Nhớ Tết quê xưa
21:35 | 15/01/2023
DNTH: Công việc đồng áng kết thúc từ đôi mươi tháng Chạp. Việc đầu tiên chuẩn bị cho Tết quê tôi là xay thóc giã gạo và nặn các ông đồng rau. Chọn ngày hoe nắng mẹ tôi đem thóc ra hong. Đây là ô thóc nếp vàng sậm, kia vuông thóc tẻ vàng tươi, cạnh đó vuông thóc tám xoan vàng nhạt.

Nắng vàng như mật ong sưởi ấm cho những hạt thóc lạnh cóng trong bồ trong thạp, nằm im từ độ tháng mười. Cứ khoảng ăn tàn miếng trầu mẹ tôi lại dùng cào răng gỗ đảo thóc, tiếng cào soàn soạt, soàn soạt đều đều. Chị tôi được mẹ giao việc đuổi gà. Chị lấy cái sào nứa chẻ nhỏ nơi đầu đập phành phạch làm nhịp cho tiếng ùi ùi xua đuổi, đàn gà chạy tung tóe ra vườn, la lên cục tác cục tác! Dưới gốc cây bưởi góc vườn, tiếng cưa xoèn xoẹt, xoèn xoẹt của anh tôi cắt những cây củi vớt dưới sông từ mùa lũ tháng sáu dành lại, thành những đoạn ngắn. Rồi anh tôi bổ nhỏ chúng ra. Bụp, bụp! Là những cây củi mềm chẻ nhỏ đun nấu hàng ngày. Chát chát, chát chát! Là những cây gỗ chắc, bổ thanh to để nấu bánh chưng, lấy than nướng chả. Tôi giúp anh xếp những thanh củi thành chồng kiểu cũi lợn, đứng một hàng trước sân. Những người đàn ông trong xóm í ới gọi nhau, cha tôi cùng họ ra bờ sông Lô đào đất sét và gánh về, đập nhỏ, phun nước, dùng vồ đập mịn, nặn thành những ông đầu rau hình chóp tứ giác cụt. Đất đập càng mịn càng dễ làm và để khi các ông đứng chụm ba đun nấu, lửa cháy rừng rực suốt ngày, suốt đêm mới không bị nổ, bị vỡ. Nhà nào làm không kỹ đất, ông đầu rau bị sứt, vỡ sẽ xúi quanh năm. Tiếng bụp bụp vang lên khắp xóm. Mọi nhà cùng làm để đến ngày ông Táo lên trời các ông đầu rau phải được yên vị nơi bếp.
Thóc được hong nóng, ghé răng cắn thử, nghe tiếng cốc! Coi là được. Chị tôi bỏ thóc vào xay. Chiếc cối xay bằng đất sét có răng gỗ sồi của nhà tôi hòa vào tiếng cối của mọi nhà thi nhau ù ào, ù ào kiên nhẫn hát lên bài ca xay lúa. Tiếp đó là tiếng bụp bụp râm ran, cả xóm giã gạo Tết. Anh em tôi ra sức giã, đếm đủ hai ngàn chày, mồ hôi rịn ra lưng áo. Khi những mảnh trấu biến thành những hạt nhỏ li ti lẫn cám nâu nâu, mẹ tôi bốc lên xòe bàn tay thổi phù phù, những hạt gạo trắng ngần, đều tăm tắp hiện ra làm sáng lên niềm vui của mẹ.

Trưa nắng mọi nhà gánh chăn chiếu ra sông giặt giũ. Bên dòng sông Lô hiền hòa trong xanh ôm bờ cát trắng, từng nhóm các cô, các bà trò chuyện râm ran. Tiếng đập chiếu ùm ụp, ùm ụp vang vọng sang bờ sông bên kia nghe âm âm rộn rã. Những chiếc bè nứa nhỏ chất đầy lá dong xanh ngắt, bưởi Đoan Hùng vàng sậm, hối hả về xuôi kịp Tết. Các chàng trai trên bè í ới trêu các cô giặt chiếu:
- Nhà ơi! Giặt cho kỹ nhé, anh bán hàng xong quay về được cùng nhà nghỉ trên chiếu sạch đón xuân.
- Em! Áo quần rượu thịt còn thiếu thứ gì nói anh hay để anh sắm thêm cho đủ.
Có chàng cao hứng buông câu lục bát:
Em ơi, yếm thắm yếm đào
Em thích yếm nào anh tặng cho em.
Các cô cũng chẳng chịu kém:
Em đây còn thiếu yếm hồng
Nhưng mà em đã có chồng em mua
Rộn ràng, ríu rít, râm ran tiếng hát, tiếng cười lúng liếng cả dòng sông xanh dưới ánh nắng hanh vàng.
Từ sau ngày ông Táo lên trời, dân làng tôi thêm chữ Tết vào sau chữ số chỉ các ngày tháng Chạp, nghe đã thấy không khí Tết. Đã thành lệ, cứ hai lăm, hai sáu tết nhà nhà làm bánh gai, bánh mật, chè lam là những thứ bánh không bị ôi thiu. Từ gà gáy cả làng râm ran tiếng chày giã bột. Thùm thụp, thùm thụp là những lần giã ban đầu, gạo còn đầy. Công công, công công dồn dập là tiếng giã những dúm gạo cuối cùng. Cứ nghe tiếng chày mà biết nhà nào làm nhiều hay ít bánh. Mẹ đãi đậu xanh nấu nhân bánh, chị hí húi làm bữa. Cơm xong cả nhà vào cuộc lèn bánh gai vất vả. Bột nếp, lá gai luộc kỹ thái nhỏ trộn mật để vào cối, mẹ ngồi đảo, anh em chúng tôi giã. Khi buông chày chỉ nghe tiếng bẹt! Nhắc chày lên, bột dính theo kéo lại, mẹ phải dùng tay gỡ. Gỡ hết mới giã tiếp, lại chỉ một tiếng bẹt. Cứ thế tiếng bẹt nhà tôi hòa vào tiếng bẹt của cả xóm. Khi bột mật đã mịn vào, tiếng chày mới bụp bụp mau mắn rộn rã hơn. Anh em tôi hì hụi lau lá chuối khô. Cha thì chẻ lạt giang đã được thui qua lửa dẻo quẹo. Cả nhà xúm vào gói bánh. Mẹ chia bột đã mịn dẻo thành từng nắm đều nhau, chị tôi nặn bánh, đặt nhân đậu xanh nấu với mật rồi vo tròn cho kín nhân rồi mới gói. Tối đến nhà nhà ngát mùi bánh chín, bột nếp thơm nhẹ, mật chín thơm nồng, thoảng mùi lá gai thơm hăng hắc, mùi lá chuối khô bao gói, hòa thành mùi thơm đặc biệt của bánh gai làng Yên Lập.

Từ hai bảy Tết trở đi, quê tôi có phong trào đụng lợn. Nhà khá giả một mình một con, cỡ trung bình hai ba nhà một chú, dăm nhà nghèo chung nhau một cậu. Cha tôi bảo: “khó quanh năm, giàu ba ngày Tết là vậy.” Bọn trẻ chúng tôi đem khoe nhau những chiếc bong bóng lợn căng phồng và ôn lại bài đồng dao chúc Tết:
“Xúc xắc xúc xẻ
Nhà ai còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên thềm cao
Thấy con rồng ấp
Bước xuống giường thấp
Thấy con rồng chầu
Bước ra đằng sau…”

Ba mươi Tết, cha mẹ tôi lại lụi cụi với bánh với thịt, anh em chúng tôi chọn tre, chặt chuối làm cây nêu, đèn cù. Cây tre nhỏ thẳng tưng lóc hết nhánh dưới để lại tùm lá xanh trên ngọn, buộc dây giang thõng xuống để treo đèn cù, dựng trước gian giữa, đó là cây nêu đón mừng tổ tiên ông bà về ăn Tết. Thân cây chuối tơ cắt ngang cao độ ngón tay, thanh tre mỏng uốn thành vòng tròn, hai đầu cắm vào thân chuối làm quang treo, dán thêm giấy xanh đỏ làm diềm. Làm đủ mỗi cửa một đèn cù và cây nêu treo cái to nhất, cùng chuông khánh leng keng trước gió. Xong đèn, chúng tôi lấy nước bồ kết mẹ nấu sẵn, tắm rửa đồ thờ, từ ông ỉ đến hoành phi câu đối, đài rượu, cây hương… đều được lau rửa kỹ càng, lấp lánh vàng son, xếp lên bàn thờ thật ngay ngắn.
Cuối cùng là việc dán tranh Tết mẹ mua từ chợ làng, phiên hai lăm Tết. Hai cánh cửa giữa, bên tả là ông Tiến Tài, bên hữu là ông Tiến Lộc cầm hốt, đội mũ cánh chuồn, áo thụng đỏ. Những gian cạnh dán “đám cưới chuột”, “hứng dừa”, “lợn gà”, “cá chép” đều là tranh của làng Đông Hồ.
Sau bữa cơm tất niên cha mẹ tôi đặt nồi bánh chưng, vừa đun bánh vừa đợi giao thừa. Chúng tôi được đi ngủ sớm. Mấy anh em nằm ôm nhau trên chiếc giường tre, dưới chiếu rải lá chuối khô, đắp tấm chăn bông bọc vải thô nhuộm nâu, rì rầm bàn chuyện đón giao thừa, đi chúc Tết. Chúng tôi choàng dậy khi nghe tiếng bịch bịch râm ran: tiếng chày động thổ. Cha tôi đang thành kính dùng chiếc chày to nện đều đều xuống nền bếp, dần dần tiến ra cửa, vừa nện cha vừa lầm rầm khấn khứa. Anh tôi đón chày từ cha tôi nện tiếp để cha vào trong nhà thắp hương cúng gia tiên. Trên bàn thờ, trên các đèn cù ở cửa, ở cây nêu, đèn hương cháy sáng lung linh, thơm ngào ngạt, không khí trang nghiêm thuần khiết giữa phút thiêng liêng đầu năm mới. Mẹ và chúng tôi đem hương đi cắm ở các gốc cây trước nhà và trước cửa chuồng gà, chuồng lợn. Vừa làm mẹ vừa khấn vái cầu cho năm mới lợn gà đầy chuồng mau lớn. Sau đó cha mẹ chuẩn bị ra đình làm lễ. Cha mặc quần trắng áo dài the, đội khăn xếp, anh tôi cũng quần trắng áo the, lễ đội đầu, tay cầm be rượu, thư thái trong niềm thành kính dâng đầy. Còn tôi vội vã mặc thêm chiếc áo ấm cùng chạy ào ra ngõ. Mấy đứa con chú tôi và hàng xóm cũng ùa ra nhập bọn. Tôi được đi đầu, tay cầm đèn nhỏ, những đứa khác túm áo nhau rồng rắn, vừa đi vừa hát: “xúc xắc xúc xẻ, nhà nào còn đèn còn lửa…”. Chúng tôi sung sướng nhận những đồng tiền kim loại có lỗ của người lớn mừng tuổi, rồi xâu ngay vào dải rút quần, cố ý để lòng thòng trước bụng. Sân đình tấp nập người đi lễ và lũ trẻ như chúng tôi từ các ngả đổ về. Trong đình đèn nến lung linh, khói hương nghi ngút thơm lừng. Khung cảnh ấy khiến cho tâm hồn ta như thoát tục, lâng lâng nhẹ nhõm hướng tới cõi tâm linh huyền bí. Mọi người đi khẽ, nói khẽ, thành kính nghiêm trang. Cụ thủ từ ung dung gióng lên ba hồi chín tiếng trống cái, kèm tiếng chiêng của người phụ lễ. Rồi cụ đốt bánh pháo cối mừng năm mới. Tiếng pháo vang lên ròn rã phấn chấn lòng người. Buổi lễ bắt đầu trang nghiêm và kết thúc khi trong làng rinh ran tiếng gà gáy sáng. Anh em chúng tôi mỗi người bẻ một cành lá nhãn mang về cài dưới mái nhà cầu lộc. Tôi phấn chấn leo lên giường ngủ tiếp và mơ thấy mình lớn bổng, bay lên ngang ngọn cây nêu, dõng dạc đọc đôi câu đối:
“Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh/Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Rồi cùng cha đi lễ nhà thờ tổ, đi chúc Tết ông bà nội ngoại, mở đầu một năm mới đầy ước mơ và hy vọng.

"Thời gian như bóng câu qua cửa sổ", quả không sai. Vậy là tôi đã đi qua hơn bảy mươi cái Tết. Tết chiến khu với cơm hẩm, rau rừng, cá suối. Tết mặt trận cơm nắm thay bánh chưng, tiếng súng thay tiếng pháo. Tết nhà trường đầy ắp tình thầy trò. Tết quê hương ngày đất nước vừa qua cơn binh lửa râm ran súng nổ mừng xuân, át cả những dây pháo nối dài cả chục mét. Và Tết ngày nay, không còn tiếng pháo, vắng hẳn tiếng chày giã bột, thưa thớt tiếng lợn kêu, nhưng lại rộn ràng xe máy, xình xịch máy say xát nghiền bột chạy điện hoà cùng tiếng xập xình của các bản nhạc. Người thì com lê xúng xính, tha thướt áo dài, bóng lộn dày da, quà mừng xanh đỏ, rượu lễ đủ loại. Đi đến ngõ nào cũng thấy nhộn nhịp đón Tết nhưng Tết thời kinh tế thị trường không còn đủ nồng ấm và thiêng liêng như xưa!

Đặc sắc “Lễ hội tình yêu” năm 2025
DNTH: Từ ngày 28/4 đến ngày 30/4 diễn ra chương trình: “Lễ hội tình yêu" năm 2025 tại quảng trường Thống Nhất, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Chương trình hội tụ của tinh hoa văn hóa dân tộc đúc kết từ bề dày lịch...

Sinh viên Nguyễn Thị Khánh Huyền thành công chinh phục danh hiệu Hoa khôi Báo chí 2025
DNTH: Trong đêm Chung kết cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí - Press Beauty 2025, Nguyễn Thị Khánh Huyền có phần trả lời ứng xử thuyết phục bằng tiếng Việt và tiếng Anh, để lại dấu ấn sâu sắc về một cô gái can đảm vượt qua nỗi tự...

Đại lễ Vesak 2025: 10.000 người sẽ tham dự lễ hoa đăng cầu nguyện hòa bình
DNTH: Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 (Đại lễ) từ ngày 6 đến 8/5 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, các hoạt động chào mừng diễn ra từ ngày 2.5. Trong khuôn khổ đại...

'Sắc màu thành phố Bác' đặc sắc với nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống
DNTH: Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như cải lương, hát bội, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử... được trình diễn kết hợp trong chương trình 'Sắc màu thành phố Bác', diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Hà Nội bắn pháo hoa mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
DNTH: Thành phố tổ chức bắn pháo hoa vào ngày 22/4 và 27/4 tại khu vực đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm) và công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

Công nghệ trình chiếu ánh sáng chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
DNTH: Tối 19/4, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh đã khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, công nghệ trình diễn chủ đề “Sắc màu Thành phố Bác” để chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam,...
Đô thị cuộc sống
-
Báo chí tiếp lửa cho startup
-
Pearl Residence hợp tác với Savills Việt Nam giúp nâng tầm chuẩn sống nơi trung tâm đô thị biển Cửa Lò
-
Cầu Tứ Liên: Biểu tượng mới cho hành lang phát triển phía Bắc Thủ đô
-
Hà Nội công bố đường dây nóng về trật tự giao thông dịp lễ 30/4 - 1/5
-
Vì sao các doanh nhân thành công đều nghe, đọc sách điện tử
-
Dỡ tòa nhà Hàm cá mập với chi phí 0 đồng
Sống khỏe
-
Ưu đãi đặc quyền chào đón dịp cao điểm nghỉ hè 2025 tại quần thể nghỉ dưỡng và thể thao Ruby Tree Golf Villas
-
Bệnh viện ĐHYD-HAGL: Ca nội soi hy hữu, cắt thận lấy hơn 100 viên sỏi
-
Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tổ chức chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai"
-
Tỷ lệ mắc ung thư phổi gia tăng ở những người không hút thuốc lá
-
"3 nhớ 2 không" phục hồi sức khoẻ, nạp năng lượng sau kỳ nghỉ Tết
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...