Các tỉnh thành phố hãy nhường một phần vaccine phòng Covid - 19 cho Thành phố Hồ Chí Minh

09:48 | 31/07/2021

DNTH: Ngày 30/7 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có lời kêu gọi tất cả lãnh đạo các tỉnh, thành phố cả nước, trong thời điểm này, nhường một phần vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch, sáng 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh hệ thống y tế của Việt Nam nói chung, đặc biệt là hệ thống điều trị, không thể so với các nước phát triển. Không có đại dịch Covid - 19 thì các bệnh viện vẫn quá tải, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Vì thế, chúng ta vẫn phải kiên định chiến lược chống dịch của một nước đang phát triển, dựa vào đặc thù riêng của hệ thống chính trị của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và truyền thống của nhân dân. Kiên trì mục tiêu không để dịch lây lan rộng, không để có nhiều F0. Nhất thiết không bị dao động bởi bất kỳ tác động nào.

Phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch

Phó Thủ tướng cho biết dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine hoặc có thuốc đặc trị, còn nếu không, ngay cả khi dập được dịch, các nơi cũng không thể trở lại trạng thái bình thường mà chỉ có thể là bình thường mới. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.

“Chính thức từ ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ công bố toàn quốc có dịch. Đến giờ, vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào nói toàn quốc không có dịch. Tất cả các lực lượng y tế, quân đội, công an đều trong tình trạng chống dịch trực chiến”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong 3 lần trước. Đợt dịch lần thứ tư có chủng mới lây lan nhanh, đã lây vào khu công nghiệp, bệnh viện lớn. Nhưng ngay trong đợt dịch thứ tư, chúng ta đã kiểm soát thành công cho đến khi dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (khu vực Thành phố Hồ Chí Minh).

Khu vực này có đặc điểm rất đông dân cư, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp với mật độ rất cao, lây lan rất nhanh. Vì vậy, chúng ta phải có cách tiếp cận, giải pháp đặc biệt dành riêng cho khu vực này.

Phó Thủ tướng cho biết suốt những ngày qua, ông đã trực tiếp tìm hiểu, trao đổi với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bộ phận thường trực của các bộ, ngành, báo cáo với Thủ tướng, thống nhất một số điều chỉnh.

“Chúng ta không được nhầm những biện pháp điều chỉnh cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh mà áp dụng cho cả nước thì rất nguy hiểm. Ngay trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, có những vùng còn tương đối an toàn vẫn phải thực hiện truy vết đến F1, F2, ví dụ như một số xã ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo quận Bình Tân (TPHCM) trước một khu nhà trọ công nhân đang bị phong toả, chiều 25/7 - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo quận Bình Tân (TPHCM) trước một khu nhà trọ công nhân đang bị phong toả, chiều 25/7 - Ảnh: VGP/Đình Nam

Ứng phó dịch sớm hơn, cao hơn một bước

Phó Thủ tướng cho rằng mặc dù năng lực xét nghiệm của các địa phương tăng lên nhanh, với nhiều đổi mới cụ thể nhưng một số nguyên tắc không được thay đổi.

Thứ nhất là phải áp dụng các biện pháp chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức.

“Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid - 19 đã ban hành Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid - 19, với 4 mức nguy cơ (rất cao, cao, nguy cơ, bình thường mới). Mức rất cao (vùng đỏ) áp dụng Chỉ thị 16 và cao hơn Chỉ thị 16; mức cao (vùng da cam) áp dụng Chỉ thị 15.

Lãnh đạo các địa phương phải nắm vững tinh thần Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG, chỉ đạo cập nhật tình hình dịch bệnh ở địa phương lên hệ thống toàn quốc, từ đó Ban Chỉ đạo sẽ phân tích, đưa ra cảnh báo.

“Chúng ta phải áp dụng các biện pháp sớm hơn, cao hơn, nhất định không được muộn hơn, thấp hơn”, Phó Thủ tướng nêu rõ và lấy ví dụ trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 thì các tỉnh phía Nam sông Hậu và Bình Phước chưa đến mức phải làm như vậy nhưng vẫn phải thực hiện. Hoặc đối với thành phố Hà Nội, khi hệ thống cảnh báo mức đỏ, Phó Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16.

“Chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra, vì phải hằng tháng nữa mới kiểm soát được tình hình ở khu vực này”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Long An tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid - 19 ở Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ, sáng 28/7. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Long An tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid - 19 ở Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ, sáng 28/7. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kiên trì chiến lược giảm số ca nhiễm

Chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Cụ thể, vẫn phải truy vết, cách ly F0, F1 trừ những nơi chúng ta thí điểm dần dần cách ly F0 ở nhà an toàn, còn những nơi có ít ca nhiễm thì phải truy vết đến cùng, thậm chí là F2, F3.

Khoanh vùng, thực hiện giãn cách phải nghiêm ngay từ đầu. Chỉ cần chúng ta thực hiện đúng theo Chỉ thị 16, ai ở đâu yên đấy, nhà cách ly với nhà thì dịch bệnh sẽ không bùng phát.

Các địa phương quán triệt tinh thần khoanh hẹp nhỏ nhất có thể, còn khi chưa đủ căn cứ thì tạm thời khoanh rộng, khẩn trương điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại. “Khoanh hẹp thì các đồng chí mới có lực lượng để quán triệt, làm nghiêm. Khoanh rộng mà để lỏng thì cực kỳ nguy hiểm. Giống như một khu rừng đang cháy, bao rộng xung quanh nhưng bên trong không làm gì thì sẽ cháy hết”, Phó Thủ tướng nói.

Không dàn hàng ngang xét nghiệm

Nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây, một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái. Trong khi giá thành một bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh còn đắt hơn một liều vaccine mà nhiều nơi xin hỗ trợ mua hàng trăm nghìn, hàng triệu bộ.

Phó Thủ tướng nhắc nhở: “chúng ta phải tiết kiệm. Dàn hàng ngang xét nghiệm, ngoài việc tốn kém chi phí thì còn rất nguy hiểm vì gây tâm lý chủ quan cho người dân, khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì không tuân thủ đầy đủ 5K”.

Vừa qua, Bộ Y tế đã hướng dẫn xét nghiệm nhanh cũng có thể làm mẫu gộp.

Đối với xét nghiệm PCR, các địa phương phải đặc biệt tuân thủ nguyên tắc lấy mẫu xét nghiệm an toàn và phải trả kết quả chậm nhất trong 24 tiếng. Tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu về nhiều, xét nghiệm không kịp, trả kết quả chậm dẫn tới việc đánh giá tình hình dịch chậm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện, động viên một người nhiễm Covid - 19 đang được cách ly, theo dõi sức khoẻ tại Trường Tiểu học Tân Thành (huyện Củ Chi). Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện, động viên một người nhiễm Covid - 19 đang được cách ly, theo dõi sức khoẻ tại Trường Tiểu học Tân Thành (huyện Củ Chi). Ảnh: VGP/Đình Nam

Lo đầy đủ đời sống, chăm sóc y tế cho người dân

Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt.

Thứ nhất là khu vực này phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để giảm lây lan. Đối với những vùng còn an toàn, nguy cơ chưa cao, phải giữ cho bằng được. Giống như một khu rừng đang cháy, còn chỗ nào lửa chưa lan đến thì phải giữ bằng được.

Thứ hai là cả chính quyền đoàn thể và các tổ chức làm thiện nguyện cùng tham gia chăm lo đời sống hằng ngày cho người dân. Lực lượng làm thiện nguyện giống như lực lượng xung kích chống dịch, phải được tổ chức, phát phù hiệu, tiêm vaccine vì họ sẽ là người len lỏi tới tận mọi ngóc ngách để đưa lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng như các trợ giúp khác đối với người dân đang trong khu cách ly, phong tỏa.

Thứ ba là chúng ta phải xây dựng hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng bảo đảm bất kỳ ai trong khu vực dân cư nào có triệu chứng nhiễm Covid - 19 hoặc các bệnh khác cần có sự hỗ trợ y tế thì phải được tiếp cận và hỗ trợ ngay. Có như vậy, người dân mới yên tâm ở trong nhà.

“Hệ thống giám sát y tế cộng đồng gồm 2 lớp. Một lớp là mạng lưới hàng ngàn thầy thuốc hỗ trợ từ xa qua mạng cho người dân ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa. Lớp thứ hai, quan trọng và quyết định là phải tổ chức lại lực lượng y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giám sát đến từng khu dân cư.

“Đội ngũ y tế sau nhiều ngày chống dịch đã rất mệt mỏi nên khu vực Thành phố Hồ Chí Minh phải tổ chức lại đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm như hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, từ đó giảm tải và có thêm người hỗ trợ y tế cho người dân ngay tại cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói.

Giảm số ca chuyển nặng ở mọi lớp điều trị

Đối với điều trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải rất sáng tạo và thực tiễn. Từ mô hình điều trị “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã phân chia thành 5 lớp.

Trong đó, lớp đầu tiên tiếp nhận người nhiễm Covid - 19 không triệu chứng cần chăm lo, quan tâm đầy đủ cho bà con từ chế độ ăn uống, vận động đến hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Một số nơi như huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) hoặc Long An đã rất sáng tạo và thực hiện rất hiệu quả khi chỉ có 5% F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng, trong khi tỉ lệ trung bình là 20%.

Phó Thủ tướng cho biết ông đã trực tiếp đến những khu thu dung có tỉ lệ 30% F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những khu này chật chội hơn, coi F0 không triệu chứng là bệnh nhân nên gây sự gò bó, bức bách cả về tinh thần lẫn thể chất.

Lớp thứ nhất, thứ hai thì chính quyền cơ sở lo được, còn ngành y tế thì chuyên sâu vào lớp thứ tư, thứ năm và một phần lớp thứ ba. Mỗi lớp điều trị đều đặt chỉ tiêu để giảm tỉ lệ số ca phải chuyển lên tuyến trên.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện tư nhân, thậm chí một phần bệnh viện công không muốn tiếp nhận bệnh nhân Covid - 19 dù còn giường trống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phải huy động tất cả lực lượng y tế tư nhân vào ngay từ đầu, từ điều trị cho đến tiêm vaccine.

Phó Thủ tướng cho biết ông đã cùng với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi và đã có những bệnh viện tư nhân bắt đầu chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid - 19. Chúng ta cũng cần có những biện pháp chính sách hỗ trợ phù hợp cho các bệnh viện này.

Tập trung tiêm vaccine sớm, tạo miễn dịch cộng đồng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ giao Bộ Y tế phân bổ vaccine phòng Covid - 19 cho các địa phương nhưng trong lúc này, tình hình tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã khác.

Chiến lược hiệu quả nhất lúc này đối với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là phải tập trung tiêm vaccine hết cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể để tạo miễn dịch cộng đồng. Sau đó, sẽ khoanh gọn khu vực này, không để dịch lây lan ra khu vực khác. Điều này rất quan trọng bởi vì vaccine chỉ có đầy đủ tác dụng bảo vệ sau khoảng 1,5 tháng.

Người tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác nhưng tỷ lệ diễn biến bệnh nặng sẽ ít đi. Nếu không, số người bị bệnh nặng và tử vong sẽ rất nhiều, khi toàn bộ hệ thống điều trị, dù có tăng cường chi viện thêm, nhưng sau thời gian dài sẽ vô cùng mệt mỏi, để lây nhiễm trong đội ngũ y tế.

Hiện nay, lô vaccine nào về Bộ Y tế cũng đứng trước sức ép ký phân bổ ngay cho các địa phương, dù có ưu tiên cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sẽ không đủ thực hiện chiến lược có miễn dịch cộng đồng sớm nhất cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng xúc động chia sẻ: “tôi trực tiếp chứng kiến tận mắt những vất vả của Nhân dân và lực lượng chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhận thức sâu sắc nguy cơ tỷ lệ tử vong rất cao nếu chúng ta chậm tiêm vaccine cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để Thành phố Hồ Chí Minh tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm này từng liều vaccine cực kỳ quý giá sẽ giúp được Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch và cứu được nhiều người hơn”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu đạt được sự thống nhất như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyên truyền cho người lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vaccine. Ông đã bàn với lãnh đạo thành phố, sau khi tiêm xong vaccine sẽ tổ chức cho công nhân đi làm tiếp, hoặc làm các công việc công ích vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được lao động trong trạng thái bình thường mới.

Mặc dù quy định, kế hoạch về tiêm vaccine của Bộ Y tế rất tốt, khoa học nhưng với điều kiện hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giao cho Thành phố Hồ Chí Minh lập kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Ông sẽ bàn rất kỹ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về phương án tiêm vaccine theo cụm thay vì theo đối tượng. Nếu lượng vaccine hiện tại chưa tiêm hết thì những lô vaccine tới đây sẽ tập trung cho Thành phố Hồ Chí Minh. Còn chung cả nước, chúng ta phải vẫn phải thực hiện nghiêm các văn bản phòng, chống dịch từ trước đến nay, cố gắng khống chế, không để dịch bệnh lan như Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi.

Không áp dụng máy móc mô hình “3 tại chỗ”

"Về sản xuất công nghiệp trọng tâm là rất an toàn. Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho Thành phố Hồ Chí Minh, “ba tại chỗ” ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải khác, từng tỉnh cũng khác.Nguyên lý cần đảm bảo là khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị, và có thể cách ly ngay; đồng thời đảm bảo linh  hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc".

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nông dân sắp được vay gấp 2 - 3 lần không cần tài sản bảo đảm

DNTH: Tại hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 31/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đang rà soát để sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về...

Pháo hoa rực rỡ bầu trời, người dân TP.HCM đón năm mới 2025 nhiều hy vọng

DNTH: Chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ bầu trời TP.HCM, nhiều người phấn khởi chào đón năm mới 2025 với nhiều hy vọng mới.

Hà Nội rực rỡ pháo hoa chào Năm mới 2025

DNTH: Đúng 0 giờ ngày 1/1/2025, Hà Nội chào đón Năm mới 2025 bằng màn pháo hoa rực rỡ tại 5 điểm bắn pháo hoa với 6 trận địa bắn tầm cao kết hợp tầm thấp tại quận Hoàn Kiếm; quận Nam Từ Liêm (khuôn viên đường đua F1), quận Hà...

Chào năm đặc biệt 2025!

DNTH: Chào mừng năm 2025, một chặng đường mới đang mở ra trước mắt chúng ta! Đón chào năm 2025, chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng tương lai sẽ tươi đẹp hơn, bởi những gì chúng ta đã gieo mầm từ năm trước sẽ nảy nở thành những...

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2025

DNTH: Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm...

DNTH: Sáng nay 31/12, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024. Hội nghị do Trung qương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt trực tiếp tổ chức thực...

XEM THÊM TIN