Cảm ơn ly cà phê sáng!

10:11 | 24/06/2020

DNTH: Ngày nghỉ, bao dự định cho ngày chủ nhật: dọn nhà, tưới cây, vệ sinh bể cá…vậy mà hôm nay lại mất điện, bực ghê gớm! Mất điện, mất cả nước máy...chẳng làm gì được! Cái điện thoại đêm qua quên xạc pin, giờ chỉ còn năm phần trăm, nghĩ bụng: đúng là điên ra với mấy ông thợ điện, cắt sửa điện lại chọn đúng ngày nghỉ của người ta mà cắt…vớ vẩn thật!

Giờ chỉ còn cách lấy xe chạy lòng vòng, ăn sáng rồi chọn quán cà phê nào có máy nổ ngồi giết thời gian, đợi khi có điện may ra mới dám “mò” về nhà. Nhà đổ mái bằng, trời này không có điện thì khác gì cái “lô cốt”. Theo thông báo thì tạm ngừng cấp điện để thay thế dây dẫn chống quá tải đến 11 giờ trưa mới có điện. Lâu rồi không mất điện, giờ mất một bữa thấy khó chịu thật! Mà cũng đúng thôi, dân ta thi nhau đi mua điều hòa, tủ lạnh rầm rầm thế không quá tải đường dây mới lạ!

Đúng là thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mới bảnh mắt ra đã nắng chói chang, oi bức, nóng nực phát khiếp. Ngày nghỉ nhưng người, xe cộ vẫn tấp nập ngược xuôi, hối hả…Giờ ra đường chẳng ai nhận ra ai, nắng “như thiêu như đốt” nên ai cũng bịt kín bưng, cứ thế mà phóng, mà lao; tiếng xe, tiếng còi, tiếng ve kêu râm ran… tạo nên âm thanh hổn hợp khiến ai đó cảm thấy mệt mỏi, bức bối vô cùng.

Chọn được quán cà phê vỉa hè khá mát mẻ và có nhiều cây cối, tôi ngắm vị trí ít nắng nhất rồi gọi: em ơi! một phê đen, một ca nước chè xanh, nhanh chút nha! Lôi điện thoại ra định gọi cho thằng bạn đến hàn huyên nhưng máy đã cạn pin, sơ suất thật! Tự nhiên thấy bực bực trong người…thôi thì nhâm nhi nhìn ra đường cho hết giờ vậy!
   
Cầm ly nước lên uống, đợi cà phê chảy, tôi nhìn lên dãy cột điện trước mắt. Thì ra hôm nay cắt điện để sửa tuyến đường dây này đây! Phóng xa tầm mắt, cách nơi tôi ngồi mấy mét cho đến cuối con phố kia, những đốm áo cam chon von trên đỉnh cột điện, oằn mình đỡ từng sợi dây to như bắp tay nặng trĩu. Phía dưới sáu, bảy ông vắt dây trên lưng kéo từng bước đều đặn như kéo pháo ra trận, một vài ông bưng thang, lấy sào đỡ dây, mỗi người một việc, tất tả, hối hả…
Ngồi không xa nên tôi có dịp quan sát công việc của nhóm công nhân gần đó. Trong số họ, tôi nhận ra một người quen quen nhưng không biết tên, hình như ông ấy đã đến sửa điện cho nhà tôi hôm trời bão. Đó là người đàn ông trung niên gầy gò, đôi mắt sâu, nước da đen sạm… tôi đoán tầm 55 tuổi. Có vẻ ông ấy đã thấm mệt, mồ hôi nhể nhãi, áo ướt nhẹp, phần lưng áo bạc trắng, cái quần lò xo nhăn nhúm xắn trên mắt cá chân càng khiến ông khắc khổ hơn. Một chai nước còn đầy, chắc chưa kịp uống, lăng đi lăng lại nơi lưng quần trông thật tội nghiệp. Nhìn vậy thôi nhưng ông nhanh nhẹn lắm, tay thoăn thoắt ra từng múi dây trong một cái lô tròn xoay tít cho đồng nghiệp kéo, lâu lâu lại ngước lên hỏi ông đồng nghiệp phía trên cột điều gì đó rồi lại cặm cụi, tất bật, ra dáng ông thợ lành nghề.

Nắng ngày càng gay gắt, tôi bắt đầu thấy không chịu được, cái nắng từ dưới đường hắt lên khiến mặt nóng bừng, tôi tự nhẩm: mấy ông kia tài thật! Loay xoay kéo bàn sang chổ gốc cây, tôi nghe giọng một bác lớn tuổi ngồi bàn bên nói vọng sang: “nắng không chịu được rồi a? đáng gì với mấy chú ngồi trên cột điện kia!”. Hơi chút khó chịu vì nghĩ mình bị mỉa mai nhưng tôi vẫn lịch sự cười mỉm, đáp: mỗi người một công việc mà bác, làm công ăn lương thì phải thế thôi ạ!
 
Bác đứng dậy kéo ghế sang bàn tôi, không quên mang theo ly cà phê, mắt nhìn tôi, giọng bác lắng lại: các chú ấy làm từ 5h sáng đến giờ chưa nghỉ tý nào đâu cháu ạ, có người bánh mỳ còn treo ở xe chưa kịp ăn! Biết là làm công ăn lương, đặc thù công việc của họ như thế nhưng bác ở đây từ sáng mới thấy công nhân ngành Điện vất vả thật! Cháu thấy đó, nắng thế này nhà nhà, người người tránh nắng, không ai dám “ló” mặt ra đường, vậy mà các chú thợ điện chỉ một sợi dây néo vào người, lơ lững giữa không trung, nắng thiêu da, cháy thịt, ngày nào cũng như ngày nào, hết tuyến nọ đến tuyến kia, nghe bảo đường dây này bị quá tải nên họ phải cắt điện để duy tu, củng cố lại lưới điện, tránh xảy ra sự cố mùa nắng nóng cháu ạ!

Câu chuyện của bác khiến tôi chú ý hơn những gì đang diễn ra trước mắt. Bác nói tiếp: bây giờ, nhu cầu sử dụng điện của dân ta ngày càng cao, nhà nào cũng điều hòa, máy lạnh tiện nghi…không thường xuyên bảo dưỡng thì quá tải, mất điện còn xảy ra nhiều. Vậy mà… dân ta một số người chưa thấu hiểu vấn đề, cứ mất điện là kêu ca, cằn nhằn mấy người thợ điện. Đã thế, nắng lên dùng điện tới ga, tới số nhưng đến khi trả tiền điện thì mặt méo mó, kêu ngược, kiện xuôi, nói ngành Điện ăn gian, ghi bậy…

Giờ thì tôi không chịu được cái nắng này thêm nữa. Tôi bắt đầu nóng ruột, nóng ruột vì nắng, nóng ruột vì còn lâu mới có điện hay nóng ruột vì thấy thương mấy anh áo cam kia? Tôi cũng không biết nữa! Uống thêm ngụm nước, tôi quay sang bác gật gù: đúng thật bác nhỉ! cháu còn nghe nói giờ ngành Điện họ còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để sửa điện, nghe đâu sửa điện mà không cần cắt điện để tránh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân đấy bác ạ…

Câu chuyện của hai bác cháu hôm nay cứ chỉ xoay quanh chủ đề ngành Điện, nào là ghi chỉ số công tơ bằng máy, thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng, đi siêu thị, điện máy cũng nộp được tiền, lắp công tơ thì ngồi ở nhà cũng đăng ký được, nhiều và rất nhiều tiện ích có lợi cho dân…

Quay đi quay lại đã trưa trật, không lẽ ngồi luyên thuyên mãi đến 11 giờ? Ngước nhìn lên, tôi bất ngờ bởi những đường dây điện mới thay giờ đã căng dài trên tuyến phố, những phụ kiện vừa được thay thế phản chiếu chói lòa trong  nắng tháng 6 càng làm cho con phố thêm phần khang trang. “Có điện rồi”- tiếng reo hò của bọn trẻ. Tôi nhìn đồng hồ, vậy là có điện sớm hơn dự kiến 30 phút. Tiếng đài nói, tiếng loa vang…cũng âm thanh hổn hợp nhưng không còn thấy khó chịu nữa. Các anh thu dọn dụng cụ, đồ nghề lên xe trong bộ dạng hơn đi đánh trận. Sống mũi tôi tự nhiên thấy cay cay!

Nói đi nói lại, mỗi nghề có những vất vả riêng, nhưng bán sức lao động giữa cái nắng cháy, oằn mình, chon von trên cột điện từ sáng đến trưa nhưng lại không nhận được sự cảm thông thì thật bất công với người thợ điện. Chính tôi cũng đã từng rất thờ ơ và nghĩ rằng đã là đặc thù công việc thì phải chịu, còn nhiều ngành nguy hiểm, vất vả hơn kia… Thế nhưng, dưới cái nắng thiêu da, dưới tiết lạnh cắt thịt, nếu tôi và bạn thấu hiểu, cảm thông và không tạo thêm áp lực cho họ khi mất điện thì có lẽ các anh sẽ thật hạnh phúc với nghề “mang đến nguồn sáng đến cho mọi nhà”./.

                     Phương Thảo - PC Hà Tĩnh

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xếp hàng xuyên đêm chiêm bái xá lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ

DNTH: Đêm 14/5/2025, hàng vạn Phật tử và người dân lặng lẽ xếp hàng tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) để được chiêm bái Xá lợi Đức Phật.

Từ ngày 20/5 người dân Hà Nội có thể thực hiện trực tuyến một số thủ tục về đất đai

DNTH: Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất sẽ được thực hiện trực tuyến ở Hà Nội từ ngày 20/5.

Pearl Residence hợp tác với Savills Việt Nam giúp nâng tầm chuẩn sống nơi trung tâm đô thị biển Cửa Lò

DNTH: Tổ hợp căn hộ cao cấp Pearl Residence tại Cửa Lò vừa ký kết hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành với Savills Việt Nam, một trong những đơn vị quản lý bất động sản hàng đầu thế giới. Sự kiện đánh dấu bước chuyển...

Cầu Tứ Liên: Biểu tượng mới cho hành lang phát triển phía Bắc Thủ đô

DNTH: Hà Nội đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng khi hàng loạt dự án giao thông chiến lược được triển khai, trong đó nổi bật là dự án cầu Tứ Liên – cây cầu mang tính biểu tượng kết nối trung tâm Thủ...

Hà Nội công bố đường dây nóng về trật tự giao thông dịp lễ 30/4 - 1/5

DNTH: Ban An toàn giao thông TP Hà Nội vừa công bố các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ người dân về tình hình giao thông trên địa bàn.

Báo chí tiếp lửa cho startup

DNTH: Hành trình khởi nghiệp đầy chông gai, thách thức luôn có người bạn đồng hành tin cậy là các cơ quan truyền thông, báo chí. Với vai trò là cầu nối thông tin, lan tỏa câu chuyện khởi nghiệp, Báo chí chính là điểm tựa vững chắc,...

XEM THÊM TIN