Về phương diện thu ngân sách của cơ quan thuế, các nguồn thu được dự toán theo năm tài chính, tùy thuộc vào kế hoạch tăng trưởng của từng niên độ, từng thời kỳ. Chủ động kiểm soát nguồn thu, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế, truy thu và xử lý nợ đọng trong lĩnh vực thuế, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế nhằm giảm gian lận trong quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của các đối tượng nộp thuế, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của ngành thuế trong việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Không thể phủ nhận lợi ích từ việc áp dụng công nghệ vào quá trình theo dõi, giám sát thu ngân sách, nhất là thời kỳ công nghiệp 4.0 thì hiệu quả mà nó mang lại tại các cơ quan thuế càng rõ rệt và cần thiết, bởi khối lượng công việc đã vượt qua tầm kiểm soát của con người, xét trên góc độ thủ công của những năm về trước.
Tuy nhiên, khi công nghệ được áp dụng để thay thế một phần công việc của nhân viên cơ quan thuế, đồng nghĩa với trình độ và năng lực tiếp nhận công nghệ của nhân viên đó cũng phải theo kịp, nhằm kiểm soát và sử dụng triệt để các tính năng của công nghệ đó, cũng như giảm rủi ro thất thoát tiền ngân sách. Vậy khi nhân viên cơ quan thuế không kịp tiếp nhận công nghệ mới, việc gì sẽ xảy ra, hệ lụy sẽ đi đến đâu? Câu trả lời là “thất thoát ngân sách nhà nước” nếu bị ai đó lợi dụng; tạo kẽ hở cho người khác xâm nhập, thao túng công việc của nhân viên cơ quan thuế đó. Chính vì vậy, bộ phận tin học trong cơ quan thuế phải là cánh tay nối dài của lãnh đạo, tư vấn và hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo trong việc quản lý, phân quyền, giám sát các user…mới mong nhiệm vụ được giao của cơ quan thuế hoàn thành và khi đó, số liệu thu ngân sách mới phản ánh trung thực các chỉ tiêu của nền kinh tế.
Những nguy cơ cần cảnh báo khi áp dụng công nghệ vào việc thu ngân sách.
Hệ thống phần mềm theo dõi thu ngân sách TMS tại các chi cục thuế, được thay thế cho phần mềm QLT từ năm 2015 và được phân quyền cho nhiều bộ phận riêng biệt như: Theo dõi tờ khai; mở mã số thuế cá nhân; tiếp nhận dữ liệu thu ngân sách từ kho bạc đẩy về… Mỗi bộ phận sẽ tạo một hoặc nhiều user theo yêu cầu quản lý, các cán bộ thuế có trách nhiệm nhập và theo dõi dữ liệu của người nộp thuế trên user mà mình được phân quyền. Trường hợp những cán bộ, nhân viên nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc điều chuyển sang bộ phận khác, sẽ để lại lỗ hổng bảo mật nếu các user đang sử dụng ở bộ phận đó không được bàn giao theo quy trình, để có người tiếp nhận và chịu trách nhiệm thực hiện công việc tiếp theo.
Những hệ lụy của các user “vô duyên” này mang lại thường là các điều chỉnh hoặc xóa bỏ chứng từ; nhập tờ khai không đúng; nhập chứng từ nộp ngân sách nhà nước không thông qua kho bạc… dẫn đến việc mất kiểm soát một phần tại cơ quan thuế, tiềm ẩn nguy cơ phải chịu trách trước pháp luật đối với những ai đã từng được giao sử dụng user đó, nếu thất thoát ngân sách nhà nước.
Suy cho cùng thì ai là người được hưởng lợi từ các user này?
Tại các Chi Cục thuế ở những thành phố lớn, mỗi ngày có tới hàng ngàn nghiệp vụ phát sinh, trong đó việc bù trừ các tiểu mục nộp ngân sách, tra soát theo yêu cầu điều chỉnh của người nộp thuế… luôn là vấn đề phức tạp trong quá trình theo dõi, giám sát thu ngân sách. Đối với doanh nghiệp có thể hôm nay nộp ngân sách vào tiểu mục này, ngày mai xin tra soát, điều chỉnh sang tiểu mục khác; cũng như vậy, báo cáo tài chính của các đơn vị được phép thay đổi trước khi cơ quan thuế vào kiểm tra, đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều thay đổi khi cơ quan thuế chưa vào kiểm tra khóa số liệu. Vì vậy khối lượng công việc đối với cơ quan thuế là không hề nhỏ và rất phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cán bộ và lãnh đạo cơ quan thuế.
Khi khối lượng công việc quá lớn, kẽ hở của các user “vô duyên” này có thể bị xâm nhập nhằm điều chỉnh thông tin của người nộp thuế. Họ tìm kiếm lợi ích từ gian lận tiền thu ngân sách (nếu có), hoặc thay đổi nội dung số liệu tài chính, nhằm tạo lợi thế cho người nộp thuế trong việc chứng minh khả năng tài chính trên các sân chơi như đấu thầu dự án, tăng năng lực tài chính trước khi lên sàn chứng khoán… việc làm này không dễ gì phát hiện nếu không phải là người hiểu biết sâu về hệ thống TMS, hơn nữa phải là người ở vị trí tổng hợp dữ liệu của cơ quan thuế, mới có cơ hội nhìn ra vấn đề này.
Trong khuôn khổ nội dung bài viết, chúng tôi chưa thể nêu hết những vấn đề bất cấp còn tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình theo dõi, giám sát thu ngân sách. Mong bài viết tới sẽ chia sẻ nhiều thông tin hơn tới quý độc giả, cũng như tạo góc nhìn khách quan tới các cơ quan chức năng nhằm cải thiện quy trình theo dõi, giám sát thu ngân sách, tạo động lực cho nền kinh tế hòa nhập tốt hơn vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Vũ Chiến