Doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

10:52 | 27/10/2020

DNTH: Mỗi năm, Việt Nam thu hút hàng chục tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng sự kết nối của khu vực doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước còn rất hạn chế.

DN Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn như gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và tính bền vững không cao.

Liên kết yếu

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 758 nghìn DN đang hoạt động nhưng kết nối với chuỗi cung ứng rất hạn chế. Chỉ có 15% số DN trong nước bán hàng hóa, dịch vụ cho DN FDI, 8,4% số DN tham gia xuất khẩu trực tiếp và 7,4% tham gia xuất khẩu gián tiếp thông qua các công ty trung gian.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, có hai nguyên nhân khiến sự liên kết giữa khu vực kinh tế FDI và DN trong nước yếu và rời rạc, không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN mà còn giảm hiệu quả của dòng vốn FDI. Một là, DN FDI lớn thường có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng, hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các DN Việt Nam khác tham gia được vào chuỗi giá trị do các DN này dẫn dắt là rất khó. Hai là, phần lớn các DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo DN còn có tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn cho nên chưa thể có những bước đi đột phá. Vì vậy, Chính phủ luôn trăn trở làm thế nào để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI, tăng cường liên kết giữa khu vực DN FDI với khu vực tư nhân trong nước, không để tình trạng một nền kinh tế có hai khu vực DN tách rời. Đồng thời, thúc đẩy hỗ trợ các DNNVV Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

tm-img-alt
May quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xí nghiệp May Hà Quảng, TP.Đồng Hới (Quảng Bình). (Ảnh: Anh Sơn)

Chia sẻ tại hội thảo Hỗ trợ DN phát triển chuỗi giá trị bền vững do Bộ KH và ĐT phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức gần đây, bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Canon Việt Nam cho biết: Canon hiện có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa ở Việt Nam và các thông tin này được đăng tải rộng rãi trên website của DN để tìm kiếm nhà cung cấp. Nhưng các DN thuần Việt chỉ tập trung cung cấp được ở một số linh kiện nhựa, bao bì..., có tìm thêm được nhà cung cấp mới thì vẫn là những linh kiện đó. Bà Huyền đặt câu hỏi: Canon Việt Nam có 59 nhóm hàng, một nhóm ốc cũng có mấy chục loại con ốc, một linh kiện nhựa cũng có mấy chục loại. Nếu chỉ tập trung vào một vài linh kiện đã có nhà cung cấp rồi, DN sẽ phải cạnh tranh rất cao. Nguyên nhân vì sao DN Việt Nam không tìm tòi, sáng tạo để sản xuất các linh kiện chưa có nhà cung cấp. Phải chăng ý chí quyết tâm của lãnh đạo DN hơi thiếu?

Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Công nghiệp hỗ trợ là thị trường mở. Nếu linh kiện đạt giá trị chất lượng và cạnh tranh về giá thành thì không có lý gì Samsung không mua. Cái khó cho DN cung cấp là phải đáp ứng được tất cả năm tiêu chí của Tập đoàn Samsung toàn cầu về năng lực tài chính, môi trường, tính tuân thủ pháp luật... Tất cả các tiêu chí này được cập nhật vào hệ thống để Tập đoàn Samsung quyết định lựa chọn nhà cung cấp tham gia vào chuỗi toàn cầu. Một con ốc năm nay bán cho Samsung giá 1 đồng nhưng năm sau chỉ bán với giá 0,8 đồng hoặc vẫn bán giá 1 đồng nhưng chất lượng phải tốt hơn. “Cho nên chúng tôi khuyến khích đối tác nỗ lực đầu tư mảng nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhưng kinh phí dành cho R&D của DN Việt Nam còn rất thấp. DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng phải đầu tư lớn và đừng nghĩ chỉ cung cấp cho Samsung Việt Nam hay cho Tập đoàn Samsung mà phải nghĩ tới cung cấp cho cả các tập đoàn lớn khác để có động lực đầu tư và giảm rủi ro”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Kết nối với chuỗi cung ứng

Sau hai năm thực hiện dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (USAID - LinkSME), có 1.692 DN Việt Nam đăng ký tham gia dự án và sau các khâu đánh giá chọn được 19 DN để giới thiệu cho các DN đầu chuỗi. Kết quả là đã có hơn 82 đơn hàng được ký kết với tổng giá trị hơn 3,2 triệu USD. Đến nay, 51 đơn hàng đã hoàn thành, 31 đơn hàng còn lại đang tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra, còn có nhiều kết nối khác với giá trị lớn liên quan đến các mặt hàng trang thiết bị y tế cũng được ký kết giữa các DNNVV Việt Nam với các DN đầu chuỗi. Những giao dịch thành công này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo động lực cho DN Việt Nam đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thật sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thật sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc DN theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn đang ẩn chứa nhiều biến động khó lường, việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững đang được coi là một trong các con đường có yếu tố quyết định để phục hồi và tạo đà bứt phá cho khu vực DN và tăng trưởng kinh tế đất nước. Vấn đề này đã được đặt ra trong Luật Hỗ trợ DNNVV với một trong ba nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DNNVV tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ KH và ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Đồng thời, cùng với dự án USAID - LinkSME, cần triển khai kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn: Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6-8-2020 của Chính phủ

về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT

Tô Hà

Theo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Vietjet ủng hộ đồng bào tại các vùng bị thiệt hại do bão lũ

DNTH: Chiều 10/9, Ban Lãnh đạo Hãng Hàng không Vietjet đã kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên của hãng quyên góp ủng hộ đồng bào tại các vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão lũ tại các tỉnh phía Bắc.

Vietjet mở bán sớm 2,6 triệu vé Tết 2025, giá chỉ từ 890.000 đồng

DNTH: Phục vụ người dân và du khách lên kế hoạch bay Tết Nguyên đán 2025, Vietjet mở bán sớm 2,6 triệu vé bay trong giai đoạn từ 15/01/2025 đến 12/02/2025, tức 16 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ.

Trải nghiệm ưu đãi mùa lễ hội khi săn vé máy bay cùng gia đình, bạn bè từ Vietjet

DNTH: Tưng bừng mùa lễ hội cuối năm, Vietjet mang đến ưu đãi giảm giá 10% hạng vé Eco khi đặt vé nhóm đông người từ 3 đến 5 khách. Để nhận được khuyến mãi hấp dẫn, hành khách có thể truy cập và đặt vé tại website...

Sắc xanh tại công viên Sun World trong đô thị nghỉ dưỡng Sun Group Hà Nam

DNTH: Cây lên xanh mướt và nhiều trò chơi nước đã hoàn thiện, tổ hợp công viên Sun World Hà Nam đang bám tiến độ về đích dịp 30/4/2025, trong khi tòa căn hộ cao tầng đầu tiên tại Sun Urban City Hà Nam chuẩn bị cất nóc ngày 28/12 tới.

Dòng sản phẩm nhà phố hàng hiệu FestiShop hút nhà đầu tư tới Phú Quốc

DNTH: Trong sự kiện ra mắt dòng sản phẩm BĐS lễ hội mới ngày 23/12 vừa qua của Phú Quốc United Center, sản phẩm nhà phố FestiShop đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây được đánh giá là một “ngòi nổ” tạo nên cơn chấn...

PV GAS thiết lập nhiều kỷ lục và cột mốc quan trọng, hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch SXKD năm 2024

DNTH: Với phương châm hành động “bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ”, song song với sự chủ động, quyết liệt, đột phá trong việc chuyển dịch mô hình kinh doanh, PV GAS dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện và vượt mức các...

XEM THÊM TIN