Huyện miền núi Quế Phong: Một giống lúa được gọi bằng cái tên “gà con”

08:53 | 15/12/2021

DNTH: Đến với các huyện miền Tây xứ Nghệ mà chưa từng “lót” dạ bằng món xôi sáng đựng trong “ép” chấm với chẻo, vẫn được xem đi mà chưa đến. Còn về với xã Tri Lễ, (Quế Phong - Nghệ An) mà chưa ăn xôi nếp được làm từ giống lúa có tên gọi “khau cày nọi” cũng được xem là chưa đến vùng quê này. “Khau cày nọi” với tên gọi lúa gà con là giống lúa được sản xuất của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Đây là giống lúa khi chín có hạt tròn, vàng ươm như những chú gà con vừa mở mắt, với chất gạo thơm ngon, được nếm một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Thoang thoảng hương xôi nếp “cáy nói” trong sương

Xuất phát từ tập tục sinh hoạt và nhu cầu lao động của bà con ở miền Tây xứ Nghệ, buổi sáng họ cần một món ăn vừa chắc dạ, lành bụng đảm bảo no lâu. Bởi vậy, mà món xôi được bà con lựa chọn hàng đầu, chứ không phải các món nước như bún, hay phở… những món được cái sang miệng, nhưng chỉ trèo nửa quả đồi bụng đã đói meo. Món xôi thường được người phụ nữ dậy từ khoảng sáng tinh mơ để đồ (nấu) sau đó bỏ vào ép (dụng cụ đựng xôi của người dân nơi đây - phóng viên) thường được chấm với “chẻo” thức chấm làm từ cá nướng giã nhuyễn với các loại rau dây, vị cay nồng từ ớt rừng

Và khi ánh mặt trời chưa xuất hiện, lẫn trong khói bếp của các nhà sàn lưng chừng núi. Quyện với sương sớm mai, quyện với mùi của núi rừng sáng sớm, thoang thoảng trong gió là hương xôi, buổi bình minh. Bên ánh lửa bập bùng, giữa cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông. Cả gia đình, nhiều thế hệ quây quần bên bếp lửa, chia nhau thưởng thức món xôi sáng để bắt đầu cho một ngày làm việc. 

Bản thân là phóng viên, từng có nhiều lần đi công tác ở các huyện miền núi xứ Nghệ, đã hơn một lần ở lại qua đêm trong các nhà dân, để uống rượu thăm, ăn cơm thăm và ngủ thăm…. cũng đã từng được thưởng thức món xôi sáng với gia chủ, vài nắm xôi là người ấm lên và nóng bừng đến độ toát mồ hôi do vị từ ớt cay rừng.

Ảnh 1. Mùa vàng trên cánh đồng trước bản
Mùa vàng trên cánh đồng trước bản.

Trong tất cả những lần như vậy, ấn tượng nhất là buổi sáng đầu đông cách đây không lâu, khi chúng tôi đến với bản Nóng xã Tri Lễ (Quế Phong - Nghệ An), giữa mênh mông núi rừng, hòa quyện với gió núi là hương xôi nếp nồng nàn. Vẫn mùi xôi đã từng biết, từng được nếm, nhưng nó thơm hơn, ngào ngạt hơn, dường như nó được đồ (nấu) từ loại gạo đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có. 

Đem những băn khoăn đó hỏi anh Lương Văn Sáng, một người quen, được cho hay, thứ xôi nếp đó có tên tiếng Thái là “khàu cáy nọi” gọi nôm na lúa “gà con”. 

Khi mặt trời đã lên bằng cây sào, bầu trời được phủ bằng ánh nắng hanh hoa, ít ỏi của chính đông. Trên đồng lúa trước bản, một vài nhóm phụ nữ đang ra ruộng gặt lúa. Đây là một trong những nơi gặt muộn nhất ở miền núi Nghệ An. Bà con đang gặt giống lúa nếp địa phương vốn có thời gian sinh trưởng chậm.

Tìm hiểu được biết, bản Nóng có 141 hộ dân với diện tích ruộng nước hơn 40 ha. Vụ mùa này, hầu hết diện tích ruộng nước được gieo trồng lúa “cáy nọi”. Cũng như nhiều thôn bản ở xã Tri Lễ, bản Nóng có truyền thống trồng lúa nước. Trong quá khứ, bà con chủ yếu sử dụng các giống lúa bản địa để duy trì việc gieo trồng từ vụ này sang vụ khác.

Ngày nay, cũng như phần lớn các cư dân ở nơi khác, đều sử dụng các giống lúa lai, cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn. Thế nhưng giống lúa “cáy nọi” bằng phẩm chất được biệt vẫn được bà con nơi đây ưu ái, gieo trồng qua bao thế hệ nay. 

Nói về giống lúa này, ông Lương Văn Hoạch, 63 tuổi ở bản Nóng, xã Tri Lễ cho biết: “từ ngày còn nhỏ tôi đã thấy người dân nơi đây trồng thứ lúa này. Lúa hạt tròn, khi chín màu vàng óng nhìn như đàn gà con nên có tên gọi như vậy.” Vụ này gia đình ông trồng gần 4000 m2 lúa “cáy nọi”.  Với sản lượng hơn một 1,6 tấn thóc/4000 m2. Theo các lão nông, năng suất như vậy là thấp. Nhưng vì phẩm chất gạo tốt nên dù năng suất thấp nhưng bà con nông dân vẫn duy trì giống lúa này. Nói về phẩm chất gạo, ông Hoạch nhận xét gói gọn trong các từ đơn giản: “hạt gạo trắng ngần, đồ xôi lại dẻo, mùi thơm của xôi làm từ gạo này, cách mấy nhà vẫn ngửa thấy được. Dùng để nấu xôi thì thơm ngon đến hạt cuối cùng."

Ảnh 3. Hạt thóc béo tròn như đàn gà con chín vàng rực trên cánh đồng trước bản.
Hạt thóc béo tròn như đàn gà con chín vàng rực trên cánh đồng trước bản.

Vốn quý của cộng đồng

Theo ghi nhận, tại một số vùng trồng lúa nước ở những bản người Thái thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn cũng có giống lúa “cáy nọi”. Nhiều người dân ở xã Tri Lễ cho rằng nguồn gốc của giống lúa này có xuất xứ từ Lào. Nhiều người sang thăm người thân ở các địa phương thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào) cũng thấy bà con nông dân bên kia biên giới trồng thứ lúa này. Sau khi được “nếm” các thức ăn làm bằng thứ gạo này, người Thái ở các huyện miền Tây xứ Nghệ đã tìm cách đưa giống về. Theo thời gian, giống lúa đã bén rễ trên các cánh đồng lúa vùng rẻo cao.

Có thể nói, “khau cáy nọi” là một trong số rất ít những giống lúa nước bản địa còn được duy trì ở những vùng núi cao của tỉnh Nghệ An. Bởi ngày nay, hầu hết các địa phương đều đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách mạnh mẽ. Khi nói về việc cư dân địa phương vẫn gắn bó với giống lúa này, ông Vi Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã cho rằng chính khả năng chống chịu sâu bệnh tốt cũng như phâm chất gạo “hảo hạng” của giống lúa này. Lúa thơm, dẻo nên người dân bản địa rất ưa dùng để chế biến các loại bánh chưng và những thứ bánh phục vụ lễ Tết.

Nhiều năm trở lại đây, gạo nếp bản địa Tri Lễ cũng đang trở thành một mặt hàng được ưa thích. Cứ vào tháng 10 âm lịch, khi bà con vừa gặt xong vụ mùa là thương lái tìm đến tận bản thu mua. Theo những người dân ở bản Nóng thì giá bán từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/kg gạo “cáy nọi”. Ở một số khu chợ trung tâm xã của huyện Quế Phong có giá bán thường cao hơn 50.000 đồng. Mức giá này có thể có hơn nữa trong những ngày giáp Tết khi nhu cầu về gạo nếp tăng lên.

Ảnh 5. làm sạch hạt thóc để sáng sơm mai đồ xôi
Làm sạch hạt thóc để sáng sớm mai đồ xôi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Tri Lễ thì toàn xã có hơn 315 ha lúa nước, trong đó hơn nửa số diện tích này được người dân trồng lúa nếp “cáy nọi”. Do thời gian sinh trưởng chậm cũng như thói quen canh tác truyền thống nên bà con thường chỉ cấy loại nếp này vào vụ mùa. Dù cùng cấy một thời điểm nhưng thời gian thu hoạch thường muộn hơn các giống lúa mới khoảng 1 tháng.

Theo một cán bộ nông nghiệp xã Tri Lễ thì năng suất thấp cũng một hàn chế lớn của giống lúa này. Hiện tại nếu chăm sóc tốt và không bị sâu bệnh, cây sinh trưởng bình thường thì năng suất cũng chỉ hơn 40 tạ/ha. Tuy nhiên, lúa vẫn thường bị một số sâu hại, nhất là đạo ôn. Để khắc phục điều này, bà con thường trồng luân canh.

Được đánh giá là một giống lúa bản địa có phẩm chất tốt, nhưng sự quan tâm của chính quyền địa phương vẫn là “để người dân tự bảo tồn”. Vì việc nghiên cứu, lai tạo, cải thiện giống cây này vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản. Ông Vi Văn Du cho hay, trước đây có người từng đưa vấn đề này ra một cuộc họp HĐND cấp huyện những giải pháp thì vẫn chỉ là “khuyến khích bà con duy trì giống cây quý này bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.”

Ảnh 4. Lúa gà con được bảo quản trước hiên nhà.
 Lúa "gà con" được bảo quản trước hiên nhà.

Trao đổi với vấn đề này ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay, “đây là giống lúa quý, cần được bảo tồn và phát huy, thời gian tới chính quyền sẽ có những giải pháp cụ thể, duy trì và bảo vệ gen giống lúa này. Quan trọng, huyện sẽ đưa ra các giải pháp, đề án để đưa sản phẩm này thành một loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Khi sản phẩm từ giống lúa này mang lại thu nhập cao, người dân sẽ chăm sóc, bảo vệ giống lúa này thật tốt”.

Trong thời gian qua, huyện miền núi Quế Phong đã và đang đẩy mạnh các mũi phát triển kinh tế. Trong đó có việc tận dụng các ưu thế tự nhiên để phát triển du lịch cộng đồng. Thiết nghĩ, để khách du lịch đến và chịu đến với địa phương, thì những sản vật đặc sản của địa phương cần được quan tâm hơn nữa. Huyện nhà không thiếu các món đặc sản, xôi nếp làm từ giống lúa “cày nọi” là một món như vậy, hãy biến món ăn sáng bình dân thành thứ hàng hóa đặc biệt.                                   

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất siêu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD

DNTH: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.

Giá dừa khô tăng cao dịp cuối năm

DNTH: Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đến thu mua dừa khô với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/chục (12 trái), tăng gấp hai lần so với thời điểm cách đây vài tháng.

200 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Festival hoa Đà Lạt

DNTH: Chương trình Trưng bày giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Festival hoa Đà Lạt năm 2024 vừa khai trươngtại công viên Trần Quốc Toản, thành phố Đà Lạt.

Làng miến Chi Lăng tất bật 'chạy' đơn hàng Tết

DNTH: Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng miến Chi Lăng tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại “sáng đèn” cả ngày lẫn đêm để “chạy” đơn hàng Tết.

Hàng trăm sản phẩm tiêu biểu, OCOP TP.HCM và vùng, miền tụ hội phục vụ mua sắm dịp Tết

DNTH: Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được nông dân, HTX, doanh nghiệp... đưa đến tham dự Phiên chợ nông sản 2024 để giới thiệu với người tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại dịp Tết.

Nông dân Tiền Giang thu lợi nhuận khá vụ lúa Thu Đông

DNTH: Theo đánh giá của các địa phương trong vùng, vào thời điểm thu hoạch rộ vụ Thu Đông ở Tiền Giang, giá lúa được thương lái thu mua vẫn duy trì ở mức cao, nông dân thu lợi nhuận khá.

XEM THÊM TIN