‘Một ca nhiễm cộng đồng cũng có thể gây hậu quả khôn lường’

20:28 | 23/04/2021

DNTH: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tình hình hiện nay của Việt Nam “giống như cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn nước cao, sóng to, gió lớn” nên chúng ta phải “bao cho chặt”. Chỉ cần có một ca nhiễm trong cộng đồng thì tất cả mọi hoạt động, trực tiếp và dễ thấy nhất là đi lại, du lịch, hàng hóa ách tắc ngay, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

           Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đình Nam.

Sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID -19 TPHCM, sáng 23/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp trực tuyến với 10 tỉnh có biên giới với Campuchia về tình hình phòng chống dịch bệnh.

Căng mình ngăn mầm bệnh xâm nhập

Điểm lại tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở châu Á và các nước trong khu vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài rất cao, nhất là dịp nghỉ lễ, mùa du lịch hè, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng ta phải siết lại tâm lý có phần nới lỏng do thời gian dài không có ca nhiễm cộng đồng. “Các biện pháp đã có đầy đủ, chúng ta cần bàn cụ thể siết khâu nào để phòng chống dịch hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh đã báo cáo cụ thể những công việc phòng chống dịch đang triển khai. Với tuyến biên giới đường bộ, đường biển dài, dễ xâm nhập, hiện nay các địa phương đã tăng cường hàng trăm tổ, chốt kiểm soát trên toàn tuyến biên giới với sự tham gia của bộ đội biên phòng, công an, dân quân tự vệ. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận, xét nghiệm, cách ly tập trung những người nhập cảnh hợp pháp, xử lý những người nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị cần có sự phối hợp và thống nhất thực hiện các chính sách quản lý biên giới, xử lý người nhập cảnh trái phép, truy vết, tổ chức cách ly tập trung... Các địa phương cũng kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ để nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị, chuẩn bị cho tình huống xuất hiện nhiều ca nhiễm, có những ca nặng; chuẩn bị các khu cách ly tập trung ở các tỉnh tuyến sau để hỗ trợ trong tình huống có số lượng lớn người nhập cảnh…

Từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tỉnh biên giới giáp Campuchia phát huy hơn nữa vai trò tổ COVID cộng đồng, tổ liên gia tự quản, bảo vệ dân phố, để phát hiện thật sớm những trường hợp nhập cảnh trái phép, truy vết thật nhanh đối tượng tiếp xúc gần. Đồng thời, các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

    Cuộc họp trực tuyến với 10 tỉnh có biên giới với Campuchia - Ảnh: VGP/Đình Nam

Quản lý chặt người nhập cảnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tình hình hiện nay của Việt Nam “giống như cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn nước cao, sóng to, gió lớn” nên chúng ta phải “bao cho chặt”.

Trước hết, phải quản lý chặt người nhập cảnh.

Đối với đường hàng không, tổ công tác gồm đại diện 5 bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, GTVT xem xét, lập kế hoạch đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước, đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam một cách chủ động.

“Chúng ta tạo điều kiện thực hiện mục tiêu kép, giải quyết nguyện vọng chính đáng của bà con nhưng trên hết phải an toàn. Vì chỉ cần có một ca nhiễm trong cộng đồng thì tất cả mọi hoạt động, trực tiếp và dễ thấy nhất là đi lại, du lịch, hàng hóa ách tắc ngay, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng”, Phó Thủ tướng nói và nhắc lại những bài học cách ly không nghiêm, lỏng lẻo trong theo dõi giám sát y tế tại cộng đồng gây lây nhiễm cộng đồng.

Đối với kiểm soát biên giới đường bộ, đường biển, Phó Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời điểm dịch bệnh, cố gắng hạn chế di chuyển và ở lại, tuân thủ các biện pháp chống dịch của nước sở tại. Trường hợp thực sự cần thiết phải về nước thì bà con đi theo đường hợp pháp, khai báo với các cơ quan chức năng. Các địa phương tổ chức tiếp nhận, cách ly và có các biện pháp hỗ trợ tối đa về y tế, cách ly để bà con không phải nhập cảnh trái phép.

“Vừa qua, rất nhiều trường hợp nhập cảnh bị nhiễm COVID -19, nếu đi sâu vào trong nội địa, sau đó đến các sự kiện, nơi tập trung đông người và để lây lan dịch bệnh thì hậu quả khôn lường, gây thiệt hại đến cả nước. Vì vậy, dứt khoát những trường hợp nhập cảnh trái phép phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo và lưu ý những trường hợp tàu cá có người nhập cảnh không khai báo nhập cảnh được do bất khả kháng thì liên lạc trước với người nhà, cơ quan chức năng chuẩn bị đón bà con như trường hợp nhập cảnh hợp pháp.

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của lực lượng biên phòng, công an, chính quyền cơ sở ở các địa phương biên giới rất vất vả hơn một năm qua, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục vận động bà con nếu phát hiện người từ nước ngoài về bất hợp pháp thì báo cơ quan chức năng để tổ chức cách ly và xử lý nghiêm theo quy định. “Không thể vì một vài cá nhân mà gây hoạ cho cả nước”.

Về kiến nghị liên quan đến chính sách thu phí cách ly, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bà con nhập cảnh qua biên giới trên bộ là những người khó khăn nên các địa phương hỗ trợ tối đa. Rút kinh nghiệm đợt dịch ở Hải Dương, các tỉnh biên giới phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất các khu cách ly tập trung trong trường hợp phải đón lượng lớn người nhập cảnh, bảo đảm tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Liên quan đến vấn đề nâng cao năng lực xét nghiệm, các địa phương biên giới có thể vận dụng cơ chế thuê dịch vụ, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho những đơn vị, DN có đủ năng lực xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế phải từng bước hoàn thiện, cập nhật các công nghệ mới (trong nước và nước ngoài) để giảm chi phí xét nghiệm và thời gian nhanh hơn.

Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng gợi mở các địa phương rà soát, xem xét, sắp xếp các cơ sở y tế hiện có, tiếp đến là tận dụng các cơ sở không thuộc ngành y tế làm khu điều trị, còn giải pháp bệnh viện dã chiến là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất thì chúng ta có đủ công nghệ, sẵn sàng tập trung nhân lực, vật lực, trang thiết bị. Hiện nay, với hệ thống kết nối trực tuyến, những ca mắc COVID -19 nặng đều được các nhóm chuyên gia y tế hàng đầu hội chẩn, chỉ định biện pháp điều trị.

Trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID -19, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế ưu tiên tăng cường phân bổ cho các tỉnh biên giới có biên giới với Campuchia, trên tinh thần khẩn trương, bảo đảm an toàn, người dân tin tưởng.

                                                               Ảnh: VGP/Đình Nam

Thực hiện phòng dịch chủ động

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch chủ động. Đối với cá nhân là thực hiện thông điệp 5K, trong đó, dễ thấy nhất là thực hiện đeo khẩu trang.

“Trong lúc dịch bệnh ở các nước xung quanh phức tạp, tới đây là các lễ hội, kỳ nghỉ, mùa du lịch, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, nên dù hạn chế tối đa việc tập trung đông người nhưng vì thực hiện mục tiêu kép, chúng ta vẫn phải tổ chức sự kiện, có những chỗ đông người, do vậy, tất cả nơi công cộng, tập trung đông người bắt buộc phải đeo khẩu trang”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý các địa phương khuyến khích người dân dùng khẩu trang vải đã được cấp phép, dùng lại được nhiều lần.

Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát lại quy định khai báo y tế, liên thông giữa các ngành, các cơ sở dữ liệu, chỉ thu thập những thông tin thực sự cần thiết cho chống dịch.

Cùng với đó, các địa phương trên cả nước phải chỉ đạo trường học, cơ sở y tế, cơ sở lưu trú, nhà máy, xí nghiệp, bến bãi,… Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bộ chuyên ngành, tự đánh giá định kỳ cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn). “Tinh thần là xanh thì hoạt động, đỏ thì dừng”.

Kết thúc cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngay từ đầu dịch, Ban Bí thư đã có chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các đồng chí trưởng ban chỉ đạo các cấp phải báo cáo với cấp ủy tinh thần phải lên dây cót, siết lại việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Thủ tướng Chính phủ sẽ có công điện về vấn đề này.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

DNTH: Ngày 13/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương...

Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ

DNTH: Tháng Mười – tháng của sự yêu thương và tri ân những người phụ nữ – đã trở nên ý nghĩa hơn với những hoạt động đồng hành từ Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm STARMED và nhãn hàng Dr.Wet.

Hệ thống Thế giới sơ sinh nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Cần Thơ

DNTH: Hệ thống Thế giới sơ sinh, với vai trò tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã tổ chức Festival Mẹ Bầu & Em Bé nhân kỷ niệm 15 năm thành lập. Sự kiện không chỉ tri ân khách hàng mà...

Hơn 24,5 nghìn ca mắc mới ung thư vú được phát hiện mỗi năm

DNTH: Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2022), tại Việt Nam có 180.480 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú đã vượt lên trên ung thư gan trở thành bệnh đứng thứ nhất về tỉ lệ mắc mới, với 24.563 ca...

Giới trẻ tặng nhau chai Nước uống Sữa trái cây Mãng Cầu cho ngày mới đầy năng lượng

DNTH: Không chỉ là thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, mỗi chai Nước uống Sữa trái cây Mãng Cầu còn là món quà ý nghĩa mà giới trẻ dành tặng nhau, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia nguồn năng lượng tích cực.

Đừng chỉ ăn quả, lá loại cây này quý như "nhân sâm người nghèo", ở quê mọc cao vút

DNTH: Có một loại lá tưởng không ăn được nhưng khi mang đi chế biến theo cách này rất tốt cho sức khỏe, thậm chí phòng ngừa ung thư, tuy nhiên cần ghi nhớ lưu ý khi dùng.

XEM THÊM TIN