Cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN: Con đường không thể không đi

18:28 | 17/12/2019

DNTH: Thoái vốn và cổ phần hóa là một chủ trương cần thiết nhằm sử dụng vốn có hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, giảm các khoản nợ công để nền kinh tế phát triển theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, xóa bỏ triệt để cơ chế bao cấp để hội nhập kinh tế quốc tế...

Có thể nhìn thấy những tác động tích cực thông qua việc thoái vốn tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước khi Nhà nước sẽ thực hiện đúng chức năng của mình trong việc đề ra các chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô để phát triển kinh tế, không trực tiếp tham gia kinh doanh. Đây là việc làm giúp giải quyết được mâu thuẫn giữa quyền sở hữu vốn của Nhà nước và quyền sử dụng vốn của doanh nghiệp.

co phan hoa va thoai von tai dnnn con duong khong the khong di

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên tục đưa ra những chỉ đạo trước thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang quá chậm

Nhiệm vụ tất yếu…

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 

Theo đó, Chính phủ đã ban hành 11 nghị định và 1 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định và 1 Công văn chỉ đạo quy định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự cổ phần hóa, thoái vốn, phương pháp định giá, cơ chế đấu giá bán ra thị trường, chế độ, chính sách đối với người lao động… trong đó, cơ chế về cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng, đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật và công khai và minh bạch.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 – 2020, cả nước dự kiến thực hiện cổ phần hóa 127 doanh nghiệp trong đó, năm 2017 đã cổ phần hóa được 69 doanh nghiệp với tổng giá trị của nhóm này là 365.953 tỷ đồng (giá trị vốn Nhà nước là 160.156 tỷ đồng).

Trong khi đó, năm 2018 có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (cổ phần hóa 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp) với tổng giá trị doanh nghiệp là 29.934 tỷ đồng trong đó giá trị vốn Nhà nước là 15.543 tỷ đồng. 

Trong năm 2019, tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 4 doanh nghiệp Nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa (tổng giá trị doanh nghiệp là 680,9 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước là 615,3 tỷ đồng).

Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2019, Nhà nước đã thoái vốn tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.769,7 tỷ đồng, thu về 4.938,99 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách).

Trong khi đó, về sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 41/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty với 256 doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần của 18 Bộ, ngành, địa phương.

Vướng mắc cơ bản…

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, phần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt về doanh thu, lợi nhuận, quyền lợi cho người lao động… Không những thế, doanh nghiệp đã đổi mới quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch thông tin.

co phan hoa va thoai von tai dnnn con duong khong the khong di

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những năm qua được đánh giá là có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Những kết quả trên khẳng định, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. 

Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, kết quả đạt được của hai nhiệm vụ trên chưa như kỳ vọng, tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn còn chậm, chủ yếu do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Hai là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, thất thoát vốn tại một số dự án.

Ba là một số DNNN chậm sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bốn là lực lượng lao động trong DNNN còn đông, năng suất lao động thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu. Thêm vào đó, tình trạng thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong khi tổ chức bộ máy trong DNNN còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Đó chính là nguyên nhân khiến khoảng 70 doanh nghiệp đã “lỡ hẹn” với kế hoạch cổ phần hóa bên cạnh hàng trăm doanh nghiệp vẫn chưa chịu thoái vốn sau khi năm 2018 đã đi qua.

Gỡ vướng pháp lý

Ở thời điểm hiện tại, dù vấn đề cổ phần hóa cũng như thoái vốn tại DNNN đang được Chính phủ và các Bộ, ngành ra sức triển khai, tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chậm tiến độ thực hiện trong năm 2019 đã dẫn đến khả năng hoàn thành các mục tiêu Chính phủ đề ra là vô cũng khó khăn. 

co phan hoa va thoai von tai dnnn con duong khong the khong di

Vai trò tham mưu, đề xuất của Bộ Tài chính là vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ thoái vốn và cổ phần hóa DNNN.

Theo đó, để giải quyết tình trạng đó, hai nhóm giải pháp được chú trọng là tiếp tục bổ sung, sửa đổi các chính sách cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm trễ trong công tác này.

Theo kế hoạch của Chính phủ năm 2019, số doanh nghiệp phải cổ phần hóa là 88 doanh nghiệp bao gồm 70 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa của hai năm trước chuyển sang. Như vậy, ap lực hoàn thành cổ phần hóa không chỉ đến từ những con số nêu trên mà còn ở nhiều điểm vẫn còn vướng về các quy định pháp lý và sự quyết tâm của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Do đó, Chỉ thị 01 của Thủ tướng đã nêu rõ 2 nhóm vấn đề cần giải quyết với những vướng mắc nêu trên.

Về khuôn khổ chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một số văn bản sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp, xử lý tài sản công; Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về tiền sử dụng đất; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. 

Ngoài ra, Bộ này cũng thực hiện việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Về yếu tố con người trong việc thực thi chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ, điểm đáng chú ý tại Chỉ thị 01 là nội dung: “Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn”. Theo đó, cách làm như vậy sẽ buộc phải công khai danh tính các cá nhân chậm trễ trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn.

 

Theo Thời báo chứng khoán

https://tbck.vn/co-phan-hoa-va-thoai-von-tai-dnnn-con-duong-khong-the-khong-di-55948.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn

DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...

Đồng Nai: Vi phạm môi trường, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bị xử phạt 790 triệu đồng

DNTH: UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt hành chính 790 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

BCG Energy - 'quân bài' chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.

Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu

DNTH: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024, tuy nhiên các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng trước đó. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại và...

PV GAS và PV Power ký hợp đồng mua bán chuyến tàu LNG đầu tiên cung cấp cho chạy thử các nhà máy điện

DNTH: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa tổ chức lễ ký hợp đồng cung cấp LNG phục vụ việc chạy thử Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4.

BSR tổ chức Hội nghị tập huấn cấp ủy năm 2024

DNTH: Đảng ủy Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp ủy năm 2024 cho các cấp ủy trực thuộc.

XEM THÊM TIN