Fed nâng lãi suất mức kỷ lục, chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng

09:35 | 16/06/2022

DNTH: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất đi vay cơ bản 0,75 điểm%, mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua, từ ngày 15/6.

Fed nâng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua - Ảnh 1.
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Theo TTXVN, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách của Fed, tái khẳng định rằng họ vẫn "cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát (ở Mỹ) trở lại mục tiêu 2%" và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất chủ chốt.

Cho đến gần đây, Fed dường như đã chấp thuận mức tăng lãi suất 0,5 điểm%, song các nhà kinh tế cho rằng Fed cần phản ứng mạnh mẽ hơn để chứng minh quyết tâm chống lạm phát. Động thái lớn này là lần tăng 0,75 điểm% đầu tiên kể từ tháng 11/1994.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo để cung cấp thêm thông tin chi tiết về các kế hoạch của Fed.

Các thành viên FOMC cũng kỳ vọng chỉ số lạm phát ở Mỹ sẽ là 5,2% vào cuối năm nay trong khi tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm lại còn 1,7% so với dự báo 2,8% đưa ra trước đó.

FOMC lưu ý tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang "tạo thêm áp lực làm gia tăng lạm phát và đang đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu".

Ngoài ra, Ủy ban này cũng cho rằng việc phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 đang diễn ra ở Trung Quốc cũng "có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng" trên toàn cầu.

Lạm phát tại Mỹ cao nhất trong hơn 40 năm

Lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt.

Bộ Lao động Mỹ công bố các dữ liệu mới cho thấy lạm phát tăng mạnh do giá các loại nhiên liệu tăng 34,6% và giá thực phẩm thiết yếu tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1979. 

Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6.

Lạm phát cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID - 19. Áp lực giá cả có thể thấy rõ rệt trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động đang thiếu nhân công và tỉ lệ người thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Cũng chính vì giá thuê lao động tăng cao mà các doanh nghiệp lại buộc phải tăng giá hàng hóa để bù chi phí.

Thêm vào đó, nhu cầu du lịch, đi lại và thụ hưởng các dịch vụ đa dạng cũng tăng cao khi đại dịch COVID - 19 đang giảm khiến giá cả các dịch vụ này cũng tăng. Giá vé máy bay tăng 37,8%, giá khách sạn tăng 19,3% và quán ăn, nhà hàng tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua.

Chỉ số lạm phát hiện nay của Mỹ đã tăng hơn gấp 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Fed đặt ra để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, dù ngân hàng đã nỗ lực giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất 2 lần vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua.

Chứng khoán thế giới ngập sắc xanh

Trong phiên giao dịch ngày 15/6, chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt tăng điểm, trong khi lợi tức trái phiếu chính phủ và giá trị đồng USD đã không còn giữ ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm sau khi Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư dường như đã nhẹ nhõm hơn khi Fed đáp ứng mong đợi của thị trường, đưa ra những động thái quyết liệt hơn để khống chế lạm phát tăng. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq cùng tăng lần lượt ở mức 1%, 1,46% và 2,5%.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng phản ứng khá tích cực với quyết định trên của Fed. Thước đo cổ phiếu toàn cầu của MSCI đã tăng 1,10%, sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 1-1,5 năm hồi đầu tuần. Mở phiên giao dịch ngày 16/6, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo cũng đồng loạt tăng điểm. Chỉ số Nikkei 225 tăng 1,88%, tương đương 493,81 điểm lên 26.819,97 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 1,43%, tương đương 26,57 điểm, lên 1.882,50 điểm.

Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng đã giảm từ mức cao kỷ lục trong 11 năm là 3,498% ghi nhận trong ngày 14/6, xuống còn 3,291%. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng giảm còn 3,2096%, thấp hơn mức cao kỷ lục 3,456%, cũng được ghi nhận trong ngày 14/6.

Sau khi Fed quyết định tăng lãi suất, chỉ số của đồng USD cũng đã "hạ nhiệt", giảm 0,40%, sau khi lên mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm.

 

Theo Báo CP

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thẻ tín dụng HDBank - nhiều ưu đãi độc quyền cuối năm

Gia nhập hội chi tiêu phong cách cùng thẻ tín dụng HDBank để khám phá chuỗi ưu đãi độc quyền dịp cuối năm. Với vô vàn chương trình giảm giá đa tầng hấp dẫn, thẻ tín dụng HDBank không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn giúp...

Nhóm đối tượng yếu thế vay ‘nóng’ đối mặt với rủi ro tài chính

DNTH: Khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (thành viên của Tổ chức EY toàn cầu) cho hay, trong nhóm đối tượng “underbanked” (khách hàng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính ngân hàng) có tới 42% người...

Eximbank tổ chức thành công Đại hội cổ đông bất thường năm 2024

DNTH: Ngày 28/11/2024, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Khách sạn Melia Hà Nội.

SeABank nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi T24 lên R22 - phiên bản mới nhất được triển khai tại thị trường...

DNTH: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) đã nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) T24 Temenos lên phiên bản R22 - phiên bản mới nhất tại thị trường Việt Nam, nhằm tăng cường khả năng tuân thủ các quy định quốc...

Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất tiền gửi

DNTH: Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Công điện của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

DNTH: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.

XEM THÊM TIN