Hệ sinh thái Eurowindow: Sơ phác bức tranh tài chính

10:47 | 15/05/2020

DNTH: CTCP Eurowindow (sản xuất cửa nhựa) quả thực là “con gà đẻ trứng vàng” trong hệ sinh thái doanh nghiệp của anh em đại gia Nguyễn Cảnh Sơn. Năm 2018, CTCP Eurowindow ghi nhận doanh thu đạt 2.195,97 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước, biên lợi nhuận gộp đạt 36,1%.

Đại bản doanh của Tập đoàn Eurowindow. (Ảnh: Internet)

Là tên tuổi nổi bật của “thế hệ vàng” trở về từ Đông Âu đầu những năm 2000, doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn đã rất biết nắm bắt các cơ hội kinh doanh tại quê nhà và nhanh chóng khẳng định vị thế hàng đầu trong giới đại gia Việt Nam đương thời.

Là Phó Chủ tịch của nhà băng lớn bậc nhất trong nhóm thương mại cổ phần Việt Nam – Techcombank - nhưng thị trường ghi nhớ đến vị doanh nhân sinh năm 1967, gốc Thanh Chương (Nghệ An) này với cái tên ngắn gọn “Sơn Eurowindow”- gắn với thương hiệu cửa nhựa lõi thép nổi danh của tập đoàn ông: Tập đoàn Eurowindow.

Nhưng Eurowindow đâu chỉ có cửa nhựa. Đế chế kinh doanh này đã phát triển thành một hệ sinh thái đa lĩnh vực, gồm cả những ngành hot nhất như nội thất, thương mại, tài chính ngân hàng, bất động sản. 

Để quản lý các khoản đầu tư đa lĩnh vực của mình, ông Sơn đã phát triển một “holding”.

Tháng 3/2007, Eurowindow Holding (EWH) được thành lập. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này sẽ quản lý phần vốn đầu tư dưới dạng cổ phần tại các công ty thành viên, công ty sở hữu gián tiếp và khoản đầu tư tài chỉnh vào một nhà băng tư nhân trong nước.

Việc hoạt động theo mô hình “holding” cũng khiến cho EWH có nhiều đặc điểm tài chính khác biệt so với nhiều thành viên còn lại trong “hệ sinh thái”.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, EWH chính là công ty có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong hệ sinh thái doanh nghiệp ở Việt Nam của anh em ông Nguyễn Cảnh Sơn.

Hệ sinh thái Eurowindow: Sơ phác bức tranh tài chính - ảnh 2

Báo cáo tài chính riêng lẻ cho thấy, kết thúc năm 2018, quy mô tổng tài sản của EWH đạt mức 7.027,8 tỷ đồng, cao gần gấp rưỡi so với con số tương ứng của CTCP Eurowindow.

Tiền và tương đương tiền dù chỉ đạt 3,12 tỷ đồng nhưng lưu ý rằng, EWH này còn ghi nhận khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 512 tỷ đồng, mà một phần đáng kể trong đó là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 01 năm.

Bên cạnh các khoản phải thu ngắn hạn (3.079 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của EWH là các khoản đầu tư tài chính dài hạn (2.826 tỷ đồng). Đây là khoản mục ghi nhận giá trị các khoản đầu tư của EWH vào công ty con và công ty liên doanh, liên kết.

Các năm 2017 và 2018, EWH ghi nhận nguồn doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ khá khiêm tốn, lần lượt đạt 77,5 và 176,97 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn doanh thu từ hoạt động tài chính đạt lần lượt ở mức 191,33 và 162,44 tỷ đồng. Thông thường, nguồn doanh thu tài chính của doanh nghiệp đến từ các khoản lãi tiền gửi, tiền chi trả cổ tức từ các công ty con, công ty liên kết.

Về kết quả kinh doanh, năm 2018, EWH báo lãi ròng 92,08 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7% so với năm trước. Đáng chú ý, khoản lợi nhuận này tương đương với phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được EWH ghi nhận trên bảng cân đối (năm 2017 không ghi nhận).

Điều này cho thấy có thể EWH mới bắt đầu kinh doanh có lãi, hoặc cũng có thể là doanh nghiệp này đã dành hết số lãi thu được trong năm để thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông và trích lập các quỹ.

Định giá của EWH và Eurowindow

Tính đến cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu của EWH ở mức 4.822,08 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm 3.000 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu và 1.730 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần (không thay đổi so với cuối năm 2017).

Theo tìm hiểu của VietTimes, trong giai đoạn 2014 - 2016, EWH đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu khoản thặng dư cổ phần nêu trên phát sinh trong khoảng thời gian này, tính bình quân, các cổ đông của EWH đã trả gấp 2,73 lần mệnh giá để sở hữu cổ phần doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, đây nhiều khả năng là khoản đầu tư “tự định giá” của giới chủ EWH.

Bởi lẽ, cập nhật tới tháng 10/2017, cơ cấu cổ đông của EWH bao gồm: CTCP Euro Finance (91%), ông Nguyễn Cảnh Sơn (8,5%) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi (0,5%).

Trong đó, CTCP Euro Finance được thành lập tháng 4/2006, quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Nguyễn Cảnh Sơn nắm giữ tới 90% cổ phần.

Tới tháng 6/2018, ông Sơn giảm tỷ lệ sở hữu tại Eurofinance xuống chỉ còn 60% vốn điều lệ; Công ty TNHH European Plastic Window nắm giữ 30% vốn; ông Nguyễn Cảnh Hồng (em trai ông Sơn) nắm giữ 5% vốn; bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi sở hữu 5% vốn. Đến tháng 10/2019, Công ty TNHH European Plastic Window (trụ sở tại thiên đường thuế Virgin Islands) giảm tỷ lệ sở hữu tại Eurofinance xuống chỉ còn 2,469% vốn điều lệ.

Hệ sinh thái Eurowindow: Sơ phác bức tranh tài chính - ảnh 3

CTCP Eurowindow là "con gà đẻ trứng vàng" cho tập đoàn Eurowindow (Nguồn: VT)

Đối với Euro Finance, tính đến cuối năm 2018, doanh nghiệp này đã trích khấu hao hết các tài sản cố định và ghi nhận có 3.016,4 tỷ đồng đầu tư vào công ty con. Đáng chú ý, Eurofinance còn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt mức 593,31 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2018, doanh nghiệp này không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Ngoài EWH, trong số các doanh nghiệp mà VietTimes khảo sát, CTCP Eurowindow cũng có phát sinh thặng dự vốn cổ phần với mức ghi nhận cuối năm 2018 là 202,73 tỷ đồng (tương đương cuối năm 2017). Được biết, đây là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cửa của tập đoàn Eurowindow, sở hữu nhiều nhà máy tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2017 - 2018, cơ cấu cổ đông của CTCP Eurowindow xuất hiện thêm cổ đông nước ngoài từ Nhật Bản là Bunka Shutter Co.,Ltd với tỷ lệ sở hữu là 29,809% vốn điều lệ.

Về hoạt động kinh doanh, CTCP Eurowindow quả thực là “con gà đẻ trứng vàng” cho tập đoàn. Năm 2018, CTCP Eurowindow ghi nhận doanh thu đạt 2.195,97 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp cũng ở mức cao, đạt tới 36,1% (năm 2017 đạt 32%). Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của CTCP Eurowindow năm 2018 ở mức 223,63 tỷ đồng, tăng tới 14% so với năm 2017.

Đối với lĩnh vực bất động sản, CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (T&M Vân Phong) đang là đơn vị sở hữu dự án địa ốc quy mô lớn bậc nhất của tập đoàn Eurowindow. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư “Khu du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm” rộng hàng trăm ha, có tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.

Trong một diễn biến mới đây, ngày 22/1/2020, T&M Vân Phong đã huy động thành công 500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Như VietTimes từng phân tích, Eurowindow có đồng hành tích cực với một tập đoàn địa ốc mới nổi trong thời gian gần đây./.

Theo https://viettimes.vn/he-sinh-thai-eurowindow-so-phac-buc-tranh-tai-chinh-389593.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hơn 218.500 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động trong 11 tháng

DNTH: Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 đạt hơn 218.000 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi...

Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và vận hành khu công nghiệp

DNTH: Nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp, ROX Group (tiền thân là Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đã tiên phong phát triển các giải pháp “xanh”, hướng đến phát triển bền vững.

The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn

DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...

Đồng Nai: Vi phạm môi trường, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bị xử phạt 790 triệu đồng

DNTH: UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt hành chính 790 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

BCG Energy - 'quân bài' chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.

Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu

DNTH: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024, tuy nhiên các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng trước đó. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại và...

XEM THÊM TIN