Theo đó, Tập đoàn FLC đã 3 lần gửi công văn, xin trả lại đội bóng cho UBND tỉnh Thanh Hoá nhưng tỉnh vẫn muốn FLC tiếp tục đồng hành.
Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ: “Ở sân chơi V.League trong 4 năm qua, chúng tôi tài trợ cho CLB Thanh Hoá và gặp nhiều khó khăn, điều tiếng từ bóng đá mà ra.
Trước khi tiếp quản đội bóng Thanh Hoá, CLB có nợ lương công nhân. Thời điểm đó công nhân chỉ có thu nhập hơn 1 triệu đến 2-3 triệu nhưng bị nợ nhiều tháng. Sau khi chúng tôi tiếp quản, điều kiện sân bãi nâng cấp, lương công nhân và lương cầu thủ đã tăng hơn trước đây rất nhiều.
Tất cả từ đội trẻ để đội 1 đều được trang bị rất đầy đủ so với những năm trước đây”.
Ông Quyết đưa ra những bất cập khi tập đoàn FLC đầu tư vào bóng đá: “Năm vừa rồi, chúng tôi đầu tư xấp xỉ 120 tỉ đồng cho CLB, thế nhưng gặp nhiều thứ bất cập. Ngoài tiền đầu tư, chúng tôi chịu thuế chồng thuế, phải đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân cho các cầu thủ.
FLC tài trợ nhưng phải đóng thuế cho chính việc tài trợ của mình. Tỉnh Thanh Hoá cũng không có sơ sở để tháo gỡ, vấn đề nằm ở chính sách thuế.
Bấp cập thứ hai, ở đây vấn đề hơi nhạy cảm, tôi suy nghĩ lại và không thể chia sẻ hết được. Nhưng chúng tôi có đá thế nào cũng khó vô địch khi FLC chỉ có 1 đội bóng.
FLC Thanh Hoá trong mấy năm gần đây có thành tích hơn hẳn trước đây, thế nhưng chúng tôi nhận thấy, với cách điều hành bóng đá như hiện nay, dù cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể vô địch. Mà không giành ngôi vô địch, bà con CĐV cũng buồn”.
Đặc biệt, ông Quyết cũng nhấn mạnh việc rút khỏi bóng đá cũng là điều tránh cho thương hiệu FLC bị “bôi bẩn”.
“Những thành tích đã có tốt nhất rồi, NHM vẫn không thoả mãn. Chúng tôi đổ công đổ sức nhưng không mang lại điều gì. Thậm chí, danh giá của chúng tôi còn bị một số người bản địa nói rằng FLC tài trợ đội bóng để nhận ưu đãi chính sách, dù thực tế, chúng tôi không nhận ưu ái gì.
Chúng tôi đầu tư vào các dự án ở Thanh Hoá là việc mà chính quyền địa phương gọi không ai làm thì chúng tôi làm. Vì chúng tôi là nhà đầu tư lớn, tỉnh cũng muốn hỗ trợ, chúng tôi sẵn lòng. Đáp lại chúng tôi cũng không hưởng lợi ích gì, có ưu đãi gì cũng đều theo luật.
Chúng tôi thấy thời điểm này, cần có động thái quyết liệt trong việc tạm dừng và bàn giao lại đội bóng cho tỉnh Thanh Hoá, cụ thể ở đây là Sở VHTT. Nếu mình làm việc gì đó, dù công ích cũng phải được ghi nhận. Một số thành phần đến gặp chúng tôi nói, thậm chí nói trước các diễn đàn, không phù hợp với văn hoá của FLC.
Chúng tôi xin chấm dứt để bảo vệ thương hiệu. Nói xin lỗi với các đồng chí là chúng tôi không thể để thương hiệu bị bôi bẩn”.
Kết thúc V.League 2018, FLC Thanh Hoá đã giành ngôi Á quân. Trong những mùa giải gần đây, đây là đội bóng chịu chi nhất khi mang về xứ Thanh hàng loạt cầu thủ chất lượng và những HLV ngoại "xịn". Tuy nhiên, cũng không ít lần vì bức xúc với BTC mà Tập đoàn FLC đã có ý định từ bỏ bóng đá.
Và sau nhiều lần "doạ" bỏ giải, cuối cùng Tập đoàn FLC quyết định trả đội bóng cho tỉnh Thanh Hoá sau 4 năm nhảy vào làm bóng đá.
Ý kiến bạn đọc...