nạn đói và nạn lụt (chỉ riêng trong nạn đói đầu năm 1945, 30 vạn con trâu bò đã bị chết, bằng 2/3 tổng số trâu bò cày kéo thời gian đó) nên sức kéo khan hiếm nghiêm trọng. Để khắc phục khó khăn này, Bộ Kinh tế Quốc gia yêu cầu các địa phương phải tổ chức sản xuất các loại nông cụ nhỏ và nhẹ để có thể sử dụng sức người thay cho sức trâu bò.

Bộ Kinh tế Quốc gia cũng trực tiếp động viên các nhà kỹ nghệ cấp tốc sản xuất thêm nông cụ và bán ủng hộ cho nông dân (bán không lấy lãi, có trường hợp không tính công sản xuất, chỉ tính chi phí nguyên liệu); hủy bỏ những quy định cũ của Pháp, Nhật về việc cấm buôn bán trâu, bò trong nội địa, cho tự do buôn bán, vận chuyển trâu, bò trong cả nước.

Nhờ những biện pháp quyết liệt này, “giặc đói” đã bị đánh lui. Đây thực sự là một kỳ công của chính quyền cách mạng.

Bước đầu xây dựng khu vực quốc doanh

Năm 1945, tình hình công - thương nghiệp cũng bị sa sút. Công nghiệp khai thác mỏ chỉ còn hoạt động bằng khoảng 1/10 so với trước; còn công nghiệp chế biến hầu như tê liệt hoàn toàn. Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp cũng bị đình đốn, giảm sút mạnh nên nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường rất khan hiếm. Về thương nghiệp: cả nội, ngoại thương đều bị tê liệt, xuất nhập khẩu sa sút.

Giao thông vận tải cũng gặp khó khăn. Tuy các tuyến đường sắt, đường biển, đường sông còn tiếp tục hoạt động nhưng các phương tiện vận tải phần lớn vẫn nằm trong tay chủ người Pháp. Vận tải đường bộ rất khó khăn vì thiếu xăng dầu (nhiều ô tô khách và ô tô tải phải chạy bằng khí than củi (gazogene), thiếu săm lốp và phụ tùng thay thế, cầu đường ở nhiều nơi bị đánh phá trong chiến tranh thế giới thứ hai chưa được khôi phục xong, một số đoạn còn phải tăng - bo.

Việc giao lưu buôn bán giữa 2 miền Nam, Bắc cũng bị ách tắc. Than ở miền Bắc không chuyên chở vào Nam được, gạo trong Nam cũng không ra Bắc được. Giá cả hàng hóa tăng vùn vụt.

Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ chủ trương phát huy lòng yêu nước của giới công thương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ đem tài lực, vật lực ra làm những công việc ích nước lợi nhà. Mặt khác, Chính phủ vẫn để cho các công ty tư bản Pháp và tư bản nước ngoài tiếp tục công việc kinh doanh như cũ, cố tránh những xáo trộn không cần thiết.

Để tổ chức sản xuất công nghiệp, Chính phủ ban hành sắc lệnh hủy bỏ những đạo luật và nghị định của Toàn quyền Pháp trong việc giữ độc quyền tìm kiếm và khai thác mỏ ở các khu vực trên đất Việt Nam. Đi kèm đó là sắc lệnh giành lại quyền tìm mỏ cho Chính phủ Việt Nam (Sắc lệnh số 89 ngày 30/5/1946).

Chính phủ cũng chủ trương mở lại các mỏ than ở Hòn Gai, Tân Trào (Tuyên Quang), Làng Cẩm, Phấn Mễ (Thái Nguyên), Quyết Thắng (Ninh Bình), tiếp tục khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) bị Nhật chiếm đóng từ tháng 3/1945 và bị phá hoại trước khi chúng rút.

Chính phủ cũng gấp rút hồi phục nhà máy cơ khí Trường Thi, nhà máy giấy Đáp Cầu. Ngày 15/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 5, lấy lại đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam và giao cho Bộ Giao thông công chính quản lý.

Phục hồi thương nghiệp

Trên nguyên tắc tự do nội thương, Chính phủ khuyến khích mở rộng việc buôn bán, làm cho hàng hóa được lưu thông tự do trong toàn quốc.

Nghị định của Chính phủ ngày 02/10/1945 đã bãi bỏ các luật lệ hạn chế kinh doanh dưới thời Pháp, Nhật; sắc lệnh của Chủ tịch nước ngày 22/9/1945 đã xóa bỏ các tổ chức độc quyền kinh doanh của người Pháp; Nghị định ngày 19/9/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế xóa bỏ tất cả mọi hạn chế về lưu thông các hàng hóa thông thường cho kinh tế và đời sống, như gỗ, giấy, lương thực, thực phẩm.

Ngày 5/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 7 - SL đảm bảo sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo được tự do trong toàn hạt Bắc Bộ, sau đó thì áp dụng cho cả Trung Bộ đồng thời nghiêm cấm đầu cơ tích trữ thóc gạo.

Liền sau đó là một loạt nghị định về việc sản xuất, vận chuyển và buôn bán hoàn toàn tự do vỏ gió và các nguyên liệu làm giấy; nhựa thông, các hạt có dầu, da trâu bò và nguyên liệu nhuộm da... (Nghị định ngày 26/09/1945).

Những biện pháp này đã đem lại kết quả tốt đẹp. Thóc gạo và các loại hàng hóa thông thường khác được điều hòa dễ dàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, kích thích sản xuất phát triển.

Cùng thời gian này, Hội thương gia Việt Nam được thành lập. Phòng Thương mại Việt Nam ra đời.

Về ngoại thương, Chính phủ hủy bỏ sắc lệnh ngày 13/8/1941 của Tổng thống Pháp ban hành dành đặc quyền cho hàng hóa Pháp và các công ty ngoại thương của Pháp.

Sắc lệnh ngày 10/10/1945 duy trì luật hải quan và biểu thuế quan cũ có một ít điều chỉnh để kịp thời thu thuế xuất nhập khẩu.

Nghị định 48/CT ngày 09/11/1945 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ấn định thể lệ mới về xuất cảng và nhập cảng các hàng hóa, quy đinh mọi nhà kinh doanh Việt Nam đều có quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu theo luật pháp của Nhà nước.

Tiếp đó, ngày 15/11/1945, Chính phủ ra sắc lệnh quy định thuế xuất, nhập cảng mới của một số mặt hàng.

Đối với xuất khẩu, Chính phủ khuyến khích các mặt hàng ta có khả năng, nhất là than đá. Song song với đó là cấm xuất cảng thóc, gạo, ngô, đỗ và các chế phẩm từ ngũ cốc, máy móc và đồ vật bằng kim khí.

Đối với nhập khẩu, Chính phủ khuyến khích nhập những mặt hàng nguyên, nhiên liệu, những thứ thuộc nhu cầu thiết yếu trong nước, ta chưa sản xuất được.

Phục hồi giao thông – liên lạc

Một trong những việc cấp bách là phải sửa chữa cầu đường bị bom đạn phá hoại trong chiến tranh. Trong điều kiện vô cùng khó khăn về tài chính và trình độ kỹ thuật, chưa đầy một tháng sau Cách mạng, đường xe lửa đã được tổ chức lại. Xe đã đi lại được nối hai miền Bắc, Nam (tuy còn một số đoạn phải tăng - bo).

Về bưu điện, phần lớn đường dây trước đây do quân Nhật quản lý. Khi Nhật đầu hàng, rất nhiều đoạn đã bị phá hủy, nhiều cơ sở ngừng hoạt động. Nhưng chỉ 1 tuần sau Cách mạng, hệ thống điện tín, điện thoại giữa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã được phục hồi và hoạt động bình thường. Đến cuối tháng 8/1945, phần lớn các tỉnh đã liên hệ được với Hà Nội và với nhau bằng điện tín và điện thoại. Và người Việt Nam đã thay thế hoàn toàn nhân viên người Pháp trong toàn ngành đảm đương mọi công việc.

Những kết quả trong giao thông liên lạc trên đã phục vụ tốt cho quân sự - quốc phòng, cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và tác động tích cực đến sản xuất, lưu thông hàng hóa, phục vụ dân sinh.

Xóa bỏ các công cụ bóc lột

Một chính sách đặc biệt quan trọng khác của Chính phủ cách mạng là ban hành lệnh cấm buôn bán thuốc phiện, xóa bỏ công ty độc quyền rượu đi đôi với vận động nhân dân giảm uống rượu và cai thuốc phiện.

Đối với muối, Chính phủ xóa bỏ chế độ độc quyền nhà nước về muối. Diêm dân được tự do bán muối ra thị trường sau khi nộp thuế theo quy định. Nhờ đó, giá bán muối của diêm dân tăng nhanh, thu nhập và đời sống của diêm dân được cải thiện rõ rệt, không những đủ ăn, đủ mặc mà còn mua sắm được nhiều đồ dùng gia đình có giá trị. Mặt khác, do được lưu thông tự do trên thị trường, nên giá bán muối ở các vùng giảm so với trước, việc mua bán thuận tiện, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, nhà nào cũng có đủ muối ăn và muối dự trữ.

Có thể nói, việc chính quyền Cách mạng xóa bỏ các độc quyền nhà nước của chế độ thực dân Pháp đã gây được ảnh hưởng rất tốt cả về kinh tế, chính trị, xã hội…

Lê Nguyễn

Theo VNF

https://vietnamfinance.vn/75-nam-quoc-khanh-nhin-lai-cac-chinh-sach-kinh-te-cua-chinh-phu-thoi-moi-lap-quoc-20180504224243189.htm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

PVcomBank hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

DNTH: Ngày 13/11/2024, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai các giải pháp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

DNTH: Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị...

Mang yêu thương đến với các em học sinh bản Tả Phìn

DNTH: Xã Tả Phìn là xã vùng cao nằm ở phía Bắc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống của đa số dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đặc biệt, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở...

ABBANK và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chung tay vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em

DNTH: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN - thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chính chức ký kết thỏa thuận tài trợ năm 2024, mở đầu cho việc đặt quan hệ hợp tác, cam kết đồng hành...

'Chìa khóa' gắn kết tình quân dân

DNTH: Đọc thông, nói thạo tiếng dân tộc không chỉ là điều kiện quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) mà còn thể hiện sâu sắc...

Giải quần vợt thiện nguyện, chung tay xây dựng 5 nhà tình nghĩa tại TP. Pleiku

DNTH: Sáng 17/10, tại phường Thống Nhất, Ban tổ chức Giải Quần vợt thiện nguyện vì người nghèo TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai)-Cúp Mỏ đá Làng Bi lần II năm 2024, tiến hành trao tiền xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo trên địa bàn.

XEM THÊM TIN