'Ma trận' app truy xuất nguồn gốc bủa vây nông sản Việt

11:28 | 05/11/2021

DNTH: Để nâng cao giá trị nông sản Việt, người nông dân cần tích cực chuyển đổi số và áp dụng nghiêm việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, thế nhưng các giải pháp này lại đang tồn tại theo kiểu “trăm hoa đua nở”.

Đau đầu với bài toán truy xuất nguồn gốc nông sản Việt

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là việc cho phép người dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược để rà soát từng công đoạn trong việc thu hoạch, sản xuất, chế biến hay phân phối sản phẩm.

Công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được các nước phát triển áp dụng từ lâu, như một khâu bắt buộc phải có của sản phẩm nếu muốn lưu thông trên thị trường. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc mới được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi có chủ trương thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản của Chính phủ.

'Ma trận' app truy xuất nguồn gốc bủa vây nông sản Việt ảnh 1
Dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản tại một nhà vườn ở Hải Dương. (Ảnh: Trọng Đạt)
 

Tuy vậy, có một thực tế là hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức mã số mã vạch toàn cầu. Thay vào đó, khâu quản lý, truy xuất tại Việt Nam thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ.

Điều này dẫn đến một thực trạng là việc quản lý nguồn gốc nông sản rất khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, cách làm này còn gây khó khăn trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.

Theo ông Nguyễn Văn Đoan - chuyên gia thuộc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, tại Việt Nam hiện có hơn 60.000 doanh nghiệp là thành viên của GS1 với hơn 600.000 sản phẩm sử dụng mã số, mã vạch. Mỗi năm có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký mã số, mã vạch mới.

Ông Đoan cho biết, trên thị trường có rất nhiều giải pháp truy xuất nguồn gốc, nhưng các giải pháp này lại tồn tại theo kiểu “trăm hoa đua nở”.

'Ma trận' app truy xuất nguồn gốc bủa vây nông sản Việt ảnh 2
Khi tra trên các kho ứng dụng, có thể dễ dàng tìm ra rất nhiều app truy xuất nguồn gốc khác nhau. Điều này khiến người nông dân gặp khó trong việc chọn lựa cho mình một giải pháp phù hợp.
 

Trong quá trình triển khai trên thực tế, khi quét tem truy xuất nguồn gốc, nhiều công cụ chỉ trả về một số thông tin chung chung, theo dạng điện tử hóa tem nhãn của sản phẩm thay vì lịch sử của sản phẩm đó. Đây là hiện tượng rất phổ biến tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, có một thực tế là khi quét các loại nông sản có dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm nào cũng để mặc định số ngày cách ly phân bón là 7 ngày và số ngày cách ly thuốc bảo vệ thực vật là 10 ngày. Chứng tỏ nhiều khả năng đây là những thông tin không chính xác.

Một vấn đề khác là tình trạng thiếu thông tin, không đầy đủ phần tử dữ liệu của các giải pháp truy xuất nguồn gốc hiện tại.

Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp nâng tầm nông sản Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, chuyển đổi số sẽ giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng, minh bạch, hỗ trợ kịp thời cho các chủ cơ sở trong chuỗi cung ứng.

Ví dụ, trong quá trình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, truy xuất nguồn gốc giúp nhà nhập khẩu có thể nhìn thấy cánh đồng, xưởng sản xuất từ bên xuất khẩu, từ đó tạo niềm tin và giúp cắt giảm chi phí di chuyển để thẩm tra, giám sát.

'Ma trận' app truy xuất nguồn gốc bủa vây nông sản Việt ảnh 3
Áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ được cho là cách để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt)
 

Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhận định rằng, lợi ích lớn nhất của minh bạch thông tin là bảo vệ thương hiệu, tránh bị người khác làm giả nguồn gốc xuất xứ.

Dễ nhận thấy nhất là trong trường hợp một lô vải Hải Dương nhưng được giới thiệu là vải thiều Lục Ngạn, việc kiểm tra nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng xác định ngay lập tức sản phẩm giả, từ đó giữ uy tín cho thương hiệu vải thiều. Người làm nông nghiệp vì thế cần thay đổi tư duy từ việc bị truy xuất nguồn gốc sang chủ động minh bạch về nguồn gốc hàng hóa.

Khó khăn lớn nhất đối với quá trình thực hiện chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là có nhiều quy định pháp luật về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng lại thiếu chế tài nghiêm khắc để xử lý sai phạm, đặc biệt là với nông sản.

Điều này dẫn đến việc mù mờ thông tin, không công bằng đối với những đối tượng cùng lưu thông ra thị trường. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là một số người bán hàng rong có thể vô tư buôn bán các loại nông sản trên đường phố dù người dùng không rõ về nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa đó.

Một vấn đề khác là sự hạn chế về nhận thức và hiểu biết của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn chưa biết cách bảo vệ sản phẩm cũng như uy tín thương hiệu của mình.

'Ma trận' app truy xuất nguồn gốc bủa vây nông sản Việt ảnh 4
Với các giải pháp truy xuất nguồn gốc tốt, người dân có thể tra được chính xác vị trí của nhà sản xuất mặt hàng nông sản đó trên bản đồ. Ngoài ra, họ có thể tra cứu từng công đoạn được thực hiện trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, phân phối. (Ảnh: Trọng Đạt)
 

Theo Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app đang diễn ra khá phổ biến. Các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam còn lạc hậu so với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, sự thiếu chủ động đổi mới khiến người dân và doanh nghiệp liên tục bị bất ngờ bởi những hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Để xây dựng và nâng cao giá trị nông sản Việt, đại diện Hiệp hội nông nghiệp số cho rằng, Việt Nam cần quản lý thật nghiêm khắc, sẵn sàng thay đổi các quy định quản lý chưa phù hợp.

Hiện vẫn còn tình trạng người dân ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả mạo. Nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng… Do đó, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức đối với việc áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản.

Hậu quả của việc mù mờ thông tin là sự mất niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống quản lý, giám sát và phân phối nông sản. Dẫn đến thị trường bất ổn, từ đó khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng đều bị thiệt hại. Minh bạch thông tin sẽ là một yêu cầu bắt buộc nếu muốn nâng cao uy tín và giá trị nông sản Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất siêu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD

DNTH: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.

Giá dừa khô tăng cao dịp cuối năm

DNTH: Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đến thu mua dừa khô với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/chục (12 trái), tăng gấp hai lần so với thời điểm cách đây vài tháng.

200 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Festival hoa Đà Lạt

DNTH: Chương trình Trưng bày giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Festival hoa Đà Lạt năm 2024 vừa khai trươngtại công viên Trần Quốc Toản, thành phố Đà Lạt.

Làng miến Chi Lăng tất bật 'chạy' đơn hàng Tết

DNTH: Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng miến Chi Lăng tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại “sáng đèn” cả ngày lẫn đêm để “chạy” đơn hàng Tết.

Hàng trăm sản phẩm tiêu biểu, OCOP TP.HCM và vùng, miền tụ hội phục vụ mua sắm dịp Tết

DNTH: Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được nông dân, HTX, doanh nghiệp... đưa đến tham dự Phiên chợ nông sản 2024 để giới thiệu với người tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại dịp Tết.

Nông dân Tiền Giang thu lợi nhuận khá vụ lúa Thu Đông

DNTH: Theo đánh giá của các địa phương trong vùng, vào thời điểm thu hoạch rộ vụ Thu Đông ở Tiền Giang, giá lúa được thương lái thu mua vẫn duy trì ở mức cao, nông dân thu lợi nhuận khá.

XEM THÊM TIN