Độc đáo những ngôi nhà cổ có một không hai ở miền Tây Nam Bộ
10:55 | 22/05/2018
DNTH: Khác với những ngôi nhà cổ miền Bắc, những ngôi nhà cổ trăm tuổi miền Tây lại có kiến trúc đặc sắc riêng, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất miền Tây.
Nhà cổ gỗ xưa ở Vĩnh Long:
Ở khu du lịch sinh thái - nhà xưa H.Long Hồ, ngôi nhà của ông Huỳnh Kim Tiến là công trình được thực hiện công phu đạt đến độ hoàn chỉnh về kết cấu và có quy mô khá lớn trong số nhà gỗ xưa ở Vĩnh Long.
Nằm bên cạnh rạch Ông Me thuộc ấp Phước Ngươn A (xã Phước Hậu, H.Long Hồ, Vĩnh Long), ngôi nhà của ông Tiến tọa lạc giữa khu vườn rộng hơn 1,2 ha.
Ngôi nhà có diện tích sử dụng 450m2 được xây cất toàn bằng gỗ căm xe, thao lao, theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái. Với bộ giàn trò với cột ngậm kèo khít rịt, các vòm cửa chạm khắc hoa lá, chim thú với bố cục hài hòa.
Điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở bộ kèo, vách cửa và ô trám. Nhà có 5 cửa chính, trong đó các cánh cửa cái ngôi nhà đều sử dụng cửa bản nguyên tấm, có then gỗ gài bên trong theo kiểu “then cài cửa đóng” của những ngôi nhà giàu có thời xưa. Hai bên chái có hai cửa ngách. Hầu hết các khuôn cửa đều được chạm nổi, chạm chìm. Những ô trám cửa chính được bố trí hài hòa, cân đối trên dưới, trước sau và được chạm khắc tinh xảo với hình tượng con dơi, quả phật thủ, đào tiên, quả lựu...
Ngoài ra, các nghệ nhân xưa cũng sử dụng những đề tài gần gũi với đời sống như trái mãng cầu, vốn là loại cây trái phổ biến ở miền Tây Nam bộ. Các góc khuôn bao được chạm nổi những con cá lội tượng trưng cho sự tự do, ung dung tự tại. Trên đố cửa thì chạm nổi đề tài mai hóa rồng - một trong những linh vật trong nhóm tứ linh ưa thích của người dân Nam bộ được biến cách theo kiểu lựu hóa lân, sen hóa quy, mai hóa rồng, trúc hóa phụng. Các đầu kèo cũng được các nghệ nhân gia công tạo tác những quả lựu, đào tiên rất sinh động, sắc nét... Tất cả đều không sơn phết nhưng theo thời gian đã lên nước bóng loáng.
Bên trong, gian chính trung đặt khám thờ gia thần bề ngang rộng hơn 2m, chạm nổi cầu kỳ, hình lưỡng long chầu nhật. Ông Tiến cho biết ngày xưa nội tổ ông thờ Quan Công, còn bây giờ ông chỉ thờ Phật. Bên dưới là chiếc ghế thờ Cửu Huyền thất tổ. Hai bên có bộ ghế nghi được cẩn xà cừ ngũ sắc và được chạm lộng đề tài hoa lá, chim thú rất tỉ mỉ, cầu kỳ, các ô chạm đều được lắp kiếng bảo vệ.
Ngôi nhà của ông Huỳnh Kim Tiến - Ảnh: Hoàng Phương |
Tại Vĩnh Long còn khá nhiều ngôi nhà xưa được cất vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong đó, nhà của ông Phủ Cần nổi tiếng vì có bộ kèo chạm trổ tinh vi.
Nhà của ông Phủ Cần (còn gọi là Huyện Cần) tọa lạc tại số 98 Nguyễn Chí Thanh, P.5, TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Ngôi nhà này cũng cất theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái. Kèo, cột bằng gỗ căm xe, đòn tay, rui mè bằng gỗ thao lao.
Ngôi nhà có diện tích chỉ khoảng 400m2, song bộ cột cái cao hơn 6 m nên trông rất thoáng. Đặc biệt, các nghệ nhân xưa đã thực hiện bộ kèo vỏ đậu, trính lục lăng chạm trổ hết sức tinh vi. Dưới dạ kèo cẩn ốc xà cừ “mai lan cúc trúc”, chạm nổi đề tài tứ linh “long, lân, quy, phụng”.
Mặt trước ngôi nhà xưa của Phủ Cần - Ảnh: Hoàng Phương |
Đầu kèo cũng chạm tứ linh, trên đầu sáu cây kèo có các lá dung đều chạm trổ hết sức sinh động, uyển chuyển với các tác phẩm mai hóa rồng, trúc hóa phụng, sen hóa quy... và những tác phẩm hoa, trái, dây lá chuyển tải tâm tư, tình cảm và ước vọng của chủ nhân ngôi nhà.
Phần nhiều các tác phẩm điêu khắc trên gỗ được để mộc không sơn phết, góp phần làm cho bộ kèo bề thế trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Hiếm thấy ngôi nhà xưa nào có bộ kèo chạm trổ đẹp như thế.
Trên các đầu kèo có các lá dung được chạm tứ linh |
Ngôi nhà nhiều cột nhất Nam bộ
Được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1997, ngôi nhà của bà Trần Thị Ngỏ ở ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, H.Cần Đước (Long An) có thể xem là ngôi nhà có nhiều cột nhất ở Nam bộ.
Nội thất bên trong ngôi nhà trăm cột |
Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Huế, ngôi nhà trăm cột (68 cột chính và 52 cột phụ) được ông Trần Văn Hoa khởi công xây dựng từ năm 1898 với tổng diện tích 822m2, theo kiểunhà rường, mái lợp ngói âm dương, nền móng được bao kè bằng đá xanh lục giác, đến năm 1904 thì hoàn thành. Đầu thập niên 1970, mặt tiền ngôi nhà được sửa lại theo kiểu tân thời, ốp gạch mosaic, nhưng các vì kèo xuyên qua phần gạch xây mới vẫn giữ được nét chạm trổ độc đáo.
Qua hơn một thế kỷ, bên trong nhà, những hàng cột gỗ cẩm lai, gõ đỏ đã lên nước bóng lộn. Nội thất còn khá nguyên vẹn với vách lụa, cửa võng, bao lam, khám thờ... Các tác phẩm điêu khắc, chạm lộng công phu, độc đáo với những hình tượng như long, lân, quy, phụng, mai, lan, cúc, trúc, tùng, lộc, dơi, nho, sóc... mặc dù một số đã bị phủ một lớp sơn bóng nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp tinh tế, sắc sảo. Những bức hoành phi, liễn đối và những chiếc đèn lồng kéo quân không vết bụi bám, chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà đã rất trân quý và lau chùi chúng thường xuyên.
Ngôi nhà trăm cột nhìn từ mặt tiền - Ảnh: Hoàng Phương |
Nhà cổ hơn 100 tuổi ở miền Tây
Nằm lọt thỏm dưới chân cầu Ông Văn (ấp Bình An, xã Đăng Hưng Phước, H.Chợ Gạo, Tiền Giang), nhìn bề ngoài ngôi nhà không có vẻ gì cổ kính nhưng vào trong mới thấy nội thất đậm nét của ngôi nhà Việt.
Nội thất độc đáo trong ngôi nhà |
Mặt tiền ngôi nhà ảnh hưởng lối kiến trúc Tây phương, có bậc tam cấp dẫn vào gian thảo bạt khá rộng. Ngôi nhà chính cất theo mô típ truyền thống: nhà 3 gian, 2 chái. Được biết, nhà trên có 36 cột, nhà dưới 20 cột, tất cả đều làm bằng gỗ căm xe chống chọi được với mối mọt. Quan sát từ bên hông phần đầu hồi phía trong thì thấy khung nhà kết cấu theo kiểu nhà rường nhưng do cột nhà cao nên không gian bên trong rất thông thoáng. Hiện dàn cột kèo, xuyên trính, ốp quả và mái ngói còn khá nguyên vẹn. Tường gạch dày 30cm, xây 2 lớp, thêm cột gạch đỡ đầu kèo, chịu toàn bộ sức nặng của mái nhà bao phủ trên diện tích hơn 500m2.
Đặc biệt, 2 chái hai bên được thiết kế như hành lang nối phần nhà cầu có mái che xuống nhà dưới thành một khung vuông bao bọc. Giữa nhà dưới và nhà trên có sân thiên tĩnh vừa để trồng hoa kiểng, vừa lấy ánh sáng. Nhà dưới còn có 3 cửa sổ quay 3 hướng để ánh sáng và không khí được tiếp nhận từ mọi hướng, không gian trở nên khoáng đãng, hạn chế ẩm thấp có thể hư hại đến vật liệu bằng gỗ của ngôi nhà.
Ngoài ra, nhà trên không sử dụng hệ thống cửa gỗ truyền thống như những nhà xưa thường có mà chỉ sử dụng một lớp vách tường ngoài sau hàng ba lắp cửa theo hình vòm. Điểm đặc biệt là 3 cánh cửa chính sử dụng gỗ nguyên tấm trông có vẻ “chỏi hàng” với hệ thống cửa lá sách trên vòm và cửa sổ hai bên. Có người cho rằng đây là loại cửa của những ngôi nhà người Hoa bình dân, có lẽ chủ nhân xưa gốc Minh Hương nên muốn giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì cánh cửa bằng gỗ nguyên tấm này mang yếu tố phong thủy, có ý chắn gió từ một hướng không tốt.
Hiện bên trong gian nhà chính còn lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị, như bao lam chạm mai, điểu hai lớp đều có khuôn bao cẩn ốc xà cừ với đề tài hoa lá, chim, trúc... Đặc biệt, chân bao lam là tác phẩm cá hóa long chạm rất tinh tế, hàm ý gìn giữ cho ngôi nhà luôn thịnh vượng, phát triển. Những tấm biển sơn son thếp vàng chạm khắc công phu vẫn còn nguyên vẻ đẹp cổ xưa.
Nhà thảo bạt lớn nhất Nam Bộ
Từ ngoài nhìn vào, du khách cảm nhận được sự uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ xưa là người rất giàu có. Khi vào bên, du khách có cảm giác yên bình và thân thuộc do lối kiến trúc đậm chất Việt.
Ngôi nhà này được xem là nhà cổ thảo bạt lớn nhất Nam Bộ |
Từng được cơ quan quản lý di tích đánh giá là công trình có kiến trúc chạm độc đáo nhất tỉnh, ngôi nhà xưa của hội đồng Phan Văn Cự ở ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, TX.Cai Lậy (Tiền Giang) được xem là nhà thảo bạt lớn nhất Nam Bộ.
Từ ngoài nhìn vào, nhiều người sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ xưa là người rất giàu có. Mặt tiền ngôi nhà gây ấn tượng với lối kiến trúc Tây phương qua các chi tiết: những phù điêu đắp nổi được trang trí theo kiểu Phục hưng trên cột, trang trí thêm gạch men của Nhật Bản. Vòm cửa cong theo lối kiến trúc La Mã. Trên nóc nhà gắn bông sắt của Pháp, trông rất hài hòa với loại ngói vảy cá.
Tuy nhiên, khi vào bên trong ngôi nhà, có cảm giác yên bình và thân thuộc do lối kiến trúc đậm chất Việt, thể hiện sự mềm mại với đường nét chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt là cách bài trí trong nhà cũng không thấy bóng dáng của các loại ghế, bàn trang điểm với khung kiếng tráng thủy hay tủ rượu, theo kiểu thường thấy ở các ngôi nhà ảnh hưởng văn minh Pháp. Có thể nói đây là ngôi nhà “trong cổ ngoài tân” khá độc đáo.
Trải qua nhiều bể dâu nhưng hiện ngôi nhà còn giữ được một số tranh thờ và nhiều bức thủ quyển sơn son thếp vàng rất đẹp. Liễn đối, thủ quyển và bao lam được chạm trổ tinh xảo theo phong cách chạm lộng, chạm nổi, chạm chìm khéo léo với đề tài mai, điểu, tùng, lộc, hoa cúc... biểu tượng của hạnh phúc, an khang thịnh vượng và trường
Nhà trăm cột ở Đồng Tháp
Ngôi nhà có tuổi thọ trên 115 năm của ông Lê Minh Tồn, sinh năm 1942 (ngụ ấp Tây, xã Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp).
Toàn cảnh ngôi nhà |
Kiểu nhà này dân gian gọi là nhà chữ đinh trăm cột, vì có 100 cây cột đỡ mái ngói. Ngôi nhà là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc về nhà ở miệt vườn Nam bộ. Mái lợp ngói âm dương. Hàng hiên liền nhau suốt dọc nhà trên và nhà dưới tạo thành một mảng dài ở mặt chính. Mặt bằng nhà được chia thành hai bộ phận nhà trên và nhà dưới theo kiến trúc nhà chữ đinh.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nhà cổ chữ đinh trăm cột này có kết cấu bộ khung vững chãi, các cột được làm bằng gỗ căm xe thân tròn to khỏe, xếp hàng song song theo chiều dọc và chiều ngang đứng chịu lực, ráp mộng khít khao với thân kèo, đòn tay. Trên các bao lam, cửa, hoành phi, liễn đối trang trí những đồ án thể hiện nhiều nội dung đề tài như: tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), chim muông, hoa lá, tích sử, cảnh vật trời mây hữu tình,... lồng ghép những ý tưởng, ước muốn có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc của cư dân nông nghiệp nói chung và của gia chủ nói riêng. Dù thời gian sử dụng đã trên 100 năm nhưng đến nay bộ khung vẫn còn vững chãi, một phần nhờ vào kỹ thuật ráp nối của người xưa, phần nữa là nhờ vào ý thức bảo quản của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Tất cả gần như được bảo vệ nguyên vẹn, từ tán kê chân cột đến bộ khung: cột, kèo, đòn tay, rui, mè... đều được sơn, lau chùi bóng loáng cẩn thận. Điều đặc biệt là thân kèo chế tác theo kiểu kèo tam đoạn, mỗi đầu kèo là một đồ án trang trí, thể hiện nội dung đề tài khác nhau, đầu đoạn kèo dưới, có dạng mái chèo, phía trên vót lên như hình đầu chim phượng. Trên mỗi đồ án trang trí chạm nổi chim thú, hoa lá, cảnh vật, trời mây.
Bên trong ngôi nhà có không gian rộng rãi thoáng mát, đem đến cảm giác dễ chịu cho người ở. Những mảng trang trí, dụng cụ sinh hoạt, đồ thờ đều là những vật dụng có giá trị về kinh tế, lịch sử và văn hóa. Tất cả đều được bố trí sắp xếp ngăn nắp, lau chùi sạch sẽ, thể hiện ý thức gìn giữ, bảo quản của gia chủ rất cao. Sự lộng lẫy và hiện vật phong phú bên trong nội thất của ngôi nhà này đã làm cho những ai có dịp đến đây đều phải trầm trồ... Phần trang trí nội thất, đầu tiên là phần hiên nhà, khoảng giữa cột hàng ba gian bìa đặt hai bộ ngựa gõ dày. Trên trần ở gian giữa treo bức hoành phi bằng gỗ nền thếp nhũ vàng chạm nổi chữ Hán. Bên trái, phía trước nhà dưới đặt bộ trường kỷ để trà nước tiếp khách hàng ngày. Bước qua ngạch cửa nối liền với phần hiên (từ cột hàng nhì trở vào) mặt tiền của nhà trên là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên. Nhà dưới dùng để bố trí phòng ngủ và vật dụng sinh hoạt của gia đình. Mặt chính và cửa của nhà trên và nhà dưới được làm bằng gỗ, lắp đặt liền mí với nhau. Cửa có song hình con tiện, bản gỗ (thượng song hạ bản) viền ô chạm khắc hoa lá, dây leo, hoa quả... mang ý nghĩa sung túc và hạnh phúc. Ở chính diện, mỗi khung cửa và bao lam bố trí ở từng gian có nội dung trang trí và hình thức thể hiện phong phú riêng biệt.
Nội thất bên trong ngôi nhà |
Không gian mặt tiền (từ cột hàng nhất mặt hậu trở ra) là nơi trang trọng nhất. Ở đây được trang hoàng lộng lẫy với việc sắp đặt bài trí các nơi thờ phượng, bàn ghế, tranh liễn, đèn trang trí đều có thể xếp vào dạng cổ vật, được chạm khắc cẩn ốc xà cừ tinh tế lộng lẫy, có giá trị mỹ thuật và kinh tế cao.
Nhà của Công tử Bạc Liêu
Trần Trịnh Huy, được gọi là Công tử Bạc Liêu bởi sự giàu có và phô trương, sinh năm 1900. Là con trai thứ 3 của ông Trần Trịnh Trạch, Trịnh Huy sở hữu nhiều nhà tại khắp 6 tỉnh miền Nam. Nhiều ngôi nhà của ông được trang trí cầu kỳ, nhưng ngôi nhà đẹp nhất nằm ở thành phố Bạc Liêu.
Ngôi nhà này được thiết kế và xây dựng năm 1919 bởi một kiến trúc sư người Pháp. Tất cả đồ đạc trong nhà đều được nhập từ Ý và Mỹ. Tất cả các viên gạch, phù điêu, ngói đá cẩm thạch được vận chuyển từ Pháp. Ngay cả các ốc vít cũng được khắc chữ P - cho biết nó được sản xuất tại Paris. Đồ sứ quý giá được nhập từ Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, nó trở thành một trong những ngôi nhà đẹp nhất của ông.
Sau nhiều năm sửa chữa, ngôi nhà vẫn bảo tồn được tất cả các chi tiết sang trọng vốn có: đồ nội thất làm từ gỗ quý; bàn ghế được chạm khắc tính vi và cả một chiếc giường ước tính trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trịnh Huy còn là người đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy bay riêng. Thời đó, chỉ có duy nhất 2 người có máy bay riêng: ông và vua Bảo Đại.
Nhà cổ Bình Thuỷ Cần Thơ
Trong phim của Annaud, nhà cổ Bình Thuỷ được sử dụng làm bối cảnh ngôi nhà của Huỳnh Thuỷ Lê. Được xây từ năm 1870 bởi nhà họ Dương tại thành phố Cần Thơ, ngôi nhà hiện nay vẫn thuộc sở hữu của gia đình. |
Nhà cổ Bình Thuỷ là sự cân bằng giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, với nhiều đồ vật gia truyền quý báu. Nhà có vòm uốn và phù điêu ngoại thất kiểu Pháp, bậc thang kiểu Gothic dẫn đến sảnh chính - được trang bị bằng đồ gỗ nội thất quý ở miền Nam.
Vườn nhà có rất nhiều loài hoa lan đẹp. Sự quyến rũ của ngôi nhà còn nằm ở bộ sưu tập đồ cổ quý giá như một bàn với mặt bàn làm bằng đá cẩm thạch từ Trung Quốc, một ghế sofa kiểu Pháp từ thời vua Louis XV và bộ trà, ấm, bình khoảng 500 tuổi.
PT CASA ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG NỘI THẤT 2018
DN&TH; Năm 2018 được đánh giá sẽ là một năm có nhiều chuyển biến với những gam màu tươi sáng trong ngành nội thất. Từ các hội trợ, các công ty kiến trúc và thiết kế đã chỉ ra rằng 2018 là sự trỗi dậy của các sản phẩm nội...
Quán cà phê phong cách biệt động Sài Gòn
Quán cà phê là ngôi nhà cổ, nơi hoạt động của biệt động Sài Gòn với những hầm bí mật, vật dụng của một thời kháng chiến vẫn còn nguyên.
Không gian đẹp bất ngờ trong ngôi nhà mộc Hà Nội
Gia chủ không cần đóng cửa, dùng rèm mà vẫn có được sự an toàn, kín đáo. Nhà hang mà tràn ngập nắng gió ở Hà Nội
Tôi chống nồm thành công bằng sỉ than dù người khác chê cười
Sau 2 năm, sàn nhà tôi tuyệt đối không bị nồm trong khi nhà bên cạnh mới xây thì ướt sũng.
Nhà làm từ container được vạn người mê ở Hải Dương
Anh Tiến chi 500 triệu để xây nhà từ 2 chiếc container, với các thiết bị có thể điều khiển bằng giọng nói.
9 màu sơn nhà sẽ thịnh hành trong năm 2018
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về nhà ở không chỉ là nơi cư trú mà còn thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ. Vì thế, màu sơn nhà cũng là yếu tố thể hiện cá tính riêng biệt.
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...