Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công
08:21 | 26/03/2024
DNTH: Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát huy vai trò tích cực trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận những mặt tích cực, cũng như chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn, khuyến nghị để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các đơn vị thành viên ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.
Quản lý sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp
Điểm sáng được ghi nhận trong “bức tranh” tổng thể kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước là 19/20 tập đoàn, tổng công ty và công ty sản xuất kinh doanh có lãi. Trong đó phải kể tới lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các Tập đoàn: Điện lực là 15.647,10 tỷ đồng; Bưu chính Viễn thông là 5.064,18 tỷ đồng; Than - Khoáng sản là 4.719,28 tỷ đồng…
Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty, công ty tăng 2.216,31 tỷ đồng, giảm 0,036 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.297,54 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 41,83 tỷ đồng, giảm 1.121,61 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tiếp nhận thông tin do Kiểm toán Nhà nước cung cấp liên quan đến kết luận kiến nghị kiểm toán tại các tập đoàn, tổng công ty. Trong đó có một số đơn vị phát sinh số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước về thuế phí, các khoản liên quan đến thuế phí, tăng thu khác và giảm trừ thuế giá trị gia tăng lớn. Ngay sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các công văn phân công, đôn đốc, chỉ đạo Cục Thuế địa phương rà soát, thực hiện các nội dung kiến nghị, đồng thời phối hợp với Kho bạc Nhà nước khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Với sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đã đạt được kết quả tích cực.
Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty và công ty cũng cho thấy, một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán. Một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn.
Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số tập đoàn, tổng công ty, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó Công ty mẹ - Sonadezi chưa thoái vốn tại 3/9 công ty; Vinafood1 chưa hoàn thành giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại 6 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết; Vinafor chưa hoàn thành thoái vốn theo tiến độ, phương án được phê duyệt tại 10/13 đơn vị. Một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hàng chục người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định.
Theo đại diện Bộ Tài chính, nhìn chung, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tình trạng tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn cao.
Một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức. Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, để biết vì sao doanh nghiệp đầu tư thua lỗ, phải xem xét từng nguyên nhân. Việc một số doanh nghiệp đầu tư ra ngoài bị thua lỗ thì phải xem xét đó là lỗ của một năm hay là lỗ kéo dài qua nhiều năm. Bản thân doanh nghiệp phải rà soát hết toàn bộ vấn đề này, từ đó lập lại các phương án kinh doanh. Nếu như lỗ triền miên, kéo dài thì toàn bộ ban giám đốc, hội đồng quản trị phải tính toán lại xem đầu tư đó có hiệu quả hay không, phải cơ cấu lại, thu gọn đầu mối đầu tư bởi điều đó chứng minh là doanh nghiệp đầu tư ở những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Hoàn thiện quy chế hoạt động, quản trị doanh nghiệp
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Dương Mạnh Sơn cho biết, đối với doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo và thông tin tài chính, đưa ra các kết luận, đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần giúp Tập đoàn kịp thời xử lý, khắc phục các tồn tại, hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ trong lĩnh vực tài chính theo hướng ngày càng rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo tính tuân thủ, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, bố trí và sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Từ những khuyến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời hệ thống các văn bản quy định nội bộ trong lĩnh vực tài chính để triển khai và áp dụng đồng bộ đến các doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Quang Dũng, đối với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, Kiểm toán Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, có ý kiến phản hồi kịp thời đến các cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ. Bên cạnh đó, qua các đợt kiểm toán, các cán bộ của Tập đoàn cũng đã có nhiều cơ hội để làm việc trực tiếp, trao đổi chuyên môn với các kiểm toán viên, từ đó nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Kiểm toán Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho rằng, Kiểm toán Nhà nước là công cụ giúp minh bạch về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách và doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán không chỉ trực tiếp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gian lận, tham nhũng, lãng phí, mà còn góp phần tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các kết quả kiểm toán cho lãnh đạo doanh nghiệp; cung cấp thông tin cho chủ sở hữu quyết định kế hoạch tài chính, nguồn lực tài chính, tài sản và nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp. Qua đó phát huy vai trò giám sát của chủ sở hữu đối với các đơn vị thành viên...
Cùng chuyên mục
-
Tags:
- quản lý tài chính công /
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam /
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam /
- Chia sẻ:
-
-
-
Bình luận (0)

Thời tiết nông vụ ngày 3/4: Bắc Bộ trời hửng nắng, Nam Bộ chiều tối có mưa dông
DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 3/4, Bắc Bộ trưa và chiều hửng nắng. Nam Bộ có mưa, mưa dông chủ yếu xuất hiện vào chiều tối.

Khẩn trương rà soát, báo cáo dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia
DNTH: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu...

Việt Nam cử lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến Myanmar
DNTH: Trước tình hình khẩn cấp tại Myanmar sau thảm hoạ động đất, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng cử lực lượng sang cứu trợ người dân Myanmar. Hãng hàng không Vietjet dùng hai máy bay A330 và A321 hiện đại tham gia nhiệm vụ...

Arobid tiên phong thúc đẩy triển lãm số và hợp tác chiến lược, hướng đến phát triển bền vững
DNTH: Ngày 27/03/2025, bên cạnh sự kiện khai mạc HCM City Export 2025, Arobid đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhiều đối tác quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong số hóa triển lãm và thúc đẩy thương mại điện tử...

Thời tiết nông vụ: Nắng nóng cục bộ tại Tây Bắc Bộ,Trung Bộ và Nam Bộ
DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 27/3, khu vực miền Trung và Nam Bộ ghi nhận tình trạng nắng nóng cục bộ. Trong đó, vùng núi phía Tây từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế và miền Đông Nam Bộ là những khu vực...

Cả nước ngày nắng, Tây Bắc có nơi trên 32 độ C
DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sáng sớm có sương mù, trời lạnh. Riêng khu vực Tây Bắc có mưa rào, dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh....
Đô thị cuộc sống
-
Trong tháng 4 mưa đá có thể xuất hiện nhiều
-
2 kỳ nghỉ lễ trong tháng 4/2025 của công chức, viên chức và người lao động
-
Mùa hè năm 2025 sẽ nắng nóng ít gay gắt hơn
-
Gần 60% tổng số xã của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
Hành trình khám phá ẩm thực độc đáo ở trái tim Thụy Sỹ
-
Nguy hại từ tã, bỉm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...