Chuyện dự phòng ở Vietcombank

14:14 | 22/10/2020

DNTH: Vì sao Vietcombank luôn mạnh tay trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cực cao?

Chuyện dự phòng ở Vietcombank

Quy mô nguồn dự phòng của Vietcombank hiện rất lớn so với quy mô nợ xấu

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy quý vừa qua, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 5.000 tỷ đồng, giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, mức giảm là 9,4%.

Xu hướng đi xuống về lợi nhuận ở Vietcombank trái ngược với rất nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh, khi lợi nhuận vẫn tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đâu là nguyên nhân?

Một mặt, các ngân hàng gốc quốc doanh như Vietcombank đảm trách nhiệm vụ nặng nề hơn các ngân hàng tư nhân trong việc "cứu nguy" nền kinh tế, thường được gọi là "nhiệm vụ chính trị". Vì thế mà lợi nhuận cũng chịu tác động nhiều hơn.

Mặt khác, các ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank cũng khó xoay xở trong nghịch cảnh hơn các ngân hàng quy mô nhỏ hơn.

Tuy nhiên, một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng này là "truyền thống" thận trọng trong trích lập dự phòng rủi ro.

Từ năm 2016, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã vượt mức 100%, điều mà hiếm ngân hàng nào làm được bởi thời kỳ đó đa số vẫn còn đang phải vật lộn với nợ xấu tại VAMC (Vietcombank sạch nợ tại VAMC từ năm 2015).

Các năm tiếp theo, mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã rất cao nhưng vẫn tiếp tục tăng. Từ mức 119% năm 2016, lên mức 131% năm 2017, tiếp tục tăng lên 165% trong năm 2018. Năm 2019, tỷ lệ này là 179%.

Những tưởng việc giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cực cao (cao nhất và vượt trội so với các ngân hàng còn lại) là ý đồ của ban lãnh đạo Vietcombank, một mặt nhằm giữ ổn định tỷ lệ nợ xấu, mặt khác nhằm bảo vệ lợi nhuận trong các tình huống cực đoan, nhưng không!

Số liệu cuối tháng 9/2020 cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên đến 251%, nghĩa là 1 đồng nợ xấu được "bao bọc" bởi 2,51 đồng dự phòng. Tính toán cho thấy nếu ngân hàng này dùng nguồn dự phòng để xóa toàn bộ nợ xấu hiện tại, đưa tỷ lệ nợ xấu về 0%, thì nguồn dự phòng vẫn còn dư ra tới hơn 9.000 tỷ đồng và về lý thuyết, có thể hoàn nhập để tăng lợi nhuận thêm hơn 9.000 tỷ đồng.

Điều này nghĩa là ngay cả trong tình huống cực đoan như dịch Covid-19, Vietcombank vẫn giữ "truyền thống" thận trọng trích lập dự phòng, chấp nhận hy sinh tăng trưởng lợi nhuận, thay vì giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu vốn đã quá cao để bù đắp phần lớn lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi dịch.

Quan điểm điều hành đặc biệt này khiến không ít nhà đầu tư khó hiểu và từng đặt nghi vấn rằng phải chăng Vietcombank đang giấu lãi, hoặc có phải ngân hàng đã có lượng lớn nợ xấu tiềm ẩn nên mới phải trích lập dự phòng "quá tay" như vậy? Ban lãnh đạo ngân hàng này chỉ khẳng định rằng ngân hàng trích lập dự phòng đúng quy định pháp luật và không có lượng lớn nợ xấu tiềm ẩn như nghi vấn. Số liệu tài chính những năm qua cũng cho thấy Vietcombank là ngân hàng có chất lượng tài sản thuộc hàng tốt nhất hệ thống.

Kết thúc 9 tháng năm nay, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giữ ở mức thấp, chỉ 1,01% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp kể cả khi ngân hàng này dần ghi nhận lại nợ xấu đã tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, bởi nguồn dự phòng rủi ro hiện nay là quá lớn.

Cùng với đó, cũng không loại trừ khả năng sau khi đã xử lý rốt ráo nợ xấu hậu dịch Covid-19, lợi nhuận của Vietcombank sẽ bật tăng mạnh nhờ vào việc giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu về mức hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Vietcombank vẫn sẽ giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao bằng cách mạnh tay trích lập dự phòng, nhằm để dành "lương khô", trong tương lai lúc cần thiết sẽ sử dụng để gia tăng lợi nhuận, qua đó gia tăng nguồn vốn tự có, phục vụ cho sự phát triển của ngân hàng.

Cần lưu ý rằng Vietcombank là ngân hàng thương mại quốc doanh, Nhà nước giữ tỷ lệ sở hữu chi phối, đồng nghĩa rằng dư địa tăng vốn sẽ hạn chế hơn các ngân hàng tư nhân. Mặt khác, ngân hàng quốc doanh cũng chịu áp lực nặng nề hơn trong việc chia cổ tức do không có quyền tự quyết, lợi nhuận càng lớn thì chi trả cổ tức càng nhiều, ảnh hưởng đến nguồn vốn tự có của ngân hàng. Vì vậy, việc để dành "lương khô" là bước đi khôn ngoan trong hành trình phát triển dài hạn của ngân hàng này.

Minh Tâm

Theo VNF

https://vietnamfinance.vn/chuyen-du-phong-o-vietcombank-20180504224245240.htm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thẻ tín dụng HDBank - nhiều ưu đãi độc quyền cuối năm

Gia nhập hội chi tiêu phong cách cùng thẻ tín dụng HDBank để khám phá chuỗi ưu đãi độc quyền dịp cuối năm. Với vô vàn chương trình giảm giá đa tầng hấp dẫn, thẻ tín dụng HDBank không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn giúp...

Nhóm đối tượng yếu thế vay ‘nóng’ đối mặt với rủi ro tài chính

DNTH: Khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (thành viên của Tổ chức EY toàn cầu) cho hay, trong nhóm đối tượng “underbanked” (khách hàng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính ngân hàng) có tới 42% người...

Eximbank tổ chức thành công Đại hội cổ đông bất thường năm 2024

DNTH: Ngày 28/11/2024, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Khách sạn Melia Hà Nội.

SeABank nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi T24 lên R22 - phiên bản mới nhất được triển khai tại thị trường...

DNTH: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) đã nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) T24 Temenos lên phiên bản R22 - phiên bản mới nhất tại thị trường Việt Nam, nhằm tăng cường khả năng tuân thủ các quy định quốc...

Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất tiền gửi

DNTH: Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Công điện của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

DNTH: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.

XEM THÊM TIN