Hoàn thiện chính sách Nhà nước đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

14:38 | 07/01/2025

DNTH: Sáng 7/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về việc áp dụng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật (Điều 32 dự thảo Luật hợp nhất), có ý kiến cho rằng hiện nay, việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đang được thực hiện đồng thời theo 2 quy trình quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, đề nghị quy định quy trình về việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng, chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật có tính kỹ thuật chuyên môn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, môi trường thì quá trình xây dựng, thẩm định phải tiến hành nhiều hoạt động như khảo sát, thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động…Vì vậy, việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ đúng quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT), các cam kết quốc tế và được quy định cụ thể tại dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật và sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng: bổ sung quy định rõ “Quy chuẩn kỹ thuật” là văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Về quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở, Thường trực Ủy ban đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Không bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở và giữ như Luật hiện hành. Phương án này có ưu điểm là phù hợp với khả năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cơ sở, thực tiễn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở hiện nay, phù hợp với bản chất của tiêu chuẩn cơ sở là tự xây dựng, công bố và tự nguyện áp dụng trong phạm vi cơ sở của mình. Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là chưa phát huy, khai thác nguồn lực xã hội, đặc biệt là đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp lớn cho hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn. Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với Phương án 1.

Phương án 2: Bổ sung quy định việc chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện tiêu chuẩn cơ sở được sử dụng để chứng nhận sự phù hợp. Phương án này có ưu điểm là góp phần thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, góp phần nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia; đề cao vai trò khu vực tư nhân trong tham gia vào hoạt động xây dựng theo lộ trình phù hợp, áp dụng tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn cơ sở có chất lượng cao; mở rộng phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn cơ sở. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa đánh giá hết khả năng triển khai trên thực tế, có thể có trường hợp lợi dụng để trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban lựa chọn Phương án 2; đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo có đánh giá tác động, nghiên cứu quy định điều kiện thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; các bộ, cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật.

Đối với nội dung còn ý kiến khác nhau về bổ sung hay không bổ sung quy định chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở, các đại biểu đề nghị nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận thực tiễn của từng loại ý kiến, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Liên quan đến việc áp dụng pháp luật, các đại biểu yêu cầu tiếp tục rà soát, thống nhất với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp để khi ban hành không mâu thuẫn giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát quy định để đáp ứng cam kết quốc tế về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về xây dựng thẩm định, công bố, thông báo áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh

DNTH: Sáng 13/1, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia kết hợp trực tuyến đến 15.345...

Các dấu ấn đặc biệt trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lào

DNTH: Chuyến công tác tới Lào của Thủ tướng thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

XEM THÊM TIN