Đô thị 7 triệu dân từng đứng thứ năm trong danh sách các thành phố đông đúc nhất Trung Quốc và hiện xếp ở hạng 57, theo CNN. Alibaba đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) City Brain để thu thập thông tin từ khắp Hàng Châu, thông qua video từ camera ngã tư cùng dữ liệu GPS về vị trí của ô tô và xe buýt.
Nền tảng City Brain phân tích thông tin tức thì, phối hợp với 1.000 tín hiệu đường bộ quanh thành phố để ngăn chặn hoặc giảm bớt tình trạng kẹt xe. Sau hai năm thử nghiệm, hệ thống dường như hoạt động tốt. Alibaba cho biết City Brain giúp rút ngắn thời gian đi lại và hỗ trợ dịch vụ khẩn cấp, bằng cách cho phép xe cứu hỏa, cứu thương giảm một nửa thời gian cần thiết để đến hiện trường.
Một số tài xế xác nhận hoạt động giao thông cải thiện. Ye Bojie, người làm việc cho hãng Didi Chuxing, cho biết có khi ông mất đến 40 phút để lái xe đi 3 km, song hiện tình hình đã “tốt hơn nhiều”.
Wang Jian giới thiệu nền tảng City Brain. ẢNH: CW |
Chủ tịch ủy ban điều hành công nghệ Alibaba Wang Jian cho hay: “Các thành phố Trung Quốc có lẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn bất cứ thành phố nào khác”. Song với công nghệ tân tiến như máy học, nhiều cộng đồng có công cụ giải quyết vấn đề như thiếu nước. “Cuối cùng, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào sức mạnh tính toán, hệt như chúng ta phụ thuộc vào điện”, ông Wang nhận định.
Hàng Châu không phải thành phố duy nhất dùng AI giải quyết tình trạng đông đúc. Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cũng sử dụng cùng hệ thống như ở Hàng Châu. Nhiều đô thị, doanh nghiệp cược rằng tiến bộ công nghệ có thể giúp giải quyết khó khăn trong cuộc sống đô thị.
Mùa thu năm ngoái, Volkswagen và Siemens bắt đầu thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh ở thành phố Đức Wolfsburg với mục tiêu giúp tài xế dự đoán khi nào thì sẽ có đèn xanh. Giới chuyên gia cho rằng các giải pháp này chỉ mới là sự khởi đầu.
Alibaba cho biết City Brain cải thiện đáng kể tình hình giao thông. ẢNH: AFP/GETTY IMAGES |
“Ngay cả các thành phố thông minh, tiên tiến nhất thế giới vẫn ở giai đoạn đầu của hành trình. Vì công nghệ không bao giờ đứng yên, tiêu chuẩn sẽ chỉ cao hơn theo thời gian”, McKinsey Global Institute cho hay. Đến năm 2025, các thành phố sử dụng những hệ thống kể trên có thể hạ trung bình từ 15% đến 20% thời gian đi lại.
Tuy giải quyết tình trạng ách tắc, công nghệ cũng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi hoạt động giám sát lên cao và nhiều camera nhận dạng khuôn mặt lan rộng vào nhiều khu vực, kể cả nhà vệ sinh công cộng. Theo khảo sát do Tencent và đài CCTV thực hiện gần đây, gần 80% trong số những người được hỏi cho biết họ lo lắng về tác động của trí tuệ nhân tạo lên quyền riêng tư cá nhân.
Trả lời nghi ngại này, ông Wang khẳng định Alibaba sẽ giải quyết vấn đề riêng tư, song lợi ích mà các dự án như City Brain mang lại sẽ vượt xa mối lo ngại cuối cùng, chủ yếu bằng cách cho phép các thành phố hoạt động trên “càng ít nguồn lực tự nhiên càng tốt”.
Theo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc...