Cảnh báo tín dụng đen vay qua app hoành hành dịp cận Tết

14:35 | 04/02/2024

DNTH: Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT), tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong tuần qua là: Tội phạm tín dụng đen hoành hành dịp cận Tết Nguyên đán; Lừa đảo quét camera nhận diện khuôn mặt trên phần mềm dịch vụ công giả; Giả mạo tài khoản facebook của Học viên cảnh sát nhân dân hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo; Lừa đảo đổi tiền ngoại tệ; Chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng của shipper…

Tội phạm tín dụng đen hoành hành dịp cận Tết Nguyên đán

Một đường dây cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản quy mô hơn 9.000 tỷ đồng vừa bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP Đà Nẵng và một số địa phương triệt phá. Đây là kết quả của cao điểm tấn công tội phạm tín dụng đen và tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự trước Tết Nguyên đán.

Tội phạm tín dụng đen hoành hành dịp cận Tết Nguyên đán 2024.
Tội phạm tín dụng đen hoành hành dịp cận Tết Nguyên đán 2024.

Người vay tiền thuộc tất cả các địa phương trong cả nước, đa phần là công nhân, người lao động, sinh viên cần tiền gấp, chấp nhận mức lãi cao.

Bước đầu xác định nhóm đối tượng cầm đầu quốc tịch Trung Quốc, cùng với 193 đối tượng khác mở 10 công ty khác nhau (9 điểm tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương) thuộc các lĩnh vực, trong đó có một công ty chuyên về cầm đồ. Đối tượng đã cho hơn 1,3 triệu người vay với lãi suất từ 500 - 1.000%/năm. Khi người vay không trả lãi đúng hạn bị khủng bố tinh thần, khiến người thân của họ cũng bị vạ lây.

Đối tượng tạo lập 3 ứng dụng vay tiền có tên "Ơi vay", "Yoloan" và "Vdong", từ 5 - 20 triệu đồng, lãi suất cao nhất là 1.000%/năm, giải ngân rất nhanh trong 1 - 2 ngày. Tại đây, đối tượng yêu cầu nạn nhân truy cập ứng dụng và cung cấp danh bạ với số điện thoại của người thân, gia đình, bạn bè và căn cước công dân, sau đó sẽ ngay lập tức được xét duyệt hồ sơ. Nhóm đối tượng chia khách chậm trả tiền theo các nhóm ngày, nếu quá hạn càng lâu càng bị đe dọa nhiều và nặng hơn. Không chỉ người vay, tất cả những người thân của họ cũng nhận những tin nhắn và cuộc điện thoại làm phiền liên tục. Toàn bộ dòng tiền trong đường dây tội phạm này đều được thực hiện qua dịch vụ thu hộ, chi hộ của một cổng trung gian thanh toán tại Việt Nam. Đặc biệt lực lượng công an đang làm rõ dấu hiệu rửa tiền khi có hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận của các đối tượng tội phạm đã được luân chuyển ra nước ngoài.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Quét camera nhận diện khuôn mặt trên phần mềm dịch vụ công giả để lừa đảo

Công an TP Hà Nội thông tin, mới đây, ông P. (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, đề nghị ông tích hợp mã định danh tại nhà.

Lừa đảo nạn nhân qua việc tải phần mềm dịch vụ công.
Lừa đảo nạn nhân qua việc tải phần mềm dịch vụ công.

Theo đó, đối tượng yêu cầu ông tải phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Khi đăng nhập, theo yêu cầu, ông P. quét camera nhận diện trong phần mềm. Đến ngày hôm sau, ông P. phát hiện ra tài khoản chứng khoán bị mất quyền kiểm soát, bị bán và chuyển hết tiền cho tài khoản khác. Tổng số tiền bị mất là 3 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, từ đó đánh cắp thông tin phục vụ mục đích phạm pháp và chiếm đoạt tài sản nạn nhân. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Giả mạo tài khoản facebook của Học viên cảnh sát nhân dân hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo

Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, các nạn nhân từng bị lừa tiền lại lên mạng xã hội nhờ các đối tượng giả danh Học viện Cảnh sát nhân dân hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Xuất hiện giả mạo tài khoản facebook của Học viên cảnh sát nhân dân hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo.
Xuất hiện giả mạo tài khoản facebook của Học viên cảnh sát nhân dân hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo.

Thời gian cần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân - Cổng thông tin hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Công an TP Hà Nội cho biết, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng xấu dùng hình ảnh của Học viện Cảnh sát nhân dân để gây dựng niềm tin.

Tại đây, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã rất nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân nhưng vẫn có nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Chuyên hack tài khoản facebook, nhóm thanh niên chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Ngày 28/1, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Công an thành phố Đồng Hới, Công an huyện Quảng Ninh đấu tranh thành công chuyên án, bắt giữ nhóm 7 đối tượng chuyên hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình đấu tranh ban đầu, xác định 7 đối tượng, gồm: Võ Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Xuân Kiên, Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Tùng Lâm (SN 2006), Nguyễn Văn Sáng (SN 2004), Võ Văn Anh (SN 2003), tất cả cùng trú trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu hoạt động từ đầu 2023.

Nhóm các đối tượng trên lên mạng, tìm hiểu cách chiếm đoạt trái phép tài khoản Facebook của nhiều người trên phạm vi toàn quốc. Sau đó đổi mật khẩu, xâm nhập, sử dụng tài khoản Facebook chiếm được để nhắn tin hỏi mượn, chiếm đoạt tiền. Để chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng tạo lập khoảng 20 tài khoản ngân hàng khác nhau, đồng thời mua thêm nhiều bộ tài khoản ngân hàng "rác" từ các đối tượng trên mạng nhằm che giấu cho việc nhận tiền lừa đảo từ các bị hại. Ước tính tổng giao dịch trong các tài khoản ngân hàng mà đối tượng sử dụng khoảng 8 tỷ đồng.

Theo đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo người dân nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội để giảm khả năng bị lừa đảo hình thức trên. Người dùng tuyệt đối không chia sẻ thông tin đăng nhập của tài khoản Facebook với bất kỳ ai hoặc bất kỳ dịch vụ nào. Cảnh giác với các tin nhắn hoặc email lạ, không truy cập vào địa chỉ đường dẫn, đường liên kết lạ để tránh bị cài cắm mã độc và lộ lọt thông tin.

Khi người dùng cần truy cập vào trang web của Facebook hoặc bất kỳ trang web nào liên quan, hãy chắc chắn kiểm tra URL để đảm bảo rằng đang truy cập vào trang web chính thức của Facebook. Sử dụng mật khẩu mạnh, thường xuyên thay đổi mật khẩu, không sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản khác nhau. Kích hoạt xác minh hai yếu tố sẽ làm tăng bảo mật và giảm khả năng bị lừa đảo. Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng phần mềm diệt malware và bảo mật trên thiết bị cá nhân.

Nếu bạn gặp vấn đề với tài khoản Facebook của mình, hãy sử dụng kênh liên lạc chính thức của Facebook để được hỗ trợ.

Thủ đoạn lừa đảo đổi tiền ngoại tệ, một đối tượng chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng của shipper

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phan Công Lịch (24 tuổi), trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, qua công tác trinh sát nắm tình hình "hội, nhóm" trên không gian mạng và tiếp nhận tin báo của bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện tài khoản Facebook tên "Quốc Khang" và "Audrey Trương" có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn đổi tiền ngoại tệ cho khách du lịch là người nước ngoài nên đã tiến hành các biện pháp xác minh.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng khai nhận, để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đã lên mạng xã hội tìm mua 1 tài khoản Telegram tên là "Khanh", sau đó sử dụng tài khoản này vào các hội nhóm đổi tiền ngoại tệ sang tiền đồng để tìm kiếm khách hàng. Khi thấy có người nước ngoài, nhiều nhất là du khách Nga trong hội, nhóm, đối tượng sẽ gặp gỡ trao đổi và hai bên thống nhất số tiền quy đổi. Tiếp đó, đối tượng sử dụng tài khoản Facebook "Audrey Trương" và "Quốc Khang" đăng vào các hội nhóm “Shipper Đà Nẵng” và các địa phương khác để tìm người giao dịch với du khách có nhu cầu. Mức phí shipper (nhân viên giao hàng) được hưởng mỗi lần giao dịch từ 80.000 - 300.000 đồng. Điều kiện là số tiền để đổi ngoại tệ cho du khách là tiền của các shipper tự bỏ ra. Khi shipper cầm tiền Việt đến giao cho người Nga, đối tượng yêu cầu người Nga chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của bên dịch vụ đổi tiền tại nước ngoài. Số tiền này sau đó được đối tượng luân chuyển qua nhiều kênh khác nhau nhằm che dấu hành vi phạm tội và cuối cùng sẽ được chuyển về tài khoản của đối tượng. Sau khi thực hiện thành công giao dịch, đối tượng cắt liên lạc và không chuyển tiền lại cho shipper.

Với thủ đoạn như trên, từ tháng 11/2023 đến nay, đối tượng đã thực hiện thành công 4 vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chiếm đoạt hơn 120 triệu đồng và 50.000 Rubble (tiền Nga). Tất cả số tiền chiếm đoạt được đối tượng sử dụng mục đích tiêu xài cá nhân và chơi game.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã rất nhiều lần đưa ra cảnh báo người dân nên lựa chọn những địa điểm uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền tệ. Nếu muốn thực hiện giao dịch, người dân nên đến các địa chỉ ngân hàng, công ty tài chính uy tín để đổi tiền hoặc thực hiện giao dịch; tuyệt đối không đổi tiền qua trung gian để tránh bị lừa đảo.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

DNTH: Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và xác thực sinh trắc học trước ngày 1/1/2025.

“Thần tốc" đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

DNTH: Về đích sớm hơn 45 ngày so với kế hoạch, Công ty Điện lực Lào Cai (PC Lào Cai) vừa chính thức đóng điện công trình cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai.

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm và Tết

DNTH: Nhằm chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau Tết Nguyên...

Giải pháp nào ngăn chặn thực phẩm chức năng tràn lan hàng giả?

DNTH: Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế chiều 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới giải pháp căn cơ để quản lý thực trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường.

Tăng giám sát, xử lý gian lận thương mại

DNTH: Do nhu cầu hàng hóa trên thị trường tăng mạnh vào dịp cuối năm, nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dự báo sẽ diễn biến phức tạp.

Chiêu mới của tội phạm công nghệ "lách" xác thực sinh trắc học để “bẫy” khách hàng

DNTH: Dù đã có 38 triệu tài khoản ngân hàng được làm sạch dữ liệu, giảm đến 50% số vụ lừa đảo. Tuy nhiên xảy ra tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn “lách” xác thực sinh trắc học để “bẫy” khách hàng.

XEM THÊM TIN