Thời điểm chưa phù hợp
Đánh thuế chủ sở hữu từ 2 BĐS trở lên hay còn gọi là đánh thuế ngôi nhà thứ 2 là đề xuất của Bộ Tài chính từ nhiều năm trước, nhưng không được Quốc hội thông qua. Mới đây, thông tin về việc đánh thuế căn nhà thứ 2 tiếp tục trở thành tâm điểm khi Bộ Tài chính tái khẳng định: “Việc đánh thuế tài sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, góp phần tăng cường quản lý Nhà nước đối với tài sản”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế vào nhà ở thứ 2 là không hợp lý, bởi trong thị trường BĐS phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ 2 là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này đi ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua.
Thêm vào đó là, thị trường BĐS mới phục hồi được vài năm sau thời gian khủng hoảng dài và hiện nay khá ổn định. Bên cạnh đó thị trường rất nhạy cảm với chính sách, nên những sắc thuế, phí đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu đánh thuế cao, nguồn cung sẽ giảm; đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Bởi nếu người mua nhà thứ 2 bị đánh thuế, người thuê nhà sẽ phải chịu phần tăng giá. Như vậy sẽ rất khó khăn với người thuê nhà vì chủ yếu là người có thu nhập thấp.
Do vậy chỉ nên đánh thuế cho tất cả BĐS, không phải chỉ có căn nhà thứ 2, như vậy mới đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường. Một thực tế hiện nay rất nhiều người sở hữu BĐS có vị trí đẹp giá trị cao nhưng chưa khai thác. Vì thế, nếu đánh thuế tất cả BĐS, chủ đất sẽ phải trả mức phí thuế hàng năm theo giá trị của khu đất mình đang sở hữu, do đó họ sẽ phải bán hoặc đưa vào khai thác, đảm bảo phát triển đô thị hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường hơn
Sẽ tác động mạnh đến thị trường BĐS
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nhà Phát cho biết, chúng tôi đánh giá cao báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với BĐS, nhằm mục đích xây dựng Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính. Bởi luật thuế này sẽ góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững, phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí BĐS; Góp phần dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào BĐS sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở và tăng thêm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, luật thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập DN kinh doanh BĐS thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Ông Ngọc cũng cho hay, bên cạnh chức năng tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước, thuế còn là công cụ điều tiết nền kinh tế, điều tiết hoạt động và hành vi sản xuất, đầu tư, kinh doanh, dịch vụ. Do đó, đánh thuế đối với người có nhiều nhà đất (từ nhà thứ 2 trở đi) chủ yếu là để phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí BĐS.
Bởi hiện nay có khoảng 60 -70% người mua nhà tại Việt Nam là các nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa, phần lớn những người mua nhà ở không phải người có nhu cầu thực. Tuy nhiên, nếu các chính sách thuế nhà ở được áp dụng cũng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường BĐS. Trước mắt tình trạng đầu cơ sẽ giảm làm cho giá nhà giảm theo. Các DN BĐS sẽ càng thêm khó khăn. Về dài hạn, chính sách này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, Nhà nước sẽ thu được lượng ngân sách khá, giá nhà sẽ giảm và phù hợp với nhu cầu thực của người dân hơn.
Xuân Huy
Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ đã giao Vụ Chính sách Thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có 2-3 nhà trở lên. Tuy nhiên trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này, vì phải có thời gian xây dựng, nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước quanh khu vực cũng đánh thuế này từ nhiều năm nay. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó Canada là 4%, Mỹ từ 1 đến 3%. Tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6%...