Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Thuận

09:13 | 26/01/2020

DNTH: Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa nhằm phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái thu hút du khách.

Chú thích ảnh

Bãi san hô hóa thạch có tuổi đời hàng triệu năm ở Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận.

Tiềm năng du lịch sinh thái

Địa hình đa dạng có núi, biển, đồng bằng, bán sa mạc cùng nền văn hóa các dân tộc bản địa đặc sắc là những lợi thế để Ninh Thuận khai thác tiềm năng, trở thành “thủ phủ” du lịch sinh thái trải nghiệm mới.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận cho biết, tỉnh có nhiều bãi biển đẹp như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Mũi Dinh, Vĩnh Hy cùng thời tiết nắng ấm quanh năm rất thuận lợi cho du khách tắm biển, nghỉ dưỡng, chơi các môn thể thao biển. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển. Nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn đang là địa chỉ thu hút du khách tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm sa mạc, đua xe địa hình trên cát.

Hiện các thắng cảnh, khu du lịch biển Ninh Thuận đều gắn với vùng sinh thái đặc thù. Trong đó, Vườn Quốc gia Phước Bình là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ.Vườn Quốc gia Núi Chúa là điểm thu hút khách du lịch, nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu, đặc biệt là người yêu thiên nhiên muốn khám phá hệ sinh thái “Rừng khô hạn châu Phi ở Việt Nam”.

Không chỉ có vậy, điều kiện khí hậu “ít mưa, thừa nắng” tạo cho Ninh Thuận những sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, cây nha đam, dê, cừu... Với lợi thế này, tỉnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: Tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng chăn cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái).

Ngoài cảnh quan đa dạng, trầm tích văn hóa bản địa cũng tạo nên chiều sâu cho mỗi hành trình khám phá Ninh Thuận của du khách. Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm, Raglai sinh sống với nhiều lễ hội, phong tục đặc sắc. Tỉnh có các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh còn có các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm với lịch sử hàng trăm năm hứa hẹn đem tới cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Nền văn hóa ẩm thực phóng phú của các dân tộc bản địa với cơm lam, lợn đen nướng ống tre, măng rừng, gà nướng, rượu chuối hột “Chivas Phước Bình” nổi tiếng của đồng bào dân tộc Raglai hay tour trải nghiệm sinh hoạt, múa dân gian, âm nhạc của đồng bào Chăm cùng thưởng thức món ngon chế biến từ đặc sản cừu, dê là những trải nghiệm không thể thiếu khi ghé Ninh Thuận.

Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái

Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận đang đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn tham gia đầu tư, phát triển các loại hình du lịch sinh thái để thu hút du khách.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế thu hút các dự án du lịch trọng điểm đẳng cấp cao trên địa bàn. Tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng biển Bình Tiên - Vĩnh Hy - Ninh Chữ và Vườn Quốc gia Núi Chúa, Phước Bình; các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, vùng phụ cận. Huyện Ninh Phước, Thuận Nam phát triển các sản phẩm du lịch biển kết hợp tìm hiểu văn hóa, làng nghề, khám phá đồi cát, thể thao mạo hiểm. Huyện Bác Ái, Ninh Sơn phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Để thu hút nhà đầu tư, Ninh Thuận chủ trương dành ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản và sau khi dự án đi vào hoạt động theo quy định hiện hành. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng, giải quyết vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện dự án.

Giai đoạn 2019 - 2022, tỉnh Ninh Thuận dành trên 20,4 tỷ đồng hỗ trợ địa phương, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia phát triển du lịch, thông qua các hạng mục hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan...Bên cạnh đó, người dân địa phương được đào tạo, bồi dưỡng làm du lịch và hỗ trợ tuyên truyền, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.

Ông Hồ Sỹ Sơn cho biết thêm, việc xây dựng tuyến, điểm du lịch sinh thái ở các địa phương tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, khách du lịch, cộng đồng để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ninh Thuận đang tăng cường liên kết vùng, miền, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường du lịch để thu hút du khách, phấn đấu trong năm 2020 đón 2,6 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Với tiềm năng tự nhiên, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội cùng các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của tỉnh sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái thu hút du khách. Thông qua du lịch sinh thái tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển du lịch Ninh Thuận theo hướng bền vững.

Theo thống kê, năm 2019, lượng khách đến Ninh Thuận ước đạt 2,35 triệu lượt người (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018), thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 1.250 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tiên phong thực hành ESG, Nestlé Việt Nam lan tỏa thông lệ tốt về thúc đẩy bình đẳng giới

DNTH: Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trở thành yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố môi trường mà còn chú trọng hơn vào xã hội và quản trị....

Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào vụ sản xuất 2024-2025

DNTH: Sáng 4/12, tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Nhà máy Đường An Khê-Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã chính thức nhấn nút bước vào vụ sản xuất 2024-2025.

Xe điện VinFast ‘hút’ người trẻ tại chuỗi sự kiện Zalopay YEF 24

DNTH: Dàn xe điện cá tính, sành điệu của VinFast với tâm điểm là VF 7 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khách hàng trẻ đến tham gia chuỗi sự kiện Zalopay Year End Fes 2024 (Zalopay YEF 24).

Chiến lược đồng hành cùng người tiêu dùng của Masan Group

DNTH: Trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam trong 3 quý năm 2024 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Chuyển đổi số xanh tại KCN Hải Phòng, hướng tới phát triển bền vững

DNTH: Việc ứng dụng công nghệ để xanh hóa các khu công nghiệp là một mục tiêu quan trọng mà Hải Phòng đang hướng tới để chuyển đổi số xanh toàn diện, hướng tới phát triển bền vững.

Biệt thự tứ lập Ánh Dương hút giới đầu tư sành sỏi trong giai đoạn cao điểm cuối năm

DNTH: Thị trường bất động sản đã bước vào chu kỳ mới, kéo theo khẩu vị của giới đầu tư cũng khắt khe hơn trước, ưu tiên dòng sản phẩm giàu tiềm năng tự thân, như biệt thự tứ lập tại phân khu Ánh Dương - Vinhomes Ocean Park 3.

XEM THÊM TIN