Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh: Không thể lỗi thời với thực tế đời sống

09:30 | 11/02/2025

DNTH: Đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính là tín hiệu tích cực, giúp chính sách thuế linh hoạt hơn trước áp lực giá cả leo thang.

Việc Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân là tín hiệu tích cực, phản ánh sự cần thiết phải thích ứng với diễn biến kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá cả leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Chờ đến năm 2026 là quá chậm! - Tuổi Trẻ Online

Thực tế cho thấy, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay (11 triệu đồng/tháng cho cá nhân, 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc) đã không còn phù hợp khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí sinh hoạt liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu không điều chỉnh kịp thời, mức thuế hiện hành có thể trở thành gánh nặng, làm giảm thu nhập thực tế của người lao động, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình và thấp.

Đáng chú ý, đề xuất trao quyền cho Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh theo từng giai đoạn là một hướng đi hợp lý. Cách làm này giúp chính sách thuế trở nên linh hoạt, có thể điều chỉnh kịp thời theo biến động kinh tế thay vì phải chờ sửa đổi luật – một quá trình thường kéo dài và thiếu tính cập nhật. Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch và phù hợp với thực tiễn, việc điều chỉnh này cần dựa trên các tiêu chí rõ ràng, gắn với biến động CPI và thu nhập bình quân của người dân.

Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, sự lạc hậu của mức giảm trừ gia cảnh hiện nay và cho rằng cần điều chỉnh sớm để phù hợp với thực tiễn kinh tế. Quan điểm "người dân phải có mức sống cao hơn mức trung bình của xã hội mới phải đóng thuế" đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy làm thuế theo hướng hợp lý và công bằng hơn.

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thực tế quy định về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trước đây chủ yếu dựa vào biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, trong lần xây dựng dự án luật lần này, Bộ Tài chính bổ sung thêm yếu tố các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Đây là một bước tiến, nhưng theo ông Thịnh, cần làm rõ các chỉ số này là gì và liệu chúng có phản ánh đúng mức sống của người dân hay không. Đặc biệt, mức giảm trừ cần được tính toán dựa trên mức sống bình quân của người dân tại các đô thị lớn – nơi chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Vấn đề cốt lõi là chính sách thuế phải đảm bảo công bằng, không đẩy người lao động vào tình thế đóng thuế khi thu nhập chưa thực sự cao. Nếu không có cơ chế điều chỉnh linh hoạt, mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời sẽ khiến thu nhập thực tế của người dân giảm sút, đi ngược lại mục tiêu nâng cao đời sống và kích thích tiêu dùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hải Tùng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phía Nam cho biết, chi phí sinh hoạt tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM cao hơn đáng kể so với các khu vực nông thôn hay miền núi. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay áp dụng đồng nhất trên cả nước, không phản ánh sự khác biệt này.

Ông Tùng kiến nghị phân vùng mức giảm trừ gia cảnh theo khu vực địa lý dựa trên lương tối thiểu vùng hoặc chỉ số chi phí sinh hoạt.

Ví dụ, mức giảm trừ gia cảnh tại TP.HCM có thể cao hơn 30%-50% so với các vùng khác. Cách tiếp cận này vừa đảm bảo công bằng cho người lao động tại các khu vực có chi phí sinh hoạt cao, vừa duy trì nguồn thu ngân sách từ các khu vực khác. Chính sách phân vùng này có thể thúc đẩy đầu tư vào các vùng kém phát triển.

Một số chuyên gia cho rằng, thay vì chỉ dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức giảm trừ gia cảnh nên được điều chỉnh theo biến động của lương tối thiểu vùng. Cách tiếp cận này được đánh giá là hợp lý hơn, vì lương tối thiểu phản ánh rõ hơn mức sống và chi phí sinh hoạt thực tế của người lao động.

Theo đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh có thể xác định theo một hệ số cố định so với lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn, nếu mức lương tối thiểu vùng trung bình hiện nay khoảng 5 triệu đồng, thì mức giảm trừ gia cảnh có thể gấp 4 lần con số này. Khi lương tối thiểu vùng tăng, mức giảm trừ gia cảnh cũng được điều chỉnh tương ứng theo nguyên tắc "nước lên thuyền lên", thay vì phải chờ quyết định điều chỉnh mang tính định kỳ.

Cách làm này không chỉ giúp mức giảm trừ gia cảnh theo kịp tốc độ tăng chi phí sinh hoạt, mà còn tạo sự chủ động trong quản lý tài chính cá nhân. Thay vì chờ Quốc hội hoặc Chính phủ điều chỉnh một cách bị động, Bộ Tài chính cần thông báo mức giảm trừ gia cảnh mới dựa trên biến động lương tối thiểu. Điều này góp phần giảm thiểu độ trễ chính sách và tránh tình trạng mức giảm trừ gia cảnh trở nên lỗi thời so với thực tế đời sống.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Rộn ràng không khí lao động, sản xuất đầu xuân

DNTH: Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều đã quay trở lại với công việc.

Cần thích nghi thời tiết nồm ẩm

DNTH: Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời tiết miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng bắt đầu chuyển sang giai đoạn nồm ẩm đặc trưng.

Nhiều gia đình loay hoay tìm người giúp việc sau Tết

DNTH: Các gia đình có con nhỏ hoặc người già cần chăm sóc đang rơi vào tình trạng "khủng hoảng" vì không tìm được người giúp việc sau Tết.

Trên 1,48 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ, tặng quà Tết

DNTH: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa thông tin, quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo tất cả người dân được đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, khí thế, động lực...

Công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 và 1/5

DNTH: Ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn Hà Nội nghỉ 5 ngày liên tục.

Da Nang Downtown – tâm điểm hút khách tại Đà Nẵng đầu năm Ất Tỵ 2025

DNTH: Những ngày đầu của năm mới Ất Tỵ 2025, hàng ngàn du khách đã đổ về Da Nang Downtown – “thánh địa giải trí” của thành phố sông Hàn. Sắc đỏ may mắn từ hàng ngàn chiếc đèn lồng cùng các tiểu cảnh xuân sống động đã biến...

XEM THÊM TIN