Chăn nuôi lợn: Cần tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị

21:20 | 27/07/2023

DNTH: Tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới" do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (27/7), các đại biểu thống nhất cao với nhận định, chăn nuôi trong tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị.

Chăn nuôi lợn: Cần tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị - Ảnh 1.
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhận định chung của các nhà quản lý, chuyên gia tại hội nghị cho thấy, chăn nuôi lợn là một trong những phương thức sản xuất chính của nông dân, đặc biệt là tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn thời gian qua luôn gặp thách thức, khó khăn như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác…

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, bền vững, có tính khả thi cao. Theo đó, cần thúc đẩy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường quản lý dịch bệnh, an toàn sinh học.

Nhiều ý kiến về các hạn chế trong chính sách hay các cách thức vận hành hiệu quả trong tình hình mới đã được các địa phương và doanh nghiệp nêu lên tại hội nghị.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến tháng 6/2023, tỉnh có khoảng 2 triệu con lợn, với sản lượng thịt xuất chuồng ước gần 250.000 tấn.

Bên cạnh thuận lợi, tỉnh gặp một số khó khăn như trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; khó khăn trong báo cáo, kê khai hoạt động chăn nuôi tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Theo ông Phương, việc bãi bỏ Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 khiến công tác quản lý môi trường chăn nuôi, quy định xử lý động vật chết không rõ nguyên nhân chưa rõ ràng.

Ông Phương cho biết, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tổng đàn chăn nuôi lợn trên 2,7 triệu con, đàn gia cầm trên 18 triệu con, đàn trâu, bò trên 60.000 con; năm 2030 đàn heo trên 3,2 triệu con, đàn gia cầm trên 27 triệu con, đàn trâu bò trên 70.000 con. "Thông qua việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, tỉnh sẽ hình thành các chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đến chế biến thực phẩm. Bình Phước phấn đấu trở thành trung tâm xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của cả nước", ông Phương nói.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững phải liên kết với nhau, trở thành thành viên của các tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Ông Tuấn nhấn mạnh: "Chăn nuôi gia công hiện nay hầu hết là người chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc những người ngoài ngành tìm đến liên kết với các doanh nghiệp, việc liên kết này là xu hướng tất yếu và các nước có nền chăn nuôi phát triển đã thực hiện điều này từ lâu. Việt Nam chắc chắn cũng không ngoài xu hướng đó. Bởi lẽ, chăn nuôi theo chuỗi thì mới nâng cao được sức cạnh tranh đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn sinh học dịch bệnh cũng sẽ tốt hơn".

Chăn nuôi lợn: Cần tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị - Ảnh 2.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, tỉnh có quy mô tổng đàn lợn xấp xỉ 1 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô vừa và nhỏ và chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 60% tổng đàn, còn lại chăn nuôi trang trại khoảng 40% với các tập đoàn lớn như Masan, Darby, CP, Thành Đô...

Ông Học đưa ra kiến nghị ngành chăn nuôi sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững; sửa đổi một số quy định về quy mô hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; triển khai đồng bộ công tác quản lý giống vật nuôi trên phạm vi cả nước.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cũng đề xuất cần có giải pháp vĩ mô để ổn định giá thịt lợn nói riêng và giá các sản phẩm chăn nuôi nói chung nhằm góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù ngành chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn nhưng để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn ngành chăn nuôi phải có giải pháp căn cơ. Trong những tháng cuối năm, phải cân đối được cung cầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, ổn định giá để đảm bảo chỉ số tiêu dùng trong nước đồng thời cũng góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong hội nhập và ngành chăn nuôi cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bộ đã và đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các Tập đoàn và các địa phương, đặc biệt là các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, để xây dựng vùng nguyên liệu. Muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì phải có vùng an toàn dịch bệnh, phải đảm bảo được các tiêu chí và tổ chức thực hiện phải thông suốt từ Trung ương đến các địa phương, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là trung tâm và phải đi tiên phong để huy động và liên kết với các trang trại hoặc hộ chăn nuôi. Trong hệ sinh thái, ngoài việc doanh nghiệp tham gia thúc đẩy phát triển ngành thì xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng".

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đề xuất sớm sửa đổi Luật Đất đai, để xây dựng các khu chăn nuôi quy mô lớn; triển khai diện rộng tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi tái đàn…

 

Theo Báo Chính Phủ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hiệu quả sản xuất từ Diễn đàn Khuyến nông@

DNTH: Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức nhiều diễn đàn Khuyến nông @, qua đó đã giúp cho bà con nông dân nâng cao được kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng cơ hội kết nối sản xuất và tiêu...

Khuyến khích nông dân đa dạng con nuôi thủy sản để tăng thu nhập

DNTH: Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh dự báo tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt khoảng 195.000 tấn, tăng khoảng 3.000 tấn so năm 2023, vượt kế hoạch đề ra 7,19 % về tăng giá trị sản xuất và...

Ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề nuôi tôm

DNTH: Thủy sản được xác định là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình và có những đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế những năm qua.

Triển khai cho vay hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo

DNTH: Để góp phần thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa...

Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen

DNTH: Hiện nay, diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp hơn 1.108 ha, sản lượng sen gương đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 12.163 tấn. Giá thành sản xuất gương sen bình quân đạt 9.204 đồng/kg, giá bán bình quân đạt 20.000 đồng/kg, lợi...

Xuất cấp hạt giống cây trồng hỗ trợ tỉnh Yên Bái

DNTH: Ngày 1/11, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định 1319/QĐ-TTg về việc xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Yên Bái.

XEM THÊM TIN