Chủ tịch EuroCham giải mã hiện tượng doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam thông qua khu công nghiệp
10:20 | 30/03/2021
DNTH: Lần đầu ông Nicolas Audier sang Việt Nam là vào năm 1993 với vai trò là một luật sư tại Audier & Partners. Ngay từ những ngày Việt Nam và EU khởi động đàm phán EVFTA, ông Nicolas đã đảm nhận vị trí Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đến khi Hiệp định đi vào hiệu lực.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ bên lề hội nghị bàn tròn 3 "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với hiệp định EVFTA", ông Nicolas chia sẻ rằng, ông sống ở Hà Nội cho đến năm 2008 thì chuyển vào TP. HCM. 20 năm trước, ông gặp rất nhiều người mà giờ đây, họ đã là những lãnh đạo đáng tin cậy của Việt Nam. "Đó là một vinh dự vô cùng lớn".
Ông có nhận xét gì về làn sóng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn trên thế giới vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm vừa qua?
Theo tôi thì hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định đây là một "con sóng lớn". Đơn giản vì hàng loạt các dự án vừa qua chỉ là kết quả của những ý tưởng từ năm 2020. Để có giấy phép đầu tư năm 2021, các doanh nghiệp phải chuẩn bị từ năm 2019, 2020 hay thậm chí là rất lâu trước đó.
Điển hình như việc Tập đoàn Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) vừa qua cũng không phải là một quyết định chỉ trong ngày hôm ấy. Đúng là đã có nhiều khoản đầu tư rất lớn vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm vừa rồi. Nhưng nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, xu hướng này đã bắt đầu từ rất lâu trước đó.
Làn sóng này đã được thúc đẩy bởi những yếu tố chúng ta đã thấy rất rõ như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… hay thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Đó là những lý do chính đáng cho làn sóng này và tôi tin rằng nó sẽ còn tiếp diễn nữa.
EU là đối tác đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam, song trong số các các quốc gia thành viên, chưa quốc gia nào đứng trong top 10 quốc gia có đầu tư lớn vào Việt Nam. Đâu là nguyên nhân?
Thực ra, EU là một khối có thẩm quyền về thương mại của 27 quốc gia. Do vậy, những quy chuẩn về đầu tư hay xuất, nhập khẩu, chúng ta thường gộp chung lại vào từ EU.
Nếu nhìn về khía cạnh riêng lẻ, tôi cho rằng số liệu đưa ra so sánh chưa phải là con số tuyệt đối. Lấy ví dụ Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong khối EU, nhưng thực chất rất nhiều nhà đầu tư từ Hà Lan không phải trực tiếp, mà chỉ là trung gian.
Tương tự như vậy, nhiều khoản đầu tư của EU nhưng sẽ không trực tiếp từ EU vào Việt Nam, mà thông qua các quốc gia và vùng lãnh thổ trung gian khác, như Singapore hay Hồng Kông. Thực tế, rất hiếm khi một công ty Pháp đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ngoài ra thì hầu hết các dự án lớn đòi hỏi phải có nhiều đối tác.
Điều này cũng tương tự như khối ASEAN. Việc thúc đẩy hiệp định thương mại tự do với ASEAN để nhằm đặt các vấn đề ở cấp độ khối chứ không chỉ riêng các quốc gia trong ASEAN.
Hầu hết các dự án đầu tư của EU tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài. Điều này khiến liên kết giữa FDI và khu vực trong nước còn hạn chế. Làm thế nào để cải thiện vấn đề này?
Theo tôi, phần lớn các dự án đầu tư của EU tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài bởi các doanh nghiệp này muốn tuân thủ các quy tắc quản trị của riêng họ. Tuy nhiên điều này sẽ cần phải thay đổi, bởi các doanh nghiệp đang đạt được những thỏa thuận tại Việt Nam, hoạt động tại Việt Nam.
Thực tế, tôi cho rằng liên kết giữa FDI và khu vực trong nước đã được cải thiện nhiều. Bởi các doanh nghiệp FDI sẽ phải làm việc với các nhà cung cấp, khách hàng tại Việt Nam.
Đơn cử như nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu máy móc trong ngành dệt may thì đương nhiên phải làm việc với doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung, các doanh nghiệp hai bên không thể hoạt động đơn lẻ, họ đều đang ở trong chuỗi giá trị.
Trong quá khứ, Việt Nam rất thành công trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, gia công chế biến, chế tạo. Theo ông bây giờ Việt Nam có nên tiếp tục thu hút đầu tư vào những ngành ngày nữa không?
Theo tôi, Việt Nam nên, và thực tế đang thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ cao hơn. Trình độ chuyên môn và kiến thức của lao động Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Đây chắc chắn là động lực nhằm "kéo" các dự án có giá trị gia tăng cao cho Việt Nam.
Đúng là đến nay, tỷ lệ lớn các làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam đều liên quan đến các ngành truyền thống như dệt may, da giày… Song mục tiêu cuối cùng của chúng ta đều là thu hút thêm nhiều dự án, tăng giá trị gia tăng, học hỏi thêm chuyên môn và kiến thức.
Về lĩnh vực nào Việt Nam nên thu hút đầu tư, tôi cho rằng là tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế mới. Ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay có nền tảng rất tốt cho các doanh nghiệp startup. Tôi hy vọng là ngày nào đó chúng ta sẽ có Bill Gates Việt Nam hoặc là Elon Musk Việt Nam (cười). Hoặc biết đâu chúng ta sẽ tạo ra Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, đây là mục tiêu không chỉ của Việt Nam. Singapore cũng muốn làm được điều này, Thái Lan cũng vậy. Bởi thế, điều quan trọng nhất là làm sao để thu hút được người tài.
Theo ông, đâu là địa phương có tiềm năng trở thành Thung lũng Silicon nhất?
Có thể ở Hà Nội, có thể ở TP. HCM, có thể ở bất cứ đâu. Điều làm nên sự thành công của Thung lũng Silicon chính là một hệ sinh thái tốt. Hệ sinh thái mà trong đó phải rất đa dạng, có ngân hàng, có các nhà đầu tư mạo hiểm, có những ý tưởng mới, có luật sư…
Như vậy, địa phương nào tạo ra được hệ sinh thái tốt thì sẽ có tiềm năng.
Lao động Việt Nam có phải là yếu tố chính thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp ngoại?
Lao động Việt Nam được đào tạo rất tốt, phần lớn nhờ vào nền giáo dục tại đây, cùng với nhiều trường đại học chất lượng cao. Nhiều người hay nói rằng đầu tư vào Việt Nam bởi vì lao động rẻ. Tôi cho rằng đây không phải là lý do chính.
Chi phí lao động không phải là bộ phận duy nhất cấu thành giá cả. Nếu xét về chi phí, bạn phải tính đến chi phí đất đai, chi phí mặt bằng, chi phí sinh hoạt… Nếu cộng tất cả vào thì những chi phí này không hề rẻ. Thế nên khi đi quảng bá thị trường Việt Nam tại châu Âu, tôi không bao giờ nói rằng: "Đến Việt Nam đầu tư đi vì thị trường lao động giá rẻ. Không đời nào!".
Tôi nói rằng đến Việt Nam đầu tư đơn giản nếu muốn doanh nghiệp phát triển hơn. Đây là nền kinh tế năng động, bằng chứng rõ nhất là hãy nhìn vào GDP của Việt Nam trong nhiều năm qua. Chưa kể đến loạt hiệp định thương mại tự do, nền chính trị ổn định, sân bay tốt, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp... Như vậy, nếu bạn muốn kinh doanh ở châu Á, Việt Nam là điểm đến tốt nhất.
Liên quan đến các địa phương, thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đồng đều, nhiều tỉnh thu nhập thấp, ít thu hút được FDI. Vậy làm thế nào để định hướng cho các địa phương này thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư truyền thống?
Đúng là đang có sự phân bổ chưa đồng đều trong việc thu hút FDI. Nhiều nguồn vốn FDI đang đổ vào Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình. Nhưng vấn đề ở đây là, 10 năm trước, 15 năm trước, câu chuyện về đầu tư tại các địa phương này là hoàn toàn xa lạ.
Tôi ở Việt Nam đến nay đã 30 năm. Trước đó, việc di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang phải mất đến 2 ngày. Bây giờ thì bạn chỉ mất 6 tiếng, hoặc 7 tiếng nếu thời tiết tốt. Điều này đơn giản bởi Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt hơn trước rất nhiều.
Vậy để thu hút đầu tư vào những vùng sâu vùng xa, Việt Nam chỉ cần thúc đẩy phát triển đường xá, sân bay, hệ thống nước… mà ở đây là cơ sở hạ tầng. Ví dụ như hơn 16 năm trước, Dung Quất, Quảng Ngãi là một vùng đất rất xa xôi. Nhưng hiện tại khu vực này có nền kinh tế vô cùng đa dạng.
Mới đây, ông đã có kiến nghị về chính sách nới lỏng, rút ngắn thời gian cách ly đối với chuyên gia đã tiêm vaccine Covid-19 khi vào Việt Nam làm việc. Đâu là cơ sở để ông đưa ra kiến nghị này?
Lý do là đến tầm tháng 6, tháng 7, khoảng 70% dân số châu Âu sẽ được tiêm vaccine. Tôi nghĩ Mỹ cũng sẽ làm như vậy, Nhật Bản cũng sẽ làm như vậy… Do đó, khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta không nên để thời gian cách ly dài như cũ nữa. Đã hơn 1 năm, doanh nghiệp cần quay lại đà hoạt động, Việt Nam cũng cần mở cửa biên giới, các chuyến bay thương mại cũng cần phải được triển khai.
Nền kinh tế cần phải phục hồi. Chúng ta không thể lãng phí cơ hội với 70% dân số ở châu Âu được miễn dịch được.
Về vấn đề giấy phép sử dụng đất, ông có kiến nghị gì để "gỡ vướng" cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam?
Hiện các quy trình cho doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đều rất hợp lý. Tuy nhiên, vế vấn đề thời gian, chúng tôi phải mất rất lâu, hàng tháng, đôi khi hàng năm để thực hiện một dự án.
Bất kỳ dự án nào cũng liên quan đến đất, dù là bạn xây dựng nhà máy, khách sạn hay các khu nghỉ dưỡng. Như vậy thì mọi doanh nghiệp châu Âu sang Việt Nam đều phải xin quyền sở hữu đất, nhưng thủ tục này lại mất rất nhiều thời gian. Đó cũng là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua các khu kinh tế, khu công nghiệp. Bởi đây là nơi họ tiếp cận thủ tục đất đai nhanh chóng hơn.
Quỳnh Lê
Theo Trí thức trẻ
Cùng chuyên mục
- Tags:
- đa quốc gia /
- 20 năm trước /
- doanh nghiệp ngoại /
- tập đoàn đa quốc gia /
- doanh nghiệp nhỏ /
- trí thức trẻ /
- phòng thương mại /
- khu công nghiệp /
- nhà đầu tư /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Giải thưởng VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học 'Bứt phá Kiên cường'
DNTH: Ngày 06/12/2024 - Quỹ VinFuture chính thức công bố 4 công trình khoa học được vinh danh năm 2024. Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho “Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu”.
Chanh leo có "visa" vào Mỹ, vải thiều "gõ cửa" Hàn Quốc
DNTH: Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất sang Mỹ, còn vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc.
Hơn 3.000 điểm bán của Thế Giới Di Động trở thành đại lý thanh toán của VPBank
DNTH: Là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai mô hình đại lý thanh toán tại Việt Nam, VPBank và Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động đã chính thức hợp tác, mang đến cho khách hàng cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn...
Tiên phong thực hành ESG, Nestlé Việt Nam lan tỏa thông lệ tốt về thúc đẩy bình đẳng giới
DNTH: Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trở thành yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố môi trường mà còn chú trọng hơn vào xã hội và quản trị....
Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào vụ sản xuất 2024-2025
DNTH: Sáng 4/12, tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Nhà máy Đường An Khê-Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã chính thức nhấn nút bước vào vụ sản xuất 2024-2025.
Xe điện VinFast ‘hút’ người trẻ tại chuỗi sự kiện Zalopay YEF 24
DNTH: Dàn xe điện cá tính, sành điệu của VinFast với tâm điểm là VF 7 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khách hàng trẻ đến tham gia chuỗi sự kiện Zalopay Year End Fes 2024 (Zalopay YEF 24).
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...