Chính phủ chủ trì họp "Chuyên đề xây dựng pháp luật" với nhiều quyết định quan trọng

11:26 | 30/06/2021

DNTH: Ngày 29/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá. Theo đó, Chính phủ tập trung rà soát, xem xét việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan nhằm khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ.

Ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm, liên tục có các cuộc làm việc, chỉ đạo về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tình hình thực tế đang diễn ra rất nhanh với nhiều vấn đề cần xử lý, vì thế Thủ tướng triệu tập phiên họp chuyên đề nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách.

Chính phủ chủ trì họp
Chính phủ chủ trì họp "Chuyên đề xây dựng pháp luật" với nhiều quyết định quan trọng.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 8 nội dung: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung  Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 năm 2005 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19; tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19.

Đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến xây dựng một số luật năm 2022, ý kiến đóng góp, thảo luận của các thành viên Chính phủ rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, phong phú, đã làm rõ những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật 6 tháng đầu năm, đồng thời rút ra những kinh nghiệm để thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật sẽ được thông qua thời gian tới.

Đổi mới, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đổi mới, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong các cuộc họp gần đây, nhất là tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid – 19 và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất. Các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước gần đây cũng nhấn mạnh nội dung này. Trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một nội dung quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm trong công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quan tâm công tác xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, đạt kết quả quan trọng, ban hành nhiều chính sách kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, thể chế, cơ chế, chính sách vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân khách quan là do các bộ, ngành tập trung cho nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là phải dành nhiều nguồn lực để vừa phòng chống dịch Covid - 19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép. Nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt, sát sao, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong soạn thảo pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi pháp luật

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi pháp luật. Các bộ, ngành cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, ban hành, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật thật tốt, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần chuẩn bị bài bản, theo đúng quy trình, quy định của pháp luật để trình Quốc hội. Với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ ngành phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát kỹ để xác định thứ tự ưu tiên, khẩn trương đề xuất sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các bộ ngành chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát, căn cứ tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các thông tư, quy định thuộc thẩm quyền.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới việc triển khai công tác xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chuẩn bị dự thảo văn bản luật đồng thời với dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn. Xác định trọng tâm, trọng điểm; tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan của Quốc hội, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực thi pháp luật. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật.

Thứ tư, phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tăng cường lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn.

Thứ năm, tăng cường các cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cho các ban soạn thảo, xây dựng pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên những người làm công tác xây dựng pháp luật. 

Thứ sáu, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thỏa đáng và có ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật.

*Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.  

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình./.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Cảnh báo triều cường sẽ gây thiệt hại nhiều nơi ở Bạc Liêu

DNTH: Bạc Liêu - Dự báo năm 2025, hạn mặn ít khốc liệt hơn năm 2024 nhưng triều cường có khả năng đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

Miền Bắc thấp nhất 5 độ C

DNTH: Không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa khiến sáng nay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rét 5 độ C, vùng núi cao xuống dưới 10 độ, đồng bằng phổ biến 15-16 độ.

Thứ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có quy mô hàng tỉ USD

DNTH: Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết dự kiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô đầu tư lên tới hàng tỉ USD.

Cách mạng tinh gọn bộ máy phải làm đến cùng, triệt để

DNTH: Chuyên gia cho rằng, để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, phải đảm bảo nghiên cứu thấu đáo, “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng thận trọng, cẩn thận.

Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng

DNTH: Bộ Tài chính vừa đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế trên 120 ngày với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng các huyện miền núi Thanh Hóa

DNTH: Ngày 7/12, tại huyện miền núi Bá Thước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

XEM THÊM TIN