Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất rạng danh Thủ đô
22:14 | 23/02/2022
DNTH: Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc), sinh ngày 01/02/1902 và lớn lên ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân phụ đồng chí là cụ Nguyễn Đình Phúc - một trí sỹ tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục (năm 1907) bị bắt đầy đi Côn Đảo 5 năm - là người đã có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tinh thần yêu nước của đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ khi niên thiếu.

Sáng 23/2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc - tưởng nhớ và tri ân người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, tấm gương ngời sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo.
Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội
Được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của gia đình, nhất là tấm gương yêu nước của người cha và hấp thu những giá trị văn hóa - Anh hùng của đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn hiến, từ khi học ở Trường Dân Tiến, Trường Công Ích cho đến khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Bưởi, Nguyễn Đình Sắc lớn lên và chứng kiến được nỗi thống khổ của Nhân dân, sự cai trị hà khắc, thâm độc của thực dân Pháp và những tấm gương Anh dũng, bất khuất của các nhà cách mạng tiền bối...; tất cả những điều đó đã hun đúc trong tâm khảm của ông ý chí phải đánh đuổi thực dân tàn bạo, giải phóng dân tộc, giải phóng Nhân dân lao động.

Sau khi từ chối đi du học ở Pháp, chàng thanh niên Nguyễn Đình Sắc làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương từ năm 1924 đến năm 1927. Là một trí thức giàu lòng yêu nước, trong thời gian làm việc cho cơ quan chính quyền thuộc địa, Nguyễn Đình Sắc đã tìm hiểu về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập), được đọc các sách báo cách mạng như: Báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Đường Kách mệnh,... nên ông càng nhận thức rõ lý tưởng tốt đẹp của con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.
Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng của người trí thức yêu nước. Đồng chí lấy tên mới là Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa của ngọn gió mới, chứa đựng khát vọng và nhiệt huyết của người trí thức yêu nước đã được giác ngộ. Từ đây, cuộc đời đồng chí Nguyễn Phong Sắc gắn liền với thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng rất vẻ vang trong lịch sử dân tộc - thời kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng và xây dựng các tổ chức Thanh niên ở Hà Nội. Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được thành lập (gồm 3 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc), là một trong những cơ sở Hội sớm nhất, có tổ chức vững chắc và hoạt động sôi nổi, góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; từ đó xây dựng và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở một số tỉnh Bắc Kỳ. Tháng 4/1929, tại số nhà 68 Nam Đồng, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã bí mật tiến hành đại hội nhằm kiện toàn tổ chức và thảo luận phương hướng hoạt động mới, bầu lại cơ quan lãnh đạo do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa tổ chức chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tích cực thực hiện phong trào vô sản hóa, gây dựng cơ sở ở nhiều nơi như nhà máy Đèn Bờ Hồ, xe lửa Gia Lâm, ga Hàng Cỏ, các làng Xuân Đỉnh, Ngọc Hà, Thịnh Hào, Yên Lãng, Khương Thượng...
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, phong trào Thanh niên ở Hà Nội, Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng và tác động đến phong trào cả nước. Tháng 3/1929, Ban lãnh đạo của Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (gồm 8 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc) đã bí mật họp ở số nhà 5D Hàm Long, tổ chức hội nghị thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước; đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên ở Hà Nội.
Việc thành lập Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long - Chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước - đã cho thấy tư duy sắc sảo và sự nhạy bén chính trị của đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí; là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - từ trí thức yêu nước trở thành một người chiến sĩ cộng sản, một cán bộ cốt cán, kiên trung trong phong trào cách mạng. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện, tham gia chuẩn bị văn kiện của Đảng Cộng sản.
Trước yêu cầu của xu thế cách mạng, việc thành lập một chính đảng có đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng là vô cùng cần thiết, ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đại biểu của chi bộ 5D Hàm Long đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước, nhất là ở Bắc Kỳ phát triển và đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản. Cuối tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bí mật vào Vinh, cùng với các đồng chí của mình thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Kỳ bộ, tiến hành củng cố và mở rộng tổ chức đảng, tổ chức tuyên truyền, vận động thu hút đảng viên của Tân Việt và Thanh niên gia nhập Đông Dương Cộng sản đảng. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đến Huế để vận động thành lập Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Thừa Thiên - Huế.
Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là ủy viên Trung ương lâm thời và được phân công tiếp tục phụ trách Trung Kỳ. Lúc này ở Trung Kỳ có hai hệ thống tổ chức Đảng là Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Theo tinh thần hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong sắc thực hiện sứ mệnh thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối, tạo sức mạnh mới của bộ tham mưu lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Ở cương vị mới, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hăng hái hoạt động ở khắp địa phương các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... để phổ biến những nội dung cơ bản các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên hiểu về ý nghĩa lớn lao của việc thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, về công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam...
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong sắc, các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ thống nhất về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ.
Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc thay mặt Trung ương Đảng triệu tập hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đông Dương Cộng sản liên đoàn bầu ra Ban chấp hành lâm thời Phân cục trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành lâm thời và sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tính đến tháng 5/1930, hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Tháng 10/1930, tại hội nghị Trung ương lần thứ nhất đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào ban chấp hành và Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách lãnh đạo phong trào Cách mạng ở Trung Kỳ. Cuối năm 1930, Phân cục Trung ương Trung Kỳ họp Hội nghị thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn đề cao vai trò công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng Nhân dân, nhất là phát huy vai trò của báo chí làm vũ khí chiến đấu sắc bén, một phương tiện tuyên truyền vận động quần chúng. Những tờ báo cách mạng do đồng chí Nguyễn Phong Sắc thành lập, lãnh đạo và trực tiếp viết bài như: “Bôn-sơ-vích”, “Công hội”, “Công nông binh”, “Xích Sinh”, nhất là Báo “Người lao khổ”,... đã nâng cao giác ngộ của quần chúng Nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, về con đường cách mạng đấu tranh giành độc lập, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lên án tội ác của kẻ thù, vạch mặt bọn thực dân đế quốc và tay sai...
Những bài viết sâu sắc, có tính chiến đấu cao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cổ vũ, động viên, chỉ dẫn, khích lệ quần chúng Nhân dân tin vào sức mạnh đoàn kết dân tộc và đi theo Đảng, đi theo cách mạng; đồng thời định hướng cho sự hợp nhất các tổ chức tiền thân của Đảng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, nhanh chóng đón nhận sự ra đời của một chính đảng do lãnh tụ Nguyến Ái Quốc sáng lập ngày 3/2/1930.
Sự thành công của cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh những năm 1930 - 1931 ghi dấu ấn sâu đậm của Xứ ủy Trung Kỳ, đặc biệt là vai trò của Bí thư xứ ủy Nguyễn Phong Sắc, là minh chứng hùng hồn, sinh động về năng lực lãnh đạo, tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng, huy động lực lượng tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ở Nghệ - Tĩnh theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh của Nhân dân”. Có thể thấy rằng, ở lĩnh vực lý luận tuyên truyền cách mạng, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng Nhân dân, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - một trong những nhà báo tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam - đã thể hiện rõ nét một nhà lý luận chính trị sắc sảo, có thực tiễn phong phú và cũng là người cán bộ dân vận tài năng, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, luôn sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, tạo được uy tín và niềm tin trong Nhân dân, qua đó khơi dậy ý thức cách mạng và dẫn dắt quần chúng Nhân dân tin tưởng, hết lòng đi theo cách mạng.
Không chỉ chú trọng lĩnh vực tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng lực lượng lãnh đạo, bộ tham mưu của cách mạng và xây dựng lực lượng quần chúng đông đảo tham gia cách mạng. Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa tập trung xây dựng tổ chức Đảng, vừa trực tiếp chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, hình thành lực lượng cách mạng rộng lớn mà hạt nhân là liên minh giai cấp công nhân và nông dân, xây dựng các tổ chức quần chúng từ tỉnh tới huyện, xã, thôn ở các tỉnh Trung Kỳ. Đây là cơ sở về mặt tổ chức cho phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ thành cao trào những năm 1930 - 1931 ở Trung Kỳ, tiêu biểu là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc đấu tranh cách mạng rộng lớn đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử sâu sắc; thể hiện bản chất cách mạng là chính quyền của dân, do dân và vì dân, trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân lao động trong cả nước. Thông qua cao trào cách mạng đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp Nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho Nhân dân. Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế và lực cho cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “... Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam...” tạo tiền đề cho dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Vai trò lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, đặc biệt là của Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng - Bí thư xứ ủy Nguyễn Phong Sắc trong lãnh đạo, tổ chức lực lượng cách mạng làm nên cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh được thể hiện rõ nét và sinh động. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là người đề xuất tổ chức cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy vào ngày 1/5/1930, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Trung Kỳ; kịp thời có những bài viết đăng trên Báo “Người lao khổ” để động viên quần chúng, chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục qua các cuộc đấu tranh của quần chúng,... đồng chí viết: “đấu tranh là vấn đề sống chết của quần chúng Nghệ Tĩnh. Quần chúng khác cũng phải hết sức tranh đấu để bênh vực công nông Nghệ Tĩnh”. Khi phong trào bị đàn áp đẫm máu, một số người hoang mang dao động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn bình tĩnh, kiên quyết chỉ đạo duy trì phong trào theo quan điểm: lửa đã bùng lên càng phải làm cho nó cháy dữ dội...
Gần 2 năm hoạt động cách mạng tại Trung Kỳ với vai trò là người đứng đầu chỉ huy cao nhất, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng của Trung Kỳ, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Tháng 3/1931, sau khi dự hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ Hai ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai (gần Ga Hàng Cỏ), rồi bị đưa vào Vinh. Mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, nhưng đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh phát triển mạnh, kẻ thù đã xử bắn đồng chí ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã hy sinh oanh liệt khi mới 29 tuổi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí vẫn còn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Khước từ mọi điều kiện của cuộc sống vật chất đầy đủ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tự nguyện hiến dâng cuộc đời, gia nhập vào đội ngũ của những người cộng sản, sẵn sàng đón nhận mọi gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn đời vì dân, vì nước. Là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ thời dựng Đảng, với hoạt động và cống hiến to lớn của mình, sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nảy mầm cho sức sống mới của cách mạng Việt Nam đi tới thành công. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Phong Sắc sẽ luôn khắc ghi đậm nét là một trí thức -chiến sĩ cách mạng ưu tú của Thủ đô Hà Nội, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tấm gương sáng, mẫu mực của Thủ đô
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã dành cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô noi theo. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại cho Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô là rất to lớn và vẻ vang, đặc biệt là những kinh nghiệm trong tư duy, trong hành động quyết liệt, khoa học với mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc, tự do cho Nhân dân.
Học tập và vận dụng sáng tạo tư duy khoa học, phong cách làm việc, ý chí kiên trung, bất khuất của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân Thủ đô Hà Nội hôm nay tự hào với nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa theo con đường Đổi mới của Đảng. Kể từ những ngày tháng Mười lịch sử năm 1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô; gần 70 năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng, gương mẫu xây dựng Thủ đô xứng với niềm tin yêu của cả nước. Hà Nội được Nhân dân trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế ngợi ca, vinh danh bằng những ngôn từ cao quý “Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”; “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”; “Hà Nội văn hiến và Anh hùng”; “Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người’”; “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”; “Hà Nội niềm tin và hy vọng”...
Năm 2022, Hà Nội bước vào năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề tạo nền tảng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố, các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của Thành phố. Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cơ hội, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của Thủ đô, nhất là tình hình dịch bệnh covid - 19 trên địa bàn Thủ đô vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo…
Thực tế đó đang đặt ra cho Hà Nội trách nhiệm nặng nề, với yêu cầu cấp bách đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô phải nỗ lực hơn nữa, cùng cộng đồng trách nhiệm, khơi dậy và phát huy tốt mọi nguồn lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trong năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục tập trung các nội dung như: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, làm tốt công tác dự báo, định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý tích cực của tổ chức, đảng viên và Nhân dân; tăng cường thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; sâu sát cơ sở, tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở; kiên quyết chống bệnh quan liêu, giấy tờ, giảm hội họp, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết liệt khắc phục các hạn chế, khuyết điểm tồn tại...
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tưởng nhớ, tri ân người chiến sĩ cộng sản tiên phong, một trong những tiền bối tiêu biểu của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào về Thủ đô Hà Nội, nơi sinh ra người con ưu tú đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các bậc tiền bối tiêu biểu, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các bậc tiền bối và các thế hệ đi trước...
Để đáp ứng yêu cầu và thách thức mới đặt ra cho Thủ đô, tại Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay, thay mặt Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội kêu gọi toàn Đảng bộ, mỗi cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, học tập và noi theo tấm gương kiên trung, bất khuất của các bậc tiền nhân, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc để viết tiếp những trang sử hào hùng của Thủ đô; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bắc Giang: Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu
DNTH: Ngày 1/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12 (1992-2024), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ...

Hành trình ý nghĩa gắn kết doanh nghiệp, lan tỏa yêu thương tại Bệnh viện Trung ương Huế
DNTH: Trong không khí những ngày cuối năm, khi tinh thần sẻ chia và yêu thương lan tỏa khắp nơi, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam đã phối hợp cùng Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn và nhãn hàng...

Mang tình thương yêu đến với học sinh vùng cao
DNTH: Với tinh thần tương thân tương ái và mong muốn sẻ chia những khó khăn, CLB Thiện Tâm cùng CLB Mầm Xanh đã tổ chức chuyến thiện nguyện “Hơi ấm mùa Đông 2024” đến thăm và hỗ trợ học sinh tại Trường Mầm non Họa Mi, xã La Pán...

PVcomBank hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
DNTH: Ngày 13/11/2024, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai các giải pháp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể
DNTH: Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị...

Mang yêu thương đến với các em học sinh bản Tả Phìn
DNTH: Xã Tả Phìn là xã vùng cao nằm ở phía Bắc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống của đa số dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đặc biệt, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở...
Đô thị cuộc sống
-
Tiếp sức mùa thi 2025 ứng dụng công nghệ, lan tỏa tinh thần tình nguyện
-
Sống Khỏe – Năng lượng tràn đầy từ mọi hoạt động tại Eurowindow Sport Garden, dự án sắp khởi công tại Vinh
-
Hà Nội: Tái khởi công đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A
-
Xếp hàng xuyên đêm chiêm bái xá lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ
-
Từ ngày 20/5 người dân Hà Nội có thể thực hiện trực tuyến một số thủ tục về đất đai
-
Pearl Residence hợp tác với Savills Việt Nam giúp nâng tầm chuẩn sống nơi trung tâm đô thị biển Cửa Lò
Sống khỏe
-
Nên ăn 4 - 5 quả mận mỗi ngày để đem lại lợi ích tối đa cho sức khỏe
-
Tự hào là bệnh viện mắt tiên phong tại Tây Nguyên
-
Cấp cứu thành công một bệnh nhân người Campuchia bị tai nạn lao động
-
Người phụ nữ suýt thủng thực quản vì uống thuốc sai cách
-
Bệnh viện ĐHYD-HAGL phát hiện trường hợp hiếm gặp, răng mọc ở hốc mũi
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...