Hiệu quả bước đầu
Đến thăm HTX Y học bản địa Quyết Tiến (thôn Đông Kinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ), đơn vị đang hoạt động rất hiệu quả trong khâu liên kết sản xuất và chế biến dược liệu, anh Vàng Thìn Nghì, Phó giám đốc HTX hồ hởi cho biết, năm 2013, anh mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp không hiệu quả của gia đình sang trồng cây dược liệu. Đến năm 2016, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương để HTX tiếp tục vay vốn để thuê đất liên kết trồng thêm 15ha dược liệu. Thu nhập từ bán dược liệu năm 2018 ước tính vào khoảng 3 tỷ đồng. Cùng với đó HTX bảo đảm cho khoảng gần 40 công nhân người địa phương có việc làm liên tục với mức thu nhập gần 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, dù mới phát triển mạnh mấy năm gần đây nhưng hiệu quả từ việc trồng cây dược liệu tại địa phương là tương đối rõ nét. Cây dược liệu Quản Bạ trồng nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên hoạt tính của cây dược liệu nơi đây được đánh giá rất cao, an toàn và cho giá trị lớn từ nó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Sau 3 năm thực hiện chương trình phát triển cây DL, diện tích trồng cây DL trên địa bàn tỉnh đạt trên 11 nghìn ha; trong đó, các loại cây DL trong danh mục các cây DL ưu tiên trên địa bàn tỉnh như: Đương quy, Đan sâm, Giảo cổ lam, Sinh địa… trồng trên 550 ha, đạt sản lượng thu hoạch trên 3.200 tấn; cây trồng thử nghiệm đạt trên 68 ha, đạt sản lượng thu hoạch trên 195 tấn; sản lượng thu hái tự nhiên đạt trên 262 tấn.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã đầu tư vào lĩnh vực DL và công bố chất lượng thực phẩm, mỹ phẩm có nguồn gốc từ DL. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm; kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về DL với các doanh nghiệp, HTX về đầu ra; hỗ trợ kỹ thuật sơ chế, chế biến DL; tiến hành nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong sản xuất giống; quan tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL…
Vùng trọng điểm dược liệu
Diện tích trồng dược liệu của HTX Y học bản địa Quyết Tiến |
Tỉnh Hà Giang có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với trên 380 nghìn ha đất có rừng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, thảo dược dưới tán rừng. Bên cạnh đó, Hà Giang còn là địa bàn cư trú của đồng bào 19 dân tộc, mỗi dân tộc lại có vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, chế biến và sử dụng DL địa phương. Hà Giang hiện có trên 1.560 loài DL, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng các loài cây DL tốt. Đây cũng chính là cơ sở để Hà Giang triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương về phát triển DL.
Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ và thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, người dân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến dược liệu, tỉnh Hà Giang đang từng bước trở thành vùng trọng điểm quốc gia về cây dược liệu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến sản phẩm dược liệu với tổng diện tích dược liệu toàn tỉnh đã trồng mới trong năm 2018 đạt trên 867 ha.
Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu của tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại do địa hình chia cắt mạnh, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; cây dược liệu thường xuyên bị tác động của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, băng giá, thiếu nước vào mùa khô nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Người dân tuy có kinh nghiệm trồng dược liệu, nhưng quy mô manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu còn hạn chế, việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến dược liệu chưa được chú trọng; công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen gặp nhiều khó khăn.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển cây dược liệu, ưu tiên phát triển các loài dược liệu đã trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, có giá tị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn liền với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó chú trọng đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn, nhân giống và chuyển giao khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển các loại cây dược liệu.
Ý kiến bạn đọc...