Cẩn trọng với tin tuyển dụng lừa đảo giả mạo thương hiệu dầu khí

20:48 | 16/11/2023

DNTH: Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số đối tượng giả mạo thương hiệu các đơn vị dầu khí như: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí (PVFCCo),… đăng thông tin tuyển dụng trên các fanpage giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người ứng tuyển.

Thời gian qua, tình trạng giả mạo, lợi dụng uy tín thương hiệu của ngành dầu khí, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Đầu năm 2023, Petrovietnam và các đơn vị thành viên như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã liên tiếp nhận được thông tin tố cáo một số đối tượng đã mạo danh cán bộ dầu khí lừa đảo người dân chuyển tiền qua hình thức đầu tư dự án, thông qua một số trang web giả có tên miền gần giống website thật của Tập đoàn. Sau khi có loạt bài cảnh báo, các trang web này đã không còn tồn tại.

Các Fanpage tuyển dụng giả mạo tràn lan trên Facebook
Các Fanpage tuyển dụng giả mạo tràn lan trên Facebook

Vài tháng gần đây, thủ đoạn giả mạo tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam lại xuất hiện trong vỏ bọc mới, mang tên Quỹ phúc lợi dầu khí, với tên miền phucloidaukhi.com; tuy nhiên phương thức lừa đảo vẫn là lợi dụng uy tín của ngành Dầu khí để dụ dỗ người dân chuyển tiền vào các mô hình đầu tư sinh lời ảo mà các đối tượng này dựng nên. Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng liên tiếp xuất hiện rất nhiều trang fanpage giả mạo các tổng công ty lớn trực thuộc Petrovietnam (cụ thể là PV GAS, PVOIL, PVFCCo) đăng tin tuyển dụng với mục đích lừa đảo tương tự.

Các fanpage giả mạo này được các đối tượng lập ra nhằm thu thập thông tin cá nhân của những người có nhu cầu tìm việc làm, sau đó kết nối các nạn nhân vào một nhóm đã lập sẵn trên Facebook. Trong nhóm này, các đối tượng lừa đảo (đứng vị trí admin nhóm) lần lượt đưa ra các đầu việc để các ứng viên lựa chọn thực hiện theo khả năng. Theo lý giải của các đối tượng, đây là yêu cầu của “vòng sơ khảo”, khi hoàn thành đúng yêu cầu mới được nhận việc chính thức tại các tổng công ty.

Điểm chung của tất các các công việc này đều nhằm “tăng doanh số” cho một công ty liên kết thứ 3 nào đó mà theo người này, đây là các “đối tác” của PVOIL/ PVGAS/ PVFCCo. Người ứng tuyển được hướng dẫn vào đường link để đăng ký tài khoản và nạp tiền thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, kèm theo lời hứa sẽ nhận lại được tiền gốc và có lãi suất khi tham gia nhiều lần.

Hiện nay, trên website và fanpage chính thức của PVOIL, PVFCCo đã có thông báo về việc các trang mạng xã hội lấy hình ảnh, thương hiệu, logo các đơn vị để tuyển dụng lao động. Đại diện PVOIL, PVFCCo khẳng định các trang fanpage này đều là giả mạo; đơn vị không liên quan và không chịu trách nhiệm cho hoạt động của các fanpage này.

Khi có kế hoạch tuyển dụng, PV GAS, PVOIL, PVFCCo sẽ đăng tin chính thức qua kênh tuyển dụng của các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc website chính thức (không đăng tuyển qua các trang mạng xã hội).

Các đơn vị cũng cho biết chỉ tổ chức làm bài thi viết trên giấy tại trụ sở Tổng công ty, nếu bài thi đạt kết quả sẽ mời ứng viên đến phỏng vấn trực tiếp, không tổ chức làm bài test online và cũng không thu bất kỳ chi phí nào khi tuyển dụng.

Được biết, không chỉ riêng đối với các đơn vị dầu khí như Petrovietnam, PVEP, Vietsovpetro, PV GAS, PVOIL, PVFCCo,… hiện nay trên mạng xã hội đang phổ biến tình trạng mạo danh các tổng công ty, công ty lớn để lợi dụng uy tín, thương hiệu của các đơn vị này, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản những người “nhẹ dạ cả tin”.

001.jpg
Trao đổi giữa admin và các ứng viên trong một nhóm chat mạo danh thương hiệu PVOIL

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen đã đăng đàn cảnh báo việc bị kẻ xấu mạo danh thương hiệu tuyển dụng để tuyển người cho những công việc không trung thực hoặc nhằm thu lợi từ người tìm việc. Navigos Group cũng bị kẻ xấu mượn danh để sử dụng chiêu bài lừa đảo. Trong năm 2023, không dưới 2 lần, doanh nghiệp này phải đăng bài cảnh báo tình trạng bị giả mạo thông tin. Vinmec (thuộc Vingroup) cũng gặp tình huống tương tự. Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng thương hiệu, sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép của doanh nghiệp này nhằm lừa đảo tài chính và trục lợi khách hàng dưới hình thức tuyển dụng.

Các thủ đoạn phổ biến mà những kẻ này sử dụng đó là kêu gọi đầu tư, giao dịch chuyển khoản, gia nhập vào các nhóm xổ số, tải các nền tảng ứng dụng để kiểm tra, khảo sát năng lực… Ngoài ra, những kẻ mạo danh còn yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nhiều nền tảng khác nhau như WhatsApp, Telegram, Zalo... để thực hiện phỏng vấn. Tiếp đó, kẻ xấu yêu cầu ứng viên tải thêm nhiều ứng dụng khác, tạo tài khoản trên các trang web xổ số, các trang thương mại điện tử… để thực hiện chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân mạo danh.

Tổng hợp từ nhiều trường hợp trên cho thấy, một số dấu hiệu điển hình của các tin tuyển dụng lừa đảo như: thu phí ứng tuyển, phí đăng ký hội viên, tạo nhóm tuyển dụng hoặc dẫn dắt về các ứng dụng khác, giả mạo website công ty với tên miền gần giống website thật,...

Như trường hợp tuyển dụng lừa đảo nói trên, các ứng viên phải nộp tiền vào tài khoản để “tăng doanh số”. Chỉ cần vài lần nộp vào và rút ra được lãi suất sao, người nhẹ dạ sẽ dễ dàng rơi vào “mê hồn trận” để sẵn sàng tiếp tục bỏ ra một số tiền rất lớn, có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Tất nhiên, sau khi cất được “mẻ lưới” lớn, kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng cắt đứt mọi liên lạc mà không sợ để lại bất kỳ dấu vết nào; bởi tất cả chỉ là những thông tin “ảo”, chỉ có số tiền mà nạn nhân bị mất mới là “thật”.

Do đó, người tìm việc nên tuyệt đối cảnh giác với các tin tuyển dụng qua mạng xã hội, tin nhắn riêng, nhất là những lời đề nghị hấp dẫn, "việc nhẹ lương cao". Khi nhận được bất kỳ lời mời ứng tuyển nào, nhất là là những vị trí bản thân không nộp hồ sơ, hãy kiểm tra lại thông tin về doanh nghiệp trên các kênh chính thống. Tìm kiếm bằng cách gõ trực tiếp tên miền của tổ chức vào cửa sổ trình duyệt để truy cập trực tiếp chứ không nên truy cập theo những đường link nhận được.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thận trọng sản phẩm mứt Tết "3 không" tràn lan trên thị trường

DNTH: Đa phần tất cả các sản phẩm mứt Tết tại các chợ, các cửa hàng đều có điểm chung là “3 không” - không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng khiến không ít người tiêu dùng hoang mang.

Vẫn nỗi lo hàng giả, hàng nhái dịp Tết

DNTH: Cận Tết Nguyên đán cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thường sản xuất, tuồn ra thị trường với số lượng lớn các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ...

Siết kiểm soát nhập lậu, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025

DNTH: Thời điểm này, ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tạm dừng hoạt động cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh

DNTH: Chiều 2/1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội ra quân kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết tại cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (địa chỉ 11 Hàng Than, quận Ba...

Hóa chất 6-Benzylaminopurine làm giá đỗ "siêu tốc" âm thầm "đầu độc" người tiêu dùng ra sao?

DNTH: Hóa chất 6-Benzylaminopurine để kích thích tăng trưởng bị cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có mức độ nguy hại lớn. Khi ăn phải lượng lớn loại hóa chất này có thể gây tử vong.

Tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp cuối năm

DNTH: Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ kéo theo áp lực kiểm soát thị trường. Hàng lậu, hàng giả len lỏi dưới nhiều hình thức tinh vi, thách thức cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị...

XEM THÊM TIN