Hà Nội ngộp thở vì ... Cao Ốc

16:26 | 08/06/2019

DNTH: Sự xuất hiện của những tòa chung cư cao ốc mang đến cho Hà Nội một hình ảnh văn minh hơn, hiện đại hơn và hào nhoáng hơn, tuy nhiên, những tòa nhà cao tầng này xuất hiện với mật độ dày đặc đã và đang gây áp lực lớn với hạ tầng giao thông của thủ đô.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 2

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, Hà Nội đã có sự bùng nổ về số lượng nhà cao tầng với sự ra đời của hàng loạt các khu đô thị mới. Đi một vòng Hà Nội, thật không khó để nhìn thấy những tòa cao ốc chọc trời nằm san sát nhau. Từ đường lớn, đến phố nhỏ, đâu đâu cũng thấy những chung cư, nhà văn phòng, trung tâm thương mại…

Theo khảo sát, trên đoạn đường Nguyễn Tuân dài hơn 1km “đếm vội” cũng có khoảng 20 tòa nhà, khu chung cư cao tầng với đủ loại diện tích có chiều cao trên 20 tầng như: HUD Tower, Imperia Garden, Tòa nhà Công ty CP lắp máy điện nước và xây dựng, Tòa nhà Sông Đà - Nhân Chính, Tổ hợp HDI Homes, The Legend, Thống Nhất Complex, Gold Season, khu nhà ở số 90 Nguyễn Tuân…

Khu vực đường Lê Văn Lương dài khoảng 2km nhưng cũng phải gánh tới gần 40 dự án chung cư cao từ 25 - 35 tầng có thể kể đến như: Star City, Chung cư The Golden Palm, Handi Resco, Center Point, tòa nhà văn phòng MB Grand Tower… Xung quanh đường Lê Văn Lương cũng bị bịt kín bởi dự án chung cư như đường Lê Văn Thiêm, đường Vũ Trọng Phụng...

Một con phố khác ở Hà Nội cũng “nhồi” đến vài chục dự án dù chỉ dài khoảng 2,7 km là đường Tố Hữu. Những dự án đáng chú ý tại khu vực này đó là The Light Tower, chung cư Bắc Hà, C14, The Pride, Park City, khi đô thị Dương Nội, An Hưng, Ecolife Capital…

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 3

Chưa hết, các tuyến đường nhánh cắt ngang Tố Hữu như đường Trung Văn cũng xuất hiện nhiều khu chung cư cao tầng như khu chung cư VOV Mễ Trì, khu đô thị Trung Văn…

Tuyến Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cũng dày đặc các dự án bất động sản có thể kể đến như Ecogreen City, Thăng Long Number 1, dự án của Vinaconex 1, khu đô thị Đại Kim, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ quy mô hàng nghìn căn hộ. Trong đó, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại lô đất CT2 với tòa nhà A cao 45 tầng, tòa B cao 45 tầng, tòa C cao 36 tầng và D1 cao 36 tầng, D2 cao 40 tầng.

Hay tại tuyến đường Nguyễn Trãi, hàng loạt những dự án cao ốc mới cũng ồ ạt ra đời như: dự án Golden Land, dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, dự án Hattoco… Đáng chú ý, hàng loạt các khu đất hai bên đường Nguyễn Trãi trước đây là các nhà mày xí nghiệp, hiện cũng đã được chuyển đổi thành các khu đô thị, tòa chung cư. Đơn cử như khu vực nhà máy Dệt may Mùa Đông cũ hiện cũng đã biến thành dự án Gold Season với quy mô 4 tòa chung cư cao từ 27 - 35 tầng.

Ngoài ra, tại một số nút giao thông quan trọng như Nguyễn Trãi - Trường Chinh - Đường Láng, cũng có hàng loạt các chung cư như Mipec Tower và một khu đô thị lớn với hàng chục nghìn cư dân.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 4

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đua xây dựng các chung cư cao tầng phản ánh một phần cuộc đua quyền lực của các đại gia bất động sản và cũng là chỉ dẫn cho tăng trưởng kinh tế từng năm, từng giai đoạn.

Bàn về vấn đề này, ThS. KTS Bùi Hữu Minh (Công ty Cổ phần Tư vấn - Đầu tư Xây dựng tổng hợp) phân tích, nếu nhìn vào danh sách 30 toà nhà cao nhất Việt Nam hiện tại cùng thời điểm khởi công, hoàn thiện, nhận định này có phần đúng.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 5

Chẳng hạn, năm 2010, GDP tăng trưởng 6,78%, cao nhất kể từ năm 2008. Cũng trong năm 2010, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều dự án cao ốc chọc trời được khởi công xây dựng, 5 trong số đó “lọt” danh sách 30 dự án cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Năm 2011, Keangnam Landmark 71 đi vào vận hành, được mệnh danh là toà nhà cao nhất Việt Nam. Công trình trở thành biểu tượng cho sự phát triển lĩnh vực xây dựng, ngành công nghiệp, dịch vụ ở nước ta. Thậm chí, cao ốc này còn được xem là biểu tượng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2012-2013 là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Nhìn lại 30 dự án toà nhà chọc trời, không có dự án nào được ấp ủ hay khởi công xây dựng trong 2 năm này.

Cho đến năm 2014, khi nền kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hội, có 5 tòa cao ốc được khởi công và hoàn thành 2-4 năm sau đó, điển hình là Landmark 81, CT4 Vimeco...

Hay năm 2017-2018, GDP tăng trưởng lần lượt 6,81% và 7,08%. Đây cũng là 2 năm lượng cao ốc được xây dựng và hoàn thành nhiều nhất từ trước đến nay. Cụ thể, 15/30 toà nhà cao nhất Việt Nam được hoàn thành trong 2 năm này, trong đó có đại diện nổi bật là Landmark 81, toà nhà sở hữu chiều cao kỷ lục hiện nay ở Việt Nam.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 6

Theo các chuyên gia, việc xây dựng nhiều nhà cao tầng trong khu vực nội đô là một tất yếu của quá trình đô thị hóa, phát triển và hội nhập toàn cầu. Nói về “công”, quả thực không thể phủ nhận những kết quả quan trọng trong việc xen cấy các nhà cao tầng tại khu vực nội đô.

ThS. KTS Bùi Hữu Minh cho rằng: “Việc hình thành các khu đô thị, khu nhà cao tầng đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, bổ sung quỹ nhà ở, văn phòng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ…; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển khu vực lân cận; và góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội hiện đại hơn, khang trang hơn so với những năm trước đây. Những kết quả quan trọng ấy, chúng ta không thể phủ nhận”.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 7

Song, về “tội”, việc tập trung quá nhiều nhà cao tầng, khu đô thị tại một số khu vực trong nội đô đã và đang gây ra rất nhiều bất cập. Theo ông Minh, việc xây dựng nhà cao tầng ở khu vực nội đô với diện tích sàn tăng lên, số người tập trung cao hơn… gây quá tải cho cơ sở hệ thống hạ tầng hiện hữu; tình trạng nước cấp không đủ áp lực, lưu lượng nước cấp không đáp ứng nhu cầu, chất lượng nước không đảm bảo… đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đô thị; hệ thống thoát nước hoạt động kém hiệu quả gây ngập úng, việc thu gom, vận chuyển rác có nguy cơ mất vệ sinh ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ mất an toàn trong phòng chống cháy, nổ…là những hệ quả không mong muốn trong quá trình xây dựng và phát triển nhà cao tầng trong khu vực nội đô của Hà Nội.

Đặc biệt, sự phát triển ồ ạt thiếu sự quản lý đã khiến cho giao thông bị quá tải và tắc đường đang xảy ra “như cơm bữa”. Theo phản ánh của một số người dân tại đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, kể từ khi các dự án chung cư được mọc lên, tình trạng tắc đường đã trở thành “đặc sản” khi nhắc tới những con phố này.

“Sở dĩ gây nên tình trạng tắc đường là do tốc độ phát triển các dự án cao ốc đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa. Nhiều con đường vốn đã nhỏ hẹp, không được mở rộng nay lại phải chịu áp lực rất lớn từ hàng chục chung cư, cao ốc đang “mọc” lên, gắn với những tòa nhà đó là hàng nghìn cư dân mới, kéo theo hàng nghìn phương tiện, khi đó tắc đường xảy ra là tất yếu”, ông Minh nhấn mạnh.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 8

Thông thường trong quy hoạch, hạ tầng giao thông phải đi trước các dự án xây dựng nhà ở một bước mới đảm bảo không làm phát sinh các vấn nạn giao thông như tắc đường, kẹt xe… Tuy nhiên hiện nay, ở Hà Nội, quy tắc này đang bị làm ngược lại nên đã khiến tình trạng tắc đường ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Để giảm thiểu tình trạng tắc đường, một mặt, chính quyền địa phương cần phải xem xét chặt chẽ các quy hoạch trong đô thị, đặc biệt trong cấp phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng. Không xây dựng nhà cao tầng tràn lan, mà cần lựa chọn những khu vực thích hợp trong thành phố cho việc xây dựng tập trung nhà cao tầng, bên cạnh đó cần tạo những không gian trống, cây xanh, mặt nước tạo môi trường sống trong lành cho đô thị. Mặt khác, cần phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, không chỉ đầu tư các tuyến huyết mạch mà còn phát triển cả hệ thống giao thông vệ tinh bởi việc hạn chế xây nhà cao tầng trong trung tâm không phải là giải pháp tối ưu.

Trên thực tế, những biện pháp, nỗ lực thời gian qua chỉ là tình thế, chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề cân bằng giữa xây dựng các chung cư cao tầng và giao thông đô thị. Theo KTS Minh, hiện nay, nhiều chủ đầu tư vừa thiết kế xây dựng vừa đầu tư, đã phá vỡ quy mô dân số, thay đổi diện tích xây dựng, bớt xén không gian công cộng khiến quy hoạch chung của Hà Nội có nguy cơ bị méo mó. Vì vậy, cần tuân thủ nghiêm quy hoạch và gắn trách nhiệm cho các cấp quản lý của chính quyền địa phương.

Hà Nội ngộp thở vì… cao ốc - ảnh 9

Thiết kế: Mẫn San

Theo Ngày Nay

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024

DNTH: Năm 2024, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang vẫn phục...

Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025

DNTH: Công an TP Hà Nội sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội

DNTH: Đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển...

Sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi công việc cho dân làng nghề Mẫn Xá

DNTH: Những ngày qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Bắc Ninh về xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xã, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, hoạt động sản xuất của làng nghề này đã dừng. Việc tháo dỡ các xưởng...

Lách luật quảng cáo tại các thùng rác công nghệ

DNTH: Đã 5 năm kể từ khi dự án dự án cung cấp, lắp đặt và duy tu thùng rác công nghệ với mục đích chứa rác phát sinh, rác tái chế của Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda khởi động, hàng loạt trụ rác trở thành nơi tập kết rác...

Hà Nội: Cận cảnh vị trí xây nhà hát Opera 10.000 tỷ đồng

DNTH: Theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ) vừa được vừa phê duyệt, Nhà hát Opera Hà Nội khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ là một dự án trọng điểm nâng tầm vị thế thủ đô.

XEM THÊM TIN