Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: “Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương"
18:37 | 14/02/2023
DNTH: Sáng 14/02, tại Lạng Sơn đã diễn ra Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thuỷ sản Việt - Trung trong bối cảnh mới. Dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Lai Châu Hà Trọng Hải cùng đại diện 16 Sở NN-PTNT của các tỉnh trên cả nước.
Hội nghị được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Nhiều đại biểu sẽ dự tại các điểm cầu từ Trung Quốc gồm: Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Hiệp hội Xúc tiến sản phẩm nông sản Bằng Tường - ASEAN, Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây, Hiệp hội hương liệu Quảng Tây, Trung tâm triển lãm sản phẩm Trung Quốc - ASEAN và các cơ quan, tổ chức liên quan...
Mở đầu hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng với nông sản, thủy sản Việt Nam. Khi Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được nới lỏng, Việt Nam cần có những biện pháp nhằm thích ứng với tình hình mới.
Hội nghị hôm nay nhằm thảo luận và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giới thiệu về năng lực xuất nhập khẩu của địa phương sang Trung Quốc qua hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sông. Trong gần 3 năm xảy ra dịch Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
“Tỉnh cố gắng minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói.
Năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD; xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD. Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 05 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng.
Từ ngày 8/1/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn... các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có phát sinh, nhưng chiếm tỉ trọng không đáng kể.
Theo ông Thiệu, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Ngoài ra, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
Ông Thiệu cũng chỉ ra khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.
Qua hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của thị trường xuất khẩu.
“Các đơn vị liên quan cần phối hợp và tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường trường xuất khẩu hàng nông sản; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến nông sản để chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có quy định phương thức cắt nối moóc như lúc dịch khiến chi phí phát sinh cao. Bên cạnh đó, lái xe Việt Nam khi lái phương tiện xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp PCR, ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết thêm, Trung Quốc có xu hướng giảm dần và tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”. Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT cho rằng, hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu. Hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn công nghệ Cảng thông tin Trung Quốc - ASEAN cho biết, Tập đoàn đang tập trung mở rộng “con đường tơ lụa số” để hỗ trợ ngành hàng điện tử, công ty khởi nghiệp cần công nghệ cao và một số nhóm ngành hàng liên quan. Đồng thời chia sẻ thông tin về nông sản đang còn thiếu, cự ly vận chuyển hàng hóa lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật số về logistics, năng lực quản lý và kiểm soát hàng hóa còn yếu, đặc biệt là thiếu kho hàng lớn ở nước ngoài. Do đó, đại diện tập đoàn Trung Quốc đề xuất xây dựng kho ngoại quan ở cả Việt Nam và Trung Quốc, nâng cấp quy trình đóng gói, lưu kho để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu.
Ông Đỗ Nam Trung - Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết: doanh nghiệp Quảng Tây tỏ ra rất hào hứng tham gia Hội nghị hôm nay. Tỉnh này cũng vừa có một số lãnh đạo mới, họ cũng rất quan tâm đến nông sản Việt Nam. Ông Trung khẳng định, Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển.
Năm 2022, tại Quảng Tây, giá trị nhập khẩu nông sản Việt Nam chỉ giảm khoảng 0,2% so với năm trước đó, song năm nay được kỳ vọng sẽ bật lên mạnh mẽ. Tổng lãnh sự quán cho biết Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương cùng Lạng Sơn đã làm rất tốt trong thời gian dịch bệnh. “Trong suốt thời gian dịch bệnh, hầu như chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị là thông quan không ngừng. Đây là điểm sáng trong thương mại hai nước”.
Nhận định “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang có giữa tỉnh Quảng Tây cùng các địa phương có biên giới với tỉnh này của Việt Nam ông Trung bày tỏ, đây sẽ là điểm cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ, phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.
Thông tin tại hội nghị, ông Ngô Tuấn Dật, Tổng Giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông), cho biết: năm ngoái, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam, thu mua hơn 2.000 container. Đây là hợp đồng thường niên, năm nào chúng tôi cũng mua số lượng đó với các mặt hàng như sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím. Đồng thời kỳ vọng thông qua các diễn đàn, hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức để có cơ hội gặp được nhiều doanh nghiệp tiềm năng ở Việt Nam. “Chúng tôi có cả các kênh bán hàng trực tuyến, kênh bán trực tiếp tại các siêu thị, chợ. Trên nền tảng mạng xã hội Douyin (tương tự Tiktok ở Việt Nam), chúng tôi cũng có kênh bán hàng. Hiện chúng tôi là đối tác chiến lược của Douyin”.
Đại diện Sunwah cho biết thêm, dự kiến năm 2023 sẽ tăng lượng mua nông sản Việt Nam, từ 2.000 lên 2.500 container.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cho biết, trong quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc, hai bên đã phối hợp ký kết và triển khai nhiều nghị định thư liên quan đến kiểm dịch thực vật.
Cụ thể, các sản phẩm đã ký nghị định thư gồm: gạo; cám gạo; măng cụt; thạch đen; sầu riêng; chuối (truyền thống) và khoai lang. Các sản phẩm đang đàm phán để ký Nghị định thư là: dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm. Còn ớt, chanh leo đang được hướng dẫn xuất khẩu tạm thời. Hiện bưởi, các loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa đang đang đàm phán kỹ thuật. Na, thảo quả đã nộp hồ sơ.
Nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, ông Đạt nêu một số thay đổi của thị trường này như: kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ rõ những khó khăn của ngành sản xuất trong nước như: vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu; Các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.
Với riêng Lệnh 248, 249, ông Đạt đánh giá yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP.
Ngoài ra, hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao của Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đưa các vấn đề về đàm phán rào cản kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung các cuộc họp cấp cao.
Kêu gọi các bên chung tay xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật hy vọng các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương, đồng thời tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa; phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả cho biết, Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.
Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, theo ông Nguyên, là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Một vấn đề nữa được ông Nguyên nêu tại hội nghị, là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu. Ông lấy ví dụ như thanh long cần khoảng 6 - 7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.
Qua hội nghị, ông Nguyên đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.
Ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây chia sẻ: chúng tôi kiến nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi”.
Theo ông Vương, mạng lưới thu mua nông sản của Hiệp hội này hoạt động rất tốt, có nhiều kinh nghiệm trong nhập khẩu hàng từ Việt Nam qua đường bộ, đường sắt, đường biển. Nông sản Việt Nam được yêu thích ở Trung Quốc, từ những mặt hàng quen thuộc như sầu riêng, mít, thanh long... cho đến cà phê.
Ông Vương bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam liên hệ để hai bên hợp tác. Sắp tới, Hội chợ thường niên Trung Quốc - ASEAN sẽ đươc tổ chức tại thủ phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây hy vọng doanh nghiệp hai bên sẽ gặp nhau tại đây và có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Dự án "Chợ trái cây quốc tế" tại Trung Quốc khởi động trong năm 2022 và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
“Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc”, ông Vương nói.
Qua các dịp tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Trung Quốc là một đối tác lịch sử, truyền thống và mang tính định hướng lâu dài.
“Doanh nhân mang sứ mệnh hết sức to lớn trong bối cảnh mới. Chúng ta cần làm tốt công tác giao thương thương mại, bởi điều ấy góp phần nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, giúp định hình, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Trung”, Bộ trưởng nói.
Nhắc lại quan hệ buôn bán hai nước từ thời còn giao thương qua đường mòn, lối mở, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, thương nhân Trung Quốc đã mang nhiều kỹ thuật canh tác như trên cây thanh long… sang Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng thành tựu ngành nông nghiệp thời gian có nhiều đóng góp của thương nhân Trung Quốc, bởi họ giúp giảm tình trạng thả nổi, sản xuất theo quán tính của bà con nông dân.
Lấy dẫn chứng về những nhà nông học Việt Nam nghiêng mình trước việc Giáo sư Viên Long Bình qua đời hồi năm 2021, Bộ trưởng đánh giá, quan hệ giao thương nông sản cần phải được nhìn ở góc độ rộng hơn, thay vì chỉ là chuyện lỗ - lãi.
Dẫn câu nói của Hồ Tuyết Nham, một thương gia nổi tiếng của Trung Quốc thế kỷ 19, rằng “Nếu tầm nhìn trong thiên hạ, chúng ta có thể buôn bán trong cả thiên hạ”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ mong muốn người Việt Nam nghiên cứu, học hỏi những triết lý buôn bán của nước bạn như: buôn có bạn bán có phường, một lần bất tín vạn lần bất tin, trăm người bán vạn người mua…
“Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng bày tỏ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng bàn về định nghĩa “thương nhân”. Theo ông, trước khi nghĩ đến “thương”, cần nhấn mạnh đến yếu tố “nhân”, nghĩa là con người cần xích lại gần nhau hơn, vì lợi ích chung, thay vì nghĩ đến mục tiêu trước mắt. Thông qua kinh doanh, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra sức phát triển cho cộng đồng. Từ hợp tác đó, lợi nhuận sẽ tự được tạo ra. Ông cũng tin rằng kinh doanh không còn là việc tư, mà dần chuyển thành một công việc chung, được cơ quan quản lý, xã hội, người dân ngày càng quan tâm.
Thông qua những vấn đề được thảo luận tại hội nghị sáng 14/2, Bộ trưởng nhận định mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen. Việc thích ứng với những lệnh như 248, 249 và sắp tới là 259, theo Bộ trưởng, giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhắc lại bài tham luận phía trước của một số đơn vị, và đặc biệt lưu ý đến công tác phát triển thương hiệu. Xem “thương hiệu” là cái hiệu để người ta thương, ông cho rằng việc xây dựng thương hiệu không thể là chuyện một sớm một chiều mà là quá trình liên tục qua nhiều giai đoạn, qua nhiều chuyến hàng.
Nhấn mạnh thông điệp “Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Để làm được, ông đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý. “Doanh nghiệp có bền vững thì đất nước mới bền vững. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới”, ông chia sẻ.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển bền vững. Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem 2023 là năm chuẩn hóa các công tác quản lý, từ khâu canh tác, logistics, cũng như quan hệ thương mại với các nước.
Lý giải về điều này, Bộ trưởng nói thị trường thế giới ngày càng trở nên khó đoán. Nhà sản xuất giờ không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Áp lực cạnh tranh giờ không dừng lại ở từ các nước láng giềng mà thậm chí đến từ chính thị trường trong nước.
Một điểm nữa được Bộ trưởng nhắc đến, là “sức ì” khi đâu đó xuất hiện tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận. Ông cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.
Mượn bí quyết thành công của tỷ phú Lý Gia Thành – “không dạy kinh doanh mà dạy làm người” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng Lạng Sơn nói riêng và 63 tỉnh, thành phố cả nước nói chung gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.
“Gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhập khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam rất được chú ý. Hôm nay được mời tham dự hội nghị, tôi thấy đây là dịp rất tốt để nói rõ hơn về vấn đề này”, ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phụ trách vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mở đầu phần phát biểu.
Ông Lỗ khẳng định Lệnh 248 và 249 dựa trên các quy định trước đó của Trung Quốc, hoàn toàn không phải “chuyện bất ngờ”, chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm, quy rõ trách nhiệm của từng khâu. “Chúng tôi cũng đã tham khảo các cơ quan liên quan, gồm cả WTO. Hai lệnh này được coi là kim chỉ nam trong hoạt động nhập khẩu. Chúng tôi cũng đã đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu kỹ về hai lệnh này. Hàng chục nghìn doanh nghiệp hai nước đã tải xuống các tài liệu được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, cho thấy sự phối hợp, quan tâm của các bên”.
Các Lệnh 248, 249 cũng nằm trong chỉnh thể hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển,... đều được tách bạch.
Ông Lỗ đề nghị các doanh nghiệp hai nước có thể vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét cụ thể loại nông sản, thủy sản nào cần đăng ký để xuất khẩu chính ngạch, loại nào cần có đảm bảo của doanh nghiệp Trung Quốc, thông qua kênh chính thức.
Tại trang web này, doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt các quy định liên quan, cơ quan phụ trách xử lý vấn đề, các bước đăng ký. Hạn mức xuất nhập khẩu, quy trình xét nghiệm, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ghi rõ.
Sau khi đăng ký, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có phản hồi, hỗ trợ, hậu kiểm. Ngoài việc tuân thủ quy định liên quan, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra yêu cầu phù hợp với thực tế.
“Tổng cục Hải quan Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh, nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lỗ nói.
Ông Tô Ngọc Sơn (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); Cao su chiếm tỷ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022, ông Sơn cho biết.
Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định “Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nói.
Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Tại Quảng Tây, trái cây là sản phẩm được chú trọng nhất, bởi tỉnh có nhiều cửa khẩu thông quan từ Việt Nam sang. Do đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng.
Bàn về định hướng hợp tác kinh tế với thị trường tỷ dân thời gian tới, ông Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Sơn chia sẻ.
Với doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương đề nghị thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Một số biện pháp được đưa ra, gồm xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Với riêng tỉnh Quảng Tây, ông Sơn khuyến nghị nên chuyển dần xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Ông nêu thực tế, rằng hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng.
Từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Đây là điều được cho là sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Tổng kết các ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT thống nhất nhận định năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với 2022, và khó khăn này sẽ xuất phát từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát kinh tế toàn cầu, cũng như dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, ông Tiệp khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện 3 vấn đề:
- Một là, tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023.
- Hai là, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP.
- Ba là, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.
“Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, chúng ta cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng vùng nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại”, ông Tiệp chia sẻ.
Nhắc lại lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp hy vọng hội nghị ngày 14/2 sẽ giúp các bên cùng nhìn lại vấn đề và đề ra những giải pháp thích ứng trong bối cảnh mới.
Hoàng Linh (T/h)
Cùng chuyên mục
- Tags:
- \ Lê Minh Hoan /
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn /
- Thuỷ sản Việt - Trung /
- thuỷ sản Việt /
- cửa khẩu Lào Cai /
- Lạng Sơn /
- nông sản /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Giá cà phê vượt đỉnh
Giá cà phê Arabica vừa thiết lập đỉnh mới, cao nhất trong 27 năm trở lại.
Dồn sức sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải
DNTH: Chiều 21/11, Đoàn công tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam do Đại sứ Marc E. Knapper làm Trưởng đoàn đã đến tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm và mô hình trồng nấm rơm...
Chủ tịch Quốc hội dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024
DNTH: Tối 14/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt...
Ngành nông nghiệp và WB bàn giải pháp hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
DNTH: Chiều 23/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã họp với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về các bước chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với Quỹ Tài...
Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà
DNTH: Với chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã triển khai mô hình điểm "thôn thông minh" bước...
Thách thức chuyển đổi phù hợp với thị trường
DNTH: Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản đã trở thành nhiệm vụ cấp...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...