Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử?

10:16 | 26/12/2020

DNTH: Năm 2020, Việt Nam liên tục đón được các tập đoàn lớn trong ngành điện tử, trong số đó có cả nhà cung cấp của Apple là Foxconn và Pegatron… Làm sao để các công ty này tạo ra nhiều lợi ích cho Việt Nam, mà không làm cho các nhà sản xuất Việt thua trên chính sân nhà?

Trao đổi với Trí thức trẻ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định: "Không thể để cho thị trường của chúng ta bị thao túng hoàn toàn bởi doanh nghiệp nước ngoài được. Đó luôn luôn là không nên trong việc quản lý kinh tế vĩ mô".

Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử? - Ảnh 1.

Trong một năm đầy biến động vì Covid-19, hàng loạt chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp ngành điện tử đã bị tác động như thế nào? Có phải các doanh nghiệp là nhà cung cấp cho thương hiệu lớn sẽ "dễ sống" hơn các doanh nghiệp khác?

Mỗi khủng hoảng lại có đặc điểm riêng. Covid-19 tác động trực tiếp vào chuỗi cung ứng, nên doanh nghiệp hỗ trợ sẽ cảm nhận rất rõ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ lẻ có hệ thống logistics mong manh, phụ thuộc nhiều vào các đơn hàng đơn lẻ. Các cụ có câu "Buôn có bạn, bán có phường", những người làm ăn có hội thì việc tương trợ cũng tốt hơn là đơn lẻ. Doanh nghiệp nào cũng vậy, muốn đi xa và muốn làm bền bỉ dài lâu cũng phải có hội, và chuỗi cung ứng mang tính chất như vậy.

Tuy nhiên, một nhà cung ứng cũng chưa chắc phụ thuộc vào một chuỗi. Những doanh nghiệp là nhà cung ứng chuyên nghiệp thì họ có thể cung ứng cho một vài chuỗi. Tinh mà linh hoạt, cách điều hướng nguồn cung của họ sẽ tốt hơn những doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào một kênh bán hàng, mua hàng đơn lẻ thôi. Rõ ràng nếu xét về tính rủi ro thì bao giờ làm ăn đơn lẻ cũng rủi ro cao hơn, nhưng cũng có thể là thu về lợi nhuận nhiều hơn dù độ an toàn không cao.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hỗ trợ cũng được lợi trong khủng hoảng. Ví dụ như là trong giai đoạn Covid-19, mọi người phải làm việc ở nhà nhiều, nhu cầu cho máy tính, thiết bị ngoại vi lại gia tăng và đến giờ vẫn còn tiếp tục tăng.

Điều này thể hiện ngay trong kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử trong giai đoạn từ tháng giêng đến tháng 9 năm nay. Tỷ trọng xuất khẩu máy tính và linh kiện gia tăng nhiều hơn điện thoại di động. Những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện sẽ cao hơn máy tính, nhưng năm nay thì ngược lại.

Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử? - Ảnh 2.

Trong năm 2020, có rất nhiều cái tên lớn trong ngành điện tử đã tuyên bố sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam, như các nhà cung cấp cho Apple. Có thông tin từ báo chí quốc tế cho biết trong thời gian tới các sản phẩm công nghệ cao như iPad có thể sẽ Made in Vietnam. Điều này đang được nhận định là "tin tốt" đối với Việt Nam. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, bà nhận thấy Việt Nam có cơ hội và thách thức gì từ đó?

Trước hết, tôi muốn làm rõ, xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng vào Việt Nam thực ra đã bắt đầu từ cách đây 2 năm, mà nguyên nhân sâu xa, lại không hoàn toàn do thương chiến Mỹ-Trung hay Covid-19.

Trung Quốc có ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin đến nay đã tương đối phát triển. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, họ đã phát triển lên tầm cao hơn là chỉ lắp ráp đơn thuần như trước. Việt Nam là nước khá tương đồng với Trung Quốc trong các hoạt động về sản xuất điện tử, cả về nhân công và vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, logistics… và sẽ rất phù hợp để tiếp nhận dòng dịch chuyển vốn, cũng chính là dòng dịch chuyển về công nghệ.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung hay Covid-19 chỉ làm cho xu hướng này thể hiện rõ nét hơn và đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển mà thôi. Còn chắc chắn, xu hướng dịch chuyển công nghệ trong sản xuất điện tử sẽ luôn luôn là dòng chảy công nghệ từ cao xuống thấp, từ nước có công nghệ phát triển cao hơn sang các nước có điều kiện thấp hơn với mục tiêu cắt giảm chi phí, chỉ là sớm hay muộn.

Khi Covid-19 xảy ra, các nhà sản xuất đầu chuỗi như Apple, Samsung hay LG giật mình nhận ra mình quá phụ thuộc vào một thị trường, rủi ro sẽ cao. Chứ họ không hề đánh giá thấp Trung Quốc. Dù làm ở đâu họ cũng sẽ muốn phân bổ rủi ro thay vì tập trung vào một nơi. Và vì thế các nhà sản xuất đầu chuỗi một phần chuyển ra ngoài Trung Quốc, một phần là tìm những nguồn cung ứng thêm để dự phòng.

Tuy nhiên, trong bất cứ câu chuyện kinh tế nào cũng có thời cơ và thách thức. Thách thức ở đây là chúng ta sẽ có nguy cơ mất lợi thế thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Thị trường chính là một dạng tài nguyên mềm. Phải nói, Việt Nam cũng có lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài là thị trường gần 100 triệu dân, lao động trẻ, vị trí địa lý là ngã ba trung chuyển thuận lợi. Nếu doanh nghiệp trong nước yếu quá, để FDI thống trị hoàn toàn thì nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào FDI rất nhiều. Tất nhiên trong giai đoạn này, mình yếu quá thì đành chịu. Nhưng với tư cách một người trong ngành, quan điểm của tôi là không nên đành chịu như vậy.

Chính phủ và các nhà sản xuất công nghiệp trong ngành cần có định hướng, rằng từ từ từng bước, chúng ta sẽ tiếp thu được những công nghệ nhà đầu tư đưa vào để làm chủ và có những doanh nghiệp có đủ năng lực canh tranh được ở thị trường trong nước. Không thể để cho thị trường của chúng ta bị thao túng hoàn toàn bởi doanh nghiệp nước ngoài được. Đó luôn luôn là không nên trong việc quản lý kinh tế vĩ mô.

Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử? - Ảnh 3.

Khi xu hướng hội nhập là không thể đảo ngược, có lẽ việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của chúng ta sẽ khó khăn hơn các hình mẫu công nghiệp như Nhật, Hàn. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp FDI không lấn át cơ hội phát triển của doanh nghiệp nội?

Trong giai đoạn đầu, khi doanh nghiệp nội còn yếu, đương nhiên phải cho FDI vào, nhưng phải có điều tiết. Lúc này cần đến bàn tay của Nhà nước, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có vườn ươm hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt để họ đủ năng lực tiếp nhận công nghệ, dần dần từng bước sẽ làm chủ công nghệ để có năng lực cạnh tranh, giữ được thị trường trong nước. Nếu doanh nghiệp không đủ mạnh thì không thể bảo vệ "nguồn tài nguyên mềm" là thị trường của mình.

Thứ nhất, mở cửa cho FDI nhưng phải chọn lọc công nghệ thượng nguồn, không mang tính cạnh tranh cao với những công nghệ đã có sẵn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. FDI vào Việt Nam cần tạo được hiệu ứng lan tỏa, tạo công ăn việc làm và tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI đó, đồng thời tạo cơ hội tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, công nghệ đưa vào Việt Nam không được phép là công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng không tái tạo, hủy hoại môi trường. Nếu FDI vào Việt Nam là nhà sản xuất đầu chuỗi, lại kéo theo một loạt vendor là doanh nghiệp nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh với doanh nghiệp Việt, tiêu thụ toàn bộ đất đai và các nguồn tài nguyên không tái tạo của mình để thu lợi cho chính họ thì Việt Nam sẽ chẳng có lợi gì.

Bên cạnh việc ưu đãi, Chính phủ cần đặt điều kiện cho họ. Ví dụ như là một nhà sản xuất đầu chuỗi vào Việt Nam thì cần có yêu cầu mục tiêu phát triển được bao nhiêu nhà cung ứng là doanh nghiệp Việt trong 5 năm đầu tiên, rồi cho 5 tiếp theo. Như vậy thì doanh nghiệp Việt mới có cơ hội tận dụng được thị trường trong nước của mình và tham gia được vào sân chơi toàn cầu, tạo công ăn việc làm và cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề cho lao động.

Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử? - Ảnh 4.

Thường có một vấn đề là khi doanh nghiệp đầu chuỗi không cam kết mua vì sợ chất lượng kém, thì doanh nghiệp hỗ trợ cũng không dám đầu tư dây chuyển nâng cao chất lượng, tạo thành một vòng luẩn quẩn giữa sản lượng thấp và chất lượng kém. Vậy trong ngành điện tử, tình trạng này có xảy ra hay không?

Thực ra trong ngành điện tử, không bao giờ có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu chuỗi có cam kết mua hàng. Nhưng họ cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bằng cách định hướng hạng mục linh kiện mà họ có nhu cầu lớn và muốn tìm nguồn cung trong nước.

Một số doanh nghiệp đầu chuỗi cũng có sự hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao năng lực. Ví dụ như Samsung, họ có chương trình "đồng thịnh vượng", kéo dài đến nay đã là năm thứ ba trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù không cam kết nhưng có hỗ trợ, doanh nghiệp FDI từ Nhật như Canon, hay FDI từ Mỹ cũng có những chính sách hỗ trợ tương tự.

Chính phủ cũng không thể ép buộc doanh nghiệp FDI được, mà chỉ có thể yêu cầu họ phát triển mạng lưới nhà cung cấp Việt Nam đến một con số cụ thể, còn mỗi doanh nghiệp sẽ có cách làm của riêng họ.

Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử? - Ảnh 5.

Chúng ta đã có tổ công tác "đón đại bàng", song song với đó, theo bà có cần một tổ công tác để thực hiện quyết liệt hơn các ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong ngành điện từ?

Thực ra, tổ công tác sẽ chỉ tập trung giải những bài toán tình thế, thách thức ngắn hạn, còn bài toán căn cơ trong việc phát triển thì tổ công tác sẽ khó giải quyết được. Điểm căn cơ nhất, là từng cán bộ quản lý phải thay đổi cách nhìn với doanh nghiệp. Hiện nay, cách nhìn của chúng ta với doanh nghiệp thì chưa có tư tưởng là để hỗ trợ, mà thường là phán xét, chỉ trích.

Khi tôi đến các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore… quan chức Chính phủ luôn có quan điểm là khi tiếp cận doanh nghiệp thì xem xem họ đang khó gì, làm thế nào để giúp được họ. Phải nhìn thấy rằng, phát triển doanh nghiệp chính là phát triển "nồi cơm" của ngân sách. Vì thuế thu nhập của các doanh nghiệp là nguồn thu ngân sách cơ bản nhất.

Riêng về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, theo tôi nhà nước nên quản lý ngay từ đầu ra. Tức là khi doanh nghiệp sản xuất được linh phụ kiện và bán được cho doanh nghiệp FDI hoặc trong nước thì đã thể hiện ngay trên hóa đơn đầu ra của họ. Và ưu đãi thì ưu đãi luôn ở đó, chứ tại sao lại phải có thông tư, nghị định, luật để công nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, rồi lại tìm xem áp chính sách gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp có đủ những điều kiện đó?

Từ việc thay đổi cách nhìn như vậy, tác động tích cực sẽ đi vào cả hệ thống luật, thông tư, nghị định. Luật, nghị định, thông tư cần theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, không phải theo hướng đánh giá, phán xét hay bắt lỗi.

Đại bàng, sếu đầu đàn và chim sẻ: Làm sao cân bằng lợi ích và bảo vệ tài nguyên “mềm” cho công nghiệp điện tử? - Ảnh 6.

Để không phụ thuộc vào FDI thì tạo ra các doanh nghiệp đầu chuỗi mạnh của Việt Nam là rất quan trọng. Vậy Chính phủ cần có những hỗ trợ như thế nào để có thể tạo ra các doanh nghiệp đầu chuỗi mạnh của Việt Nam?

Có doanh nghiệp đầu chuỗi Việt, thương hiệu Việt là mong muốn cháy bỏng nhất của các doanh nghiệp công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, đó không phải là điều có thể ngay và luôn được.

Để có được một doanh nghiệp đầu chuỗi, thì cũng cần phải có một hệ sinh thái doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trước hết, khi doanh nghiệp còn yếu, họ phải dựa vào doanh nghiệp FDI. Khi đã có một số lượng nhất định doanh nghiệp là nhà cung cấp cho những doanh nghiệp lớn và đủ năng lực theo tiêu chuẩn chuỗi cung ứng quốc tế thì vô hình chung đã tạo được một hệ sinh thái rồi.

Lúc đó, nếu có một doanh nghiệp đầu chuỗi của Việt Nam, mang thương hiệu Việt và có đủ năng lực sáng tạo, R&D, xây dựng thương hiệu thì đã có đội ngũ nhà cung ứng trong nước đủ mạnh để có thể có nguồn cung ứng linh kiện tại chỗ. Điều đó sẽ giúp họ phát triển nhanh hơn.

Cần có những người cầm cờ đứng lên, ví dụ như Vinsmart hay BKAV. Dù thực ra, đến thời điểm này, nguồn cung ứng cho họ vẫn chưa nhiều doanh nghiệp trong nước, do doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cung ứng.

Thông qua học hỏi FDI, thông qua chuyển giao, thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới lớn mạnh dần lên và có hệ sinh thái đầy đủ, bài bản, hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, việc này cũng cần có sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ. Thực sự, ngành công nghiệp điện tử rất khắc nghiệt, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, tốc độ thay đổi nhanh, chu kỳ sống của sản phẩm rất ngắn nên chi phí lớn và còn phải đổi mới thường xuyên.

Đổi mới công nghệ đòi hỏi một sức sáng tạo và tích lũy tư bản rất là nhiều. Hiện giờ doanh nghiệp Việt hầu như là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực chưa có. Thế nên chính sách cởi trói cho doanh nghiệp Việt, hỗ trợ startup, quỹ đầu tư thiên thần, nguồn lực tài chính phải thiết kế để cho doanh nghiệp tiếp cận được chứ không phải chỉ hay trên giấy tờ.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Hoàng An

Theo Trí thức trẻ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tết này thêm đỏ cùng triệu lộc vàng khuyến mại từ Bia Hà Nội - Tết 2025

DNTH: Chào đón năm Ất Tỵ 2025 đầy tài lộc may mắn, Bia Hà Nội mang đến cho khách hàng nhiều giải thưởng có giá trị trong dịp Tết với chương trình khuyến mại “Thấy Bia Hà Nội là thấy Tết”.

Soi độ đẳng cấp của Rixos và những thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp đang đổ bộ Phú Quốc

DNTH: Đảo Ngọc hứa hẹn đón cú bùng nổ trong tương lai, khi loạt thương hiệu nghỉ dưỡng đẳng cấp bậc nhất thế giới như Rixos, The Luxury Collection, Ritz Carlton Reserve… đang đổ bộ.

Chìa khóa giúp ROX Key lan tỏa các giá trị tổ chức

DNTH: Việc đầu tư vào con người và xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa giúp ROX Key (tiền thân là TNS Holdings - Mã CK: TN1) lan tỏa các giá trị của tổ chức từ bên trong ra bên ngoài, hướng tới nhà đầu tư, khách hàng một cách bền...

PV GAS CNG nhận giải Top 20 Báo cáo thường niên tốt nhất 2024

DNTH: Tại lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards – VLCA) lần thứ 17, Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (PV GAS CNG) đã vinh dự được xướng tên trong Top 44 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất về minh bạch...

Nestlé Việt Nam đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tiến vào kỷ nguyên xanh

DNTH: Nhận thức về trách nhiệm và vai trò của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Trong nhiều giải pháp, phát...

Dấu ấn mới trên hành trình phát triển bền vững của ROX Group

DNTH: Sau gần một năm thực hiện chiến lược thương hiệu mới, ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đã tạo được dựng hình ảnh mới về một Tập đoàn đầu tư đa ngành, đề cao tinh thần Nhân văn - Đổi mới - Quốc tế và quan tâm...

XEM THÊM TIN