Hà Nội cần phát triển kinh tế ‘đi đôi’ với phòng, chống dịch COVID-19

19:42 | 12/03/2020

DNTH: Sáng 12/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND Thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó tập trung đánh giá tác động dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế-xã hội; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì Hội nghị.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Bích Phương

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Thủ đô Hà Nội và cả nước đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đột xuất hàng đầu là phòng, chống dịch COVID-19, đi đôi với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Thành phố đã đặt ra trong năm 2020, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Thủ đô trong cả nhiệm kỳ.

Ngay sau khi dịch COVID-19 xảy ra, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng báo cáo kịch bản đánh giá tác động của dịch tới tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô, đề xuất hướng giải pháp thực hiện với mục tiêu duy trì, khôi phục mạnh mẽ nền kinh tế sau khi dập dịch thành công.

“Cuộc họp này nhằm đánh giá tác động dịch bệnh đối với kinh tế-xã hội của Thành phố, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng sát với tình hình Thủ đô, đề xuất các giải pháp trong trường hợp cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch COVID-19

Báo cáo với Thường trực Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng kép của dịch bệnh COVID-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm an toàn giao thông, trong đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như bia, rượu giảm 23,2%... Kim ngạch xuất khẩu giảm 19%, kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7%; khách du lịch giảm mạnh (khách Trung Quốc giảm 93,5%, Hàn Quốc giảm 51,4%,… khách nội địa giảm 27%).

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 240,19 triệu USD, trong đó cấp mới 130 dự án với vốn đầu tư đăng ký 60,7 triệu USD. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hơn 3.700 doanh nghiệp. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 51.470 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 8.891 tỷ đồng, đạt 8,6% dự toán…

Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất vì 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm 37% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 15% kim ngạch xuất khẩu, 40% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm khoảng 41,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội dự báo sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, thu ngân sách dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. TP. Hà Nội đã đưa ra các kịch bản và giải pháp điều hành, cân đối ngân sách.

Trên cơ sở kết quả 2 tháng đầu năm, kịch bản tăng trưởng của cả nước và đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, Hà Nội cũng đã dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020. Cụ thể, kịch bản 1, quý I hết dịch, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để GRDP năm 2020 tăng 7,51%, đạt kế hoạch đề ra (từ 7,5% trở lên). Kịch bản 2, quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm 2020 GRDP tăng 6,93%, không đạt kế hoạch. Kịch bản 3, dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, GRDP năm 2020 tăng 6,42%, không đạt kế hoạch.

Trong đó, Thành phố đã lựa chọn kịch bản 1 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước. Để thực hiện được điều này, Hà Nội sẽ tập trung nắm vững tình hình, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Về các công trình trọng điểm, Thành phố xác định danh mục 55 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 486.991 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2/2020, 9 dự án và 1 hạng mục ngân sách hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 11 dự án đang thi công xây dựng gồm 8 dự án ngân sách ODA, 3 dự án PPP; 20 dự án và 1 hạng mục dự án đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện thủ tục; 14 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư.

Dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ, trong đó có 13 dự án sử dụng vốn ngân sách, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó một số dự án cần tập trung chỉ đạo quyết liệt mới có thể hoàn thành như: Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, Bảo tàng Hà Nội (nội dung trưng bày); trạm bơm Yên Nghĩa…

Nhanh chóng tạo môi trường và điều kiện ổn định sản xuất, kinh doanh

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định không điều chỉnh các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm nay mà quyết tâm thực hiện theo đúng kịch bản 1 đã đưa ra. Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 11 của Thủ tướng, Hà Nội đặt mục tiêu phòng chống dịch COVID-19 lên hàng đầu. Đây là giải pháp giúp nhanh chóng tạo môi trường và điều kiện ổn định cho sản xuất và kinh doanh, phục hồi nền kinh tế Thủ đô.

Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP sớm hoàn thiện, ban hành kế hoạch hành động, cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các sở, ban ngành, quận huyện thị xã triển khai các giải pháp cụ thể trong từng ngành, địa phương đơn vị.

Đồng thời, yêu cầu Thành phố chủ động linh hoạt trong điều hành ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tránh tập trung vào chống dịch mà chậm giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt với dự án lớn liên quan đến doanh nghiệp, người lao động.

Bên cạnh việc bám sát các giải pháp, trước mắt, Thành phố cũng cần những giải pháp căn cơ lâu dài; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo không khí phấn khởi, động viên các sở, ban ngành hăng hái triển khai nhiệm vụ…

Bích Phương

chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Từ ngày 12-14/12, Bắc Bộ tiếp tục có một đợt không khí lạnh tăng cường

DNTH: Nhận định về tình hình rét ở Bắc Bộ, chiều tối 9/12, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết: khoảng chiều và đêm 11/12, Bắc Bộ sẽ chịu tác động của một...

Thời tiết ngày 10/12: Trung Bộ có mưa to đến rất to

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 10/12, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa 70-150 mm. Cục bộ có nơi trên 250 mm.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

DNTH: Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay và phương hướng, nhiệm vụ đến hết...

Hội Nông dân Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổ chức 2 Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói

DNTH: Thay mặt Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội NDVN– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và...

Xây dựng đề án sáp nhập 2 Ban Đảng ở Trung ương

DNTH: Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương xây dựng đề án sáp nhập; Ban Đối ngoại Trung ương sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao.

Cảnh báo triều cường sẽ gây thiệt hại nhiều nơi ở Bạc Liêu

DNTH: Bạc Liêu - Dự báo năm 2025, hạn mặn ít khốc liệt hơn năm 2024 nhưng triều cường có khả năng đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

XEM THÊM TIN