Làng Đáy ở triền sông
09:26 | 20/09/2020
DNTH: Làng Đáy vốn là dân vạn chài bao đời lênh đênh sông nước, nhưng rồi họ cũng tụ cư được lên bờ dẫu vẫn mưu sinh bằng nghề chài lưới, cứ chấp chới giữa bờ “văn minh”.
Nằm cách trung tâm thành phố Vinh chừng vài cây số. Bao năm nay, làng Đáy vẫn nằm lạc mình bên dòng sông ở khu vực ngoài bờ đê sông Lam. Đó là xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa mà người dân nơi vẫn quen gọi là làng Đáy. Vào mùa lũ, những con nước dữ từ đầu nguồn cứ ùn ùn đổ về mang theo phù sa và cũng mang đến cả nhiều hiểm nguy mới. Chiếc đò nhỏ vẫn là phương tiện mưu sinh duy nhất và cố hữu của người dân “ốc đảo” này.
![]() |
Người làng Đáy với nghiệp mưu sinh chủ yếu trên sông nước. |
Men theo con đường nhỏ, chúng tôi về với những hộ gia đình nơi xóm nghèo. Mấy chục năm đã trôi qua, cuộc sống đã lắm đổi thay, sông Hồng Lam ngày ấy và bây giờ vẫn thế! Cuộc sống lam lũ miền sông nước với cái nghèo, cái khó vẫn cứ ám ảnh người dân nơi đây.
Nhiều người già trong làng bảo, trước đây làng Đáy ở ngược trên triền sông kia, chỉ có ngót nghét chưa đầy chục hộ, mưu sinh trên những chiếc thuyền nhỏ. Khi được tụ cư về đây sau một trận nước lớn, làng đông dần lên và mang tên làng Đáy từ đấy tới giờ.
Mấy đời rồi, cư dân làng Đáy vẫn làm nghề cũ, vẫn những công việc mưu sinh như đặt te (te là vật dụng để đánh cá, to hơn vó tôm một chút, người ta nhai thính rồi thả xuống để làm mồi cho cá), đi chài, đi vợt và thả lưới, nhưng chủ yếu vẫn là nghề đặt đáy (đáy là vật dụng để đánh cá, to hơn te, dùng dây nối và cần kéo để kéo cá lên). Ông Đậu Xuân Thương - Xóm trưởng bảo, nhờ dòng sông Lam mà người làng Đáy sống được. Những mùa nước ròng, người làng Đáy đóng hai cọc xuống đáy sông để chăng lưới. Mỗi năm, người làng Đáy chỉ làm đáy có 8 tháng, còn lại phải nghỉ khi vào mùa mưa lũ.
Dù mang tiếng dòng sông Lam trĩu nặng phù sa bồi đắp, nhưng làng Đáy lại như là một “ốc đảo” còn lắm cằn cỗi và hoang sơ. Nhiều người muốn thoát nghèo đã bỏ xứ đi làm ăn xa, mong sao khấm khá hơn.
![]() |
Làng chỉ còn lại trẻ con và những người đã “đứng tuổi”, thanh niên trai tráng thì đi nơi khác kiếm kế mưu sinh. |
Cách đây chừng hơn hai mươi năm, dân số của ốc đảo này khá đông đúc, nhưng sau trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988, người dân bắt đầu di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Hiện tại, dân số thôn chỉ còn khoảng hơn 1/3 so với trước. Trong số đó, chỉ còn lại rất ít thanh niên ở lại.
Nhìn bâng quơ vào làng, con đường làng lấm láp bụi cát và bùn lầy vì đợt lũ vừa qua vẫn chưa dọn hết, ông Xóm trưởng chua chát: “Thanh niên trai tráng trong làng đã “Nam tiến” hết cả rồi! Ở nhà thì lấy cái chi mà ăn. Giờ trong làng chỉ có người già và trẻ con thôi!”. Rồi ông nhẩm tính cho chúng tôi biết, tỉ lệ thanh niên trong làng có lẽ chỉ còn chừng 20%, số còn lại là trẻ con và người trên 50 tuổi trụ lại, vì không thể đi đâu được.
Làng vốn đã hiu hắt lại dần vắng bóng người theo từng tháng, từng năm, nên chợ vốn đã ít người bán, nay lại càng hiếm người mua. Cả làng chỉ có một gian hàng duy nhất giống như chợ ngay đầu lối vào, được dựng sơ sài bằng chiếc sạp nhỏ, lợp tấm bạt rách tướp để bán đủ thứ. “Chợ” này do một phụ nữ ở bên ngoài hằng ngày đưa hàng vào đây bán. “Tiệm tạp hóa” duy nhất ấy cũng chỉ bán những thứ “tối cần thiết” như gạo và mắm muối.
Làng Đáy bây giờ, vẫn luôn thường trực nỗi sợ lớn nhất đó là mưa lũ. Lũ ở sông Lam dữ dội vô cùng. Vào mùa mưa lũ, làng gần như bị cô lập hoàn toàn, người dân lại nơm nớp nỗi lo thiếu ăn, sự hoành hành của “hà bá” có thể “nuốt” chửng ngôi làng nhỏ bé và nghèo khó này khi nào không hay.
![]() |
Những phận đời sống vùng sông nước, dù nỗi day dứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi nhưng họ vẫn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. |
Đi khắp làng, chẳng thấy một ngôi nhà hai tầng nào, bởi những cơn lũ của dòng Lam từng nhiều lần tàn phá hết. Tài sản giá trị nhất của mỗi gia đình chỉ là những chiếc thuyền con và những mảnh đáy của cơ nghiệp mưu sinh. Thuyền vừa để mưu sinh, vừa để thoát thân khi lũ về. Còn mỗi chiếc đáy có giá hơn chục triệu đồng, là cả cơ nghiệp để sống từng ngày.
Ông Thương kể, một năm lũ về bất ngờ giữa đêm, người làng trở tay không kịp. Trong tiếng nước về cuồn cuộn chỉ nghe thấy những tiếng người làng thất thanh. Nhiều nhà không kịp cuốn đáy bị trôi mất cả. Sáng ra, trong ánh mắt mệt mỏi là nỗi tiếc của cứ thắt lên trong lòng.
Làng Đáy bây giờ, dẫu đã được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm hơn, nhưng bên mép sông Lam ấy và những cuộc đời mưu sinh trên sông nước còn quá nhiều nguy hiểm, những rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào với họ.
Dòng sông Lam trước đây cũng nhiều tôm cá lắm, nhưng do nhiều người đánh điện, khai thác kiểu tận diệt, do nguồn nước một phần cũng bị ô nhiễm nên nhiều hôm người làng dỡ đáy mà chẳng được gì. Có người ầng ậng nước mắt khi nhìn vào trong đáy chỉ thấy toàn rác, bao nilon.
Một nỗi lo lớn nữa, đó là tình trạng sạt lở bên sông. Làng Đáy vốn ở ngoài đê, thế nhưng vài năm trở lại đây đất ngoài đê ngày càng sạt lở. Dù năm 2007, chính quyền địa phương đã cho xây bờ kè với chiều dài 250 m. Nhưng rồi, trước sức tàn phá của thiên nhiên, bờ kè ấy cũng chẳng còn, làng Đáy lại chực chờ trước hiểm họa.
![]() |
Cuộc sống lam lũ miền sông nước với cái nghèo, cái khó vẫn cứ ám ảnh người dân nơi đây. |
Làng đang mất dần trước cơn giận của thiên nhiên, đã từng có chủ trương di dời làng vào trong đê để người làng yên ổn làm ăn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên làng Đáy vẫn chưa được di dời. Cứ thế, ngày ngày, người làng Đáy lại ra đặt đáy trên mép nước, lấy tạm nỗi vui mưu sinh từng ngày để quên đi nỗi lo dài sau đó.
Những phận đời sống vùng sông nước, nỗi day dứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi làng quê thanh bình này. Nhưng họ vẫn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Có lẽ rồi đây cũng sẽ có ngân sách về cho xã, hay sẽ có những nhà máy, những công trường để người trẻ của làng Đáy có công ăn việc làm đủ sống. Người dân nơi đây sẽ không phải đi tha phương cầu thực, bỏ lại xóm làng xác xơ hoang vắng, nơi bờ lau trắng đong đưa lay lắt như những phận người với cuộc sống nghèo khó nơi đây.
Không biết mùa lũ này, làng Đáy còn lại những gì…
Minh Ngọc
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Hàng trăm ha lúa khô hạn, nhiều diện tích mất trắng
DNTh: Gia Lai Hàng trăm ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông thì bất ngờ gặp khô hạn khiến nhiều diện tích của người dân bị thiệt hại nặng và mất trắng.

Thôn vùng cao ở Lào Cai, trước chìm trong hoa anh túc nay trồng lúa, ngô, cây ăn quả mà giảm nghèo làm giàu
DNTH: Bản Giàng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện mạo vùng quê nghèo nơi đây đang từng bước thay da, đổi thịt.

Đường hoa nông thôn mới Nam Định, nhìn đâu cũng ra hoa, cây cảnh, cây công trình, làng quê đáng sống
DNTH: Về các miền quê trong tỉnh Nam Định, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những con đường hoa, đường cây rực rỡ, xanh mát. Trong cái nắng chói chang của mùa hạ, những thảm hoa mười giờ, dừa cạn, dứa tím, lạc tiên, chuỗi...

Lào Cai: Nhiều nông dân vùng cao đổi đời nhờ cây tam thất
DNTH: Các xã vùng cao trên của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thường lạnh, mát quanh năm với độ ẩm bình quân từ 70 - 80%; đây là môi trường thích hợp để trồng những loại dược liệu quý, trong đó có cây tam thất. Loại cây có giá trị...

Kon Tum: Hỗ trợ hơn 3.300 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo
DNTH: Ngày 11/2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tiến hành cấp phát miễn phí 3.320 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Đăk Na và Văn Xuôi.

'Phù thủy' điều khiển cây nhãn thu hoạch quả từ tháng Giêng
DNTH: Trong nghề canh nông, lão Hoàng Quang Tuấn được bà con ở địa phương ví như 'dị nhân' bởi nuôi con nào, trồng cây gì cũng đều thắng đậm hơn người.
Đô thị cuộc sống
-
Báo chí tiếp lửa cho startup
-
Pearl Residence hợp tác với Savills Việt Nam giúp nâng tầm chuẩn sống nơi trung tâm đô thị biển Cửa Lò
-
Cầu Tứ Liên: Biểu tượng mới cho hành lang phát triển phía Bắc Thủ đô
-
Hà Nội công bố đường dây nóng về trật tự giao thông dịp lễ 30/4 - 1/5
-
Vì sao các doanh nhân thành công đều nghe, đọc sách điện tử
-
Dỡ tòa nhà Hàm cá mập với chi phí 0 đồng
Sống khỏe
-
Ưu đãi đặc quyền chào đón dịp cao điểm nghỉ hè 2025 tại quần thể nghỉ dưỡng và thể thao Ruby Tree Golf Villas
-
Bệnh viện ĐHYD-HAGL: Ca nội soi hy hữu, cắt thận lấy hơn 100 viên sỏi
-
Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tổ chức chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai"
-
Tỷ lệ mắc ung thư phổi gia tăng ở những người không hút thuốc lá
-
"3 nhớ 2 không" phục hồi sức khoẻ, nạp năng lượng sau kỳ nghỉ Tết
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...