Tham dự Diễn đàn có TS Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, TS Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội tự động hóa Việt Nam,… cùng hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cơ quan thông tấn, báo chí. Diễn đàn tập trung thảo luận về 2 nhóm chủ đề chính, gồm: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển”, “Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.
Toàn cảnh sự kiện
Nhận định về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2018, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hoa Cương cho biết: “ Năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đạt cao nhất trong lịch sử với 131.275 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng. Xu hướng năm 2019 sẽ có số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhẹ, thu hút vốn FDI khó có khả năng tăng mạnh do sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực và mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước chỉ còn hơn 200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Để đẩy mạnh đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thời gian tới chúng ta cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, chủ trương và hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; bên cạnh đó, cần thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ thời 4.0, tăng cường liên kết doanh nghiệp, tái cơ cấu và cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước, buộc hoạt động theo cơ chết thị trường”.
Phát biểu tại diễn đàn, TS.Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay tác động mạnh mẽ, toàn diện đến kinh tế - xã hội, môi trường trên toàn thế giới; tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ, công nghệ đột phá chưa từng có. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên tất nhiên không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này. Bởi vậy, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại hóa công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam”.
Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong mô hình quản lý, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp hay nâng cấp/thay thế công nghệ sản xuất mà đại diện các doanh nghiệp chia sẻ đều mang lại giá trị hiện hữu trong các chỉ số tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Điều này là minh chứng thuyết phục giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận diện rõ hơn vai trò và giá trị của đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp và cải thiện chỉ số sáng tạo của nền kinh tế trong các thang bậc đánh giá của quốc tế.
Mai Anh