Hội thảo 70 năm tác phẩm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

15:15 | 14/10/2019

DNTH: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh điều này tại hội thảo 70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng 14/10, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ngày 15/10/1949, tác phẩm Dân vận của Bác đã đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ. Thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đất nước ta đã trải qua 4 năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến. Việc nhấn mạnh, coi trọng quan hệ giữa Đảng với nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân cho cuộc kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn này.

Tác phẩm Dân vận của Bác có 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Có thể nói, tác phẩm Dân vận là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ tác phẩm Dân vận là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”; tác phẩm Dân vận kết tinh tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, được thể hiện cô đúc trong nhiều vấn đề lớn: về bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; Nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận nhằm tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.

Các đại biểu cũng tập trung làm rõ các giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tác phẩm; đây là “cẩm nang” cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đối với công cuộc đổi mới hiện nay, tác phẩm Dân vận vẫn còn nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin của nhân dân, mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu.

Các chính sách được ban hành không chỉ hợp lòng dân mà còn phải vận động, tuyên truyền để tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ, động viên nhân dân tham gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thời, quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phù hợp thực tiễn”, bà Trương Thị Mai nói.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương - bà Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo.

Theo bà Trương Thị Mai, quá trình đổi mới cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, nơi này, nơi kia vẫn còn tồn tại những bức xúc, có những vụ việc nghiêm trọng kéo dài, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước dân, còn dân chủ hình thức, để lại hình ảnh chưa tốt trong nhân dân cần phải kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo.

Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm.

Bên cạnh đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích các dự án, công trình KT-XH đem lại cho dân, cho nước... không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá, tạo bất ổn xã hội.

“Phải nắm chắc tình hình, tâm tư của nhân dân một cách khoa học, công khai, minh bạch, lý giải rõ ràng, thấu tình, đạt lý trước khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng các dự án, công trình KT-XH trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân” – ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo.

Để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên; Tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận.

Theo ông Trần Quốc Vượng, trong số cán bộ dân vận còn có người chưa yên tâm với nhiệm vụ được giao, còn so kè với các lĩnh vực khác, nên chất lượng công tác thấp. Do đó, ông yêu cầu "không nóng vội, chủ quan, phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Nếu cán bộ, đảng viên từ mỗi thôn, bản, làng, xã đến huyện, tỉnh và Trung ương xác định rõ tâm thế, trách nhiệm vì dân, tâm huyết với dân, thì công tác dân vận sẽ chuyển biến tích cực. Đồng thời phải chú trọng nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình trong công tác dân vận”./.

 

 

 

Theo: Kim Anh/VOV.VN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

PVcomBank hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

DNTH: Ngày 13/11/2024, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai các giải pháp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

DNTH: Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị...

Mang yêu thương đến với các em học sinh bản Tả Phìn

DNTH: Xã Tả Phìn là xã vùng cao nằm ở phía Bắc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống của đa số dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đặc biệt, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở...

ABBANK và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chung tay vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em

DNTH: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN - thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chính chức ký kết thỏa thuận tài trợ năm 2024, mở đầu cho việc đặt quan hệ hợp tác, cam kết đồng hành...

'Chìa khóa' gắn kết tình quân dân

DNTH: Đọc thông, nói thạo tiếng dân tộc không chỉ là điều kiện quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) mà còn thể hiện sâu sắc...

Giải quần vợt thiện nguyện, chung tay xây dựng 5 nhà tình nghĩa tại TP. Pleiku

DNTH: Sáng 17/10, tại phường Thống Nhất, Ban tổ chức Giải Quần vợt thiện nguyện vì người nghèo TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai)-Cúp Mỏ đá Làng Bi lần II năm 2024, tiến hành trao tiền xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo trên địa bàn.

XEM THÊM TIN