Nhiều doanh nghiệp vượt khó hỗ trợ người lao động dịp Tết Nguyên đán 2024

20:32 | 17/01/2024

DNTH: Năm 2023 được xem là một năm đầy khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm… Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất và nỗ lực chăm lo đời sống cho công nhân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần.

Nỗ lực thưởng Tết cho người lao động

Do ảnh hưởng tình hình chung của kinh tế thế giới, lượng đơn hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) năm 2023 sụt giảm khoảng 30%. Dù không mong muốn, doanh nghiệp đã có lúc phải chọn phương án cắt giảm lao động để vượt khó.

Tuy nhiên, thay vì chọn phương án giảm giờ làm sẽ khiến thu nhập toàn bộ người lao động giảm, doanh nghiệp quyết định hỗ trợ 3,5 tháng lương cho những trường hợp tự xin nghỉ việc. Qua đó, tạo cơ hội cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có điều kiện chăm lo tốt hơn, đảm bảo thu nhập cho những người ở lại.

Ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, dù đơn hàng giảm nhưng người lao động vẫn được bố trí làm thêm giờ, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp giảm được chi phí vận hành nên có khoản để thưởng Tết cho công nhân. Công đoàn đề xuất doanh nghiệp tổ chức tất niên cuối năm kết hợp cùng Hội nghị người lao động, tặng quà Tết trị giá 500.000 đồng/người; thông báo lịch nghỉ Tết để người lao động an tâm vui Xuân, đón Tết cùng gia đình.

1
Sau một năm làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, người lao động mong muốn được thưởng Tết xứng đáng (Ảnh: LĐTĐ)

Trong khi đó, theo Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), những tác động kinh tế thế giới sau Covid-19 làm ảnh hưởng đến doanh thu và cả thu nhập của người lao động.

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường mới để gia tăng đơn hàng, bố trí tăng ca trở lại, tạo việc làm ổn định, chăm lo người lao động tốt nhất. Dịp Tết Giáp Thìn, Công ty quyết định tăng thưởng khoảng 300.000 đồng so với năm 2023, bình quân tương đương khoảng 9 triệu đồng/người; trong đó, cao nhất 23 triệu đồng/người và thấp nhất 6,2 triệu đồng/người. Công đoàn đề xuất Công ty tổ chức chương trình tất niên cuối năm kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí, bốc thăm may mắn và tặng phần quà Tết trị giá khoảng 300.000 đồng/người.

Giống các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An cũng đang nỗ lực cân đối tài chính thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng cho người lao động.

Công ty cổ phần Bê tông Ly tâm Thủ Đức - Long An (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chuyên sản xuất các sản phẩm bêtông công nghệ cao phục vụ các công trình xây dựng trong và ngoài nước. Tuy doanh thu sụt giảm nhưng vẫn lên kế hoạch thưởng tết cho người lao động thông qua lương tháng 13.

Đồng thời, Công đoàn cơ sở cũng dành nguồn kinh phí tặng quà cho công đoàn viên bằng hiện vật là 500.000 đồng/người và tặng thêm tiền mặt 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, Công ty không tổ chức tiệc tất niên mà dùng kinh phí này để hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng/người; sắp xếp phương án, tạo điều kiện cho người lao động ở xa về quê đón tết cùng gia đình thông qua hỗ trợ kinh phí di chuyển.

Hay như Công ty TNHH Le Long Việt Nam (Khu công nghiệp Đức Mỹ, huyện Đức Hòa) hiện có 3.150 người lao động, chuyên sản xuất các sản phẩm ắc-quy dành cho xe máy, xe điện, viễn thông, bộ lưu điện, thiết bị y tế. Người lao động sẽ được thưởng tết bình quân ở mức 11 triệu đồng/người. Đồng thời, Công đoàn cơ sở của Công ty cũng chuẩn bị quà cho người theo quy định.

Còn đối với công ty Công ty TNHH Shilla Bags International (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) đã tổ chức phiên chợ tết cho công nhân mua sắm. Hiện, Công ty thông báo đến người lao động về mức thưởng tết, mỗi người lao động nhận được 4,8 triệu đồng cùng phần quà của Công đoàn trị giá 500.000 đồng.

Chung hoàn cảnh, các tổ chức Công đoàn và các doanh nghiệp tại Bình Dương cũng phấn đấu vượt bão, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp công nhân, người lao động, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết đủ đầy.

Với hơn 20 năm hoạt động, có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Đơn hàng giảm sâu, doanh nghiệp này phải chịu lỗ hơn 250 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Mặc dù thua lỗ nhưng ban giám đốc công ty vẫn giữ mức thưởng 2 tháng lương (thấp nhất khoảng 30 triệu đồng/người) cho công nhân. Số tiền này, công ty vay từ các nguồn để người lao động yên tâm đón Tết.

Năm 2023, các công ty chuyên về gỗ, dệt may trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đơn hàng giảm sâu từ 50- 60%, nên cũng đau đáu về tiền thưởng Tết cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù khó vẫn sẽ thưởng lương tháng 13 cho công nhân. Công ty nào khó khăn quá thì sắp xếp tặng mỗi công nhân một phần quà và vài trăm ngàn đồng để tri ân đã gắn bó và đồng hành.

2
Ảnh minh họa (Ảnh: Bộ Công thương)

Ông Lê Văn Biền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Response Việt Nam (TP. Tân Uyên) chia sẻ, dù khó công ty vẫn thưởng lương tháng 13 và tặng quà cho hơn 400 công nhân.

“Chủ trương của công đoàn và ban giám đốc là ưu tiên số 1 về mặt chế độ của công nhân. Tết này chúng tôi đã giải quyết tất cả chế độ tiền thưởng, tiền lương và các chế độ liên quan để mọi người có thể đón Tết ấm cúng. Những trường hợp khó khăn Ban giám đốc có phần trợ cấp thêm", ông Lê Văn Biền cho biết.

Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực

Bên cạnh việc trả đủ lương và thưởng Tết cho người lao động, các tổ chức Công đoàn và các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh còn có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp công nhân, người lao động, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết đủ đầy.

Theo đại diện Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Công đoàn các cấp của thành phố dự kiến sẽ chăm lo Tết cho người lao động số tiền khoảng 135 tỷ đồng, trong đó, 34 tỷ đồng cấp thành phố và 101 tỷ đồng ở cấp quận, huyện, Công đoàn cấp trên cơ sở.

3
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Phạm Chí Tâm chia sẻ thông tin về các hoạt động chăm lo Tết (Ảnh: UBND TP. Hồ Chí Minh)

Để đảm bảo phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn”, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh sẽ chăm lo gần 3.000 đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn đang sống ở các khu lưu trú, khu nhà trọ, mỗi người một phần quà trị giá 700.000 đồng; tập thể các nghiệp đoàn (2 triệu đồng/nghiệp đoàn).

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn thành phố tổ chức chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tặng vé xe cho công nhân tại doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm liền không có điều kiện về quê đón tết.

Liên đoàn Lao động thành phố phân công Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Chuyến tàu mùa xuân” lần 4. Dự kiến hỗ trợ 100% vé tàu đưa 500 gia đình đoàn viên tiêu biểu (gồm vợ, chồng, 2 con dưới 16 tuổi) có nhu cầu về quê đón tết.

Riêng chương trình “Tết Sum vầy - Xuân tri ân” của các cấp Công đoàn TP. Hồ Chí Minh sẽ chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên cho đoàn viên tại các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón tết (mỗi gia đình hỗ trợ 1 triệu đồng).

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui tết cùng thành phố” lần 3 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Dự kiến có 21.745 gia đình công nhân tham gia. Chương trình “Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” với chủ đề khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được tổ chức theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cùng với đó, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ tổ chức “Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” để bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, thiết yếu phục vụ đoàn viên, người lao động…

Theo Thương Hiệu Và Công Luận

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội

DNTH: Tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP. Hà Nội sẽ dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó phiên chất vấn sẽ tập trung vào 2 nhóm nội dung là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024

DNTH: Năm 2024, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang vẫn phục...

Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025

DNTH: Công an TP Hà Nội sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội

DNTH: Đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển...

Sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi công việc cho dân làng nghề Mẫn Xá

DNTH: Những ngày qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Bắc Ninh về xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xã, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, hoạt động sản xuất của làng nghề này đã dừng. Việc tháo dỡ các xưởng...

Hà Nội: Cận cảnh vị trí xây nhà hát Opera 10.000 tỷ đồng

DNTH: Theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ) vừa được vừa phê duyệt, Nhà hát Opera Hà Nội khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ là một dự án trọng điểm nâng tầm vị thế thủ đô.

XEM THÊM TIN