Điểm tên 5 mặt hàng vào top "câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD"

08:57 | 02/04/2024

DNTH: Đến hết tháng 3, đã có 5 mặt hàng vào top “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”, gồm: lâm sản với 3,61 tỷ USD, rau quả đạt 1,23 tỷ USD, gạo đạt 1,37 tỷ USD, cà phê đạt 1,9 tỷ USD và thuỷ sản đạt 1,86 tỷ USD.

5 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tỷ USD

1
Đến hết tháng 3, đã có 5 mặt hàng vào top “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”.

Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, khách hàng từ châu Á đến châu Âu và Mỹ... đã mạnh tay rót tiền gom mua các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Cụ thể, kim ngạch xuất sang châu Á đạt 6,27 tỷ USD, tăng 16,6%; châu Mỹ 2,96 tỷ USD, tăng 27,2%; châu Âu 1,85 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu nông lâm sản sang châu Úc và châu Phi vẫn còn khiêm tốn, song cũng tăng lần lượt 22,9% và 21,6%.

Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18,3%, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong quý I/2024; xuất khẩu sang Mỹ tăng 28,3%, chiếm 19,9% và Nhật Bản tăng 4,6%, chiếm 7%.

Theo đó, chỉ ba tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng đột biến 96,5%.

Đáng chú ý, tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp đều tăng trưởng dương. Đơn cử, nông sản đạt 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản đạt 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản đạt 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.

Đến hết tháng 3, đã có 5 mặt hàng vào top “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”, gồm: lâm sản với 3,61 tỷ USD, rau quả 1,23 tỷ USD, gạo 1,37 tỷ USD, cà phê 1,9 tỷ USD và thuỷ sản 1,86 tỷ USD.

Đáng chú ý, cà phê sốt giá trên toàn cầu giúp nước ta thu về 1,9 tỷ USD chỉ trong vòng 3 tháng. Đây là con số kỷ lục lịch sử so với cùng kỳ những năm trước đó. Hiện, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa sắp chạm mốc 100.000 đồng/kg. Trong khi, các nhà rang xay cà phê trên thế giới đang đổ về Việt Nam để tìm nguồn hàng Robusta.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 3,61 tỷ USD

2
Xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 3,61 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, hết quý I/2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 3,61 tỷ USD. Hiện Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Canada, Anh là các thị trường xuất khẩu chính gỗ và lâm sản Việt Nam.

Năm 2024, ngành Lâm nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – chia sẻ, với thị trường Hoa Kỳ đang có dấu hiệu phục hồi với các chỉ số dự báo GDP thực tế sẽ tăng 2,2% vào năm 2024, khảo sát tại một số hội chợ gỗ và đồ gỗ đầu năm 2024 tại Hoa Kỳ cho thấy, đã có nhiều khách hàng tới tham quan và tìm hiểu.

Thị trường Hàn Quốc có mức tăng trưởng dự báo 1,4% trong năm 2024, về năng lượng, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang tích cực tham gia các Hội chợ đồ gỗ ở khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Việt Nam,….) nhằm tìm kiếm đối tác và nhà sản xuất. Có thể đây là dấu hiệu phục hồi trong khâu xuất khẩu sang thị trường này.

Thị trường EU, theo đánh giá của Statista, vào năm 2024 thị trường nội thất tại châu Âu sẽ có doanh thu khoảng 236,8 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép 3,28% (CAGR 2024-2028), phân khúc nội thất phòng khách ước đạt 62,73 tỷ USD vào năm 2024, chiếm ưu thế tại thị trường này.

Với các triển vọng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như trên, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ sẽ nỗ lực vượt qua thách thức khó khăn, phấn đấu góp phần thực hiện tốt kế hoạch mà Bộ đã định hướng, đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,1 tỷ USD trong năm 2024.

Xuất khẩu cà phê thu về 1,9 tỷ USD

3
Xuất khẩu cà phê thu về 1,9 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, hết quý I/2024, xuất khẩu cà phê thu về 1,9 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số kỷ lục lịch sử so với cùng kỳ những năm trước đó.

Cùng với đà tăng của giá cà phê xuất khẩu, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa sắp chạm mốc 100.000 đồng/kg. Trong khi, các nhà rang xay cà phê trên thế giới đang đổ về Việt Nam để tìm nguồn hàng Robusta.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT công bố, giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, từ đầu năm đến nay giá cà phê tăng liên tục, thời điểm cao nhất 102.000 đồng/kg. Bên cạnh mặt lợi là bà con nông dân bán được giá cao cũng xảy ra một số vấn đề như hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Từ việc người nông dân không bán cho nhà xuất khẩu mà bán cho đại lý, thương lái dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Giá cà phê tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ, không giao hàng đúng hạn. Nhiều người lo lắng, giá cà phê quá cao sẽ khiến các nhà rang xay nước ngoài tìm kiếm nguồn cung mới.

Một số ý kiến cho rằng, cà phê Việt Nam đang là sản phẩm không thể thay thế ở thị trường châu Âu. Hoặc ít nhất thế giới cần rất nhiều thời gian để thay đổi "khẩu vị" cà phê hiện tại. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế. Với diễn biến thị trường như hiện tại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 cầm chắc trong tay 5 tỉ USD. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là giải pháp làm sao cho ngành cà phê phát triển bền vững, không để con số 5 tỉ USD chỉ là cột mốc lịch sử.

Xuất khẩu thủy sản thu về 1,86 tỷ USD

4
Xuất khẩu thủy sản thu về 1,86 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, quý I/2024, xuất khẩu thủy sản thu về 1,86 tỷ USD. Con số này cũng khá đồng nhất với số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEAP) công bố hết quý I/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam trong quý I/2024. Trong đó, xuất khẩu sang trường Hoa Kỳ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 15%.

Trong năm 2024, ngành thủy sản đã đặt ra mục tiêu, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha. Tổng sản lượng thủy sản hơn 9,27 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hơn 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 5,6 triệu tấn (tăng 5% so với ước năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,5 tỷ USD.

Theo VASEP, trong quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp. VASEP kỳ vọng sau các Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên.

"Có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường", đại diện VASEP khuyến nghị.

Xuất khẩu gạo thu về 1,37 tỷ USD

5
Xuất khẩu gạo thu về 1,37 tỷ USD.

Bộ NN&PTNT cho biết, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo thu về 1,37 tỷ USD; giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 661 USD/tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù, tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm 2024. Dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, hướng tới cột mốc kim ngạch 5 tỷ USD.

Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa chốt hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp. Theo thứ tự, các doanh nghiệp Thái Lan trúng thầu với sản lượng nhiều nhất 117.000 tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam 108.000 tấn, phần còn lại từ Pakistan và Myanmar.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây cũng là năm thị trường gạo thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động cả về sản lượng, nhu cầu và các chính sách liên quan từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Do vậy, đổi mới sản xuất và linh hoạt điều hành xuất khẩu gạo sẽ là điều kiện quan trọng để ngành lúa gạo Việt Nam đạt tăng trưởng như kỳ vọng.

Xuất khẩu rau quả thu về 1,23 tỷ USD

6
Xuất khẩu rau quả thu về 1,23 tỷ USD.

Theo NN&PTNT, xuất khẩu rau quả thu về 1,23 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm. Điều này cho thấy ngành rau quả có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Các thị trường tiêu thụ quan trọng vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản…

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, ngành rau quả xuất khẩu của nước ta bứt phá trong quý I/2024 là nhờ sự đóng góp rất lớn của sầu riêng trái vụ, khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan đã tăng mua loại quả này trong thời gian gần đây.

Để đẩy nhanh quá trình ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật vừa yêu cầu các địa phương rà soát vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh.

Các đơn vị kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi (quả có vỏ xanh, dừa gọt vỏ) và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh (quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ) có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; sau đó gửi kết quả tổng hợp danh sách về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.

Năm 2024, xuất khẩu rau quả kỳ vọng tiếp tục tạo sự bùng nổ nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm. Còn dừa tươi được dự đoán sẽ mang về 500 - 600 triệu USD từ thị trường tỷ dân.

Dự báo về triển vọng xuất khẩu ngành hàng này trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng thị trường tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới hơn 60% kim ngạch của cả nước.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group – nhận định, bức tranh thị trường năm 2024 rất sáng cho ngành nông sản, cũng như rau quả Việt Nam bởi nhiều loại trái cây được khơi thông tại nhiều thị trường mới. Do đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự báo tăng trưởng 15 - 20% so với năm 2023, tương đương từ 6,5 - 7 tỷ USD nếu vận dụng tốt thời cơ.

“Cơ hội thị trường là rất lớn nhưng chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi vào thị trường nào, chúng ta phải hiểu luật chơi, hiểu hàng rào kỹ thuật của thị trường nước nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác tiếp thị, xây dựng hình ảnh thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Thị trường rau quả thế giới là rất lớn để Việt Nam khai phá. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đâu đó chỉ chiếm khoảng 2 - 3%”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giá cà phê vượt đỉnh

Giá cà phê Arabica vừa thiết lập đỉnh mới, cao nhất trong 27 năm trở lại.

Dồn sức sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải

DNTH: Chiều 21/11, Đoàn công tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam do Đại sứ Marc E. Knapper làm Trưởng đoàn đã đến tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm và mô hình trồng nấm rơm...

Chủ tịch Quốc hội dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024

DNTH: Tối 14/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt...

Ngành nông nghiệp và WB bàn giải pháp hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Chiều 23/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã họp với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về các bước chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với Quỹ Tài...

Bước tiến số từ mô hình điểm “thôn thông minh” tại xã Phúc Hoà

DNTH: Với chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã triển khai mô hình điểm "thôn thông minh" bước...

Thách thức chuyển đổi phù hợp với thị trường

DNTH: Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản đã trở thành nhiệm vụ cấp...

XEM THÊM TIN