Đức Long Gia Lai nói gì về dư nợ, nợ và việc thay đổi CEO?

07:35 | 07/10/2021

DNTH: Thời gian gần đây, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng đầu năm 2021, cũng như việc thay đổi Tổng Giám đốc (CEO) của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG).

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp và có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng Quản trị DLG Group.

dl2
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai. 

- Thưa ông, trong BCTC 6 tháng đầu năm 2021 đã được soát xét, có 2 vấn đề mà Công ty kiểm toán Chuẩn Việt nhấn mạnh liên quan đến khoản nợ 1.800 tỷ đồng quá hạn và khoản cho vay 2.400 tỷ đồng không có tài sản đảm. Vậy ông có thể giải thích rõ ràng về vấn đề này?

- Ông Bùi Pháp: 3 năm liên tiếp đạt doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, đầu năm 2020 Covid-19 ập đến đã khiến Đức Long Gia Lai chịu ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu ngay lập tức sụt giảm 30%, đồng thời các loại chi phí tăng cao đột ngột. Điều đó khiến Đức Long Gia Lai chịu lỗ gần 900 tỷ đồng, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của DLG.

dl6
Hội sở Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại TP.Pleiku. 

Chính vì vậy, trong thời gian qua dư luận đã có một số thông tin không tốt, phần nào gây thất thiệt về hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi, như nợ quá hạn, bán tài sản trả nợ, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Thực tế đã chứng minh, không phải bây giờ mà trước đây, hiện tại và kể cả sau này, không chỉ DLG mà nhiều doanh nghiệp khác cũng phải chấp nhận sống chung với dư luận như sống chung với Covid-19 đó thôi.

- Xin ông nói rõ hơn về khoản nợ 1.800 tỷ đồng quá hạn và khoản mà Tập đoàn ĐLG cho các đối tác vay 2.400 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm?

- Ông Bùi Pháp: Về chuyện Đức Long Gia Lai đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền khoảng 2.400 tỷ đồng, các khoản vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Tôi khẳng định rằng, việc DLG cho các công ty đối tác vay khoản tiền trên là không trái với quy định của pháp luật, việc này hết sức bình thường trong hoạt động của hàng ngàn doanh nghiệp khác ở Việt Nam.

dl3
Hội sở của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. 

Xét khía cạnh tổng quan về khoản cho vay này nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của DLG và cũng đã được Hội đồng Quản trị thông qua chủ trương thực hiện. Các khoản cho vay này chúng tôi cũng đã “chọn mặt gửi vàng”, hầu hết những cá nhân, tổ chức vay là khách hàng, đối tác làm ăn uy tín lâu năm với DLG. Quan trọng là họ trả lãi định kỳ đúng, đủ. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch để thu hồi một phần công nợ, tuy nhiên do sự tác động của đại dịch Covid - 19 đã khiến khách hàng của chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy việc thu hồi công nợ có phần chậm trễ hơn so với kế hoạch đề ra.

Còn chuyện khoản nợ phải trả đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là 1.800 tỷ đồng, điều này khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Vấn đề này, tôi cũng đã giải thích nhiều lần rồi. Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 thì DLG Group cũng không phải là ngoại lệ.

dl1
Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai - ông Bùi Pháp.

Doanh thu ở các lĩnh vực đều giảm mạnh, cộng với việc thu hồi công nợ của khách hàng chậm trễ, không đúng kế hoạch nên việc thanh toán nợ đến hạn cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo cho các khoản vay đang quá hạn tại các tổ chức tín dụng là đảm bảo 200%, đủ để các tổ chức tín dụng, ngân hàng yên tâm một khi xử lý thu hồi nợ và không ảnh hưởng đến việc hoạt động liên tục của DLG.

Chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình cấu trúc tài chính toàn diện, đàm phán với các tổ chức tín dụng đề nghị miễn giảm lãi, kéo dài thời gian trả gốc. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn nhằm tất toán các khoản nợ quá hạn trong thời gian sắp đến, chậm nhất đến ngày 31/12/2023.

l7
Trạm thu phí Đức Long Gia Lai trên Quốc lộ 14 bắt đầu phục hồi nguồn thu khi nới lỏng giãn cách xã hội do dịch Covid - 19. 

Tôi khẳng định, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận hàng năm theo kế hoạch, ổn định thu nhập cho người lao động, nộp bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Công ty cũng đã nhận được sự cam kết chính thức từ các thành viên góp vốn, trong đó có cá nhân tôi về việc cung cấp cho Tập đoàn các hỗ trợ tài chính cần thiết để có thể thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ đến hạn trong thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.

Trong giai đoạn sắp tới, DLG tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện Công ty để tạo đà tăng trưởng bền vững, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế đã được Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh thành chấp thuận chủ trương đầu tư. Chiến lược phát triển của DLG trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) và có tính đến năm 2030 sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn: sản xuất kinh doanh điện tử và linh kiện điện tử, năng lượng sạch (thủy điện, điện gió và điện mặt trời), cơ sở hạ tầng thu phí và khu công nghiệp.

dl5
Thêm một góc nhìn về Hội sở của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. 

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và có những thông tin chưa tốt về DLG, nhưng cổ phiếu DLG từ đầu năm 2021 đến nay giao dịch ngoạn mục, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt khoảng 20,6 triệu đơn vị, hiển thị giá đạt 4.750 đồng/cổ phiếu, tăng trên 232% trong vòng một năm qua. Điều này chứng tỏ có rất nhiều cổ đông, nhà đầu tư theo dõi đến chiến lược trung dài hạn của chúng tôi, đánh giá đúng tiềm năng phát triển của DLG trong thời gian sắp tới.

- Vậy còn chuyện Tổng Giám đốc Trần Cao Châu từ nhiệm thì sao, thưa ông?

- Ông Bùi Pháp: Ông Châu chủ động xin rời ghế Tổng Giám đốc có thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tôi khẳng định rằng ông Châu không đủ năng lực và không còn phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của DLG trong thời gian đến, chứ không phải ông Châu xin nghỉ vì DLG đang gặp khó khăn như thông tin từ dư luận.

Cần phải nhìn nhận rằng, mặc dù đợt bùng phát dịch thứ 4 này kể từ ngày 27/4 đến nay rất phức tạp, khó lường và nghiêm trọng, nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh sâu sát, quyết liệt của Chủ tịch HĐQT cùng với sự toàn tâm toàn lực, chung sức đồng lòng từ lãnh đạo đến người lao động, DLG sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách để thành công vượt trội.

244205919_556145425471148_6837335235808907868_n
Lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện điện tử là một trong những thế mạnh của Đức Long Gia Lai. 

Đặc biệt, DLG đang tái cấu trúc tài chính toàn diện, nhằm tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng trong thời gian tới với hàng loạt dự án có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, được triển khai khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều này đòi hỏi toàn bộ bộ máy của Tập đoàn, bao gồm cả các lãnh đạo ở cấp cao nhất, phải ngày càng thay đổi tư duy, trẻ hóa nhân sự, có khả năng thích ứng cao, dễ dàng tiếp nhận các vấn đề kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực mình phụ trách. Vì thế, ông Nguyễn Tường Cọt- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn là một sự lựa chọn thích hợp cho vị trí CEO của DLG trong giai đoạn này. 

244713453_285040933440068_4176105294652795464_n
Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và khách sạn bắt đầu hồi phục khi du lịch mở cửa trở lại.

Ở tuổi 37, ông Nguyễn Tường Cọt là quyền Tổng Giám đốc trẻ nhất trong các đời Tổng Giám đốc tiền nhiệm và cũng là người lãnh đạo gắn bó lâu năm nhất, trưởng thành cùng với sự phát triển của DLG. Đó là một lãnh đạo trẻ năng động, nhạy bén dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bản lĩnh và chủ động quyết định mọi công việc theo thẩm quyền được giao.

Tôi và Hội đồng Quản trị tin tưởng, kỳ vọng vào sức trẻ, sự sáng tạo và tính quyết đoán của ông Nguyễn Tường Cọt. Ông ấy là đại diện cho thế hệ lãnh đạo trẻ của Tập đoàn, sẽ đưa DLG có những bước phát triển mạnh mẽ, thích ứng với hoàn cảnh bình thường mới, từng bước có sự đột phá và chinh phục các mục tiêu mới.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chanh leo có "visa" vào Mỹ, vải thiều "gõ cửa" Hàn Quốc

DNTH: Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất sang Mỹ, còn vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Hơn 3.000 điểm bán của Thế Giới Di Động trở thành đại lý thanh toán của VPBank

DNTH: Là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai mô hình đại lý thanh toán tại Việt Nam, VPBank và Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động đã chính thức hợp tác, mang đến cho khách hàng cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn...

Tiên phong thực hành ESG, Nestlé Việt Nam lan tỏa thông lệ tốt về thúc đẩy bình đẳng giới

DNTH: Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trở thành yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố môi trường mà còn chú trọng hơn vào xã hội và quản trị....

Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào vụ sản xuất 2024-2025

DNTH: Sáng 4/12, tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Nhà máy Đường An Khê-Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã chính thức nhấn nút bước vào vụ sản xuất 2024-2025.

Xe điện VinFast ‘hút’ người trẻ tại chuỗi sự kiện Zalopay YEF 24

DNTH: Dàn xe điện cá tính, sành điệu của VinFast với tâm điểm là VF 7 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khách hàng trẻ đến tham gia chuỗi sự kiện Zalopay Year End Fes 2024 (Zalopay YEF 24).

Chiến lược đồng hành cùng người tiêu dùng của Masan Group

DNTH: Trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam trong 3 quý năm 2024 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

XEM THÊM TIN