Doanh nghiệp logistics tăng cường đầu tư công nghệ và linh hoạt vận hành để cạnh tranh

14:29 | 09/11/2024

DNTH: Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tạo ra làn sóng sôi động chưa từng có trong ngành logistics. Nhu cầu giao hàng tăng cao, đặc biệt là giao hàng chặng cuối (last-mile delivery), buộc các doanh nghiệp logistics phải liên tục đầu tư vào công nghệ và tìm kiếm giải pháp sáng tạo nhằm tối ưu hóa chi phí, đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Nhân viên Ninja Van đang phân loại hàng hóa tại kho hàng. Ảnh: N.V

Đầu tư, đổi mới công nghệ

Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường logistics tại Việt Nam. Người tiêu dùng Việt đã chi tổng cộng 9,5 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến trong quý 3/2024, tạo áp lực lớn lên các đơn vị vận chuyển trong việc nâng cao năng suất và tối ưu hóa quy trình giao hàng.

Báo cáo mới nhất của nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT tại Việt Nam - Metric, doanh số TMĐT trong 9 tháng 2024 đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái và sản lượng lên tới 2,43 tỷ sản phẩm, tăng 49,8%. Chỉ riêng quý 3/2024, doanh thu đạt 84,75 nghìn tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý 2, thể hiện sự phát triển không ngừng của ngành và nhu cầu lớn đối với các dịch vụ logistics hiện đại.

Theo Datex - công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho lĩnh vực logistics, chi phí giao hàng chặng cuối hiện đang chiếm tới 28% tổng chi phí vận chuyển và có thể tăng đến 53% khi cần giao hàng theo yêu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển theo các yêu cầu đặc biệt thường rất cao.

Để giải quyết bài toán này, các công ty vận chuyển như Ninja Van, GHN, BEST Express, Viettel Post, J&T Express và GHTK đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Cụ thể, Ninja Van mới đây đã hợp tác chiến lược với MFast nhằm cải thiện hiệu quả vận hành.

Theo Ninja Van, trước đây, đơn vị thường có thời gian giao hàng kéo dài 7 - 9 ngày và chi phí logistics chiếm tới 7% doanh số. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt của dịch vụ Ninja B2B, thời gian giao hàng đã giảm xuống còn 3,5 ngày và chi phí logistics được kiểm soát ở mức 3,5% doanh số.

Trong khi đó, GHN là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai hệ thống băng tải phân loại hàng tự động, giúp nâng cao năng suất lên 30.000 đơn/giờ, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu sai sót trong những mùa cao điểm.

J&T Express cũng không đứng ngoài cuộc khi áp dụng công nghệ mã vạch thông minh và điện toán đám mây, tăng tốc xử lý đơn hàng và cải thiện độ chính xác. Đơn vị này còn hợp tác với nền tảng KAIO để phục vụ các nhà bán hàng livestream, thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến. Thành công của J&T Express được ghi nhận qua giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, khẳng định vị trí tiên phong trong việc đổi mới và thích nghi với thị trường.

Với BEST Express, đơn vị đã triển khai ứng dụng AI SAAS, nâng cao quy trình phân loại tự động và hiệu suất. Đặc biệt, việc hợp tác với công ty Hàn Quốc AIZEN giúp BEST Express áp dụng trí tuệ nhân tạo và xe điện, mang lại các giải pháp bền vững và hiệu quả cho ngành logistics.

GHTK với chiến lược "Make in Vietnam", tự phát triển nền tảng GHTK App để tự động hóa quy trình giao nhận, xây dựng mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành với hơn 1.500 điểm giao nhận và xử lý 1,5 tỷ đơn hàng với hiệu quả vượt trội.

Còn Viettel Post tiếp tục khẳng định mình là người dẫn đầu công nghệ với hệ thống NOC giám sát hành trình thời gian thực và công nghệ AI, qua đó giảm 80% thời gian lấy dữ liệu và 75% thời gian báo cáo; túi chip RFID và cân IoT thì tăng cường khả năng quản lý, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong vận hành.

Thay đổi vận hành

Ông Phan Thanh Vinh, Chủ tịch MFast - một nền tảng bán hàng trả chậm, khẳng định: “Chất lượng giao hàng chặng cuối là yếu tố sống còn với chúng tôi. 80% đơn hàng của MFast được giao đến nông thôn và đô thị cấp 2 trở lên, với 25% trong số đó đi sâu vào các vùng xa. Điều này đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về độ phủ, thời gian giao hàng (TAT) và chi phí vận chuyển”.

Theo đó, sự hợp tác chiến lược với Ninja Van đã giúp MFast vượt qua những khó khăn này. Trước đây, thời gian giao hàng kéo dài 7 - 9 ngày, với chi phí logistics chiếm đến 7% doanh số. Nhờ dịch vụ linh hoạt của Ninja B2B, thời gian giao hàng của Mfast được rút ngắn còn 3,5 ngày và chi phí giảm xuống còn 3,5% doanh số.

Chú thích ảnh
Đại diện Ninja Van và MFast chia sẻ về sự linh hoạt logistics để giảm chi phí và nâng cao dịch vụ giao hàng chặng cuối. Ảnh: H.Y

Ông Phan Xuân Dzũng, Chủ tịch Ninja Van Việt Nam, chia sẻ: “Chiến lược logistics thông suốt để đảm bảo cung ứng sản phẩm đúng nơi, đúng thời điểm với chi phí tối ưu là yếu tố then chốt. Do đó, sự linh hoạt trong logistics, từ số lượng đơn hàng, thời gian vận chuyển, cho đến đội xe và tuyến đường sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn và tối ưu hóa chi phí. Chúng tôi có mạng lưới phủ khắp 800 tuyến huyện, xã và đội xe vận hành hàng ngày giúp đảm bảo dịch vụ nhanh chóng và chi phí thấp”.

Không chỉ với MFast mà với bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ, B2C nào, giao hàng chặng cuối đều nắm vai trò quan trọng, mang tính chất cốt lõi. Vì thế, cách thức vận hành của Ninja Van đã đang trở thành hình mẫu cho nhiều doanh nghiệp logistics khác.

Cụ thể, J&T Express và GHN đã học hỏi và áp dụng mô hình tương tự để tối ưu hóa lộ trình giao hàng và tự động hóa công nghệ. GHN sở hữu hệ thống băng tải phân loại tự động đầu tiên tại Việt Nam, nâng cao năng suất lên đến 30.000 đơn/giờ, đồng thời giảm thiểu sai sót trong quá trình phân loại. Họ đã đầu tư hơn 2 triệu USD vào công nghệ để tiết kiệm nhân công và tối ưu hóa quy trình, đảm bảo sự ổn định và tốc độ giao hàng trong các dịp cao điểm như lễ Tết.

J&T Express nhờ ứng dụng mã vạch thông minh và điện toán đám mây, đã nâng cao độ chính xác và đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng. Việc J&T Express hợp tác với KAIO để hỗ trợ các nhà bán hàng livestream cũng đã tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.

Sự đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các đơn vị logistics như tiết kiệm chi phí, tăng năng suất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Các hệ thống quản lý rủi ro cũng giúp các đơn vị giảm thiểu sự cố và tối ưu hóa hoạt động, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, sáng kiến của Ninja Van về dịch vụ giao hàng tận nhà bằng xe ba gác hoặc xe máy tại địa phương đã giảm thiểu rủi ro và tối ưu quy trình, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tương tự, BEST Express và Viettel Post cũng đã triển khai những phương pháp linh hoạt, tạo ra sự cải thiện rõ rệt trong quy trình vận hành.

Với mùa cao điểm cuối năm, dự đoán doanh số TMĐT đạt 80,6 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2024, các công ty logistics hiện đang chuẩn bị sẵn sàng để xử lý khối lượng đơn hàng tăng vọt khi mùa mua sắm Tết đến gần. Những cải tiến công nghệ và quan hệ đối tác chiến lược của các doanh nghiệp logistics không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng cao mà còn tạo ra trải nghiệm giao hàng nhanh và an toàn cho khách hàng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh với các TMĐT xuyên biên giới từ Trung Quốc đang xâm nhập vào Việt Nam.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-logistics-tang-cuong-dau-tu-cong-nghe-va-linh-hoat-van-hanh-de-canh-tranh-20241102132028045.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ngày 09/12: Giá cà phê trong nước vẫn tiếp tục tăng

DNTH: Cập nhật giá cà phê hôm nay (ngày 09/12/2024), giá cà phê trực tuyến, cà phê Tây Nguyên, cà phê Lâm Đồng, cà phê Gia Lai, cà phê nhân, cà phê Arabica.

Ngày 09/12: Giá vàng đi ngang chờ tín hiệu từ giá USD

DNTH: Giá vàng hôm nay (ngày 09/12/2024): Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục mô hình củng cố trong tuần này, trong khi thị trường đang chờ đợi các chất xúc tác tiếp theo.

Hộp quà Tết hơn trăm nghìn đồng hút khách

DNTH: Các doanh nghiệp cho biết hộp quà Tết giá 150.000-500.000 đồng đang được ưa chuộng nhất năm nay, phản ánh xu hướng tiết kiệm khi sức mua èo uột.

Giá lúa gạo ngày 06/12: Giá lúa tươi tiếp đà tăng mạnh

DNTH: Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay (ngày 06/12/2024) tại khu vực trong nước điều chỉnh tăng mạnh 300 - 400 đồng/kg với một số loại lúa. Thị trường giao dịch chậm, kho mua ít đè giá, lúa tươi tiếp tục tăng mạnh.

Ngày 06/12: Giá heo hơi ở Miền Bắc chạm ngưỡng 64.000 đồng/kg

DNTH: ghi nhận giá heo hơi của nhiều địa phương tại khu vực miền Bắc và miền Trung hôm nay tiếp đà tăng nhẹ. Hiện giá đang dao động trong khoảng từ 60.000 - 64.000 đồng/kg.

Ngày 06/12: Giá tiêu đột ngột tăng phi mã

DNTH: Cập nhật giá tiêu hôm nay (ngày 06/12/2024), giá tiêu Đắk Lắk, Gia Lai, giá tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, tiêu thế giới.

XEM THÊM TIN