Đền Trần Thương, lễ hội phát lương - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

09:33 | 20/01/2021

DNTH: Đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cùng gia quyến và các bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Ngôi đền là di tích Quốc gia đặc biệt, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc, nghệ thuật và cả những giá trị văn hóa tâm linh.

Những giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc, nghệ thuật

Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương). Những nơi có liên quan mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương thể hiện qua câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc”.

 Địa danh Trần Thương cùng ngôi đền có từ lâu đời, qua những nghiên cứu lịch sử và khảo - cổ học có thể khẳng định: Trần Thương là kho lương thời Trần, đã cùng hàng chục kho lương khác ở Thái Bình, Nam Định là chỗ dựa vững chắc cho quân đội nhà Trần trong ba lần chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Nhân dân và du khách thập phương tham dự lễ phát lương năm 2019. Ảnh: Đỗ Trọng

Tương truyền, trên đường đí đánh quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai vào năm 1285, bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, Trần Quốc Tuấn chọn nơi cất giữ kho lương ở đây để phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Địa thế này rất thuận tiện cho việc vận chuyển, tích trữ lương thảo của triều đình. Vùng đất này có 6 con mương nhỏ gọi là "Lục đầu khê" như 6 con rồng chầu về. Đi theo các mương này ra Long Xuyên, xuôi Xuân Khê, ra sông Châu, xuống Tuần Vường ra biển hoặc từ đây ra sông Hồng chỉ gần 2 km, rồi-qua Phố Hiến (Hưng Yên), hay về Thăng Long đều được. Chính vì thế đất quý nên Trần Hưng Đạo chọn làm kho và đặt tên là Trần Thương (thương là kho). Ông còn đặt tên các địa danh: "Đội Xuyên" (quân canh giữ thường xuyên), "Khu Mật" (khu tối mật), "Khu Hoàng“ (khu của các vị hoàng tộc, vương tộc, quan tướng ở). Trải qua thời gian, nơi đây hiện nay vẫn còn giữ được tên cũ như Trần Thương, Khu Hoàng, Đội Xuyên…

Kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương  mang đậm nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Đền được xây dựng vào thời hậu Lê, nằm trên nền kho lương của nhà Trần trong giai đoạn chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Với kiến trúc đặc sắc và độc đáo khác hẳn những ngôi đền khác ở mọi nơi, đền Trần Thương được xây dựng theo tư duy phong thuỷ: Phía trước cổng đền có hồ nước gọi là Huyền Vũ án cửa; Cổng Tam quan chính Ngọ gọi là Ngọ Môn Quan; Phía trước hậu cung là hồ nước gọi là Hồ khẩu; Sau đền là gò đất cao tạo sơn vững chắc; Bên trái khu đền một lạch nước nhỏ chạy dài gọi là Thanh long, Bên phải có con đường gọi là Bạch hổ. Ngôi đền bề thế với lối kiến trúc theo kiểu chữ tam, hai bên là giải vũ, bên trong tam toà là tiền tế, trung điện và hậu cung…

Đền Trần Thương hiện còn lưu giữ 202 di vật, cổ vật, đồ thờ tự đẹp, có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu như: hoành phi, câu đối, đại tụ, ngai thờ, lục bình, ngai đá, rùa đá và dặc biệt là thanh kiếm bạc chỉ được đem ra thờ vào những ngày lễ hội. Trong hậu cung có bộ khám lớn được chạm khắc công phu, tinh xảo… Dường như, nghệ nhân xưa đã dồn hết tài trí, công phu để thể  hiện chân dung người anh hùng.

Lễ hội đền Trần Thương mang đậm những giá trị văn hóa tâm linh.

Theo thông lệ, lễ phát lương được tổ chức vào 0 giờ ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm  tại đền Trần Thương. Trước đó, vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân thôn Trần Thương đã làm lễ cáo yết xin phép Đức Thánh Trần cho tổ chức lễ phát lương.

Theo các cụ già ở thôn Trần Thương, hằng năm cứ vào trung tuần Tháng Tám âm lịch, các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Tục này nhằm tái hiện lại dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba (năm 1288) trở về. Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm 2010, tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ phát lương cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về lễ bái tại đền.

Nghi lễ phát lương gồm ba phần: Phần thứ nhất là Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ, do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương nhỏ, chín chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn.

Đi đầu đoàn rước là đội sư tử, dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo, tiếp theo là các đội tế của địa phương, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, tỉnh huyện, nhân dân và du khách thập phương.

Phần thứ hai là nghi lễ dành cho các đại biểu, lãnh đạo khách quý của quê hương như: lễ châm đuốc, dâng hương. Phần thứ ba là những cô gái, chàng trai ưu tú được lựa chọn rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

Lãnh đạo trung ương và địa phương tham dự Lễ phát lương năm 2019. Ảnh: Trần Chiến

Theo ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, trưởng ban tổ chức Lễ hội: Điểm mới của Lễ hội Trần Thương năm 2021 là bên cạnh việc tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, bảo đảm cả phần lễ và phần hội, mang đậm các văn hóa tín ngưỡng truyền thống, kết hợp với văn hóa tâm linh là bản sắc của đền Trần Thương. Ban Tổ chức sẽ lập các gian trưng bày hàng hóa, giới thiệu việc làm với nhân dân trong vùng và các du khách thập phương.

Các gian hàng gian trưng bầy là sản vật của quê hương Lý Nhân đã nổi tiếng khắp gần xa như: Cá kho Hòa Hậu, Chuối ngự Đại Hoàng, bánh đa nem làng Chều, và nhiều những sản vật nổi tiếng khác của địa phương...

Năm nay, Ban tổ chức Lễ phát lương đền Trần Thương đã chuẩn bị 180 nghìn túi lương. Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng để làm lễ tâm linh, phục vụ phát lương cho nhân dân và du khách thập phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát lương cho đại biểu và nhân dân  Ảnh: Hanamonline.

Ở thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Lý Nhân đã có 2 cây cầu lớn là Hưng Hà và Thái Hà bắc qua sông Hồng nối liền Hà Nam với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên…Du khách trong và ngoài nước sẽ rất thuận lợi khi đến với khu di tích Lịch sử - Văn hóa, tâm linh đền Trần Thương - điểm du lịch văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của tỉnh Hà Nam và cả nước. Là điểm quy tụ để nhân dân, khách thập phương xa gần, hành hương tưởng nhớ về cội nguồn, chiêm ngưỡng di tích lịch sử văn hóa và cầu nguyện may mắn trong cuộc sống.

Trên lộ trình về đền Trần Thương du khách còn được tham quan các di tích cấp Quốc gia tiêu biểu như: đình Vĩnh Trụ, đình Văn Xá, đền Bà Vũ, đình Trác Nội, thăm quê hương và khu tưởng niệm Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam…Địa danh này rất gần và thuận lợi để du khách tới thăm quan và xin ấn tại đền Trần tỉnh Nam Định.

Việc tổ chức Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần, nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương nhân dịp đầu xuân năm mới. Đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống và khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước. Qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa lúa nước, giá trị lương thực trong đời sống con người, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và dựng nước. Đặc biệt, lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới có ý nghĩa thiết thực trong việc động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN