Xu thế sử dụng Cloud
“Chúng ta có thể không nhận ra, Cloud đã trở thành xu thế phổ biến”, ông Đồng Sỹ Cường, PGĐ Trung tâm Giải pháp Cloud Viettel IDC phát biểu trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2018. “Thời mà người ta phải tuyên truyền kêu gọi chuyển đổi số đã đi qua, ngày nay chúng ta tiếp tục hành trình đấy một cách rất tự nhiên”.
Trong bối cảnh thế giới đang cuốn vào cuộc cách mạng Internet Vạn vật (IoT), các dịch vụ đám mây là bước tiến hóa tất yếu. Chúng ta có thể thấy 80-90% smartphone sử dụng nền tảng điện toán đám mây thay vì lưu trữ trên bộ nhớ, theo ước tính của Cloud Viettel IDC. Nền tảng HĐH Android có các dịch vụ của Google như G-Mail hay Google Drive đều vận hành và lưu trữ trên đám mây; còn iPhone nổi tiếng với dịch vụ lưu trữ iCloud của Apple.
Vừa qua, gã khổng lồ Microsoft đã cán mốc công ty đại chúng nghìn tỷ và dịch vụ lưu trữ đám mây Azure góp phần không nhỏ cho thành công đó, với doanh thu tăng trưởng 58%. Chuyên gia phân tích của Keith Wiess của Morgan Stanley dự đoán, Azure sẽ đem về cho Microsoft doanh thu 6,4 tỷ USD vào năm 2021. Hồi tháng 10, tập đoàn máy tính IBM cũng đã đầu tư khoản tiền kỷ lục 34 tỷ USD mua lại công ty cung cấp dịch vụ đám mây Red Hat, nhằm hỗ trợ cho mạng lưới máy chủ doanh nghiệp của mình.
Điện toán đám mây (Cloud Computing) nói chung và Đa đám mây (Multi-Clouds) nói riêng đang trở thành xu thế thay đổi cả bức tranh toàn cảnh của ngành CNTT, giúp đơn giản hóa môi trường làm việc. Sự tăng trưởng hiện nay của thị trường đám mây cho thấy đám mây và hệ sinh thái dịch vụ và phần mềm xung quanh nó đang phát triển nhanh và sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.
Cloud và Multi-Clouds khác nhau thế nào?
Điện toán đám mây (Cloud Computing) có thể gọi nôm na là hệ thống máy chủ ảo mà người dùng có thể truy cập qua kết nối Internet. Dựa vào mô hình triển khai, đám mây phân thành 3 loại: Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS - Infrastructure as a Service), Nền tảng như một dịch vụ (PaaS - Platform as a Service) và Phần mềm như một dịch vụ (SaaS - Software as a Service).
Right Scale thống kê trong năm 2017 có 95% doanh nghiệp lưu trữ và vận hành hệ thống trên đám mây. Ảnh: Right Scale
|
Tuy nhiên, chúng ta chủ yếu gọi đám mây theo mô hình cung cấp dịch vụ. Phổ biến nhất là Public Cloud hay đám mây công cộng. Ngoài ra còn, Private Cloud là đám mây nội bộ tồn tại trong tường lửa của doanh nghiệp; và “đứa con lai” của 2 loại hình trên là Hybrid Cloud.
Hiện nay, các doanh nghiệp có khuynh hướng thích chiến lược đa đám mây (Multi-Clouds) để tránh tình huống “giữ tất cả trứng trong cùng một giỏ”. Cloud Viettel IDC đã thực hiện khảo sát độc lập, 85% doanh nghiệp sử dụng đa đám mây. Trung bình mỗi đơn vị sử dụng 5 đám mây và chạy dự án thử nghiệm trên 3 đám mây.
Ông Cường lý giải: “Doanh nghiệp được tính là sử dụng Multi Clouds khi họ cùng lúc dùng nhiều nền tảng đám mây của nhiều nhà cung cấp khác nhau”. Nhu cầu đến một cách tự nhiên, tương tự như cách chúng ta dùng smartphone. Khi nhu cầu lớn hơn, chúng ta mua một chiếc khác hoặc đổi sang điện thoại tích hợp sim kép.
Tại sao doanh nghiệp chọn Multi-Clouds?
PGĐ Trung tâm Giải pháp Cloud Viettel IDC Đồng Sỹ Cường cho rằng có 5 nguyên nhân tác động đến doanh nghiệp khi lựa chọn Đa đám mây là giải pháp chiến lược để phát triển hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân đầu tiên nằm ở tổng chi phí sở hữu (TCO - Total Cost of Ownership). Tổng chi phí sở hữu của một khoản đầu tư (hay một dự án) là tất cả chi phí phát sinh trong quá trình chuẩn bị, khởi động, vận hành dự án trong suốt quá trình sống của nó.
Ông Cường phân tích: “Tổng chi phí sở hữu là nguyên nhân quan trọng hình thành nên xu hướng sử dụng Multi Cloud”. Ông nói thêm: “Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đa quốc gia đều có công nghệ, chiến lược tính giá, phát triển dịch vụ riêng. Các yếu tố này sẽ tạo nên đặc tính của dịch vụ Cloud. Chưa kể tới chiến lược của các nhà cung cấp cũng có thể thay đổi theo thời gian”.
Ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu, doanh nghiệp luôn tìm cách để mở rộng phát triển. Doanh nghiệp không thể lựa chọn chiến lược dài hơi vĩnh viễn mà phải thay đổi chúng theo nhu cầu và thời gian.
Ông Cường khẳng định rằng nếu phụ thuộc một nhà cung cấp đám mây duy nhất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã vô tình chấp nhận rủi ro: “Có thể ngày hôm nay, một nền tảng đám mây rất phù hợp với hạ tầng CNTT mà chúng ta đang vận hành. Nhưng trong tương lai, với những nhu cầu phát sinh trong kinh doanh hay nghiệp vụ, đám mây của nhà cung cấp hiện tại có thể không phù hợp nữa”.
Nguyên nhân thứ 2 nằm ở thời gian hoạt động liên tục (uptime). Thực tế, không có bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào có thể đạt 100% thời gian như cam kết. Sự cố xảy ra trong quá trình vận hành dịch vụ là không thể dự đoán trước.
Ví dụ, Amazon là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất trên toàn cầu, có những thời điểm máy chủ Amazon hoạt động ổn định liên tục trong 99,99% thời lượng. Tháng 3/2017, nền tảng đám mây nổi tiếng AWS đã ngừng hoạt động bởi một sự cố mất điện kéo dài trong 5 giờ.
Vì vậy, Đa đám mây sẽ tăng cơ hội “sống sót” và đảm bảo dữ liệu của doanh nghiệp luôn sẵn sàng để sử dụng, đồng thời tăng thời gian hoạt động liên tục.
Nguyên nhân thứ 3 nằm ở sự tương thích. Mỗi tổ chức tài chính, ngân hàng lựa chọn bộ vi xử lý đặc thù chạy trên các nền tảng khác nhau. Vì vậy, dịch vụ của một nhà cung cấp không thể đáp ứng nhu cầu, tương thích hệ thống của tất cả các doanh nghiệp.
Nguyên nhân thứ 4 là sự phụ thuộc vào mô hình địa lý. Ví dụ tại Trung Quốc có chính sách giới hạn về nội dung số và dịch vụ số; hoặc Đức yêu cầu doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu trong nước. Đây là chính sách đang và sẽ mở rộng trên nhiều lãnh thổ, nhiều quốc gia. Do vậy, một dịch vụ đám mây duy nhất từ một nhà cung cấp duy nhất sẽ không thể giải quyết bài toán đó.
Cuối cùng, tính linh hoạt khi chuyển đổi mô hình kinh tế là nguyên nhân tạo nên làn sóng Đa đám mây trong các doanh nghiệp hiện nay. Khi bị giới hạn bởi một nhà cung cấp dịch vụ đám mây duy nhất, doanh nghiệp sẽ không thể xóa dữ liệu bởi nó đang trong giai đoạn lưu trữ, đồng thời cũng không thể khai thác cho bất kỳ mục đích kinh doanh nào.
Ông Cường nói: “Doanh nghiệp cần tưởng tượng đến bối cảnh tương lai khi họ thay đổi chiến lược nhưng không thể chuyển dữ liệu từ dịch vụ cloud của nhà cung cấp này sang một nhà cung cấp khác. Blocking vendor là vấn đề khi doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp”.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...