Luật đấu thầu: sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra, tránh để trục lợi, tiêu cực tham nhũng

14:49 | 15/11/2022

DNTH: Sáng 15/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành, nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật được ban hành sửa đổi sau Luật Đấu thầu, đặc biệt là nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

QH10
Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực này có tính chuyên sâu rất cao

Thống nhất với các ý kiến của các đại biểu đã góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc, điều đó là chưa đủ. Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực này có tính chuyên sâu rất cao. Dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, đại biểu cho rằng, cần xem là hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị, nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện giờ chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách bởi khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách? Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị, nên cho phép lãnh đạo bệnh viện hay Hội đồng xác định trường hợp cấp bách, để tránh tiêu cực và kịp thời đáp ứng thuốc cho người bệnh.

QH7
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc; đồng thời, đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu. Hơn nữa, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân.

QH5
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Về chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đề xuất bổ sung trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất, chế tạo và bán thương mại trên thị trường. Về chỉ định thầu rút gọn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị, dự thảo cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc.

Cho rằng, hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điểm khác, do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Ban soạn thảo cần đưa ra nguyên tắc xác định nguồn vốn căn cứ lập kế hoạch đối với gói thầu mua sắm thuốc tập trung; đồng thời, cần làm rõ vai trò của đơn vị mua sắm thuốc tập trung trong quá trình đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu.

QH9
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu.

Về tính hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời điểm trình duyệt kết quả nhà thầu, nhà đầu tư là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị sửa “thời điểm trình duyệt kết quả nhà thầu, nhà đầu tư” thành “thời điểm đấu thầu” để tránh trường hợp tiêu cực, hoặc cơ quan đơn vị mất nhiều thời gian lựa chọn nhà thầu.

Về bảo đảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, Điều 6 có quy định, nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để bảo đảm tính bình đẳng. Tuy nhiên, Khoản 4 lại quy định nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng quy định tại Khoản 2 Điều này. Đại biểu cho rằng, cần quy định nhà thầu được chỉ định thầu phải đáp ứng quy định tại Khoản 2 Điều này, để bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức trong chỉ định thầu. 

Còn về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, cần rà soát hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng như nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

QH4
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số tổ chức giám sát để thực hiện

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho biết, tại Khoản 4, Điều 17 quy định về hủy thầu: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, đây là quy định quan trọng góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 dự thảo chưa quy định rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào, các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại trước pháp luật dân sự hay theo trình tự, thủ tục nào. Do vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên. Để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số tổ chức giám sát để thực hiện.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, dự thảo luật có một số quy định chưa hợp lý, khó thực hiện, chưa phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế, chưa quy định thẩm quyền quyết định các gói thầu tại mục đ Điều 27… do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và khẩn cấp, cấp bách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu sâu sắc, tâm huyết, toàn diện, trách nhiệm. Bộ trưởng chia sẻ, Luật Đầu tư là một luật khó, phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Trong quá trình soạn thảo, có nhiều luồng ý kiến đặt vấn đề nên quy định nới lỏng hay siết chặt để bảo đảm quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao, trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu phản ánh. Do đó, sửa đổi luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng. Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm với 18 đại biểu phát biểu; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

"Muốn có thu nhập cao, Việt Nam phải ở nhóm đi đầu về công nghiệp công nghệ số"

DNTH: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số sinh ra chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

Kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất, giải quyết điểm nghẽn về thể chế

DNTH: Ngày 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bế mạc. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đánh giá, đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Nhiều Luật đưa ra với tính chất phức tạp,...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Quốc vương Campuchia

DNTH: Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội trao Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng

DNTH: Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức Lễ công bố và trao Nghị quyết về công...

Hôm nay (29/11) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật quan trọng

DNTH: Ngày 29/11, theo Chương trình của kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi,...

Đại biểu Quốc hội đề xuất bảo lưu khi đóng bảo hiểm thất nghiệp 144 tháng

DNTH: Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo; đồng thời phải liên thông dữ liệu để tránh trục...

XEM THÊM TIN