Bộ GTVT dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, từ nay đến năm 2020: Tập trung nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, với đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.
Giai đoạn 2 năm 2020 đến năm 2030: Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ 350 km/h trong tương lai; ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.
Giai đoạn 3 tầm nhìn đến 2050: Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ 350 km/h (tốc độ cao tốc).
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 1.500 km, đi qua 20 tỉnh thành, trong đó gần 60% đi qua cầu và hầm; trên tuyến có 23 nhà ga. Tuyến đường dự kiến sẽ đi xuyên đèo Cù Mông, đèo Cả...
Trước đó, đầu tháng 1/2018, Bộ GTVT cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ lộ trình nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ thực hiện các báo cáo chuyên đề về sự cần thiết phải đầu tư; lựa chọn công nghệ, tốc độ và tiêu chuẩn kỹ thuật; phương án tổ chức chạy tàu; tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong khoảng từ tháng 1/2018 – tháng 10/2018.
Bộ GTVT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương) kết quả nghiên cứu hoàn thiện Chủ trương đầu tư trong khoảng từ tháng 11/2018 - 4/2019 nếu các hạng mục này bám sát kế hoạch đề ra.
Được biết, Dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Bộ GTVT phê duyệt vào cuối năm 2016 với tổng mức đầu tư 14,7 tỷ đồng, có mục tiêu tập hợp, rà soát các kết quả nghiên cứu trước đây nhằm xây dựng phương án xây dựng mới về đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Tháng 5/2010 Chính phủ cũng đã trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM có chiều dài 1570 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56 tỷ USD. Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc hội yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định sự hiệu quả và tính khả thi của Dự án.
Minh Quang
VietTimes
Ý kiến bạn đọc...