NGHỊ QUYẾT 68-NQ/TW VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Mở khoá đất đai cho doanh nghiệp nông nghiệp

05:53 | 09/05/2025

DNTH: Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành. Đây được xem là kim chỉ nam thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn có loạt bài phân tích về những chuyển biến tích cực của Nghị quyết 68 trong lĩnh vực nông nghiệp

Một trong những điểm được nhấn mạnh và xem như bước tiến chính trị rõ ràng nhất trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là quan điểm xóa bỏ triệt để định kiến với khu vực kinh tế này.

Ở mục 3 của phần “Quan điểm chỉ đạo” của nghị quyết 68, Trung ương yêu cầu đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và đặc biệt là bảo đảm đầy đủ các quyền tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, công nghệ – những yếu tố sống còn để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường một cách thực chất.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đất đai là điểm nghẽn lớn nhất. Nhiều doanh nghiệp, dù có năng lực tài chính và công nghệ, vẫn không thể đầu tư bài bản do không có vùng nguyên liệu ổn định. Việc thuê đất nông nghiệp còn phức tạp, thời gian thuê ngắn, hoặc giá đất bị đẩy lên quá cao so với năng lực đầu tư, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể chen chân vào các khu vực tiềm năng. Có những doanh nghiệp mất đến 2–3 năm chỉ để hoàn tất thủ tục thuê đất, nhưng hợp đồng lại chỉ được ký 5 năm – quá ngắn để có thể yên tâm đầu tư công nghệ cao hay truy xuất nguồn gốc tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, chính quyền một số địa phương đã bắt đầu có bước chuyển, cho thấy nếu có quyết tâm chính trị và cách làm linh hoạt, thì bài toán đất đai không phải không thể tháo gỡ. Tại Đồng Tháp, tỉnh cho phép các doanh nghiệp nông nghiệp cam kết đầu tư lâu dài được thuê đất ổn định 15–20 năm với mức giá không biến động. Một ví dụ là Công ty TNHH Xoài Đồng Tháp đã thuê được 50 ha để xây dựng vùng nguyên liệu khép kín, gắn với nhà sơ chế và chuỗi tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu. Việc được “giao đất ổn định để làm ăn lâu dài” là điều kiện tiên quyết giúp họ đầu tư máy móc và đào tạo lao động, thay vì chạy dự án theo kiểu ngắn hạn.

Tại Lâm Đồng, địa phương đang cho phép chuyển đổi linh hoạt từ đất trồng cây truyền thống sang đất sử dụng cho mô hình nhà kính công nghệ cao, với điều kiện doanh nghiệp chứng minh năng lực kỹ thuật và thị trường. Một số doanh nghiệp như Trường Thành Farm đã tận dụng được cơ hội này để mở rộng sản xuất rau quả đạt chuẩn GlobalG.A.P, phục vụ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đại diện doanh nghiệp này, nếu không có sự hỗ trợ chính quyền về cơ chế chuyển đổi đất, họ đã phải rút khỏi thị trường nông nghiệp công nghệ cao từ lâu. Đi kèm với chủ trương này, Lâm Đồng cũng tăng cường kiểm soát nhà kính trong các vùng nội thị.

Tuy nhiên, những mô hình như vậy vẫn mang tính đơn lẻ và phụ thuộc vào “thiện chí” và tính "linh hoạt" của từng chính quyền địa phương, hơn là một cơ chế chung có thể nhân rộng. Đây là điểm mà Nghị quyết 68 muốn thay đổi: từ cách làm mang tính xin–cho sang khung pháp lý công bằng và có thể tiên liệu được. Không thể để tình trạng cùng một mô hình nhưng doanh nghiệp ở tỉnh này được ưu đãi, tỉnh khác thì bị trì hoãn vô thời hạn.

Nghị quyết 68, bằng cách xác lập rõ ràng quyền tiếp cận đất đai của khu vực kinh tế tư nhân, đã đặt nền móng cho sự thay đổi lớn về tư duy trong quản lý tài nguyên. Không còn coi đất đai là công cụ để ưu tiên một số thành phần kinh tế nhất định, mà là nguồn lực chung cần được phân phối minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Muốn vậy, các địa phương cần chủ động rà soát lại các thủ tục liên quan đến thuê, chuyển đổi và tích tụ đất đai, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thay vì “nương theo” quy định chung một cách cứng nhắc.

Chỉ khi chính quyền địa phương thay đổi vai trò từ người “kiểm soát” sang người “hỗ trợ phát triển”, thì tinh thần của Nghị quyết 68 mới thật sự đi vào cuộc sống. Và khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp mới có thể làm ăn lâu dài, đầu tư bài bản và đóng góp thiết thực vào chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam từ manh mún sang chuyên nghiệp.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh

DNTH: Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 987/QĐ-BCT về việc ban hành kế hoạch cập nhật rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương năm 2024. Thời gian thực hiện từ tháng 4 - 6/2025.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai kế hoạch đột phá khoa học công nghệ

DNTH: Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ nghiên cứu cơ chế khuyến khích các hợp tác xã đầu tư cho chuyển đổi số và KHCN trong sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết 57 và cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp

DNTH: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ban hành ngày 22/12/2024, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với 3 dòng ô tô

DNTH: Bộ Tài chính đang đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng ô tô nhằm đa dạng hóa nguồn cung xe nhập khẩu, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường và xây dựng hệ thống thuế...

Đề xuất giảm 2% thuế VAT với xăng, dầu: Bài toán cần cân đối là làm sao hài hòa nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước

DNTH: Bộ Tài chính đề xuất mở rộng diện giảm 2% thuế VAT với một số mặt hàng, trong đó có xăng, dầu và kéo dài chính sách ưu đãi này tới hết năm 2026. Đề xuất nhận được sự ủng hộ của người dân và cộng đồng DN.

Bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chế độ nghỉ hưu trước tuổi tại đơn vị sự nghiệp công lập

DNTH: Nghị định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 16 về nguồn kinh phí để thực hiện chế độ đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

XEM THÊM TIN