"Dân giàu" - Đặc trưng hàng đầu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
14:54 | 26/10/2020
DNTH: Qua hơn 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, lý luận về CNXH ở Việt Nam cũng có những bước tiến quan trọng. Trong đó, có việc xác định đặc trưng hàng đầu của mô hình CNXH ở Việt Nam là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Trên thực tế và trong nghiên cứu, “Dân giàu” đã được nhiều người đề cập tới, nhưng còn chưa nhận thức được đầy đủ nội hàm của nó, chưa thấy được rằng, việc xác định rõ và dần hiện thực hóa mục tiêu này cần được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của tư duy đổi mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Để có sự khẳng định lý luận này là cả một quá trình tìm tòi và rất nhiều nỗ lực để hiện thực hóa quyền của người dân được làm ăn, từ đó mà làm giàu và được Nhà nước bảo trợ, khuyến khích làm giàu hợp pháp...
1. “Dân giàu” trước hết là quyền được “làm ăn” và làm giàu của nhân dân
Nội dung quan trọng hàng đầu của dân giàu là nhân dân được “làm ăn”, tự lo cuộc sống cho mình, là hiện thực hóa quyền “tự do mưu cầu hạnh phúc” như tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945). “Dân giàu” trước hết liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường. Dân ở đây là nhân dân, những người đang tham gia sản xuất kinh doanh trong thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, tiểu chủ, kinh tế hộ gia đình... Họ đa số là những người dân vất vả làm ăn, toan lo nghèo khó, chỉ mơ ước một cuộc sống bình dị, có đủ cái ăn, cái mặc.
Quan niệm cũ về mô hình kinh tế của CNXH là một trong những tác nhân khiến cho vấn đề Dân giàu khó hiện thực hóa. Những lo lắng về khả năng tự phát của “kinh tế sản xuất nhỏ hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”, những tư duy giáo điều, bảo thủ... đã từng là các trở lực bên trong cho quá trình tư duy và hiện thực hóa Dân giàu. Quan niệm rằng, nhà nước XHCN với nguồn lực tập trung và năng lực kế hoạch hóa và khả năng tổ chức quản lý kiểu mệnh lệnh của mình có khả năng thay thế cho “bàn tay vô hình” và có thể lo cho cả xã hội một cách công bằng. Sở hữu toàn dân và tập thể chưa tương thích và chưa khơi dậy được những năng lực sản xuất còn tiềm tàng trong dân. Nhà nước với cơ chế quản lý kiểu tập trung, hành chính, chế độ bao cấp - bao tiêu trong thời chiến trước đây, đã bộc lộ những bất cập ở thời bình.
Trong tư duy cũ, người dân dường như chỉ là đối tượng thụ hưởng, được quản lý và an tâm làm theo cơ chế Nhà nước quản lý tất cả. Những hành động tự cứu, năng động kinh tế của người dân không được thừa nhận và buộc phải tồn tại dưới dạng kinh tế ngầm, kinh tế cá thể. Còn người dân làm kinh tế thì bị coi là nhân tố cản trở sự nghiệp xây dựng CNXH. Cơ chế quản lý kiểu kế hoạch hóa, tập trung, được cho là để tạo ra sự công bằng, tránh tình trạng vô chính phủ, lãng phí sức sản xuất do “cạnh tranh mù quáng”... Cơ chế ấy, sau một thời gian vận hành đã bộc lộ rõ sự duy ý chí. “Những điều bất cập của kế hoạch hóa tập trung... nằm ngay trong bản thân của mô hình này, vì nó đặt ra một yêu cầu mà không một nhà bác học nào hay thậm chí cả một tập thể các nhà bác học giỏi nhất trên thế giới có thể giải quyết được”(1). Vì, kế hoạch hóa đã bỏ quên mất một yếu tố quan trọng nhất là sức dân, là năng lực sản xuất ở trong dân và sự sáng tạo của nhân dân.
Đại hội VI của Đảng đã thừa nhận sự bất cập của tư duy cũ: “Chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hóa đang tồn tại khách quan...”; “Chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài” mà “nóng vội muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh”. Do vậy, vô hình trung chưa tạo ra môi trường thuận lợi cho nhân dân làm ăn và làm giàu. Bài học kinh nghiệm mà Đại hội VI rút ra là “phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc”. “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”(2). Nguyện vọng, lợi ích và khả năng của dân lúc này là được làm ăn và làm giàu bằng sức của mình.
2. Dân được làm ăn và làm giàu trong vị thế bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
Đại hội VII đã khẳng định dân được phép “làm ăn” thông qua việc xác định rõ các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường. Vị thế kinh tế tư nhân của người dân đã được xác định trong chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức, nhân dân bỏ vốn là chính kết hợp với sự hỗ trợ chủ yếu bằng chính sách của Nhà nước. Kinh tế tư nhân được phát triển theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất; hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước”(3). Nhà nước đã bảo đảm quyền làm ăn của dân, tạo môi trường pháp lý hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Song ở thời kỳ này, vẫn còn ảnh hưởng của tư duy cũ: Kinh tế tư nhân được phát triển theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước. Ở đây, “bàn tay hữu hình” vẫn được nhấn mạnh, như một sự định hướng và chưa rõ mặt tích cực của “bàn tay vô hình” trong kinh tế thị trường. Lúc đó, chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm về quản lý kinh tế thị trường để có những quyết sách mạnh dạn hơn.
Sau 10 năm đổi mới, Đại hội VIII (1996) đã đúc kết kinh nghiệm ban đầu về những yếu tố điều kiện và định hướng cho sự làm ăn và giàu có của dân: “Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”. Những thành phần kinh tế của dân, từ dân đã được định danh là “kinh tế cá thể, tiểu chủ” và “kinh tế tư bản tư nhân” với vị thế bình đẳng trước pháp luật. Mục tiêu là “Lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu...”(4).
Động lực lợi ích đã được nhìn nhận thông qua việc chấp nhận phương thức phân phối đa dạng: “Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội”(5). Cùng với phân phối dựa trên kết quả lao động, phân phối dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh đã trở thành những phương thức phân phối chủ yếu của CNXH ở Việt Nam - đây là điểm mới của Đại hội VIII so với Đại hội VII. Lần đầu tiên, Đảng ta đã có quan niệm mới về làm giàu hợp pháp: “Phân phối và phân phối lại hợp lý các thu nhập; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, không để diễn ra chênh lệch quá đáng về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng, các tầng lớp dân cư”(6).
Tính chất XHCN của nền kinh tế thị trường nước ta đã được Đảng xác định ngày càng rõ: “Để phát triển sức sản xuất, cần phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, thừa nhận trên thực tế còn có bóc lột và sự phân hóa giàu nghèo nhất định trong xã hội, nhưng phải luôn quan tâm bảo vệ lợi ích của người lao động, vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp, vừa coi trọng xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội, tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả”(7).
3. Dân làm giàu và sự công bằng trong tiếp cận các điều kiện sản xuất kinh doanh
Đại hội IX (2001) khẳng định tính chất đa dạng và vị thế bình đẳng và triển vọng tồn tại lâu dài của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Nhìn từ phương diện kinh tế, CNXH ở Việt Nam được xây dựng bằng sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự đồng thuận, cộng sinh và phát huy mọi nội lực tiềm tàng của dân. Lần đầu tiên, vấn đề làm ăn và làm giàu của nhân dân được đề cập khá đầy đủ cả về quan điểm phát triển, hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, vị thế vai trò...trong nền kinh tế quốc dân. Dân được làm ăn, làm giàu và đóng góp xây dựng đất nước trong mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sản xuất và dịch vụ.
Đảng và Nhà nước bảo đảm ổn định về môi trường kinh doanh qua khẳng định: “Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh...”(8) và xác định trách nhiệm: “Tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước”(9).
Đại hội X (2006) xác định rõ: nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có 3 chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân) với 5 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh” và “Xoá bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu”. Vị thế của “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”(10). Đây là lần đầu tiên, vị thế của kinh tế dân doanh được xác định là “quan trọng”, là “động lực” của nền kinh tế XHCN và nằm trong Chiến lược phát triển doanh nghiệp quốc gia.
Đại hội XI (2011) đặt ra nhiệm vụ hướng tới “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Bằng cách tạo ra “Công bằng trong phân phối các yếu tố sản xuất, tiếp cận và sử dụng các cơ hội, điều kiện phát triển”. Quy mô của thành phần kinh tế tư nhân, dân doanh cũng được Nhà nước quan tâm phát triển để vươn lên từ phổ biến là quy mô nhỏ và vừa trở thành các tập đoàn kinh tế tư nhân: Đại hội XI chủ trương: “Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân...”(11).
Hiến pháp 2013, Điều 32 và 33 xác định rõ về quyền sở hữu, định đoạt thụ hưởng thành quả từ tài sản cá nhân và được Nhà nước bảo hộ.
“Điều 32
1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Điều 33
Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Điều 51, Khoản 3 “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”(12).
Đại hội XII (2016) tiếp tục khẳng định vai trò kinh tế dân doanh - tư nhân là một “động lực quan trọng” của nền kinh tế nước ta. “Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh”(13); “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”(14). Nhà nước đảm bảo pháp lý về quyền tài sản: “Thể chế hóa quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013”(15).
Như vậy đến nay, Đảng, Nhà nước đã xác định rõ đường lối chiến lược và khung khổ pháp lý về vấn đề “dân giàu” ở Việt Nam. Làm ăn và làm giàu đã trở thành quyền của nhân dân ta và là nghĩa vụ được Nhà nước ta cam kết bảo hộ, tạo cơ hội phát triển.
Vấn đề “Dân giàu” từ mục tiêu đã dần trở thành hiện thực trong kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta với tư cách là quyền được làm ăn của nhân dân và được Nhà nước cam kết có nghĩa vụ bảo hộ. Từ vị thế không được thừa nhận và buộc phải tồn tại dưới dạng “kinh tế ngầm”, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình... được thừa nhận là một thành phần kinh tế có vai trò quan trọng, được Nhà nước bảo hộ và tồn tại một cách lâu dài trong sự nghiệp xây dựng CNXH; Nhà nước còn tạo ra cơ hội phát triển cho sự nghiệp dân giàu qua việc tạo điều kiện cho sự hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân... Nhờ đó, trong những năm qua, thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta hằng năm đã tham gia giải quyết 90% nhu cầu việc làm mới của xã hội; đóng góp từ 38 - 42% GDP, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo của quốc gia. Dân giàu đã và đang trở thành hiện thực trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hiện thực ấy là một trong những thành quả rất to lớn của thực tiễn Đổi mới và đổi mới tư duy lý luận về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam.
_____________________
(1) Đặng Phong: Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 - 1989, Nxb Tri thức, TP Hồ Chí Minh, 2012, tr.109
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, 2006, t. 47,tr. 711
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51, tr.103.
(4), (5), (6), (7) Văn kiện Đảng Toàn tập, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, t.55, tr.375, 376, 376, 360.
(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.95-96, 100.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.83
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.209.
(12) Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật/ Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam do Quốc hội nướcCHXHCN Việt Nam ban hành ngày 28-11-2013.
(13), (14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.105, 108, 104.
PGS, TS Nguyễn An Ninh
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
DLG hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Mass Noble (Hồng Kông)
DNTH: Ngày 31/12, lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL; mã chứng khoán: DLG) cho biết, vừa hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuyển nhượng thành công một công ty thành viên tại Hồng Kông có nhà máy ở Trung Quốc.
MB “bắt tay” Viettel, biến hơn 2.000 cửa hàng, siêu thị, bưu cục thành điểm giao dịch tài chính
DNTH: Sự hợp tác của hai thương hiệu hàng đầu sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính của MB qua hệ thống điểm giao dịch của Viettel trải dài 63 tỉnh thành.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu mạnh của Masan
DNTH: Xây dựng được thương hiệu mạnh, được người yêu dùng tin yêu là yếu tố tiên quyết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng bán lẻ. Masan với vị thế đầu ngành, là một trong số ít doanh nghiệp nội địa có chiến...
Thiết lập tiêu chuẩn mới về hậu mãi, VinFast giúp người dùng xe máy điện an tâm hơn
DNTH: Với thời hạn bảo hành lên đến 5 năm, gần gấp đôi các hãng xe máy trên thị trường, cùng hệ thống xưởng dịch vụ rộng khắp 63 tỉnh, thành, VinFast đang thiết lập một tiêu chuẩn mới cho thị trường xe máy tại Việt Nam.
Giáng sinh tại Danko City - Nơi trái tim hòa nhịp cùng ánh sáng và âm nhạc
DNTH: Không khí Giáng sinh đã len lỏi khắp các con phố, mang theo niềm vui và sự ấm áp. Tại Danko City, một không gian lễ hội lộng lẫy được thắp sáng bởi hàng ngàn ánh đèn rực rỡ sẽ hòa cùng giai điệu du dương của âm nhạc mùa lễ...
Xanh SM khai trương dịch vụ taxi điện tại Indonesia
DNTH: Jakarta, ngày 18 tháng 12 năm 2024 – Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (“GSM”) chính thức ra mắt dịch vụ taxi điện Xanh SM tại Indonesia. Đây là quốc gia thứ ba có hiện diện của Xanh SM sau Việt Nam và Lào. Với việc mang...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động
-
Lo thua lỗ, nhà vườn giảm số lượng hoa Tết
-
Khi chế tài đủ sức răn đe
-
Hàng nghìn chậu nho cảnh cung ứng cho thị trường Tết
-
Tăng mức phạt vi phạm, giao thông Hà Nội có nhiều chuyển biến
-
Hơn 13.500 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý ngày đầu năm mới
Sống khỏe
-
Herbalife khảo sát 'New Year, New Me' về nâng cao thể chất của người Việt Nam năm 2025
-
Người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID
-
Đảng bộ Bệnh viện đa khoa Vân Đình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
-
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
-
Đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết tại Thu Cúc TCI
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...