Hạn chế sử dụng điện thoại giúp học sinh tích cực giao lưu, phát triển kỹ năng

14:52 | 09/10/2024

DNTH: Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An đã triển khai quy định học sinh không sử dụng điện thoại di động, kể cả trong giờ chơi để giúp các em chú tâm vào học tập, có thời gian tham gia các hoạt động của trường cũng như chơi với bạn cùng trang lứa.

Chú thích ảnh
Học sinh mang điện thoại đi học sẽ nộp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc ban cán sự lớp trong suốt giờ học tại trường.

Học sinh tích cực giao lưu, phát triển kỹ năng

Để hạn chế việc sử dụng điện thoại, từ ngày 30/9/2024, Trường Trung học phổ thông Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) có thông báo chính thức yêu cầu tất cả học sinh không mang điện thoại đến trường, kể cả học thêm. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo phụ huynh, học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu học sinh không mang điện thoại đến trường, các em sẽ hạn chế việc sử dụng và phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại. Thay vào đó, các em sẽ vui chơi và trao đổi nhiều hơn trong giờ ra chơi.

Từ chủ trương trên, Trường Trung học phổ thông Quỳ Hợp tuyên truyền để học sinh tích cực vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè để phát triển kỹ năng, tạo mối quan hệ, giao tiếp... khi ra chơi.

Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quỳ Hợp cho biết, hằng ngày, Đội cờ đỏ của nhà trường có mặt để kiểm tra và nhắc nhở các học sinh, trường hợp nào vi phạm sẽ bị hạ điểm thi đua. Ngoài ra, nhà trường cho phép mỗi lớp có một số học sinh (là Ban cán sự lớp) được mang điện thoại đến trường và công khai số điện thoại này với tất cả phụ huynh. Trong trường hợp khẩn cấp, phụ huynh có thể liên lạc qua số điện thoại này hoặc có thể liên lạc với thầy cô giáo.

"Chúng tôi không cấm học sinh mang điện thoại vào trường nhưng các em không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi và học thêm buổi chiều", thầy Đạt thông tin thêm.

Qua gần 2 tuần triển khai, không còn tình trạng học sinh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi. Thay vào đó, sân trường đông học sinh hơn, các em chơi thể thao nhiều hơn. Em Lan Phương (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Quỳ Hợp) cho biết, giờ ra chơi, em không còn thấy các bạn tụm lại xem điện thoại mà thay vào đó là trò chuyện, trao đổi bài hay ra ngoài cùng vui chơi. Việc không sử dụng điện thoại giúp mọi người nói chuyện vui vẻ, gần gũi nhau hơn. 

Trước đó, Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông số 2 Nghệ An cũng có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong thời gian học tại trường. Trường hợp cần liên lạc với gia đình, các em có thể sử dụng điện thoại của nhà trường hoặc nhờ giáo viên chủ nhiệm kết nối.

Cô Nguyễn Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, quy định về việc không sử dụng điện thoại trong trường học được thực hiện rất nghiêm túc và đưa vào nội quy, mang đến rất nhiều lợi ích. Các em có thể dành trọn thời gian cho việc học tập, rèn luyện nề nếp; đồng thời, hạn chế những mối quan hệ không cần thiết và ưu tiên cho việc học.

Ngoài ra, trường đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng tiết học. Đến nay, trường đã có 2 phòng máy vi tính có kết nối mạng để tổ chức dạy học nếu giáo viên có nhu cầu. Bên cạnh đó, trường còn có thư viện thông minh được trang bị 50 máy tính phục vụ cho việc tra cứu thông tin cho các em.

Sử dụng điện thoại có kiểm soát

Trên thực tế, việc cấm triệt để học sinh sử dụng điện thoại trong trường học như một số trường ở Nghệ An không nhiều. Nhiều trường học khác cho học sinh sử dụng điện thoại có kiểm soát.

Tại Trường Trung học phổ thông Lê Lợi (huyện Tân Kỳ), mỗi lớp đều được trang bị một chiếc hộp nhỏ để góc lớp. Đây là nơi để học sinh các lớp cất giữ điện thoại nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại trong trường. Dù quy định này được thực hiện khá chặt chẽ nhưng việc giám sát học sinh vẫn không dễ dàng. Vài năm trở lại đây, không ít học sinh đã phải viết bản tự kiểm điểm vì sử dụng điện thoại trái quy định. Tất cả trường hợp này hiện đều được lưu giữ trong tập hồ sơ giáo dục học sinh vi phạm nội quy quy định của nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Lợi cho biết, trường quy định tất cả học sinh trong giờ học không được sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều khó khăn bởi một số em chưa có ý thức, còn trốn tránh việc thực hiện nội quy. Để quản lý tốt, trường cần có sự phối hợp của gia đình, trong khi đó nhiều phụ huynh đi làm ăn xa nên gặp khó khi quản lý con em mình. Trường hợp học sinh vi phạm, nếu lỗi nặng, trường sẽ lập biên bản, tịch thu điện thoại và cuối năm trả lại cho phụ huynh.

window.googletag = window.googletag || {cmd: []}; googletag.cmd.push(function() { googletag.defineSlot('/57976558/Ureka_Supply_baotintuc.vn_Outstream_1x1_081024', [1,1], 'div-gpt-ad-1728378970213-0').addService(googletag.pubads()); googletag.pubads().enableSingleRequest(); googletag.enableServices(); });

googletag.cmd.push(function() { googletag.display('div-gpt-ad-1728378970213-0'); });
Chú thích ảnh
Hầu hết các trường học ở Nghệ An áp dụng quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

"Cấm tuyệt đối sẽ gây ức chế cho các em. Trong giai đoạn chuyển đổi số, nhiều tiết học yêu cầu học sinh phải sử dụng điện thoại để làm việc nhóm, ghi hình... Vì vậy, trường cho phép học sinh mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban cán sự lớp" - thầy Nguyễn Văn Thịnh cho biết.

Về vấn đề sử dụng điện thoại, ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT trong đó quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Đồng tình với nội dung này, thầy giáo Lê Đức Hưng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đô Lương 1 (huyện Đô Lương) chia sẻ, hiện nay, việc sử dụng các thiết bị thông tin là khá phổ biến. Vì thế, trong quy định của trường, việc cấm không thực hiện hoàn toàn. Nếu giáo viên muốn có những tiết học sử dụng điện thoại thì phải có kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, trường cũng đề nghị giáo viên không nên lạm dụng việc sử dụng điện thoại vào các tiết học mà có thể sử dụng các ứng dụng khác qua hệ thống ti vi có sử dụng internet được lắp đặt tại lớp.

Thực tế cho thấy, từ khi triển khai Thông tư số 32, hầu hết các trường học đều không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Tuy nhiên để cấm triệt để vẫn còn những khó khăn do chưa có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm. ‎

“Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi được sự đồng ý hoặc có yêu cầu của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh. Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An đều thực hiện đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học được một số trường thể hiện rõ trong nội quy, quy định của trường", ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông tin.

Cùng với thực hiện linh hoạt chủ trương trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động vận động, trò chuyện, giao lưu... để các em phát triển kỹ năng, tương tác với bạn bè, thầy cô.

Được biết, trong tháng 10/2024, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An sẽ phát động cuộc vận động “Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học” và hy vọng từ đó sẽ nêu cao ý thức của các em trong việc sử dụng điện thoại. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy và học ở các nhà trường.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/giao-duc/han-che-su-dung-dien-thoai-giup-hoc-sinh-tich-cuc-giao-luu-phat-trien-ky-nang-20241009115144871.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

Nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội sắp ra mắt

DNTH: Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3/2025, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,61 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 709.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 1,91 triệu...

Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên) xứng tầm giá trị lịch sử

DNTH: Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất hiện từ rất sớm, phản ánh quá trình dựng nước, giữ nước trong lịch sử, là...

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

DNTH: Hà Nội - nơi mỗi món ăn là một mảnh ghép ký ức. Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" ra đời từ cái duyên gặp gỡ của nhóm thi họa và những người trót yêu Hà Nội cùng chung một khát vọng: lưu giữ và lan tỏa những...

XEM THÊM TIN