Hội An - ‘đặc khu kinh tế’, nơi giao lưu văn hóa Việt - Nhật từ hàng trăm năm trước
09:59 | 23/11/2021
DNTH: Phủi lớp bụi thời gian hàng trăm năm, chúng tôi may mắn tìm thấy một số dấu tích, di tích vật thể, phi vật thể liên quan đến việc cư trú của người Nhật và quan hệ giao lưu Nhật - Việt, Việt - Nhật hiện đang được bảo lưu tại Hội An, Quảng Nam.

Vào thế kỷ thứ XVII, người Nhật đã được các chúa Nguyễn cho phép lập một khu cư trú ở Hội An mà theo tài liệu của Nhật Bản ghi là Nhật Bản đinh (chữ đinh theo tiếng Nhật nghĩa là phố xá). Lúc bấy giờ, dưới tác động của mạng lưới mậu dịch hàng hải quốc tế đang diễn ra nhộn nhịp ở khu vực Đông Nam Á, khu cư trú Nhật kiều ở Hội An với vai trò là một điểm trung chuyển mậu dịch ra đời do sự nỗ lực hợp tác của chính quyền hai nước. Các bức thư trao đổi bang giao với những lời lẽ rất chân tình, hữu nghị giữa các chúa Nguyễn và chính quyền Nhật Bản đã thể hiện rõ nỗ lực này.
Có thể nói rằng, quá trình giao lưu văn hóa Nhật - Việt tại Hội An được khởi đầu một cách chủ động và thiện chí, xét từ cả hai phía. Chính điểm này đã đem lại cho quá trình giao lưu văn hóa Nhật - Việt tại Hội An những sắc thái riêng, độc đáo.
Mặc khác, sự hình thành khu phố Nhật đã tạo nên những chuyển biến trong đời sống văn hóa tại Đàng Trong nói chung, Hội An nói riêng. Đó là sự ra đời, gia nhập của một số tổ chức và quản lý hành chính mới có những nét khác biệt so với cách thức quản lý truyền thống của các chúa Nguyễn.
Bức “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” (miêu tả hải trình vượt biển của một thương thuyền Nhật Bản cập bến Hội An… dâng lễ vật yết kiến chúa Nguyễn) cho thấy khu phố Nhật không có hàng rào bao bọc, lính canh và súng thần công như ở khu dinh trấn. Một dãy phố với những khu nhà cổ khá quy mô nằm tiếp giáp với các vùng làng mạc cho thấy không gian ở khu phố là không gian mở và không có các hình thức ngăn cách với các khu vực xung quanh.
Trong khu vực này, các chúa Nguyễn cho phép “có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng”. Với cách thức quản lý hành chính ưu đãi như vậy, có thể coi đây là một kiểu “đặc khu kinh tế mở” hình thành từ nhu cầu phát triển kinh tế thương nghiệp - ngoại thương của các chúa Nguyễn trước đây.
Sự tồn tại của khu phố Nhật với kiểu quản lý tự trị là một hiện tượng xã hội mới mẻ và nó tác động nhất định đến đời sống hằng ngày của cư dân địa phương. Tác động dễ nhận thấy nhất là hôn nhân - gia đình. Những cuộc hôn nhân giữa người Việt - Nhật đã được tác hợp. Những bà vợ Việt đã về chung sống với chồng ở khu phố Nhật và cùng phát triển hoạt động mậu dịch.
Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật (núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho thấy từ thế kỷ XVII, quan hệ hôn nhân khác quốc tịch đã diễn ra khá tự nhiên ở Hội An. Những đứa con ra đời dưới mái gia đình Nhật-Việt. Trường hợp ông Ngô Thuận, con của ông Kadoya Shichibei và bà Nguyễn Thị Diệu Thái là một ví dụ. Ngoài ra, các bia mộ thương gia Nhật tại Hội An cũng cung cấp thông tin về những cuộc hôn nhân, gia đình Nhật - Việt.

Giao lưu văn hóa Nhật - Việt, Việt - Nhật cũng diễn ra khá sâu sắc ở lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật có ghi một số Nhật kiều ở Hội An đã theo đạo Phật với các đạo hiệu bắt đầu bằng chữ Đạo, Viên giống như người Việt. Họ đã góp tiền của để xây dựng cảnh Phật Phổ Đà Sơn.
Bên cạnh các thương nhân theo đạo Phật còn có một bộ phận khác theo đạo Thiên Chúa. Việc phát triển đạo Thiên Chúa cũng được thực hiện thông qua quan hệ hôn nhân gia đình ở khu phố Nhật tại Hội An.
Sự ảnh hưởng qua lại, hai chiều về tôn giáo, tín ngưỡng trong các gia đình Việt - Nhật tại Hội An là một thực tế lịch sử. Một số thương nhân Nhật đã chịu ảnh hưởng của các bà vợ bản xứ về tôn giáo, tín ngưỡng và ngược lại. Các tư liệu cho thấy quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, không cưỡng ép.
Do trải qua thời gian hơn 300 năm, kể từ khi phố Nhật ở Hội An ngưng hoạt động, các bằng chứng về mối quan hệ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, công nghệ Nhật - Việt tại Hội An đã chìm vào ký ức của người dân địa phương. Tuy vậy, thời gian gần đây, chúng tôi đã may mắn tìm thấy một số vết tích vật thể và phi vật thể về mối quan hệ văn hóa này.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong lòng đất Hội An nhiều gốm sứ Hizen (Nhật Bản) có niên đại thế kỷ XVII. Một số đồ sứ do Hizen sản xuất ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII hiện vẫn được bảo quản trong một số gia đình ở Hội An. Cùng với đồ gốm sứ, tại Hội An cũng phát hiện một lượng lớn tiền đồng Nhật Bản có khung niên đại thế kỷ XVII, trùng với thời điểm phát triển thịnh vượng của phố Nhật trước đây. Tư liệu dân gian cũng khẳng định tại Hội An có một số thực phẩm Nhật Bản. Đơn cử như tương Nhật làm bằng đậu nành, nếp, muối, khi ăn có mùi thơm, các hạt đậu cong, không nát. Hiện nay tại Hội An vẫn còn một số món ăn được chế biến và có hương vị truyền thống của Nhật Bản hằng trăm năm trước, thậm chí rất khó tìm thấy tại nước Nhật hôm nay.
Kết quả điều tra tư liệu dân gian cũng cho thấy hiện nay tại Hội An vẫn còn dùng tên gọi “trích Nhựt” để chỉ một kết cấu kiến trúc trong các ngôi nhà cổ. Các thợ mộc tuổi cao ở địa phương đã dùng tên gọi “trích Nhựt”, hoặc “trích Nhựt Bổn” để chỉ cùng một kết cấu kiến trúc được người Nhật sử dụng rộng rãi tại Hội An trước đây và cư dân địa phương đã tiếp nhận.
Về phương diện phi vật thể, một bài vè dù để hát ru con hoặc để trẻ em địa phương hát trong lúc vui chơi còn lưu giữ một phản ánh thực tế về sự có mặt của các mặt hàng Nhật tại Hội An trước đây: “Hàng trầu, hàng cau là hàng con gái/Hàng bánh, hàng trái là hàng bà già/ Hàng bông, hàng hoa là hàng Nhật Bổn’.
Di tích Chùa Cầu (cầu Nhật Bản) đã nói lên thực tế về sự giao lưu văn hóa giữa Hội An và Nhật Bản trước đây.
Cùng với các nguồn tư liệu khác, các dấu tích, di tích này góp phần minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thương cảng Hội An trong quá khứ, đặc biệt là hoạt động giao lưu, hội nhập văn hóa.
Chúng đồng thời cũng cho thấy, do được xây dựng trên nền tảng hữu nghị và thiện chí nên mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đã thực sự trở thành một động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội giữa hai nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trần Văn An
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An

Quỹ Vì tương lai xanh tài trợ gần 3 tỷ đồng cho Chiến dịch Mùa hè Xanh 2025
DNTH: Ngày 11/7/2025, Quỹ Vì tương lai xanh chính thức công bố đồng hành cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của 33 cơ quan và viện, trường triển khai Chiến dịch “Mùa hè Xanh” 2025. Chiến dịch có tổng ngân sách tài trợ lên đến...

Thanh niên ra quân tình nguyện hỗ trợ thi công Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên
DNTH: Sau Lễ phát động Đợt thi đua cao điểm tình nguyện tham gia hỗ trợ thi công Dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên được tổ chức sáng ngày 10/7, hàng trăm thanh niên địa phương đã hỗ trợ phát quang hành lang tuyến, chặt cây, di...

Khám phá mùa vàng trên đỉnh Pù Luông
DNTH: Được thiên nhiên ban tặng cho thắng cảnh hữu tình, Pù Luông (Thanh Hóa) có vẻ đẹp đầy thơ mộng, là điểm đến không thể bỏ qua nếu du khách muốn rời bỏ những tất bật, xô bồ của cuộc sống để tìm về tự nhiên trong mùa...

Vẻ đẹp văn hóa gốm Việt: Gìn giữ bản sắc trong dòng chảy hội nhập
DNTH: Chiều tối 4/7, tại không gian ấm cúng của Giovanni Tea Space, chương trình “Tea Connect” đặc biệt đã diễn ra cùng với những tâm hồn tâm huyết với văn hóa Việt Nam.

Vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025
DNTH: Sáng ngày 4/7/2025, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức chương trình gặp gỡ báo chí giới thiệu Hành trình và Lễ trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2025.

Ngày hội Văn hóa PV GAS VUNG TAU 2025 - Lan tỏa tinh thần “kết nối – văn minh – trách nhiệm”
DNTH: Ngày 28/06/2025 vừa qua, tại Vũng Tàu, sắc đỏ rực rỡ của hơn 200 cán bộ công nhân viên Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (PV GAS VUNG TAU) đã nhuộm đỏ không gian, mở màn cho sự kiện “Ngày hội Văn hóa PV GAS VUNG TAU 2025” – một ngày...
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội đề xuất hỗ trợ 3 triệu/người để mua xe điện
-
Hưng Yên: Trung tâm Hành chính công xã Bắc Đông Quan vận hành thông suốt trong những ngày đầu thực hiện chính quyền hai...
-
Dự án Khu du lịch biển Thắng Liên được cập nhật vào Quy hoạch chung phường Hoàng Mai
-
Tiếp sức mùa thi 2025 ứng dụng công nghệ, lan tỏa tinh thần tình nguyện
-
Sống Khỏe – Năng lượng tràn đầy từ mọi hoạt động tại Eurowindow Sport Garden, dự án sắp khởi công tại Vinh
-
Hà Nội: Tái khởi công đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A
Sống khỏe
-
Tự hào là bệnh viện mắt tiên phong tại Tây Nguyên
-
Rắn cạp nong cắn: Lời cảnh tỉnh từ ca bệnh hiểm nghèo ở Gia Lai
-
Bước ngoặt y tế tại miền Trung: Vinmec Nha Trang phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày thành công cho bệnh nhân 86 tuổi
-
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế hiện đại tại Vinhomes Grand Park
-
Bệnh viện Mắt Cao Nguyên: Hành trình 7 năm trao ánh mắt, tặng nụ cười
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...