Hệ sinh thái kín tiếng của doanh nhân Đặng Quốc Chính

14:21 | 07/07/2021

DNTH: Không chỉ mở rộng và khẳng định vị thế trên thị trường sản xuất thiết bị điện, doanh nhân Đặng Quốc Chính còn có mối quan tâm không nhỏ đến bất động sản hay cả thiết bị y tế.

Trần Phú Cable được thành lập từ năm 1984 với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp Cơ khí Xây dựng Trần Phú, trên cơ sở sáp nhập hai xí nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội (Xí nghiệp Cơ khí Trần Phú & Xí nghiệp Cơ khí Xây dựng), chuyên sản xuất máy móc trang thiết bị cơ khí phục vụ ngành xây dựng. Sang năm 1988, công ty đầu tư sản xuất cáp điện các loại phục vụ cho sự phát triển của ngành điện lực Việt Nam. 10 năm sau ngày chính thức thành lập, công ty bắt tay đầu tư sản xuất dây điện dân dụng phục vụ ngành xây dựng dân dụng, đồng thời đóng cửa việc sản xuất máy móc, trang thiết bị cơ khí phục vụ ngành xây dựng.

Năm 2008, Trần Phú Cable thành lập 2 công ty là CTCP dây điện và phích cắm Trần Phú tại khu công nghiệp Từ Liêm (Hà Nội) để nâng cao năng lực sản xuất dây điện dây dụng, dây phích cắm và CTCP dây và ống đồng Trần Phú tại khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) để sản xuất dây đồng, ống đồng. Chỉ 2 năm sau đó, Trần Phú Cable cũng tiến hành cổ phần hóa, chuyển đổi thành công từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ điện Trần Phú sang công ty cổ phần.

Năm 2015, doanh nghiệp này tăng vốn gấp đôi lên mức 156,8 tỷ đồng, Nhà nước đấu giá phần lớn quyền mua, dẫn tới tỷ lệ giảm mạnh về 38,9% như hiện nay. Ngay sau khi Nhà nước thoái lui, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) đã nhanh chóng xuất hiện và cử người vào HĐQT Trần Phú Cable, "dọn đường" cho sự xuất hiện của ông chủ thực sự - doanh nhân Đặng Quốc Chính ngay sau đó. Ông Chính được bầu vào HĐQT Trần Phú Cable từ năm 2017, và kiêm luôn vai trò TGĐ từ đầu năm 2018.

Tới cuối năm 2019, nhóm này hoàn tất sở hữu quá bán 50,79% (trong đó trực tiếp ông Đặng Quốc Chính nắm 25,8% và CTCP Du lịch Lâm Đồng nắm 25%), Nhà nước 38,9%, cựu Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Sơn có 5,8% và cổ đông khác có 4,5%. Tỷ lệ này duy trì cho đến lần cập nhật gần đây nhất vào cuối năm 2020.

Sang tới ĐHĐCĐ năm 2020, nhóm cổ đông Đặng Quốc Chính chính thức nắm quyền chi phối Trần Phú Cable, khi đại diện của Du lịch Lâm Đồng là ông Huỳnh Bình Thanh được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Vợ ông Chính - bà Trần Thanh Hương cũng được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Như đã đề cập ở bài trước đó, với việc nắm giữ tỷ lệ chi phối, nhóm cổ đông này đã dễ dàng thông qua các tờ trình của Trần Phú Cable tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 mặc cho một số nội dung đã vấp phải sự phản đối của các nhóm cổ đông khác, trong đó có UBND TP. Hà Nội (38,9%).

DSC_7834 (Copy)

Doanh nhân Đặng Quốc Chính, Ảnh NEU.

Khải Toàn Group và hệ sinh thái của doanh nhân Đặng Quốc Chính

Ông Đặng Quốc Chính sinh năm 1954, có học vị Tiến sĩ kinh tế, trải qua 17 năm giảng dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (1979-1996), trước khi làm trợ lý Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội trong 4 năm (1996-2000).

Từ năm 2008, ông đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú, pháp nhân từng là công ty con của Trần Phú Cable, trước khi chuyển về công ty liên kết trong năm ngoái.

Trong 2 doanh nghiệp thành viên của Trần Phú Cable, trong khi CTCP Dây và Ống đồng Trần Phú liên tục chìm trong thua lỗ, hoạt động thiếu hiệu quả, thì CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú, với sự lèo lái trực tiếp của ông Đặng Quốc Chính, lại là đơn vị hoạt động rất hiệu quả, với doanh thu giai đoạn 2016-2019 tăng gấp 6 lần, lên 1.256,6 tỷ đồng, lãi sau thuế cũng tăng tương ứng lên 114,5 tỷ đồng năm 2019. Trong năm 2020, Dây điện và Phích cắm Trần Phú mang về 140 tỷ đồng cổ tức cho Trần Phú Cable.

Đầu năm 2019, HĐQT Trần Phú Cable đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Dây điện và Phích cắm Trần Phú từ 40,66% lên 66,82%, với mục tiêu chi phối hoàn toàn doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, ở diễn biến bất ngờ, Trần Phú Cable trong năm 2020 đã chấp thuận để Dây điện và Phích cắm Trần Phú phát hành 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, qua đó giảm mạnh tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức chi phối: 49,27%. Theo kế hoạch, năm nay Trần Phú Cable cũng không còn nhận được cổ tức từ Dây điện và Phích cắm Trần Phú.

Dây điện và Phích cắm Trần Phú là cổ đông sáng lập, góp vốn thành lập CTCP Du lịch Lâm Đồng (viết tắt: Dalat Tourist). Ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ 135 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Dây điện và Phích cắm Trần Phú (19,42%), vốn nhà nước (39,9%). Hiện tại ông Đặng Quốc Chính đang đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT tại đây, trong khi vợ ông - bà Trần Thanh Hương là thành viên HĐQT.

Ở chi tiết đáng lưu ý, Dalat Tourist có thời điểm sở hữu nhiều triệu cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex.

Giai đoạn 2016-2019, quy mô tổng tài sản của Dalat Tourist ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng, từ 553 tỷ đồng năm 2016 lên 1.170 tỷ đồng năm 2019. Doanh thu thuần theo đó cũng tăng với biên độ 98%, lên 292 tỷ đồng trong năm 2019.

Dù có nhiều năm gắn bó với Trần Phú Cable, song nên biết, nền tảng của anh em doanh nhân Đặng Quốc Chính bắt nguồn từ CTCP Khải Toàn (KTG) - doanh nghiệp có lịch sử từ đầu thập niên 90. 

Khải Toàn Group được thành lập năm 1994, đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực về thiết bị chiếu sáng. Những năm sau đó, doanh nghiệp này nhanh chóng trở thành nhà phân phối của các thương hiệu quốc tế, rồi nhượng quyền thương hiệu các sản phẩm điện dân dụng.

Cụ thể, chỉ sau 2 năm thành lập, KTG đã thực hiện chiến lược mua thương hiệu nhượng quyền và chuyển giao công nghệ. AC Electrical Accessories Limited Singapore là đối tác đầu tiên chuyển giao cho KTG thương hiệu AC. Sau AC là Comet và Silex...Bên cạnh việc sở hữu và kinh doanh 3 nhãn hiệu thiết bị điện này, KTG còn là nhà phân phối cho các hãng thiết bị điện nước ngoài nổi tiếng như Hager, Osram, Mitsubishi…

Giai đoạn tiếp theo, KTG thành lập nhà máy sản xuất dây cáp điện tại Từ Liêm – Hà Nội; liên doanh sản xuất công tắc, ổ cắm tại Wenzhou – Trung Quốc. Năm 2006, KTG trở thành đối tác liên doanh chính thức của công ty hệ thống công nghiệp LG Vina chuyên sản xuất cáp điện, vật tư thiết bị trạm điện. Ngay trong năm sau, KTG lại liên kết với Nhựa Tiền Phong (NTP) thành lập CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía nam chuyên sản xuất ống nhựa. KTG còn đầu tư vào CTCP Dây điện và phích cắm Trần Phú của ông Đặng Quốc Chính. 

Screenshot (871)

Tên tuổi của KTG được biết đến nhiều thông qua thương vụ mua 10,94 triệu cổ phiếu VNE tương ứng tỷ lệ sở hữu 17,71% tại Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam vào năm 2015.

Việc mở rộng quy mô hoạt động cũng giúp tài sản và nguồn vốn của KTG (công ty mẹ) tăng lên nhanh chóng. Như tổng tài sản năm 2016 là 430 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã là 820 tỷ đồng, tương ứng tăng với biên độ 90%. Doanh thu cũng đều đặn duy trì trên mức 200 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 256 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 14 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu là 506 tỷ đồng, đây cũng là mức đỉnh cao của doanh nghiệp này.

Nếu tính cho số liệu hợp nhất, các con số trên chắc hẳn còn ấn tượng hơn nhiều. 

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, KTG hiện nay hoạt động theo mô hình tập đoàn với cả chục công ty thành viên, kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực phân phối thiết bị vệ sinh (CTCP Phân phối Tiền Phong miền Trung - KTG Materials), sản phẩm văn phòng (CTCP Thương mại thiết bị văn phòng sáng tạo (Stacom) - KTG Stationery), thiết bị chiếu sáng, điện tiêu dùng (KTG Electric), điện gia dụng (CTCP Phân phối Gia Huy - KTG Appliances), khách sạn (CTCP Bảo Phước - KTG Living)...

Screenshot (873)

Các thành viên kể trên đều đặn đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. 

Ngoài ra, cho thuê nhà xưởng, nhà kho xây sẵn cũng là một mảng mạnh của KTG, với pháp nhân phụ trách là KTG Industrial.

Cùng với đó, từ năm 2015, KTG đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực năng lượng sạch, với việc thành lập CTCP KTG Energy. Hiện nay, KTG Energy đang phát triển điện áp mái trên chính nhà xưởng của các thành viên KTG Group, đồng thời hợp tác với nhiều chủ mái tại các khu công nghiệp lớn trên cả nước. Đầu năm 2020, KTG tiếp tục thành lập CTCP Đầu tư Solar Power để đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực bất động sản, ít ai biết KTG sở hữu khách sạn Fusion Suites Danang Beach tại Đà Nẵng, với pháp nhân phụ trách là CTCP Bảo Phước (KTG Living). Bảo Phước cũng là thành viên hoạt động khá hiệu quả của KTG Group. 

Hiện nay, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ KTG Group là ông Đặng Trọng Ngôn - em trai ông Đặng Quốc Chính. Bản thân ông Chính trước khi chuyển sang làm Tổng giám đốc Trần Phú Cable từng đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT KTG. 

Bên cạnh khách sạn tại Đà Nẵng, ông Chính còn tham gia mảng bất động sản nghỉ dưỡng với việc đầu tư vào CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang (Nha Trang Post) - chủ đầu tư Khách sạn Bưu Điện Nha Trang có quy mô 24 tầng với 298 phòng, tiêu chuẩn 4 sao ở Nha Trang. Tại thời điểm 11/4/2019, nhóm cổ đông của ông Đặng Quốc Chính trực tiếp nắm giữ 57,55% cổ phần Nha Trang Post, trong đó ông Chính có 40,74%, ông Đặng Trọng Ngôn sở hữu 10,43% và vợ ông Ngôn - bà Lê Thị Chiến Thắng có 6,38%.

Đến tháng 5/2020, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) đã chi hơn 64,5 tỷ đồng để mua 977.870 cổ phiếu của NPH từ Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng, qua đó nắm giữ 49% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty này. Dù vậy, như đã lưu ý, PTC là pháp nhân có nhiều liên hệ với ông Đặng Quốc Chính. 

Lĩnh vực y tế cũng là mối quan tâm của ông Đặng Quốc Chính, khi doanh nhân này từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Trang thiết bị, kỹ thuật Y tế TP.HCM hay CTCP Dược Sóng Trăng S - Pharm.

https://nhadautu.vn/he-sinh-thai-kin-tieng-cua-doanh-nhan-dang-quoc-chinh-d54430.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chân dung bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - "bóng hồng" quyền lực Sacombank

DNTH: Từ khi đảm nhiệm vị trí CEO Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã dẫn dắt ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của bà, Sacombank ghi nhận kết quả kinh doanh không ngừng tăng trưởng.

Doanh nhân Việt và khát vọng Việt Nam hùng cường

DNTH: Vào dịp ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay, cộng đồng doanh nhân đón tin vui khi Tiến sĩ, tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cùng hai nữ doanh nhân khác được Tạp chí uy tín Fortune (Mỹ) vinh danh trong danh sách “Những người phụ nữ...

Doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong phát triển cùng đất nước

DNTH: Trong suốt chặng đường vừa qua, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn tiên phong phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của quốc gia, vì sự hùng cường thịnh vượng của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân.

Gia Lai tôn vinh nhiều thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

DNTH: Chiều 11/10, tại TP. Pleiku, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024). Ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tham dự chương...

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Gia tăng 'đàn sếu' cho nền kinh tế

DNTH: Việt Nam hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cũng vô cùng lớn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu

DNTH: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10/2024, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nghiệp...

XEM THÊM TIN