Không chỉ là “Thời của tạp chí”
08:57 | 17/06/2021
DNTH: “Thời của tạp chí” là tên tiểu luận mới xuất bản tháng 5-2021 của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống & Pháp luật. Chính tác giả cũng “tạm gọi cuốn sách “phi thể loại” này là tiểu luận”, với “một số luận điểm và cách đặt vấn đề… theo lăng kính thuần túy cá nhân”; nhưng thực tế, cuốn sách nghiệp vụ khá “lạ”, thú vị, đáng tham khảo này không chỉ gói gọn, khu biệt trong cái tiêu đề cuốn sách.

Một cuốn sách nghiệp vụ thấm đẫm văn chương
Điều này thật dễ nhận ra khi chỉ cần đọc qua phần mục lục với các tiêu đề từng phần rất nghiệp vụ báo chí, nhưng cũng hết sức văn vẻ, tinh tế, những so sánh, ví von giàu hình ảnh, gợi mở, đáng nhớ, đó là: Vong thân trước mạng xã hội; thuốc gây mê của những kẻ nghiện view; đứng trên vai những người khổng lồ; cận cảnh và soi chiếu; nghề và nghiệp; chìa khóa mang tên khác biệt; bầu trời trước mặt, con đường dưới chân. Và những tiêu đề phụ trong từng phần cũng tương tự như vậy, kiểu như: Bờ vực suy đồi, sự úa tàn của chữ nghĩa, không có phép màu, ngã ba hoang mang, giấc mơ hay hiểm họa?
Nhưng không chỉ trong các tiêu đề dễ nhận ở từng phần, trong nội từng trang, thậm chí từng câu cũng lấp lánh, thấm đậm chất văn chương. Bạn có thể vô tình lật giở bất kỳ trang nào cũng thấy điều đó. Ví dụ, ở trang 10, ngay sau tiêu đề phụ của phần này là “Sự úa tàn của chữ nghĩa”, tác giả viết rằng: “Content is king” (nội dung là vua) – tín niệm thần thánh này có nguy cơ trở thành một khẩu hiệu suông, một slogan vô duyên và xa rời thực tiễn, thậm chí có thể trở thành một tiếng “chuông nguyện hồn ai”, ngân vang chỉ để báo hiệu sự úa tàn của chữ nghĩa, khi con số view hủy hoại những giá trị cốt lõi của nội dung và làm tan rữa nội tạng các cơ quan báo chí”. Hay như ở trang 57 là một sự đúc kết sau quá trình khảo sát, chiêm nghiệm của tác giả rằng: “Trào lưu tạp chí in dành cho đối tượng độc giả thích xem hình ảnh hơn là đọc cũng từ từ thoái trào rồi biệt vô tăm tích”. Hay như ở trang 66, tác giả viết rằng: “Thậm chí, ngay cả việc mặc định đối tượng hướng tới của thông tin trên báo là sự kiện, còn thông tin trên tạp chí là vấn đề cũng mang tính ước lệ, bởi lẽ trên thực tế, đào sâu sự kiện sẽ phát hiện ra vấn đề ẩn giấu phía sau, đồng thời khái quát vấn đề cũng làm sáng rõ hơn mọi mặt của sự kiện”…

Xin khẳng định lại rằng, chất văn thấm đẫm trong cuốn tiểu luận báo chí này. Điều ấy cũng dễ giải thích thôi, bởi tác giả vốn tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội; là người có nhiều bài thơ đình đám, làm siêu lòng phái đẹp khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Và trong lần ra mắt “hat-trick” ấn phẩm này, ngoài “Thời của tạp chí”, tác giả còn giới thiệu 2 tập thơ với không ít bài từng được các nữ sinh chép vào sổ tay khi xưa, với tên gọi: “Chiều không tên như vết mực giữa đời” và “Loạn bút hành”. Và nữa, tác giả tự xếp cuốn sách thuộc diện tiểu luận cũng đồng nghĩa rằng, trong giới hạn phạm vi không gian, chiều kích thời gian ấy, ngôn ngữ được sử dụng thuộc về nhóm thể loại chính luận báo chí, không hề khuôn mẫu, chặt chẽ, liêm luật mà hết sức khoáng đạt, bay bổng, tự do, giàu hàm ý. Là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, đầy hiệu ứng giữa báo chí và văn chương…
Những gợi mở, trăn trở rất thời sự
Phải thừa nhận rằng, không chỉ thấm đẫm chất văn chương, chữ nghĩa bừng sáng, bay bổng, diễm tình; qua cái vỏ bọc ngôn ngữ khoáng đạt, giàu hình ảnh, thậm chí khá trần trụi, thậm chí gây sốc ấy là những hiện thực đắng đót, những trăn trở, gợi mở rất sát thực với đời sống báo chí những năm gần đây.
Một cuốn sách chỉ dày 86 trang, với một số trang là hình ảnh minh họa, kiểu chữ lạ, cỡ chữ to, trình bày thoáng nên tổng số lượng chữ là không nhiều. Thế nhưng, ở cuốn sách chỉ đọc trong vòng một ngày, những điều đọng lại khó có thể đo đếm, bởi những nội dung không chỉ là sự trải nghiệm, những đau đáu của người trực tiếp làm nghề báo, cả với tư cách nhà báo, cũng như lãnh đạo cơ quan báo chí. Hơn thế, nhà báo Tiến Thanh lại là người trực tiếp trải nghiệm, trăn trở, đối diện với đủ đầy việc bếp núc làm báo online từ những ngày đầu tiên, nhất là với tư cách người đứng đầu cơ quan báo chí, đối diện với đủ đầy áp lực, khó khăn trong việc chọn hướng đi cho tòa soạn của mình. Như chính tác giả viết rằng,“làm báo thời Internet là trải nghiệm một niềm đau dằng dặc khi phải loay hoay thích nghi với những thủ thuật công nghệ xa lạ, hoàn toàn không liên quan gì đến những tri thức về chữ nghĩa được đào tạo và tích lũy qua năm tháng”.

Rõ ràng, không phải là “niềm đau dằng dặc” sao được, khi phải làm biết bao công việc dường như không đúng chức năng, bổn phận, trách nhiệm, sự hứng thú, hưng phấn, đam mê với “quyền lực thứ tư”; khi phải học hỏi, làm quen, luyện rèn, đớn đau với những thuật ngữ mới trong nghề báo thời đại số vô cùng nhàm chán, như: “gắn link, tag hoặc cắt gọt chữ nghĩa cho chuẩn từ khóa SEO (Search Engine Optimization – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, chủ yếu là trên Google)”, hay đến những việc trước đây chưa từng làm như “share link bài viết của mình lên mạng xã hội để tăng view”, “căng đầu đối phó với thói đỏng đảnh của Facebook: thay đổi thuật toán liên tục hòng dựng thành lũy ngăn chặn việc các nguồn xuất bản (trong đó có báo chí) lợi dụng share link để viral (lan tỏa một thông điệp nội dung đến nhiều người)”… Để rồi, trước việc “quỳ gối quỵ lụy Google, Facebook…, một bộ phận báo chí đang vong thân và trượt dài đến bờ vực suy đồi: “Bán linh hồn” cho mạng xã hội; bám váy hot trend (nghĩa đen là xu hướng “nóng”) – mà đa phần là các trend rất nhảm nhí”… Chính tác giả phải thốt lên đau đớn rằng: “Hệ lụy là phóng viên say mê với thủ thuật mà xa rời những kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của người làm báo – viết, quay, chụp, biên tập, tác nghiệp lấy thông tin hiện trường, phỏng vấn hay tường thuật”.
Đó cũng chính là thực trạng của không ít cơ quan báo chí có phiên bản online hoặc cơ quan báo mạng điện tử thuần túy. Sự tăng view để có người đọc, có nguồn thu từ các hoạt động kinh tế báo chí kéo theo không biết bao nhiêu vấn đề đáng trăn trở trong đời sống báo chí, đáng báo động nhất là sự xa rời tôn chỉ mục đích, thương mại hóa báo chí, “lá cải hóa” báo chí, sa đà vào những giật gân câu khách, tình tiền tù tội, đâm cướp giết hiếp,… chỉ với mục đích thu hút người xem mà không chú trọng đến nội dung của mỗi tác phẩm báo chí, cũng như thương hiệu, vị thế, uy tín của cơ quan báo chí. Thế nên, cũng có những tờ báo danh tiếng thời còn là báo in thuần túy, đã có một phiên bản online với bộ mặt khác hẳn, cũng ra sức tham gia cuộc đua không có hồi kết liên quan đến SEO, social, key word (từ khóa), trend, view,… trên môi trường mạng Internet đầy rẫy cạm bẫy, dễ dàng đánh mất niềm kiêu hãnh và tính độc lập của mình. Thế nên, trên không ít trang báo mạng điện tử, những lỗi khá sơ đẳng cả về nội dung lẫn câu chữ cũng rất dễ dàng bắt gặp, bởi đó chính là hậu quả “khi cơn sốt view hủy hoại những giá trị cốt lõi của nội dung và làm tan rữa nội tạng các cơ quan báo chí”.

“Thời của tạp chí” quả thực không đề cập nhiều đến tạp chí, mà là những lát cắt, những luận điểm, luận cứ xác thực, thuyết phục của chính tác giả tại cơ quan mình và một số ví dụ cụ thể về các trường hợp khác trong làng báo ở trong nước và trên thế giới. Hệ thống luận lý, hiện thực được đan cài, lồng ghép rất hợp lý phản ánh quá trình trăn trở, đau đớn trong sự hội nhập, thích ứng, chuyển mình của đại đa số tòa soạn báo chí khi mà Internet, rồi mạng xã hội xuất hiện, bùng nổ, xâm lấn “lãnh địa” tưởng chừng chỉ là của báo chí và giật mất phần hết sức quan trọng, quyết định đến số phận mỗi tòa soạn – phát hành, quảng cáo, tài trợ, nói khái quát là kinh tế báo chí. Và điều này, chắc chắn sẽ còn là những trải nghiệm, những thực tế phũ phàng mà báo chí phải đối mặt trong thời đại số, khi mà mạng xã hội lên ngôi, có quyền chi phối, kìm hãm, ban phát cho báo chí. Những mặt trái đã được nhận diện, chỉ tên và sẽ có giải pháp hạn chế, khắc phục; thế nhưng câu chuyện loay hoay giữa “báo chí nội dung” và “báo chí công nghệ” chắc chắn sẽ còn thêm nhiều chương, lắm điều dằn vặt, trăn trở, đớn đau, tồi tệ khác, khi người làm báo không thể tự thân quyết định được những gì mình nên làm, phải làm, vì không ít chức năng của báo chí đã bị xem nhẹ trong thời đại số, kể cả là chức năng tư tưởng, quản lý, giám sát và phản biện xã hội, khai sáng hay đơn thuần là giải trí…
Đôi điều nói thêm
Thực tình, giữa báo và tạp chí có sự phân định khá rõ ràng về ranh giới, khu biệt về phạm vi, tính chất, mức độ thông tin trong mỗi tác phẩm báo chí, thuộc từng lĩnh vực khác nhau. Cũng giống như báo in, tạp chí in cũng bao gồm khá nhiều dạng thức, loại hình khác nhau, có thể kể đến là: Tạp chí lý luận, học thuật, khoa học tập trung đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành mình, địa phương mình. Cũng có thể phân loại tạp chí theo lĩnh vực, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, như tạp chí kinh tế, văn hóa, giải trí, chỉ dẫn… Và ở Việt Nam hiện nay, khi triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, không ít cơ quan báo đã trở thành tạp chí. Trong buổi ban đầu mới mẻ của sự chuyển đổi, cách thức vận hành, quy trình sản xuất nội dung, tính định kỳ trong xuất bản các ấn phẩm cả phiên bản in và phiên bản điện tử của nhiều tạp chí vẫn cơ bản như hồi còn là báo. Nghĩa là không ít tạp chí vẫn xuất bản hàng ngày (báo in) và cập nhật thường xuyên, thậm chí làm livestream trên phiên bản điện tử.

Cũng xin nói thêm rằng, với tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay cũng còn không ít vấn đề về tôn chỉ, mục đích, phạm vi, giới hạn nội dung, chiều kích thông tin cần được làm rõ hơn, phù hợp với hệ sinh thái truyền thông số liên tục thay đổi, hết sức mở chứ không hề đóng, kể cả về nội hàm những khái niệm, sự tiếp cận, cũng như năng lực chuyển tải thông tin của mỗi tòa soạn tạp chí điện tử.
Cuối cùng, xin được nhắc lại câu chuyện rất cũ rằng, ngay từ năm 1869, nhà phê bình văn học, âm nhạc, nhà báo người Mỹ Richard Grant White (1822-1885) đã có bài viết nhan đề “The Morals and Manners of Journalism” (Tạm dịch: Đạo đức và phong cách của báo chí) khẳng định rằng: Trong hai nhánh của nghề báo, một là thu nhập và phát hành tin tức, hai là thảo luận và giải thích những sự kiện được công khai thì nhánh đầu là cần thiết, căn bản hơn; còn nhánh sau quan trọng hơn. Nhánh thứ hai có tính chất tranh luận của nghề báo, bởi nó luôn định hướng, như một người cố vấn thường nhật; vừa truyền đạt thông tin vừa giáo dục; mở rộng tầm hiểu biết về tư tưởng và tình cảm của con người.
Từ xưa báo chí đã phân nhánh như vậy, đến ngày nay cũng không khác là bao về bản chất, như trong một ấn phẩm báo chí có các thể loại chuyên phản ánh tin tức, sự kiện; có các thể loại chuyên bày tỏ quan điểm, chính kiến, luận giải sự kiện, vấn đề. Ấy chính là đặc điểm hình thành nên, tạo ra sự khác biệt giữa nhóm thể loại thông tấn và nhóm thể loại chính luận – nghệ thuật. Và ở mức độ nào đó, là sự phân định ranh giới giữa báo và tạp chí, không phải là tên gọi mà ở quy mô, cấp độ thông tin.
Nguyễn Tri Thức
Cùng chuyên mục
-
Tags:
- Nguyễn Tri Thức /
- Tạp chí Đời sống & Pháp luật /
- Nguyễn Tiến Thanh /
- Không chỉ là “Thời của tạp chí” /
- Chia sẻ:
-
-
-
Bình luận (0)

Chủ tịch nước: Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
DNTH: Tối 13/5, tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố...

Biểu tượng K-Pop toàn cầu G - Dragon được VPBank mang về Việt Nam cùng Đại nhạc hội VPBank K - Star Spark
DNTH: Sân khấu âm nhạc lớn nhất năm 2025 đã sẵn sàng. Vào ngày 21/6/2025, VPBank sẽ mang đến sân vận động quốc gia Mỹ Đình siêu đại nhạc hội VPBank K-Star Spark in Vietnam 2025, quy tụ những tên tuổi hàng đầu K-pop mà tâm điểm không ai...

Lê Hà Minh Anh – học sinh tiêu biểu, tấm gương sáng trong học tập
DNTH: Trong khu vườn tri thức rực rỡ của lớp 5A6 trường Tiểu học Hoàng Liệt – Hoàng Mai – Hà Nội có những bông hoa không chỉ tỏa hương sắc mà còn vươn mình đón ánh mặt trời bằng cả nghị lực và đam mê, một trong số đó là bông...

"Bom tấn" hoạt hình Việt sẽ ra mắt cuối tháng 5/2025
DNTH: Sau hơn một năm thực hiện, 'bom tấn' phim hoạt hình Việt chiếu rạp đầu tiên sẽ ra mắt công chúng vào cuối tháng 5 này.

Tạp chí Người Hà Nội kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
DNTH: Sáng 8/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), Tạp chí Người Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (8/5/1985 - 8/5/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trao giải cuộc thi "Thanh niên hành động - Hướng tới loại bỏ bệnh dại và hoạt động buôn bán, giết mổ chó mèo"
DNTH: Ngày 29/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Chương trình Truyền thông thay đổi hành vi hướng tới Phát triển bền vững Việt Nam và Tổ chức Soi Dog Foundation tổ chức Lễ Trao giải cuộc thi "Thanh niên hành động - Hướng...
Đô thị cuộc sống
-
Từ ngày 20/5 người dân Hà Nội có thể thực hiện trực tuyến một số thủ tục về đất đai
-
Xếp hàng xuyên đêm chiêm bái xá lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ
-
Pearl Residence hợp tác với Savills Việt Nam giúp nâng tầm chuẩn sống nơi trung tâm đô thị biển Cửa Lò
-
Cầu Tứ Liên: Biểu tượng mới cho hành lang phát triển phía Bắc Thủ đô
-
Hà Nội công bố đường dây nóng về trật tự giao thông dịp lễ 30/4 - 1/5
-
Báo chí tiếp lửa cho startup
Sống khỏe
-
Bệnh viện ĐHYD-HAGL phẫu thuật nội soi thành công ca bệnh phức tạp liên quan đến thận
-
Ưu đãi đặc quyền chào đón dịp cao điểm nghỉ hè 2025 tại quần thể nghỉ dưỡng và thể thao Ruby Tree Golf Villas
-
Bệnh viện ĐHYD-HAGL: Ca nội soi hy hữu, cắt thận lấy hơn 100 viên sỏi
-
Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tổ chức chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai"
-
Tỷ lệ mắc ung thư phổi gia tăng ở những người không hút thuốc lá
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...